Chầu Đệ Nhị : Chi tiết và đầy đủ về Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn

Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn hầu cận Mẫu Thượng Ngàn, Thay Mẫu quản cai 36 động sơn trang, 81 cửa ngàn ở Việt Nam.

Thượng ngàn Đệ Nhị tối linh
Ngôi cao công chúa quyền hành núi non
Anh linh đã khắp tiếng đồn
Sấm ran mặt bể mưa tuôn đầu ghềnh

Chim Phượng 2

Sơ lược về Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn

Danh hiệu:

  • Đông Quang Công Chúa
  • Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn
  • Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn

Nguồn gốc:

Phủ/ nơi cai quản: Nhạc Phủ

Hầu cận: Mẫu Thượng Ngàn

Lĩnh vực chính:

  • Cai quản sơn lâm, thượng ngàn.
  • Thay Mẫu quản cai 36 động sơn trang, 81 cửa ngàn.

Ngày tiệc: 02/11 Âm Lịch

Trang phục:

  • Áo người dân tộc màu xanh (xanh lam hay xanh lá cây)
  • Đầu đội khăn buồm màu xanh
  • Cổ đeo kiềng bạc, hoa tai
  • Đai thắt màu xanh, dao quay, túi vóc

Đền thờ:

  • Các nơi có đền thờ Mẫu Thượng Ngàn
  • Đền Đông Cuông (Yên Bái)
con chim phượng

Thần tích Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn

Chầu Đệ Nhị vốn là Thiên Thai tiên nữ, con vua Đế Thích, cai quản sơn lâm thượng ngàn, quyền hành khắp 81 của ngàn đất Việt.

Than tich Chau De Nhi Thuong Ngan

Thần Tích Chầu Đệ Nhị của dòng mo họ Hà

Thần Tích của dòng mo họ Hà coi việc giữ đền và tế tự chép:

Đông Quang Công Chúa (Chầu Đệ Nhị) tên hủy là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc, Hà Bổng (Trại chủ Quy Hoá) bị hy sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai. Khi Ông tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đồng Cuông. Bà giúp dân lập ấp, dạy dân bách nghệ, chữa bệnh cửu đời. Khi tạ thế bà thường hiển linh giúp dân và những người thuyền chài lái buôn ngược xuôi sông Thao gặp hoạn nạn. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu.

Trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, bà là vị chầu bà có quyền hành tối cao của tòa Sơn Trang, có thể nói gần như bà là vị có quyền cao nhất hàng chầu, chỉ sau Chầu Đệ Nhất. Bà là hình mẫu của dân ta trên cõi thượng ngàn. Quyền của chầu bà là cai quản 36 động sơn trang đất được sắc phong là Đông Cuông, Tuần Quán, Bảo Lạc, Hà Giang, Tuyên Quang.

Ghi chép về Chầu Đệ Nhị của Lê Quý Đôn

Trong Kiến Văn Tiểu Lục quyển X mục “Linh tích” thời hậu Lê, cụ Lê Quý Đôn viết:

“Văn Châu, một người thuyền hộ xã Kinh Chủ, huyện Thanh Ba (nay thuộc địa phận Lâm Thao- Phú Thọ) là học trò Hiệu như Nguyễn Đình Kinh. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 – 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái) bến sông này có miếu thờ Đông Quang Công Chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền Công Chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn Vi (sau đổi là huyện Lâm Thao). Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người từ trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ, gọi tên mình và bảo rằng: “Khi thuyền nhà ngươi trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại vương, Chúa bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về bảo để đại vương biết”. Nói xong liền biển mất. Đường thuỷ mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba, bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm mà đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này núi đã mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm) Văn Châu theo lời thầy dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi”.

Canh hoa trang

Hầu giá Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn

Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn là vị chầu hay giáng đồng nhất trong hàng chầu (từ đồng tân đến đồng cựu ai cũng thinh chầu về ngự, để ban tài tiếp lộc sơn lâm sơn trang).

Hau Chau De Nhi Thuong Ngan

Văn thỉnh: Dâng văn tiên thánh thượng ngàn Đông Cuông Tuần Quán giáng đàn hôm nay… Chầu về đồng ra tay dấu hai ngón tay phía bên phải, mặc áo xanh người dân tộc chít khăn buồm. Chầu ngự về đồng thường mặc áo màu xanh (xanh la hay xanh lá cây). Khai quang và làm lễ bằng quạt múa song đăng, múa mồi, chứng vàng thoi núi, múa tay tiên đai thắt màu xanh kiềng bạc hoa tại dao quay túi vóc là một trong tứ phủ chầu bà về để nhận lễ nhận đồng chứ không sang khăn.

Ngài ngự đồng hiến thanh thủy hoặc … chứng hoa quả lương thực lễ vật và ban phát cho bách gia. Chầu Đệ Nhị thường hay ngự về trong các đàn mở phủ để chứng đàn Sơn Trang (kể cả với người không mở đủ bốn tòa sơn trang mà chỉ mở một tòa xanh).

Chau De Nhi lam le trinh giau

Ngoài ra khi đồng tân linh mới vào hầu cũng thường thỉnh chầu về để sang khăn cho đồng mới. Và đặc biệt, khi Chầu Đệ Nhị ngự đồng vào dịp lễ tiệc (đặc biệt là lễ Thượng Nguyên) trong năm, thì thường có nghi thức gọi là “trình giầu”. Khi chầu về ngự đồng, những con nhang đệ tử nào có căn số, đã lập bát hương bản mệnh, sẽ ngồi giữa chiếu ngự, phủ khăn đỏ và trên đầu đội mâm giầu trình (gồm cau, lá trầu, vỏ thuốc, thuốc lào, thuốc lá…), khi đó người ngồi đội giầu phải đặt lên mâm giầu trình 13.000đ (thông thường là thế, có nơi thì là 15.000đ) dâng lên Chúa Sơn Trang và 12 cô tiên nàng hầu cận là những vị chứng mâm giầu của mình, lúc đó Chầu sẽ cầm bỏ mồi (hoặc hương đã đốt cháy) khai cuông, chứng mâm giầu rồi xin tiền đài, nếu được nhất âm nhất dương (có một đồng tiền xấp, một đồng tiền ngửa) nghĩa là Phật Thánh đã chứng cho người ngồi đội giầu đó, rồi người đội giầu lễ tạ và đi ra để cho người khác vào tiếp tục.

Canh hoa trang

Các bản văn Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 3 bản văn chầu Chầu Đệ Nhị

Trích đoạn

Chúa tiên loan giá phượng đình
Hộ phù luyện phép cứu sinh cho đời
Đấng anh linh nơi nơi ngưỡng phục
Chúa ban hành ngũ phúc cho dân

Tối tuần tối tú anh linh
Chúa thường giáng ngự trăng thanh bốn bề
Cảnh non xanh đi về hoa đón
Núi trập trùng vời vợi ngôi cao…

Xem đầy đủ các bản văn Chầu Đệ Nhị

Hau gia Chau De Nhi Thuong Ngan

Đền thờ Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn

Cũng như Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhị được thờ phụng ở bất cứ nơi nào có rừng núi có Mẫu Đệ Nhị ngự. Nhưng khi thỉnh chầu, người ta thường hay nghĩ tới Đền Đông Cuông là nơi in dấu rõ nhất về Chầu.

Ngôn từ dân gian trước đây định danh “Đền Đông”, “Đền Mẫu Đông”. Khánh tự và sở văn ghi rõ “Đông Quang linh từ”, còn bây giờ là “Đền Chầu đệ nhị Thượng Ngàn”.

Từ lâu, Đền Đông Cuông xã Đông Cuông nổi tiếng là ngôi đền linh thiêng, hàng năm thu hút đông đảo nhân dân cả nước đến dâng hương, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho mình và người thân một năm gặp nhiều may mắn. Vị trí đền nằm ở huyện Văn Yên, cách thành phố Yên Bái khoảng 50 km. Đền được xây dựng ở nơi có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, núi sông hoà hợp nên vừa là di tích, vừa là thắng cảnh đẹp của tỉnh Yên Bái.

Ngày 3/02/2009, Đền Đông Cuông đã đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

Các câu hỏi thường gặp về Chầu Đệ Nhị

Chầu Đệ Nhị là ai?

Chầu Đệ Nhị là chầu Bà khâm sai của Thánh Mẫu Thượng Ngàn, quản cai 36 động sơn trang, 81 cửa ngàn ở Việt Nam.

Chầu Đệ Nhị ở đâu?

Chầu Đệ Nhị được thờ chính tại Đền Đông Cuông (Xã Đông Cuông, Văn Yên, Yên Bài), ngoài ra Chầu còn được thờ tại tất cả các Đền – Phủ – Điện trong tín ngưỡng Tam – Tứ Phủ.

con chim phượng

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Sách Đạo Mẫu Việt Nam – Quyển 1 – Gs. Ts. Ngô Đức Thịnh
  • Sách Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ chốn thiêng nơi cõi thực – TS Trần Quang Dũng
  • Wikia Đạo Mẫu Việt Nam

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Thập Nhị Vị Chầu Bà