Mẫu Đệ Nhất : Tìm hiểu về Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên (Thanh Vân Công Chúa)

Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên, hay còn gọi là Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, là vị thần đứng đầu trong hệ thống Tam tòa Thánh Mẫu của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ – một tín ngưỡng bản địa lâu đời của người Việt.

Mang trong mình vẻ đẹp thanh tao, quyền uy, Mẫu ngự trị trên Thiên phủ, cai quản cả một vùng trời đất bao la, nắm giữ quyền năng sinh sôi, ban phát mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Chốn cung tiên mây lồng ánh nguyệt
Cảnh bầu trời gió quyện hương bay
Cửu trùng nơi chín tầng mây
Thiên Tiên Đệ Nhất ngự rày cung trung

Chim Phượng 2

Sơ lược chung về Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên

Mau De Nhat Thien Tien

Danh hiệu

  • Danh hiệu chính: Thanh Vân Công Chúa [青雲公主]
  • Mẫu Thượng Thiên [母上天]
  • Thiên Thanh Công Chúa [天青公主]
  • Cửu Trùng Thánh Mẫu [九重聖母]
  • Mẫu Cửu [母九]
  • Lục Cung Vương Mẫu [六宮王母]
  • Mão Dậu Công Chúa [卯丣公主]
  • Bán Thiên Công Chúa (Mẫu Bán Thiên) [半天公主]

Phủ/ nơi cai quản: Thiên Phủ

Lĩnh vực chính: Cai quản chuyện ở thiên cung, chín tầng mây, lục cung

Trang phục: Màu sắc: đỏ

Ngày khánh tiệc:

  • Ngày 09/01 (Âm Lịch): Tiệc Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế và Cửu Thiên Huyền Nữ Công Chúa
  • Ngày 09/09 (Âm Lịch): Tiệc Cửu Trùng Thiên Cung Vương Mẫu và Cô Chín Giếng Sòng Sơn Linh Từ

Đền thờ

  • Đền Mẫu Cửu Trùng, Thường Tín, Hà Nội
  • Tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên, Ba Vì, Hà Nội

Sự tích Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên

Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên, ngoài danh xưng cao quý ấy, còn được dân gian suy tôn qua nhiều danh hiệu khác như Mẫu Thượng Thiên, Thiên Thanh Công Chúa, Thanh Vân Công Chúa, Cửu Trùng Thánh Mẫu (Mẫu Cửu), Lục Cung Vương Mẫu, Mão Dậu Công Chúa, thường được thờ phụng với hình ảnh Mẫu mặc áo đỏ, an vị chính giữa. Nhiều người cho rằng, hình tượng Cửu Trùng Thánh Mẫu có nét tương đồng với Cửu Thiên Huyền Nữ trong văn hóa Trung Hoa, một nữ thần linh thiêng với nhiều truyền thuyết ly kỳ.

Tuy nhiên, trong tâm thức người Việt, Mẫu Cửu Trùng Thanh Vân là hiện thân của Thánh Mẫu ngự trên chín tầng mây, cai quản tiên cung, cai quản lục cung sáu viện, nên còn được gọi là Lục Cung Vương Mẫu. Không chỉ vậy, Mẫu Cửu Trùng Thanh Vân còn được biết đến với danh xưng Bản Thiên Công Chúa (Mẫu Bản Thiên), một vị thần quan trọng, thường được thờ phụng tại ban thờ ngoài trời trong hầu hết các đền phủ hay điện thờ gia đình.

Su tich Mau De Nhat Thien Tien

Địa điểm thờ tự Mẫu Đệ Nhất

Hiện nay, đền thờ Mẫu Thượng Thiên cũng không có nhiều. Một phần có lẽ vì về sau này khi đã có mẫu Liễu Hạnh, đền thờ của Mẫu Cửu Trùng Thiên ít được xây dựng hơn. Tại các đền, điện thờ Tứ phủ, có nơi thờ bà ở chính cung, có nơi thờ ở ban trung thiên (giữa trời) để thập phương bái vọng.

Một trong số những đền thờ chính có thể kể tới là Đền Mẫu Cửu và Tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên tại đền Thượng ở núi Cổ Bồng, Ba Vì. Ngoài ra, còn có đền cô Chín ở Sòng Sơn và đền Rồng ở Hà Trung Thanh Hóa. Nơi đây có Cung Cấm dành thờ bà.

Đền Bằng Sở – Đền Mẫu Cửu Trùng

Đền thờ chính của Mẫu Cửu Trùng Thiên là Đền Mẫu Cửu tại thôn Bằng Sở, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội. Mẫu Cửu hay còn gọi với các tên là Mẫu Cửu Trùng Thiên

 Den Mau Cuu Trung

Đền Mẫu Cửu Trùng Thiên tại Bằng Sở, một bên sát tường với Chùa Ngọc Minh, một bên sát tường với Đền Dầm (nơi thờ chính của Mẫu Thoải). Cùng với Đền Đại Lộ (thờ Tứ Vị Thánh Nương), cách đó hơn 200 mét, bốn ngôi đền trên đã tạo thành một cụm di tích tâm linh Ninh Sở.

Đền Mẫu Cửu Trùng có từ lâu đời nhưng có từ thời nào thì chưa được xác định cụ thể. Khả năng lớn nhất có lẽ vào thời Trần Nhân Tông, cùng thời ra đời của Đền Dầm.

Nét đặc biệt ở nơi đây, cung cấm thờ ngôi Mẫu Thượng Thiên là Mẫu Cửu Trùng Thiên chứ không phải Mẫu Liễu Hạnh. Tất nhiên, hai bên Mẫu Cửu Trùng Thiên là Mẫu Đệ Nhị và Đệ Tam như Tam Tòa Thánh Mẫu ở các đền phủ khác.

Tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên tại Ba Vì

Pho tượng Mẫu Cửu Trùng Thiên ở Ba Vì, Hà Nội là một tác phẩm nghệ thuật đáng chú ý. Được đúc từ đồng đỏ nguyên khối, tượng này đã được đặt tại đỉnh núi Ba Vì.

Tuong Mau Cuu Trung Thien tai Ba Vi

Kích thước của tượng bằng người thật, nặng khoảng 1 tấn đồng và cao từ 2 đến 3 mét khi ngồi trên bệ đá. Pho tượng được thể hiện công phu trên chất liệu đồng cẩn tam khí, được gắn đá màu, mang lại giá trị nghệ thuật đáng kinh ngạc.

Pho tượng Mẫu Cửu Trùng Thiênđội mũ “đỉnh phượng của trời”, được tạo thành từ các ngọn lửa hướng thiên, dựa trên nguyên tắc Hỏa hóa Phượng, Thủy hóa Long, Mộc hóa Lân, Địa hóa Quy. Loại mũ này có hình dáng tương tự với mũ của Tứ Pháp và Phật Mẫu Man Nương tại chùa Dâu.

Canh hoa trang

Chầu văn Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên

Vận bốn mùa âm dương tuyết thảo
Lòng chí thành bái đảo cầu bình an
Dâng trà quả thực dâng lên
Lòng tin thỉnh đức chúa tiên mẫu cửu trùng

Ngự cung trung lầu son chính vị
Ở trên trời ngự trị 4 phương
Lòng chúa trong sáng như gương
Thần thông biến hóa sửa sang cõi đời

Mặt hoa mày liễu tốt tươi
Hình dung yểu điệu miệng cười như hoa
Lưng ong tóc phượng rà rà
Áo sông hương xạ hài hoa chân dày
Cửu trùng ngự 9 tầng mây
Quản cai các bộ tiên nay thượng đình

Có phen mẫu mặc áo xanh
Ngự chơi đồng điệu đàn tranh quyến trần
Dập dìu hầu hạ như trăm
Kẻ nâng túi vóc người cầm trùng sông
Áo xanh thay đổi áo hồng
Cõi lam chính ngự ngai rồng chúa tiên

….

Xem thêm: Bản văn Mẫu đệ Nhất

Nguồn tham khảo:

  • https://dao-mau.fandom.com/vi/wiki/Mẫu_Đệ_Nhất_Thiên_Tiên
  • http://www.didulich.net/van-hoa/den-mau-cuu-trung-thien-ngoi-den-linh-thieng-o-23498
Hoa sen vàng

Xem thêm thần tích Tứ Phủ Thánh Mẫu

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.