Quan Đệ Nhị Giám Sát – Vị thần giám sát số mệnh trần gian

Trong hệ thống Ngũ Vị Tôn Quan, Quan Đệ Nhị Giám Sát, còn được gọi là Quan Thanh Tra Giám Sát, là vị thần giám sát tam giới, nắm giữ số sinh tử của trần gian. Được sắc phong là Nhạc thần đại vương – Đô đài giám sát – Đệ nhị thượng ngàn giám sát đại vương thượng đẳng tối linh thần, ngài có vai trò quan trọng trong việc giám sát và quản lý cõi trần, mang đến công lý và trừng phạt những kẻ gian ác.

Bài viết này sẽ đưa bạn đi tìm hiểu về vị thần linh thiêng này, từ nguồn gốc, thần tích, đến những nghi lễ và văn chầu đặc trưng của ngài.

Thông minh chính trực mọi đường
Kiên hào đỉnh túc chẳng nhường một ai
Thiên tào đệ nhị thứ hai
Thông tri tam giới mọi nơi xa gần

Chim Phượng 2

Sơ lược về Quan Đệ Nhị Giám Sát

So luoc ve Quan De Nhi Giam Sat

Danh hiệu:

  • Quan Giám Sát
  • Quan Đệ Nhị Giám Sát
  • Quan Thanh Tra Giám Sát

Sắc phong: Nhạc thần đại vương – Đô đài giám sát – Đệ nhị thượng ngàn giám sát đại vương thượng đẳng tối linh thần.

Phủ/ nơi cai quản:

  • Nhạc Phủ
  • Giám sát tam giới,
  • Nắm giữ số sinh tử của trần gian

Ngày khánh tiệc:

2/11 Âm Lịch: Là ngày hạ phàm của quan

Trang phục: Màu xanh

Đền thờ:

  • Đền Quan Giám Linh Từ (Lạng Sơn)
  • Đền Quan ở Phố Cát (Thanh Hóa)
  • Đền Quan Nhị (Thái Bình)
  • Quan Giám Mục (Thanh Hóa)
con chim phượng

Thần tích Quan Đệ Nhị

Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn, còn được gọi là Quan Đệ Nhị Giám Sát hay Quan Thanh Tra Giám Sát, vốn là Đức Thánh Thượng giáng trần thành Thần Rắn, sau đó thường xuyên hiển hóa xuống trần gian. Ngài được sắc phong là Nhạc thần đại vương – Đô đài giám sát – Đệ nhị thượng ngàn giám sát đại vương thượng đẳng tối linh thần.

Than tich Quan De Nhi

Đời Vua Hùng thứ 6, ngài giáng trần phù giúp Đức Thánh Gióng đánh giặc Ân, sau ngài thác hóa tại Vân Đình.

Vào đời Vua Hùng thứ 18, theo thần tích Đền Đồng Bằng, Quan Lớn Đệ Nhị đã giáng trần tại đất Nam Ninh, vào gia đình họ Nguyễn với tên gọi Nguyễn Chiêu Minh. Ngài trở thành vị tướng thứ hai trong mười vị tướng phò tá Vua Cha Bát Hải Động Đình Vĩnh Công Đại Vương và cùng với Vua Cha Nhạc Phủ Tản Viên Sơn Thánh đánh bại giặc Thục xâm lược Văn Lang.

Sau đó, theo lệnh Vua Cha, ngài lại giáng trần vào Hoàng Cung thời nhà Lê, đầu thai vào một gia đình quý tộc vào ngày mồng mười tháng mười một năm Bính Dần (có tài liệu ghi là ngày mồng ba tháng mười một năm Ất Dậu). Ông là người văn võ song toàn, thông minh chính trực, được mọi người ngưỡng mộ, các vương tôn công tử đều xin được làm học trò của ông.

Sau khi trở về chầu Thiên Đình, ông được giao quyền giám sát và cai quản Sơn Lâm, Thượng Ngàn. Ông thường giáng thế ban phúc cho dân, khi dân chúng gặp hạn hán, cầu đảo ông thì lập tức có mưa thuận gió hòa.

Ngày tiệc chính của ông là ngày 11/11 âm lịch, đây chính là ngày hạ phàm của Quan.

con chim phượng

Hầu giá Quan Lớn Đệ Nhị

Quan Đệ Nhị là một trong ba vị quan lớn thường giáng đồng, kể cả trong những ngày tiệc vui. Khi được thỉnh bằng câu “Thỉnh mời đệ nhị Tôn quan…”, ngài sẽ ra dấu hai ngón tay trái. Khi ngự đồng, ông mặc áo xanh (xanh lam hoặc xanh lá cây) thêu rồng, hổ phù; mạng, nét và đai đều màu xanh. Ông làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ, múa kiếm, an tọa và ngự tửu.

Hau gia Quan Lon De Nhi

Cách hầu Quan Giám Sát thì có nơi múa đôi kiếm, có nơi múa một kiếm, cỏ nơi lại mua một kiếm một cờ.

Cũng giống như Quan Đệ Nhất, khi khai đàn mở phủ, người ta thường thỉnh Quan Đệ Nhị về chứng đàn Nhạc Phủ với đàn mã đều màu xanh. Ngoài ra, trong các dịp đại lễ như mở phủ khai đàn, lễ tạ phủ, trước ngày làm lễ, người ta cũng thường thỉnh Quan Đệ Nhị về để thanh tra và giám sát đàn mã đền phủ. Dân gian quan niệm Quan Đệ Nhị là vị Giám sát trên thượng ngàn, chuyên cấp tài lộc sơn lâm nên thường dâng kim ngân trần gian (tiền thật) để Ngài chứng (mở kho)

Canh hoa trang

Đền thờ Quan Lớn Đệ Nhị

Giám Sát Linh Từ (Lạng Sơn)

Quan Giám Sát được thờ ở nhiều nơi chính, trong số đó có Đền Quan Giám ở trên huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn (là nơi quan trấn giữ miền Sơn Lâm).

Giam Sat Linh Tu (Lang Son)

Phía trước đền có rất nhiều câu đối, dưới đây là một số cặp

Tư dĩ dân tình kiến tạo từ vĩnh hảo
Ân thảm thánh độ phục chế cảnh trang nghiêm

***

Thánh đức quang minh anh linh thiên cổ điện
Thần công hiển hách bảo hộ nhất phương dân

*

Thiên định thánh đường tiền giang ngư thủy đa bất tận
Địa danh thần tích hậu lâm thảo mộc bảo trường tồn

Ban cộng đồng thờ tượng Ngũ Vị Tôn Quan với đôi câu đối:

Lão ấu thiếu thanh quốc Việt nhất tâm cầu
Thanh Tra linh từ sử lưỡng vạn đại linh

Trung điện là ban thờ Vua Cha Ngọc Hoàng – Hoàng Thiên Cao Ngự với tượng thờ Vua Cha và hai quan tả hữu Nam Tào, Bắc Đẩu, trên đầu treo bức hoành phi “Hoàng Thiên Cao Ngự”

Hậu cung là Ban thờ Quan lớn Đệ Nhị Giám sát với bức hoành phi:

Giám sát thượng đẳng thần

Hai bên là đôi câu đối:

Thiên ban giám sát chỉ đức minh công sát
Địa giao thanh tra tài danh công minh sử

Ngoài ra đền còn có các cung thờ Sơn Trang, Trần Triều. Hai bên hậu cung là ban thờ Tứ Phủ Ông Hoàng. Bên trải là ông Hoàng Đôi, ông Hoàng Bơ, bên phải là ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười.

Đền Quan Đệ Nhị (Thái Bình)

Đền Quan Đệ nhị trong quần thể di tích Đền Đồng Bằng, cách đền Vua Cha Bát Hải khoảng 500m.

Den Quan De Nhi (Thai Binh)

Đền Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn được xây dựng từ thời Hùng Duệ Vương thứ 18, cùng thời điểm với đền Vua Bát Hải Động Đình. Tương truyền, ngôi đền ban đầu tọa lạc trên đất Kim Quy (rùa thần) ven sông Đồng Bằng. Ngôi đền này được cho là rất linh thiêng. Vào thế kỷ 13, khi quân Nguyên Mông xâm lược, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã dùng vùng đất Trang Đào Động làm căn cứ quân sự. Trong nhiều lần chiêm bao, Đức Trần Triều được Vua Cha và Quan Giám Sát chỉ dẫn cách bày binh bố trận, phòng thủ và tấn công theo chiến thuật thủy bộ liên hoàn. Hưng Đạo Vương làm theo giấc mơ và giành được nhiều chiến thắng vang dội mà không bị thương vong.

Nhờ sự linh ứng của các thánh nhân, Hưng Đạo Đại Vương đã ba lần đánh bại quân Nguyên Mông. Triều đình sau này đã sắc phong cho ngài là “Hộ Quốc Tỷ Dân Hiển Liệt Phúc Thần”. Công đức của ngài vẫn được ca ngợi mãi trong dân gian.

“Sinh là Tướng, hóa là Thần
Tiếng thơm còn ở lòng dân muôn đời”

Ban Tho Ngu Vi Ton Quan tai Den Quan De Nhi (Thai Binh)

Sau đó Vua Trần đã chu cấp tiền của và công sức để tôn tạo, trùng tu mở rộng đền Quan Lớn Đệ Nhị cùng các đền Quan Lớn khác nằm xung quanh đền Đức Vua Cha Bát Hải ở Đồng Bằng.

Vào cuối thế kỷ XIX thời vua Khải Định, lúc đó vua đã bước sang tuổi tứ tuần, lại nhiều thê thiếp nhưng chưa có người nối ngôi, tin đồn về ngôi đền thờ Quan Lớn Đệ Nhị ở đất Đào Động Linh Thiêng, vua Khải Định đã về tận nơi dâng hương và xin của ngài độ cho sớm có hoàng nam. Cuối cùng việc cầu tự của vua Khải Định được linh ứng. Ông rất vui mừng và đã bỏ ra rất nhiều vàng bạc để trùng tu toàn bộ đền chùa đình miếu nằm trên đất Đào Động khang trang và hoàn mỹ.

Ngôi đền thờ Quan Lớn Đệ Nhị có bề dày về công trình kiến trúc cổ xếp thứ hai sau đền Đức Vua Cha Bát Hải, được xây theo thể nội công ngoại quốc gồm 5 gian tiền bái, 2 gian trung, và 3 gian hậu cung, hai bên là dãy nhà oản quay vào đền khép thành chữ Quốc. Hướng chính của đền Quan Lớn Đệ Nhị quay về đền Vua Cha theo thể thần quy triều phục bái.

Hàng năm vào dịp lễ hội tháng 8, nhân dân và du khách của mọi miền đất nước tham quan vãng cảnh và cúng lễ tại đền Quan Lớn Đệ Nhị rất đông vui. Trải qua nhiều giai đoạn biến cổ của lịch sử và chiến tranh tàn phá, đền xưa đã bị phong hủy. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền tạo điều kiện cho nhân dân thôn Đào Động đứng ra tổ chức quyên giáo du khách phát tâm công đức, góp phần tôn tạo đền Quan Lớn Đệ Nhị theo cảnh cũ đền xưa, góp phần tạo lên một quần thể văn hóa lịch sử và khu du lịch hấp dẫn của quý khách thập phương.

Đền Quan Giám Sát (Thanh Hóa)

Quan Lớn Đệ Nhị cũng có đền thờ ở Phố Cát, Thanh Hóa gọi là Đền Quan Giám Sát. Đền đây vốn là nơi quan giáng hạ dạo chơi.

Den Quan Giam Sat (Thanh Hoa)

Đền Quan Giám – Phong Mục (Thanh Hóa)

Quan Lớn Đệ Nhị cũng có đền thờ ở quần thể di tích Phong Mục, thuộc Thôn Phong Mục, xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Den Quan Giam Phong Muc

Các bản văn chầu Quan Đệ Nhị Giám Sát

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 3 bản văn chầy Quan Đệ Nhị. Các bản văn được dùng khi hát thờ, hát thi và hầu giá Quan.

Thỉnh mời Hoàng đế tinh quân
Hiệu ông đệ nhị thiên đình giáng sinh
Vốn xưa ông tại thiên đình
Đêm ngày chầu chực ở trong lâu đài

Số sinh số tử trên đời
Một tay biên chép chẳng sai số nào
Bách quan văn vũ nội tào
Khi ra bệ ngọc khi vào toà trương…

Xem chi tiết các bản văn Quan đệ Nhị

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Quan Đệ Nhị Giám Sát

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Sách Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ chốn thiêng nơi cõi thực – TS Trần Quang Dũng

Xin trân trọng cám ơn!

Tìm hiểu đầy đủ về Ngũ Vị Tôn Quan trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ

Hoa sen vàng

Tham khảo thêm

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.