Quan Đệ Tứ : Những thông tin về Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai

Quan Đệ Tứ Khâm Sai quyền cai Tứ Phủ. Là quan lớn đứng hàng thứ tư trong Ngũ vị Tôn Ông, trấn giữ đồng bằng địa linh

Chuyển quan san trên trời dưới đất
Quản thông tri phép phật truyền ra
Cầu ô bắc sông Ngân Hà
Liệt hàng tinh tú bày ra ngang trời

Chim Phượng 2

Sơ lược về Quan Lớn Đệ Tứ

Danh hiệu: Quan Đệ Tứ Khâm Sai

Sắc phong: Thiên Hựu đại vương thượng đẳng tối linh thần.

Phủ/ nơi cai quản:

  • Quyền cai Tứ Phủ
  • Trấn giữ đồng bằng địa linh
  • Ngự trên Thiên Đình: Biên chép sổ sách sinh tử

Ngày khánh tiệc: 24/4 Âm Lịch

Trang phục:

  • Áo vang thêu rồng
  • Đeo hổ phù
  • Mạng Vàng
  • Đai Vàng

Đền thờ: Đền Quan Đệ Tứ (Hải Phòng)

Canh hoa trang

Thần tích Quan Lớn Đệ Tứ

Quan Đệ Tứ Khâm Sai quyền cai Tứ Phủ. Là quan lớn đứng hàng thứ tư trong Ngũ vị Tôn Ông, trấn giữ đồng bằng địa linh. Ngự trên Thiên Đình, biên chép sổ sách sinh tử.

Sắc phong: Thiên Hựu đại vương thượng đẳng tối linh thần.

Quan Đệ Tứ được Vua cha giao quyền trấn giữ đồng bằng địa linh, khâm sai tứ phủ. Có tài liệu cho rằng, trong các quan thì ông trấn ở trung tâm trời đất, tuy thế nhưng ông thường ngự trên Thiên Đình, biên chép sổ sách sinh tử, chầu chực bên bệ ngọc bàn loan.

Theo Thần tích Đền Đồng Bằng thì vào thời Hùng Vương thứ 18, các nước lẫn bang như Ai lao, Vạn tượng, Chiêm thành hợp sức cùng quân phương Bắc, nhân Vua Hùng già yếu đã hẹn phối hợp xâm lấn nhằm thôn tỉnh Lạc Việt. Thanh thế của giặc chấn động cả biên thuỳ, thư cấp báo đưa tin giặc dữ truyền về Kinh đô “1 ngày đến 5 lượt”. Hùng Duệ Vương rất lo lắng trước thế giặc quá mạnh, liền cho người đi mới Sơn Thành về Kinh hiến kế phá giặc. Nghe lời Sơn Thánh, Hùng Vương sai sử giả về Hoa Đào trang (tức đất An Lễ bây giờ) để truyền chỉ du triệu kỳ nhân dẹp giặc. Khi Sứ giả về hỏi, dân thôn kể về việc Giao Long ẩn thân trong giếng cạn trước đây. Sứ giả đến bên giếng xướng truyền sắc chỉ thì thấy Hoàng Xà hiện ra rồi bỗng hoá thành một chàng trai lực lưỡng, tuấn tủ hơn người. Ngài nhận chỉ dụ, nhờ sứ giả bảo với Vua Hùng là sẽ triệu 2 em, tuyển 10 tướng, chiêu mộ binh sĩ trong 10 ngày, rồi xuất quân đánh giặc trên cả 8 cửa biển nước Nam, hứa sau 3 ngày là giặc tan. Ngài có tên là Vĩnh Công, tức là Vua Cha Bát Hải.

Tương truyền ngay ngày tuyển mộ đầu tiên, Vĩnh Công đã chọn được 3 tưởng là Quan lớn Thượng (Quan lớn Đệ Nhất), Quan Đệ Tam và Quan Đệ Tứ. Dưới sự chỉ huy của Vua Cha Bát Hải Động Đình, Quan Đệ Tứ đã cùng với những vị Quan Lớn lập lên những chiến công lớn, đánh đuổi giặc khỏi bờ cõi đất nước Văn Lang.

Có tài liệu còn nói rằng sau này, Ngài hạ sinh trên tảng núi ở Chi Linh, Hải Dương dưới chân long cung ngũ nhạc. Ngài phù giúp nhà Trần, nhà Lê, dân gian gọi là vị quan kiêm tri đôi nước, nghĩa là cả Tam Tứ phủ lẫn nhà Trần. Ngày tiệc của ngài là ngày 24/4.

Canh hoa trang

Quan Lớn Đệ Tứ không đại diện cho âm ti địa phủ

Một số tài liệu cho rằng “Quan Lớn Đệ Tứ khâm sai tử phủ đại diện cho con người dưới cõi âm ti địa ngục”. Tác giả xin nhấn mạnh lại rằng quan điểm trên là không đúng vì những lý do sau:

Thứ nhất: Trong các bản sự tích, văn chầu thì không một bản nào nói rằng Quan Lớn Đệ Tứ đại diện cho âm ti địa phủ.

Thứ hai: Trở lại với khái niệm cơ bản của Tứ Phủ thì Phủ ở đây dùng để chỉ nơi làm việc của các quan trong triều đình, Tứ ở đây để chỉ 4 miền khác nhau. Theo đó thì Thiên Phủ là Phủ làm việc của các chư vị thần linh ở cõi trời, Địa Phủ là Phủ làm việc của chư vị thần linh cai quản cõi đất vùng đồng bằng, Thủy Phủ là Phủ làm việc của chư vi thần linh cai quản miền sông nước biển cả, và Nhạc Phủ là Phủ làm việc của chư vị thần linh cai quản miền rừng núi. Quan Lớn Đệ Tứ mặc áo vàng, thuộc về Địa Phủ, nhưng Địa Phủ ở đây không phải là âm ti địa phủ mà là Phủ làm việc của các chư vị thần linh cai quản miền đất đai, vùng đồng bằng

Canh hoa trang

Hầu giá Quan Lớn Đệ Tứ

Trong tòa quan lớn, Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai ít khi giảng đồng nhất, cũng chi khi nào có đại lễ mới thỉnh ông về. Khi văn hát: “Thỉnh mời Đệ Tứ tôn quan…” ngài ngự đồng ra tay dấu bốn ngón phía tay trái, mặc áo vàng, thêu rồng, hổ phù; nét vàng, mạng vàng, đai vàng; làm lễ tấu hương khai quang, chứng sở điệp.

Thông thường, khi mở phủ khai đàn, người ta mới hay thỉnh Quan Đệ Tứ về để chứng đàn Địa Phủ gồm long chu phượng mã, tượng phục, nghê quỳ (voi và nghê hoặc lân)… tất cả đều màu vàng.

Hau gia Quan Lon De Tu

Ngài là vị quan Khâm sai quyền cai Tứ phủ nên khi ngự đồng chỉ làm những việc chính như chứng sở, kiểm lại sở Tứ phủ chứ không múa kiếm trừ khi mở phủ kiêm tri đôi nước. Giá Ngài không ngự vui mà chỉ làm việc xong là xe giá, vì vậy theo quan niệm xưa không phải là đồng thầy, đồng đền thủ nhang, thanh đồng bóng cựu kiêm tri đôi nước thì cũng không được loan giá Ngài về đồng.

Canh hoa trang

Đền thờ Quan Đệ Tứ

Quan Đệ Tứ được thờ ở hầu hết các phủ đền trong Năm Tòa Ông Lớn, ông ngồi bên trái Quan Giám Sát hoặc bên phải Quan Tam Phủ.

Ngoài ra ngài còn có Đền thờ riêng nằm ở Khu Phố Đông Thái, Thị Trấn Vĩnh Bảo, Huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Theo kể lại thì sau khi ngài hóa, đền thờ của ngài dự kiến xây dựng cùng với cụm di tích Đền Đồng Bằng, tuy nhiên sau nhiều lần xây dựng nhưng đền của ngài đều bị hỏng. Sau này khi chọn địa điểm ở Vĩnh Bảo ngày nay thì đền ngài xây dựng được và từ đó ngài ngự ở đây.

Den Tho quan De Tu

Các tài liệu nói rằng ngài không có đền thờ riêng, hay đền thờ ngài mới được xây từ thời nay, chứ trước đây không có đền thờ của ngài đều là những thông tin sai lệch. Chính xác thì đền của ngài đã được xây dựng từ xa xưa và có gốc tích từ thời Vua Hùng. Tuy nhiên do trải qua chiến tranh tàn phả, tiêu thổ kháng chiến nên đền của ngài bị phả hủy hoàn toàn.

Theo như Ban Quản Lý di tích Đền Quan Lớn Đệ Tứ thì vào những ngày làm móng, đặt mái để xây dựng lại đền thờ trên nền đất cũ, thì Quan Lớn Đệ Tứ ngài đã hóa thành Hoàng Xà về chứng giám bản đền. Ảnh chụp về sự xuất hiện của Hoàng Xà hiện nay vẫn được lưu lại ở đền của ngài.

Anh chup Hoang Xa xuat hien khi xay dung den Quan De Tu

Ảnh chụp Hoàng Xà xuất hiện khi xây dựng đền Quan Đệ Tứ

Đền thờ ngài bao gồm Ban Công Đồng ở giữa, cung bên phải thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, cung bên trái thờ Đức Thánh Trần, phía hậu cung thờ Quan Đệ Tứ. Phía ngoài sân ở hai bên có Lầu Cô và Lầu Cậu và thờ Ngũ hổ.

Các bản văn Quan Đệ Tứ Khâm Sai

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 2 bản văn chầu Quan Đệ Tứ.

Trích đoạn

“Tiệc bàn loan thỉnh mời Quan Đệ tứ
Vốn con trời cai ngự thiên cung
Bảng vàng choi chói vua phong
Quyền Quan Đệ Tứ uy hùng dậy vang

Chuyển quan san trên trời dưới đất
Quản thông tri phép Phật truyền ra
Cầu ô bắc sông Ngân Hà
Liệt hàng tinh tú bày ra ngang trời
..”

Xem chi tiết các bản văn Quan Đệ Tứ

Các câu hỏi về Quan Đệ Tứ thường gặp

Chim Phượng 2
Quan Đệ Tứ là ai?

Quan Đệ Tứ là vị quan lớn hàng thứ tư trong Ngũ Vị Tôn Quan Tứ Phủ. Với vai trò quan cai quản Tứ Phủ, Quan Đệ Tứ được tôn xưng bởi nhân dân và được ban phong danh hiệu Thiên Hựu Đại Vương Thượng Đẳng Thần Tối Linh.

Quan Đệ Tứ cầm bản mệnh?

Quan Đệ Tứ cầm bản mệnh Giáp Ngọ và Tân Mùi

Quan Đệ Tứ mặc áo màu gì?

Quan Đệ Tứ mặc áo màu Vàng thêu rồng, Đeo hổ phù, Mạng vàng và Đai vàng

Đền Quan Đệ Tứ ở đâu?

Đền Quan Đệ Tứ ở Khu Phố Đông Thái, Thị Trấn Vĩnh Bảo, Huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Quan Lớn Đệ Tứ.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Sách Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ chốn thiêng nơi cõi thực – TS Trần Quang Dũng
  • Các nguồn trên internet

Xin trân trọng cám ơn!

Tìm hiểu đầy đủ về Ngũ Vị Tôn Quan trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ

Hoa sen vàng

Tham khảo thêm