Chầu Đệ Tam : Tìm hiểu chi tiết về Chầu Đệ Tam Thoải Phủ

Chầu Đệ Tam Thoải Phủ là một trong bốn Chầu Bà đặc biệt trong hàng Thập Nhị Vị Chầu Bà. Chầu là người hầu cận Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ với nhiệm vụ khâm sai tra xét và ban thưởng lộc tài.

Tiểu tôi rung trống quỳ tâu
Tâu qua Thuỷ Phủ trước sau trình bày
Thỉnh mời Chầu Thoải thiêng thay
Hành vân giá vũ ngự rầy gió mưa

Chim Phượng 2

Sơ lược về Chầu Đệ Tam Thoải Phủ

Chau De Tam Thoai Phu

Nguồn gốc: Thủy Tinh Công Chúa, con gái Vua Cha Thoải Phủ

Phủ/ nơi cai quản: Thuỷ Phủ

Hầu cận: Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Lĩnh vực chính:

  • Khâm sai tra xét
  • Ban thuốc thang, lộc tài

Trang phục:

  • Mặc áo màu trắng
  • Cầm quạt khai quang

Đền thờ:

  • Các nơi có đền thờ Mẫu Thoải
  • Đền Thác Hàn, Thanh Hóa

Thần tích Chầu Đệ Tam Thoải Phủ

Than tich Chau De Tam Thoai Phu

Chầu vốn là Thủy Tinh Tiên Nữ, con vua Thủy Tề, ở chốn Long Cung, quyền quản cai coi giữ các tiên nữ chốn Thủy Phủ. Lại có sự tích cho rằng bà là con gái của Lạc Long Quân, danh hiệu Thủy Tinh Động Đình Ngọc Nữ Tam Giang Công Chúa (nhưng truyền thuyết này không được lưu truyền rộng rãi mà thực tế thì người ta vẫn công nhận sự tích Chầu Đệ Tam là con Vua Long Vương Bát Hải Động Đình hơn).

Canh hoa trang

Không nhầm lẫn giữa Chầu Đệ Tam và Mẫu Đệ Tam

Nhìn chung hiện nay sự tích về Chầu Đệ Tam vẫn chưa được rõ ràng, do vậy nhiều người đã gán ghép sự tích của Mẫu Đệ Tam cho Chầu Đệ Tam, coi Chầu Đệ Tam chính là Xích Lân Công Chúa, kết duyên với Kinh Xuyên, sau đó bị Thảo Mai vu oan hãm hại (cụ thể hơn bạn đọc xem phần sự tích Mẫu Đệ Tam). Tuy nhiên cách gán ghép như trên là không hợp lý, vì sự thực thì sự tích trên là sự tích của Mẫu Đệ Tam chứ không phải Chầu Đệ Tam, chúng ta phải tôn trọng sự thực này, Chầu Đệ Tam và Mẫu Đệ Tam không phải cùng là một vị.

Với những thông tin hiện nay, cách hiểu đúng nhất về Chầu Đệ Tam là: Chầu là một thiên thần, không phải nhân thần, Chầu không giáng trần do vậy Chầu không có sự tích cụ thể.

Canh hoa trang

Hầu giá Chầu Đệ Tam

Chầu Đệ Tam là một trong những vị Chầu ít khi giáng đồng nhất. Cũng chính vị sự nhầm lẫn coi Chầu Đệ Tam là hóa thân của Mẫu Đệ Tam với sự tích rất buồn, nên người ta thường kiêng hầu chầu đặc biệt là trong các dịp tiệc mừng vui hoặc lễ Thượng Nguyên hoặc đại đàn mở phủ.

Cũng chính vì lý do Chầu Đệ Tam không phải là Mẫu Đệ Tam, do vậy theo tác giả khi hầu giá Chầu Đệ Tam thì không nên sử dụng bản văn của Mẫu Đệ Tam, mà phải sử dụng bản văn riêng của Chầu Đệ Tam.

Chầu thường ngự về khi người hầu bắc ghế hầu Tứ Phủ ở các ngôi đền thờ các vị thánh hàng Thoải hoặc tại chính đền thờ Mẫu Thoải.

Chầu ngự về thường mặc áo màu trắng, cầm quạt khai cuông.

Canh hoa trang

Các bản văn Chầu Đệ Tam Thoải Phủ

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 3 bản văn chầu Chầu Đệ Tam.

Trích đoạn

Xuân qua ba tiết tháng hè
Thu rồi đông đến mây che thanh nhàn
Mừng giầu mừng thịnh mừng sang
Phú lại mừng quý quan sang mừng giầu

Làm tôi Chầu độ sống lâu
Phơ phơ tóc bạc trên đầu bằng bông
Trứng rồng lại nở ra rồng
Hạt thông lại nẩy chồi thông rườm rà

Xem đầy đủ các bản văn Chầu Đệ Tam

Canh hoa trang

Đền thờ Chầu Đệ Tam Thoải Phủ

Như Chầu Đệ Nhất và Chầu Đệ Nhị, Chầu Đệ Tam được thờ ở các cửa sông của biển, nơi có lập đền thờ Mẫu Đệ Tam, nhưng nơi được mọi người biết đến nhiều hơn cả là Đền Thác Hàn ở tỉnh Thanh Hóa.

Cung Tho Chau De Tam - Den Thac Han

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Chầu Đệ Tam Thoải Phủ.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Sách Đạo Mẫu Việt Nam – Quyển 1 – Gs. Ts. Ngô Đức Thịnh
  • Sách Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ chốn thiêng nơi cõi thực – TS Trần Quang Dũng
  • Wikia Đạo Mẫu Việt Nam

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Thập Nhị Vị Chầu Bà