Ông Bơ : Thần tích và đền thờ của Ông Hoàng Bơ Thoải

Ông Hoàng Bơ ở vị trí thứ ba hàng Tử Phủ Ông Hoàng ngự dưới tòa Thoải Cung, coi giữ việc trong Đền Vàng Thủy Phủ.

Loài thuỷ tộc đâu đâu tìm đến
Vượt vũ môn xuất hiện thần long
Biến lên mặt nước lạ lùng
Ông Hoàng Bơ Thoải chân dung khác thường

Chim Phượng 2

Sơ lược về Ông Hoàng Bơ

So luoc ve Ong Hoang Bo

Nguồn gốc: Con trai của Long Vương Bát Hải Động Hình

Danh hiệu:

  • Quan Hoàng Bơ
  • Ông Bơ Thoải

Phủ/ nơi cai quản: Đền Vàng Thủy Phủ

Lĩnh vực chính:

  • Khâm sai cõi trần
  • Bắt lính nhận đồng
  • Mở hội Phúc Duyên
  • Độ cho kẻ buôn bản làm ăn, người học hành đỗ đạt.

Trang phục/Màu sắc: Trắng

Đền thờ:

  • Đền Ông Hoàng Bơ – Cờn Môn
  • Đền ông Hoàng Bơ – Thanh Hóa
  • Hưng Long Linh Từ – Thái Bình

Ngày tiệc: 26/6 Âm Lịch

Canh hoa trang

Thần tích Ông Hoàng Bơ

Ông Hoàng Bơ (thường gọi tắt là Ông Bơ) hay còn gọi là Ông Bơ Thoải. Ông ở vị trí thứ ba hàng Tử Phủ Ông Hoàng, con trai vua Long Vương Bát Hải Động Đình. Ông Hoàng Bơ thường ngự dưới tòa Thoải Cung, coi giữ việc trong Đền Vàng Thủy Phủ. Có khi ông biến trên mặt nước, hiện lên chân dung một vị Hoàng Tử có diện mạo phi phương, cưỡi cả chép vàng.

Đôi lúc ông biến hiện, ngồi trên con thuyền, rong chơi khắp chốn, cùng các bạn tiên uống rượu, ngâm thơ, đàn hát, trông trăng, đánh cờ, hưởng thủ vui của các bậc tao nhân mặc khách. Có điển tích nói rằng, Ông Bơ cũng là người em trai thân cận bên Quan Lớn Đệ Tam, khi thanh nhàn các ông thường ngự thuyền rồng, cùng dạo chơi khắp chốn, nhưng thấy cảnh dân chúng còn lầm than, vua cha sai ông lên khâm sai cõi trần, mở hội Phúc Duyên, giáng phúc cho dân, độ cho kẻ buôn bản làm ăn, người học hành đỗ đạt.

Canh hoa trang

Ông Hoàng Bơ Bắc Quốc

Sự tích về ông Hoàng Bơ Bắc Quốc gắn liền với Tứ Vị Vua Bà và ông Chín Cờn Môn. Ngài hạ sinh vào thời Nam Bắc Tống phân tranh. Sau khi nhà Nam Tống bị nhà Bắc Tống đánh bại, Ngài dong thuyền ra biển Đông và thác hóa. Thân y trôi vào cửa Cờn được ông Hoàng Chín lúc bấy giờ đang tu ở đó vớt lên chôn cất. Sau này Ngài phù Lý, Trần anh kinh hiển hách được nhân dân gọi là ông Hoàng Bơ Thoải. Cũng lưu ý rằng ông Hoàng Chín Cờn Môn chính là người đã cứu sống Dương Thái hậu, hai công chúa và một thị nữ. Ngày nay đền Còn Môn phối thờ cả ông Hoàng Chín và ông Hoàng Bơ Bắc Quốc.

Canh hoa trang

Hầu giá Ông Hoàng Bơ

Ngài hầu Mẫu ở đền Cờn, mẫu Hàn Sơn Thanh Hóa, làm việc thoải cung, là một trong bốn vị Khâm sai thay quyền vua Mẫu bốn phủ đi bắt lính nhận đồng. Ngài mặc áo trắng (có thêu rồng kết uốn thành hình chữ thọ), thắt đai vàng, đầu đội khăn xếp có thắt lét trắng, cài chiếc kim lệch màu trắng bạc.

Trước đây, đầu năm tháng Giêng, người ta hầu Ngài ngự áo đỏ khăn đỏ chứ không mặc áo trắng. Có người lý luận rằng áo Ngài thì Ngài mặc nhưng trong tâm linh Việt Nam cho màu trắng là màu buồn nên đầu xuân kiêng mặc áo trắng. Như vậy mới là hóa thân bất tử giữa trần và âm. Đó là phong cách chứ không phải là sự đơn thuần.

Có khi ông ngự về tấu hương, khai quang rồi một tay cầm mái chèo, một tay cầm quạt thong thả bẻ lái dạo chơi, cũng có khi ông cầm đôi hèo hoa, rong ruổi cưỡi ngựa đi ngao du sơn thủy. Sau khi làm lễ khai quang, Ngài ngự tọa, hiến tửu, nghe thơ, ban phát lộc tài.

Các bản văn Ông Bơ

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 1 bản văn và các bài thơ phú về Ông Hoàng Bơ.

Trích đoạn

Ông Bơ Thoải đường đường dong mạo
Mặt nhường gương tiết tháo oai phong
Thanh xuân một đấng anh hùng
Toàn tài văn võ lầu thông mọi đường

Sáng tựa gương trần ai chẳng bụi
Bầu rượu tiên thơ túi xênh xang
Khăn thêu áo trắng đai vàng
Võ hài chân dận vai mang đôi hèo

Xem chi tiết và đầy đủ các bản văn Ông Bơ

Canh hoa trang

Các đền thờ Ông Hoàng Bơ

Đền ông Hoàng Bơ – Cờn Môn

Đền thờ chính của Ngài là ở trên núi nhìn ra biển ở cửa Cờn, ngày nay người ta chuyển thành thờ ông Hoàng Chín. Xưa kia, nhân dân lập đền thờ Tứ Vị Vua Bà ở lạch Cờn, thờ ông Hoàng Bơ ở trên đỉnh núi và đền thờ ông Hoàng Chín ở ngoài biển, phối hương linh vị ở đền Cờn.

Đền ông Hoàng Bơ – Phong Mục

Ông Hoàng Bơ còn có đền thờ nhỏ nằm gần đền cô Tám Đồi Chè, thuộc quần thể di tích Phong Mục (thôn Phong Mục, xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Đền thờ có 3 gian, gian ngoài thờ Tử phủ Thánh Hoàng, gian giữa thờ tượng Ông Hoàng Bơ và Quan Lớn Đệ Tam, còn gian trong cùng thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế và Quan Nam Tào, Quan Bắc Đẩu. Trước cửa đền có 2 ông ngựa và đền nhìn ra sông. Bên cạnh đền Ông Hoàng Bơ còn có lầu thờ Cô Bơ Thoải và Cô Bơ Thượng Ngàn.

Den ong Hoang Bo – Phong Muc

Hưng Long Linh Từ (Thái Bình)

Năm 2012, Cư sỹ Trí Minh – Trần Sơn Trà đã đứng lên kêu gọi trùng tu lại đền Hưng Long (Hưng Long Linh Từ) thờ Thánh Hoàng Bơ Thoải. Ngôi đền thôn Hưng Long Bắc – xã Đông Long – huyện Tiền Hải – tỉnh Thái Bình.

Minh Đức Đại Vương theo thần tích là hóa thân của Hoàng tử Long Cung có công hộ quốc an dân, cứu dân thoát nạn đại hồng thủy, dạy dân nghề hàng hải, thương mại, đánh bắt xa bờ, lại linh ứng âm phù bảo hộ cho quốc thái dân an, chống giặc ngoại xâm. Triều Nguyễn cảm ân của Thánh mà sắc phong ngài mỹ tự: “Đông Hải, Thủy Tinh, Bạch Long, Linh Phù, Hiển Ứng, Tịnh Tuệ, Bác Huệ, Minh Đức Đại Vương thượng đẳng thần”, trong tín ngưỡng Tử Phủ chính là đức Thánh Hoàng Đệ Tam Thủy Cung (Quan Hoàng Ba Thoải).

Theo sử sách và thần phả tại đền, Ngài được sinh ra ở thôn Kênh Xuyên – xã Đông Xuyên – huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình. Hiển Thánh tại thôn Hưng Long Bắc xã Đông Long, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Truyền thuyết ghi lại rằng Ngài vốn là một hoàng tử Long Cung, con vua cha Bát Hải Động Đình vâng lệnh vua cha, giáng sinh vào nhà ông Trần Thái Công vợ là Đặng Thị vào đúng ngọ ngày hạ chi 13/6. Bởi sinh ra khôi ngô tuấn tú, dung mạo khác thường nên cha mẹ đặt tên là Trần Minh Đức. Sau này nhiều phen phò vua, cứu dân có nhiều công lao. Khi về trời lại được Thượng Đế ban sắc cho làm Phúc Thần Biển Đông, chịu mệnh thiên đình mà chăn dắt, bảo hộ muôn dân vùng ven biển, ngự ở ngôi thứ 3 trong hàng Tứ Phủ Thánh Hoàng, Đền Hưng Long là nơi Hoàng Tử được sinh ra và hiển thánh, được coi là nơi xây đền thờ Ngài đầu tiên.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Ông Hoàng Bơ

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Thập Vị Ông Hoàng