Các thần linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ
Đạo Mẫu Việt Nam, với hệ thống thần linh đa dạng và phức tạp, phản ánh sự hòa quyện giữa tín ngưỡng dân gian và các yếu tố văn hóa, lịch sử.
Bài viết này sẽ khám phá nguồn gốc, cấu trúc và sự biến đổi của hệ thống thần linh này, từ Tam Tòa Thánh Mẫu đến Tứ Phủ Ông Hoàng, Chầu Bà, Cô, Cậu và các vị thần khác. Chúng ta sẽ tìm hiểu về sự phân cấp, vai trò và mối quan hệ giữa các vị thần, cũng như sự ảnh hưởng của quan niệm vũ trụ, tín ngưỡng dân gian và lịch sử lên sự hình thành và phát triển của Đạo Mẫu.
Mục Lục Bài Viết
Nguồn gốc và cấu trúc thần linh đạo mẫu
Nếu như gạt bỏ những sai biệt có tính địa phương, chắt lọc lấy những cái chung thì chúng ta có thể đưa ra một hệ thống điện thần (Pantheon) Đạo Mẫu như sau:
- Phật Bà Quan Âm
- Ngọc Hoàng
- Tam Vị Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Địa Mẫu)
- Ngũ vị Quan lớn (Từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ),
- Tứ vị Chầu Bà (hay Tứ vị Thánh Bà) là hóa thân trực tiếp của Tứ vị Thánh Mẫu.
- Ngũ vị Hoàng tử (gọi theo thứ tự từ Đệ Nhất tới Đệ Ngũ)
- Thập nhị Vương cô (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12)
- Thập vị Vương cậu (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12)
- Ngũ Hổ
- Ông Lốt (rắn)
Có thể sơ đồ hóa hệ thống điện thần Đạo Mẫu theo thứ bậc sau:
Sự phân cấp và biến đổi trong hệ thống thần linh
Cần nói rõ, số lượng các vị Thánh trong mỗi hàng Quan, Chầu, Ông Hoàng, Cô, Cậu không cố định mà thường thay đổi. Ví dụ, Ngũ Vị Vương Quan thường được thờ chung trong các Đền Mẫu, nhưng cũng có nơi thờ 10 vị Quan. Tứ Vị Chầu Bà là quan niệm phổ biến, nhưng thực tế có nơi thờ 6 hoặc 12 vị. Tương tự, hàng Ông Hoàng có thể có 5 hoặc 10 vị, trong đó Ông Hoàng Mười nổi tiếng có đền thờ riêng. Vấn đề tăng giảm số lượng các vị Thánh sẽ được đề cập sau.
Tổ chức theo Phủ và sự cai quản của Thánh Mẫu
Các vị Thánh trong Đạo Mẫu không chỉ được phân thành các hàng mà còn theo các Phủ, đại diện cho các miền khác nhau trong vũ trụ: Thiên phủ (trời), Địa phủ (đất), Thoải phủ (nước) và Nhạc phủ (rừng núi). Mỗi Phủ do một Thánh Mẫu cai quản: Mẫu Thượng Thiên (Thiên phủ), Mẫu Địa (Địa phủ), Mẫu Thoải (Thoải phủ) và Mẫu Thượng Ngàn (Nhạc phủ). Các vị Thánh khác như Quan, Chầu, Ông Hoàng, Cô, Cậu cũng được phân chia theo 4 phủ tương ứng để hỗ trợ các Thánh Mẫu.
Hiện nay, các điện thờ Mẫu đều tồn tại quan niệm Tam phủ và Tứ phủ. Tứ phủ bao gồm ba phủ trong Tam phủ (Thiên, Địa, Thoải) và thêm Phủ Thượng Ngàn (Nhạc phủ). Chưa có ai xác định được chính xác thời điểm xuất hiện của Tam phủ và Tứ phủ trong đạo Mẫu. Tuy nhiên, có thể tin rằng Tam phủ có trước Tứ phủ và sự tồn tại của Nhạc phủ là một nét đặc trưng của Đạo giáo Việt Nam.
Có thể quan niệm Tam phủ và Tứ phủ đều bắt nguồn từ quan niệm vũ trụ luận nguyên sơ là Âm và Dương, dần dần yếu tố Âm trong lưỡng cực Âm Dương phân hóa thành Địa phủ, Thoải phủ và Nhạc phủ.
Tứ phủ tương ứng với bốn phương, bốn miền của vũ trụ, được thể hiện bằng bốn màu cơ bản trong Đạo Mẫu: Thiên phủ (đỏ), Thoải phủ (trắng), Địa phủ (vàng) và Nhạc phủ (xanh). Màu sắc này thể hiện qua trang phục của các vị Thánh khi giáng đồng và màu sắc của đồ cúng lễ. Nhờ đó, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt mỗi vị thánh thuộc phủ nào trong hệ thống Tam phủ, Tứ phủ. Rõ ràng, Đạo Mẫu đã chịu ảnh hưởng từ quan niệm ngũ sắc, ngũ phương của Đạo giáo Trung Hoa, thể hiện qua việc “ngũ sắc hóa” các miền vũ trụ và biểu tượng Ngũ Hổ trong hệ thống điện thần Đạo Mẫu.
Trong đạo Mẫu, nơi thờ phụng chính Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hóa thân của Mẫu Thượng Thiên, được gọi là phủ, ví dụ như Phủ Dầy (Nam Định), Phủ Sông Sơn (Thanh Hóa) và Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Cách gọi này có thể bắt nguồn từ cách gọi cung Vua Lê, phủ Chúa Trịnh thời Trịnh – Nguyễn.
Hệ thống thần linh Tam phủ, Tứ phủ
1. Phật Bà Quan Âm
Phật Bà Quan Âm, vốn là nam thần trong Đạo Phật, đã được chuyển thành nữ thần khi du nhập vào Trung Quốc từ thời Tống. Đặc biệt, khi đến Việt Nam, Bà trở thành Phật Bà Quan Âm cứu khổ cứu nạn, gắn liền với tín ngưỡng dân gian. Tương truyền, Phật Bà đã cứu Công chúa Liễu Hạnh trong một trận chiến với các phù thủy, từ đó Liễu Hạnh quy y và mở đường cho sự hòa nhập giữa Đạo Mẫu và Phật giáo. Vì vậy, Phật Bà Quan Âm hiện diện trong cả điện thần và nhiều nghi lễ của Đạo Mẫu.
Tham khảo thêm: Tại sao điện thờ Tam Tứ Phủ thường chỉ thờ Quan Âm Bồ Tát ?
2. Ngọc Hoàng
Ngọc Hoàng, với tư cách Vua Cha trong Đạo Mẫu, có bàn thờ riêng tại một số đền phủ và thường đi kèm với Nam Tào và Bắc Đẩu. Tuy nhiên, vai trò của Ngọc Hoàng trong nghi lễ và thờ cúng, cũng như trong tâm thức dân gian lại khá mờ nhạt. Được biết đến là vị thần tối cao trong Đạo giáo Trung Hoa, Ngọc Hoàng được đưa vào Đạo Mẫu và nhiều tôn giáo tín ngưỡng khác của người Việt khá muộn.
3. Tam Vị Thánh Mẫu
Mẫu Thượng Thiên
Mẫu Thượng Thiên sáng tạo bầu trời và làm chủ quyền năng mây, mưa, sấm, chớp. Quan niệm này thể hiện rõ trong tín ngưỡng dân gian về Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), bốn vị Nữ thần tạo ra mây, mưa, sấm, chớp. Trên thực tế, những huyền thoại và thần tích về Mẫu Thiên đều gắn liền với Thánh Mẫu Liễu Hạnh, hóa thân của Mẫu Thượng Thiên, vị thần chủ cao nhất và được thờ phụng rộng rãi nhất trong Đạo Mẫu ở Việt Nam.
Mẫu Liễu Hạnh còn hóa thân thành Địa Tiên Thánh Mẫu Bà Mẹ Đất, cai quản mọi đất đai và đời sống các sinh loài.
Mẫu Thượng Ngàn
Mẫu Thượng Ngàn là hóa thân Thánh Mẫu toàn năng trông coi miền rừng núi, địa bàn chính sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Các đền thờ Mẫu Thượng Ngàn có ở hầu khắp mọi nơi, nhưng có hai nơi thờ phụng chính, gắn với hai truyền thuyết ít nhiều có khác biệt đó là Suối Mỡ (Bắc Giang) và Bắc Lệ (Lạng Sơn).
Khác với Mẫu Thượng Thiên (mà Liễu Hạnh Công chúa là hiện thân), là người Trời, người Tiên, Mẫu Thượng Ngàn vốn là người trần, được cho là con gái hoặc cháu gái Vua Hùng. Họ gắn bó với núi rừng, yêu thiên nhiên, cây cỏ, muông thú, có phép tiên mang lại yên vui, ấm no cho dân lành. Sau khi hiển Thánh, họ trở thành vị thần bảo hộ cho núi rừng và bản làng.
Ở Tây Nguyên, tục thờ Mẫu do người Việt mang đến đã đồng nhất Mẫu Thượng Ngàn với Âu Cơ – Mẹ Tiên. Theo truyền thuyết, sau khi chia tay Lạc Long Quân, Âu Cơ đưa 50 người con lên núi, sinh sống và phát triển thành các dân tộc thiểu số ngày nay. Mẹ Âu Cơ từ đó trở thành vị Thánh Mẫu cai quản vùng rừng núi. Vì vậy, nhiều động Sơn Trang ở Tây Nguyên thường tái hiện cảnh chia ly của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Mẫu Thoải
Huyền thoại và thần tích của Mẫu Thoải tùy theo từng nơi có nhiều khác biệt, tuy nhiên, cũng có những nét chung cơ bản. Đó là vị thần cai quản vùng sông nước, xuất thân từ dòng dõi Long Vương, liên quan trực tiếp với thủy tổ dân tộc Việt buổi đầu dựng nước.
Trong Tam vị Thánh Mẫu, Mẫu Thượng Thiên, hóa thân là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, vốn là con gái Ngọc Hoàng đã nhiều lần giáng trần. Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải lại có nguồn gốc từ Sơn thần và Thủy thần, ít nhiều liên quan đến các nhân vật nửa lịch sử nửa huyền thoại của thời kỳ dựng nước, như Tản Viên, Hùng Vương, Âu Cơ, Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương, Kinh Xuyên.
Tam vị Thánh Mẫu thể hiện sự kết hợp giữa tư duy vũ trụ luận (Trời, Đất, Nước), tư duy huyền thoại (Thiên thần, Sơn thần và Thủy thần) và tư duy lịch sử (Lạc Long Quân – Âu Cơ, Hùng Vương). Đây là một khía cạnh tâm lý đặc trưng của người Việt Nam.
4. Ngũ vị Quan Lớn
Sau hàng Mẫu là Ngũ Vị Tôn Quan (hàng Quan), được gọi tên từ Quan Đệ Nhất đến Quan Đệ Ngũ, tuy nhiên cũng có quan niệm về sự tồn tại của mười vị Quan Lớn. Thường thì 5 vị đầu tiên hay giáng đồng hơn, có lai lịch rõ ràng là thiên thần hoặc nhân thần, trong khi 5 vị còn lại ít giáng đồng và thân thế không rõ ràng. Ở đây, một lần nữa ta thấy sự xuất hiện của con số 5 và bội số của nó là 10.
Trong Ngũ vị Quan Lớn thì Quan Đệ Nhất và Quan Đệ Nhị có nguồn gốc thiên thần. Quan Đệ Nhất vâng mệnh Ngọc Hoàng xuống trần cứu giúp dân lành khỏi sự quấy phá của tà quan:
Thỉnh mời đệ nhất Thượng Thiên
Lai lâm chứng giám đề hung oai hùng
Kiêm tài lục trí thần thông
Quan các tam giới phi phong phép màu
Ngọc Hoàng ngự chỉ phán ra
Tôn Quan lĩnh chỉ xuống qua phàm trần
Trước là mở phủ khai đàn
Sau là thu tróc tà quan phen này
(Văn chầu Quan Đệ Nhất)
Quan Đệ Nhị cũng là thiên thần xuống trần gian trấn giữ Thượng Ngàn:
Thượng ngàn giám sát quản cai
Thông chi thiên địa khâm sai đại thần
Phép màu ra võ đằng vân
Trừ tà sát quỷ cứu dân phen này
Quan Đệ Tứ cũng nguồn gốc thiên thần:
Tiệc bàn loan thỉnh Quan Đệ Tứ
Vốn con Vua coi ở thiên cung
Sắc rồng chói lọi vua phong
Quản cai tiết chế uy hùng dậy vang
(Văn chầu Quan Đệ Tứ)
Nổi bật nhất trong hàng Quan là Quan Đệ Tam và Quan Đệ Ngũ. Hai vị này có đền thờ riêng, có thần tích và huyền thoại, đặc biệt là hay giáng đồng, nên được các tín đồ thờ cúng và tôn kính.
Theo huyền thoại dân gian và các bản văn chầu, Quan Tam Phủ là con trai Vua Bát Hải Đại Vương, hóa thân thành một võ tướng của Hùng Vương. Văn chầu Đệ Tam Vương Quan kể rằng trước đây ông là Ông Hoàng Ba ở Động Đình Hồ, thích chu du khắp nơi, đàn hát vui vẻ. Ông hiện diện ở nhiều nơi như Xích Bích, sống Thương, Lục Đầu, sóng Cầu, Hát Giang và các vực, thác, cửa sông. Ông thường xuyên giúp đỡ người dân và được mọi người kính trọng, tôn thờ. Đền thờ chính của ông là Đền Lảnh ở Ninh Giang, ngoài ra còn nhiều nơi thờ vọng khác trên khắp đất nước.
Quan Đệ Ngũ còn gọi là Quan Tuần, Quan Lớn Tuần Tranh. Tùy theo từng địa phương mà lưu truyền các huyền thoại khác nhau về Quan Đệ Ngũ. Quan Tuân gốc tích là con rắn thầu ở sông Tranh (Hải Dương), thường gây ra những trận sóng lớn ở khúc sông đó. Một truyền thuyết khác giải thích Ngài là con trai thứ 5 của Long Vương, đã hiển linh thành chàng trai quyến rũ người đàn bà đẹp là vợ của một viên quan địa phương Ninh Giang. Sau đó Hoàng tử con Long Vương đã bị trừng phạt hóa kiếp thành con rắn ở khúc sông Tranh. Cũng có những nơi gắn Quan Đệ Ngũ với Cao Lỗ, một võ tướng của An Dương Vương hay chính là con trai của Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Tảng, hiện được thờ ở Cửa Ông (Quảng Ninh) và ở Lạng Sơn
Các quan lớn trong văn chầu hay khi giáng đồng thường có sự uy nghi, hùng dũng, nhân từ, hay làm những việc phúc đức nhưng cũng đáng sợ với người trần.
Các vị đều mặc võ quan mang kiếm hay kích, mặc võ phục nhưng màu sắc thì tùy thuộc các vị thuộc Thoải phù (trắng), Thiên phủ (đỏ), Nhạc phủ (xanh) hay Địa phủ (vàng). Quan Đệ Tam và Quan Đệ Ngũ đều thuộc Thoải phủ, dòng Long Vương Bát Hải.
5. Tứ vị Thánh Bà
Tứ vị Thánh Bà hay Tứ vị chầu Bà được coi như hóa thân, phục vụ trực tiếp của Tứ vị Thánh Mẫu. Tuy gọi là Tứ vị chầu Bà đại diện cho Tứ phủ, nhưng số lượng các vị Thánh Chầu có thể tăng lên tới 12 (4 x 3), tuy nhiên trong số đó, các Châu Bà từ Đệ Nhất với Chầu Lục cùng Chầu Bé thường giáng đồng, được mọi người biết rõ thần tích, có nơi thờ phụng riêng, còn các vị khác thì ít giáng đồng và không mấy người biết tới.
Chầu Đệ Nhất là hóa thân của Mẫu Thượng Thiên. Chầu Đệ Nhị là hóa thân của Mẫu Thượng Ngàn, vị Thánh thống soái trong các hàng Chầu, cai quản vùng núi non, sơn cước:
Vốn dòng công chúa thiên thai
Giáng về hạ giới quản cai Thượng ngàn
Quản cải các lũng cùng làng
Sơn tình cảm thú hồ lang khấu đầu…
(Văn chầu Đệ Nhị)
Chầu Đệ Tam là hóa thân của Mẫu Thoải. Đó là vị Thánh có dáng vẻ u buồn, y phục và khăn trùm màu trắng.
Chầu Đệ Tứ là vị Thánh giữ vai trò khâm sai Tứ phủ, tuy đứng đầu Địa phủ, cũng có khi Bà hóa thân dưới dạng Chầu Thoải phủ, mặc màu trắng, múa mái chèo; khi lại hóa thành Thánh Mẫu Thiên phủ, mặc áo đỏ, múa quạt (Chầu Đệ Tứ khâm sai Thượng Thiên).
Chầu Đệ Ngũ ít khi giảng đồng, trần gian ít người biết tới. Tương truyền Bà là công chúa đời nhà Lý, đi tu ở miền thượng, đến thờ Bà ở suối Lân, Lạng Sơn.
Thuộc Nhạc phủ với Chầu Đệ Nhị còn có Chầu Lục và Chầu Bé. Chầu Lục gốc người Nùng ở Hữu Lũng (Lạng Sơn), Chầu Bé được thờ thành đền riêng ở Bắc Lệ (Lạng Sơn).
Chầu Mười gốc người Tày, tương truyền đã có công giúp Lê Lợi đánh tan quân Liễu Thăng, trấn ải vùng Đông Bắc nước ta:
Gặp thời Thái Tổ khởi binh
Theo vua diệt giặc Liễu Thăng hàng đầu
Vua sai trần giữ các châu
Khắp hòa Xứ Lạng địa đầu giang sơn
(Văn chầu Mười)
Đền thờ chính của Chầu Mười tại Đồng Mỏ (Lạng Sơn), nhưng đền thờ vọng Bà thì có ở khắp nơi, từ Đồng Đăng, Kỳ Cùng, Thăng Long. Núi Ngự, Sài Gòn, Vũng Tàu tới vùng thượng như Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Pleiku…
Ngoài ra người ta còn biết các vị Chầu khác, như Chầu Thất, Chầu Bát Nàn, Chầu Cửu…
Phần lớn các vị Thánh hàng Chầu đều có nguồn gốc người dân tộc ở vùng núi, thuộc Nhạc phù, dòng Tiên nữ, đối lập với các Quan thuộc dòng Long Vương Thủy phủ. Khi giáng đồng, các Chầu đều ăn mặc theo trang phục dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mường, nhạc chầu văn theo điệu Xá Thượng mang đặc trưng các dân tộc miền núi.
6. Tứ Phủ Ông Hoàng
Dưới hàng Chầu là hàng các Ông Hoàng, được gọi tên theo thứ tự từ Ông Hoàng Đệ Nhất đến Ông Hoàng Mười, và có một bản văn chầu riêng cho mười vị này. Tương truyền, các Ông Hoàng, giống như các Quan, đều là con trai của Long Thần Bát Hải Đại Vương ở hồ Động Đình. Tuy nhiên, theo xu hướng địa phương hóa, các Ông Hoàng thường được gắn với những nhân vật có thật trong lịch sử, như các danh tướng có công đánh giặc, hoặc những người có công khai sáng, mở mang đất nước.
Tương truyền, Ông Hoàng Đệ Nhất (Ông Cả) là một danh tướng dưới thời Lê Lợi. Ông Hoàng Đôi (Đệ Nhị) có hai nơi thờ với hai gốc tích khác nhau: Ông Đôi ở Cẩm Phả là người Mán có công chống giặc bảo vệ dân lành, còn Ông Hoàng Đôi ở Xứ Thanh được đồng nhất với Quan Triệu Tường, người có công mở mang đất đai giúp dân sinh sống.
Ông Hoàng Bơ (Ba), được thờ ở Đền Lảnh (Hà Nam), là vị thần có công phò vua đánh giặc. Ông Hoàng Lục, tức tướng Trần Lựu, nổi tiếng với công lao chống giặc Minh. Ông Hoàng Bảy (Ông Hoàng Bảy Bảo Hà) là viên quan triều đình có nhiệm vụ trấn giữ vùng Lào Cai, Yên Bái.
Bao phen chiến lược tung hoành
Định an xã tắc đề binh cõi ngoài
Đất Lào Cai là nơi dụng võ
Biên cương súng nổ đùng đùng
Sa trường xương núi, máu sông chẳng nề
Ông Hoàng Bát là người Nùng, còn Ông Hoàng Mười là một văn quan thời Lê, gốc ở Nghệ An, hiện nay được thờ ở Bến Thủy. Ông Hoàng Mười nổi tiếng là người tài hoa, hay giao du, ăn chơi sang trọng, thích thưởng thức thơ văn và có tính cách đa tình.
Trời Nam có Đức Hoàng Mười
Phong tư nhất mực tuyệt vời không hai
Nên chí dũng bậc nhân tài
Văn thao võ lược tư trời thông minh
Tiêu giao di dưỡng tang tình
Thơ tiêu một túi Phật kinh trăm tờ
Khi phong nguyệt, lúc từ bi
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên
Khi thiếu lĩnh, lúc non bồng
Cành cây mắc võng lòng sông thả thuyền
Trong số mười Ông Hoàng thì thường có sáu Ông giáng đồng, trong đó có ba Ông giáng rất thường xuyên, đó là Ông Hoàng Bơ, Ông Hoàng Bẩy, và Ông Hoàng Mười. Khi giáng đồng, các Ông Hoàng có phong cách gần giống các Quan Lớn, tuy nhiên có phần phong nhã, vui tươi và quan hệ với người trần vui vẻ hơn so với các Quan.
6. Thập Nhị Vương Cô
Hàng Cô được gọi tên từ Cô Đệ Nhất (Cô Cả) đến cô thứ 12 (Cô Bé), đều là các thị nữ của Thánh Mẫu và các Chầu. Tuy nhiên, khi giáng đồng, các Cô có thể hóa thân vào các vai trò khác nhau của Tứ phủ.
Có hẳn một bài chầu kể về 12 cô.
Cô Đệ Nhất, thị nữ xinh đẹp của Mẫu Thượng Thiên. Cô Đôi, thị nữ của Mẫu Thượng Ngàn, giáng trần với hai bông hoa cài tóc. Cô Bơ (Ba) thuộc Thủy phủ, nổi tiếng với y phục trắng, thắt lưng hồng và điệu múa chèo đò. Cô chữa bệnh bằng nước phép nhưng cũng gieo bệnh nếu ai trái ý. Cô thứ tư hầu Chầu Đệ Tứ, cô thứ năm hầu Chầu Đệ Ngũ, đôi khi là thị nữ của Mẫu Thượng Ngàn hoặc Thượng Thiên, thường xuất hiện trong tiệc. Cô Sáu thuộc Phủ Thượng Ngàn, mặc đồ chàm, đeo túi hoa, cài hoa rừng, dắt dao nhỏ, hay hái thuốc chữa bệnh. Cô Chín, thị nữ của Mẫu Thượng Ngàn, nói tiếng Mán, tiếng Mường khi giáng đồng, múa với bó hương cháy và thêu hoa trên vải. Cô được cho là trông coi đền Sòng Sơn, một Nữ thần rừng linh thiêng.
Cô Bé (Cô thứ Mười Hai) còn gọi Cô Bé Bắc Lệ, giáng đồng với lời văn chầu:
Cô Bé về đồng
Cô chít khăn xanh
Cô bận áo lục
Đôi lẵng lòng thòng
Cô quẩy trên vai
Lẵng hoa cô xếp thực tài
Đạp mây đi gió có đôi hài
Xanh xánh xành xanh
(Văn chầu Cô Bé)
Các có tuy được gọi theo thứ tự như vậy, nhưng tùy theo địa phương, các Cô còn được mang các tên gắn với từng vùng, như Cô Bé Bắc Lệ, Cô Cam Đường, Cô Chín Giếng, Cô Đôi Đồng Mỏ…
7. Tứ Phủ Thánh Cậu
Các Cậu Quận là những người chết trẻ, từ 1-9 tuổi, hiển linh thành các bé Thánh. Người ta không biết rõ đầy đủ về 10 hay 12 vị thuộc hàng Cậu, họ là các phụ tá của các Ông Hoàng. Thường thì lần lên đồng nào cũng có giá Cậu Bơ (Ba) và Cậu Bé. Đó là những giá đồng có tính cách phóng túng, nghịch ngợm, quần áo kỳ cục, lời nói ngọng nghịu của trẻ con, kèm theo các điệu múa lân hay múa hèo khá sôi nổi.
8. Ngũ hổ và Ông Lốt
Trong điện thần của Đạo Mẫu còn có sự hiện diện của Hổ (Ngũ Hổ) và Rắn (Ông Lốt, Lưỡng Xà). Nơi thờ thần Ngũ Hổ ở hạ ban, phía dưới điện thờ Công Đồng, có hình tượng đôi Bạch Xà năm vắt ngang phía trên điện thờ chính. Trong quan niệm dân gian, Hổ là vị chúa cai quản rừng núi, còn Rắn thần là ở nơi sông nước. Trong Lên đồng, tuy không thường xuyên, nhưng cũng có trường hợp các vị Quan Ngũ Hổ hay Ông Lốt (Rắn) giáng đông.
Ngũ Hổ cai quản bốn phương và trung tâm, là con vật quyền uy, là thần chiến trận, cứu giúp các chiến tướng trong trận mạc. Trong tín ngưỡng dân gian, Hổ là kẻ thù của ác thần, tà thần, chuyên hãm hại người sống cũng như người đã chết, là vị thần canh cửa các ngôi đền. Trong số các ông đồng và bà đông, một số ít người có căn Quan Lớn Hổ, khi hầu đồng họ thường được các vị thần Hổ giáng. Mọi người có thể cầu xin vị thần Hồ này giúp trừ ma tà gây dịch bệnh, phòng ngừa trộm cắp… Khi hầu đông Ngũ Hổ, các ông đồng, bà đồng thường làm các động tác như phun lừa, nhai bó hương cháy, làm các động tác Hổ ngồi, Hổ vồ mồi…
Sơ đồ thần linh Tứ Phủ
Sự đa dạng trong điện thần Đạo Mẫu Tứ phủ
Phần trên đã trình bày hệ thống điện thần của Đạo Mẫu Tứ phủ một cách tổng quát và ước lệ. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi địa phương có những biến thể và sắc thái riêng biệt. Nhìn chung, điện thần và phối tự trong các đền Mẫu Tam phủ ở Nam Bộ không khác biệt nhiều so với các đền thờ Mẫu ở Bắc Bộ. Điểm khác biệt có thể thấy là sự xuất hiện thêm một số vị Thánh địa phương trong điện thần, ví dụ như Lê Văn Duyệt được coi là một vị Thánh hàng Quan, có vai trò trừ ma tà tương tự Quan Tuần, Đức Thánh Trần ở miền Bắc. Bà Chúa Xứ cũng đôi khi giáng đồng trong các đền thờ Mẫu Tứ phủ và được coi như một vị Thánh Mẫu hàng Chúa (Chầu).
Điện thần ở Điện Hòn Chén, trung tâm thờ Mẫu ở Huế và một số đền khác, về cơ bản vẫn là thờ Mẫu Tứ phủ nhưng mang đậm sắc thái địa phương. Điểm đặc biệt là trong điện thờ Tam vị Thánh Mẫu, vị trí trung tâm không phải là Mẫu Thượng Thiên hay Mẫu Liễu Hạnh mà là Thánh Mẫu Thiên Y A Na, một thánh Mẫu gốc Chăm (Mẹ Xứ sở) đã được Việt hóa. Hai bên là Mẫu Thoải và Mẫu Thượng Ngàn. Một số ít đền, bao gồm cả Hòn Chén, có ban thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với Quế Hoa và Quỳnh Hoa được thờ thấp hơn phía trước Tam vị Thánh Mẫu.
Hàng các vị Thánh Bà (hàng Chầu) được gọi theo tên Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ: Đệ Nhất Kim tinh thần nữ, Đệ Nhị Mộc tinh thần nữ, Đệ Tam Thủy tinh thần nữ, Đệ Tứ Hỏa tinh thần nữ, Đệ Ngũ Thổ tinh thần nữ. Trong hàng Thất thánh (7 vị Thánh) tương đương hàng Quan, ở Huế có thờ Vua Đông Khánh, người đầu tiên công nhận tính chính thống của Đạo Mẫu và đã đầu tư xây dựng, tôn tạo các điện Mẫu ở Huế. Nhiều đền, điện ở đây còn có tượng Quan Thế Âm, ban thờ Quan Thánh, thậm chí có nơi còn thờ Bàn Thổ và Thành Hoàng.
Quan niệm về Đạo Mẫu Tứ phủ ở Huế có nét riêng biệt so với miền Bắc. Ngoài Thiên phủ, Thoải phủ và Nhạc phủ, ở đây còn có thêm Phủ Trung Thiên, là cõi ngự trị của các chư vị có nguồn gốc nhân thần, có công lao với dân với nước. Đứng đầu Phủ Trung Thiên là Trung Thiên Thánh Mẫu (Mẫu Trung Thiên), Tây Cung Vương Mẫu Bổn Mạng Chúa Tiên, cùng với các chư vị Thánh Thần và âm binh bộ hạ. Tất cả cùng nắm giữ bốn mạng, quyết định thọ yếu của con người. Ngược lại, vai trò của Địa Tiên Thánh Mẫu ở Huế gần như mờ nhạt. Màu sắc biểu tượng của Tứ phủ cũng có chút khác biệt. Nếu ở miền Bắc, màu đỏ tượng trưng cho Mẫu Thượng Thiên thì ở Huế, màu đỏ lại dành cho Mẫu Trung Thiên, còn màu vàng dành cho Mẫu Thượng Thiên.
Thực tế, sự khác biệt giữa Đạo Mẫu Tứ phủ ở Huế và miền Bắc không hoàn toàn rõ ràng như đã trình bày trong công trình “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam”. Ở miền Bắc, với sự xuất hiện của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ranh giới giữa Thiên phủ và Địa phủ cũng không thực sự rõ ràng. Thánh Mẫu Liễu Hạnh có lúc hóa thân là Thượng Thiên Thánh Mẫu (mặc áo đỏ) và có lúc là Địa Tiên Thánh Mẫu (mặc áo vàng). Địa phủ không phải là cõi âm dưới lòng đất, mà là cõi trần gian trên mặt đất, nơi con người sinh sống. Nhiều đền phủ Đạo Mẫu ở miền Bắc có bàn thờ Bàn Thiên đặt trước cửa đền, thờ Cửu Thiên Huyền Nữ và một số nữ thần khác, được cho là có liên quan trực tiếp đến đời sống trần thế của con người.
Về Mẫu Trung Thiên và Mẫu Bán Thiên, có nhiều cách lý giải khác nhau. Một số người cho rằng đây chỉ là biến thể của Mẫu Thượng Thiên, một bên cai quản miền trời (Thượng Thiên) và một bên cai quản miền đất (Trung Thiên hay Bán Thiên). Một số khác giải thích theo thuyết Ngũ Phương, cho rằng Trung Thiên là trung tâm nên biểu tượng là màu vàng. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề cần nghiên cứu thêm.
Như vậy, điện thần thờ Mẫu ở Huế về cơ bản vẫn là Mẫu Tam phủ, nhưng vị Thánh Mẫu cao nhất, Thánh Mẫu Thiên Y A Na, lại là kết quả của sự giao lưu văn hóa Việt – Chăm. Thực tế, người Việt, người Chăm, Khmer và nhiều dân tộc khác ở Việt Nam và Đông Á đều có chung nét văn hóa tôn thờ nữ thần, tôn vinh vị thần cội nguồn của đất nước và dân tộc là Nữ thần, gọi là Thánh Mẫu, Thân Mẹ. Nếu người Việt có Tam tòa Thánh Mẫu, Mẫu Liễu được tôn vinh là Mẫu nghi thiên hạ, thì người Chăm có vị thần xứ sở Pô Inư Nagar, Thiên Y A Na. Khi di cư vào đất Trung và Nam Trung Bộ, người Việt đã tiếp thu và Việt hóa nhiều yếu tố văn hóa Chăm, trong đó có việc chuyển hóa Nữ thần Xứ sở, Bà Mẹ xứ sở của người Chăm thành Mẫu của người Việt. Tục thờ Mẫu ở Hòn Chén và Tháp Bà (Nha Trang) chính là minh chứng cho quá trình hòa quyện và giao lưu văn hóa này.
Ở cả miền Bắc và miền Nam, bên cạnh các đền thờ Mẫu thuộc hệ thống Tam phủ, Tứ phủ đã được giới thiệu, còn tồn tại một hình thức tín ngưỡng thờ Mẫu khác, nằm ngoài hệ thống này. Các vị thần này được gọi với những tên như Bà Chúa (Bà Chúa Xứ), Bà Đen hay Linh Sơn Thánh Mẫu, Bà (Thác Bà ở Nha Trang), Bà Chúa Tiên, Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Thiên Hậu, Tống Hậu, các đền thờ Vương Mẫu (Mẹ Thánh Gióng), Quốc Mẫu (đền thờ Mẹ Âu Cơ) và các Thánh Mẫu khác (Ỷ Lan Thánh Mẫu, Thiên Hậu Thánh Mẫu…). Mặc dù có tên gọi khác nhau, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ tục thờ nữ thần. Tuy nhiên, không phải nữ thần nào cũng trở thành Bà, thành Chúa và đặc biệt là thành Mẫu. Sự phân biệt này đã được trình bày ở phần trước.
Một số nhận xét hệ thống thần linh Tam, Tứ phủ
Từ việc xem xét hệ thống điện thần đạo Mẫu và các thần tích của nó có thể rút ra một số nhận xét sau:
1. Hệ thống thần linh Tam phủ, Tứ phủ bao gồm cả thiên thần và nhân thần, là những vị thần đã từng là người trần có nguồn gốc Tiên, Thánh. Tuy nhiên, xu hướng “trần gian hóa” và “lịch sử hóa” là chủ đạo trong quá trình hình thành thần tích của các vị Thánh này. Thánh Mẫu Liễu Hạnh, dù ra đời muộn nhất trong các Thánh Mẫu, cũng được “trần thế hóa”, “địa phương hóa” và “lịch sử hóa” để trở thành vị thần cao nhất trong điện thần Tam phủ, Tứ phủ. Nhiều vị thần khác cũng có nguồn gốc trần thế, gắn liền với những công lao, kỳ tích trong lịch sử giữ nước và dựng nước của dân tộc, trở thành biểu tượng tâm linh của lòng yêu nước. Chính vì vậy, họ đều được coi là phúc thần, có khả năng xua đuổi tà ma, mang lại tài lộc và sức khỏe cho con người.
2. Các thần linh Tứ phủ được phân thành nữ thần và nam thần, tuy nhiên thứ bậc của mỗi vị Thánh trong điện thần phụ thuộc vào hàng từ trên xuống dưới (Thánh Mẫu – Vua Cha, các Quan, các Chầu, Ông Hoàng, các Cô, Cậu…) và phủ mà họ cai quản (Thiên phủ, Thủy phủ, Nhạc phủ, Địa phủ). Về mặt ý thức, sự phân chia này khá rõ ràng, nhưng nếu đi sâu vào tầng vô thức, nó còn chứa đựng một ý nghĩa sâu xa hơn.
Mặc dù Đạo Mẫu tôn thờ Mẫu là vị thần sáng tạo tối cao, nhưng trong điện thần, các vị thần vẫn được chia thành dòng Cha và dòng Mẹ. Thánh Mẫu, cùng các hóa thân là các Chầu và các Cô, đại diện cho dòng Mẹ. Trong khi đó, Vua Cha cùng các Quan, Ông Hoàng và Cậu đại diện cho dòng Cha.
Tuy nhiên, theo quan niệm dân gian sau này, mặc dù Mẫu là nhất thể nhưng lại hóa thân thành Tam vị (Thiên, Địa, Thủy) và Vua Cha cũng chia thành Vua Cha Thủy Phủ, Vua Cha Nhạc Phủ, Vua Cha Địa Phủ, Vua Cha Thiên Phủ. Tuy nhiên, thủy tổ của Thánh Mẫu vẫn là dòng Tiên, còn thủy tổ của Vua Cha vẫn là dòng Rồng, điều này được thể hiện rõ trong huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ. Vì vậy, ngày hội thờ Thánh Mẫu (giỗ Mẹ) được tổ chức vào tháng Ba, còn ngày hội Vua Cha (giỗ Cha) vào tháng Tám.
Một khía cạnh khác về giới tính của các thần linh trong điện thờ Tứ phủ là số lượng các vị Thánh trong mỗi hàng. Thuộc dòng Mẫu – Mẹ, thường có Tứ vị Thánh Mẫu, Tứ vị Chầu Bà, có thể tăng lên Bát vị Chầu Bà, thậm chí thập nhị (12) vị Chầu. Đối với hàng Cô, cũng có các con số 4, 6, 8, 12. Như vậy, số lượng các vị thần thuộc dòng Thánh Mẫu thường là số chẵn: 4, 6, 8, 12. Ngược lại, đối với dòng Vua Cha, nam thần, thì có Ngũ vị tôn Ông, rồi thập vị tôn Ông, Ngũ vị Ông Hoàng hay thập vị Ông Hoàng, tức là số lẻ và bội số của nó, tức 5 và 10.
Hiện tượng các con số lẻ và chẵn trong số lượng các vị Thánh có thể được giải thích từ quan niệm dân gian về số thiêng. Theo đó, số lẻ (cơ) tượng trưng cho dương, đực, đàn ông, nam tính, còn số chẵn (ngẫu) tượng trưng cho âm, cái, nữ tính. Đây là những con số mang tính biểu tượng, thiêng liêng, thể hiện sự lưỡng phân, lưỡng hợp giữa dòng Vua Cha và các nam thần, Thánh Mẫu và các nữ thần đã đề cập trước đó tại bài viết từ Mẫu thần đến Mẫu Tam phủ, Tứ phủ
3. Từ việc xem xét hệ thống điện thần, tên gọi mỗi vị thần linh, cách thức bài trí thờ cúng trong các đền, điện, ta thấy những biểu tượng mang ý nghĩa vũ trụ quan và nhân sinh quan sâu sắc. Trước hết, điện thần Tứ phủ là một mô hình vũ trụ thu nhỏ với hai cặp Thiên – Địa, Rừng núi – Sông nước (Sơn – Thủy), trong đó cặp Thiên – Địa (dương – âm, đực – cái) là trụ cột của hệ thống Tứ phủ. Từ đó, gắn liền với các quan niệm về tứ phương, ngũ phương, ngũ hành (Bà Mộc, Bà Thủy, Bà Hỏa, Bà Kim, Bà Thổ). Trong vũ trụ này, Mẫu – Mẹ, nữ tính nắm giữ quyền năng sáng tạo, sinh sôi và bảo tồn. Đó là một vũ trụ “nhất nguyên” (nguyên lý Mẫu) nhưng “lưỡng cực” (âm dương, nữ tính – nam tính).
Ở tầm vĩ mô, Tứ phủ đồng nhất với vũ trụ, trời đất, nhưng ở tầm vi mô, Tứ phủ lại mô phỏng một gia tộc đã được cung đình hóa. Có Cha – Mẹ (Vua Cha – Thánh Mẫu), các quan, các Chúa, các ông Hoàng, các Cô, các Cậu… Lễ tiết cũng có tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ. Cô, Cậu là các vị Thánh hiển linh từ những chàng trai, cô gái chết trẻ, gợi nhớ đến hình thức thờ Bà Cô, Ông Mãnh trong các gia tộc, dòng họ.
Việc cung đình hóa điện thần thể hiện rõ qua cách bài trí, hệ thống xưng hô, trang phục của các linh tượng và các vị thánh khi giáng đồng. Hơn nữa, thần tích của nhiều vị Thánh được gắn với các chức vị như công chúa, hoàng tử của các triều đình từ thời Hùng Vương trở đi, hoặc các quan văn, quan võ nổi tiếng. Cách bài trí “Tam tòa”, “lục viện” cũng giống hệt triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Tất cả những điều này cho thấy khi con người tạo ra thần thánh, chính ý thức xã hội của con người đã trở thành hệ quy chiếu cho “xã hội” thần thánh.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về các thần linh trong tin ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- Sách Lên đồng hành trình của thần linh và thân phận/GS.TS. Ngô Đức Thịnh – NXB Thế Giới. 2010
- https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%ADn_ng%C6%B0%E1%BB%A1ng_th%E1%BB%9D_M%E1%BA%ABu_Vi%E1%BB%87t_Nam
Xin chân thành cảm ơn!