Chầu Đệ Tứ Khâm Sai : Những thông tin về Chầu Đệ Tứ bạn cần biết

Chầu Đệ Tứ Khâm Sai là vị Nữ Thần đứng hàng thứ tư trong hàng các Chầu bà. Chầu Đệ Tứ thuộc Địa Phủ. Danh hiệu: Chiêu Dung Công Chúa. Bà được dân gian coi là người hầu cận, hay hóa thân của Mẫu Địa Tiên (Liễu Hạnh Công Chúa).

Trấn Nam thiên nữ trung Nghiêu Thuấn
Đất Sơn Nam có đấng trâm anh
Quý hương An Thái xã danh
Có Chầu Đệ Tứ hách danh còn truyền

Chim Phượng 2

Sơ lược về Chầu Đệ Tứ Khâm Sai

Chau De Tu Kham Sai

Danh hiệu:

  • Chiêu Dung Công Chúa
  • Mai Hoa Công Chúa

Nguồn gốc: Mai Hoa Công Chúa chốn Thiên Cung

Phủ/ nơi cai quản: Địa Phủ

Hầu cận: Mẫu Liễu Hạnh

Lĩnh vực chính:

  • Khâm sai toàn cõi bốn phủ
  • Giữ sổ Tứ Phủ, coi kho ngân xuyến
  • Ra uy sát quỷ trừ tà
  • Chiêu tài tiếp lộc gần xa cho đồng
  • Quyền cai bản mệnh gia trung

Trang phục: Màu sắc Vàng

Đền thờ:

  • Đền Khâm Sai (Nam Định)
  • Đền Mẫu Bát Tràng
  • Đền Chầu Đệ Tứ(Hà Nội)
  • Đền Chầu Đệ Tứ,(Thanh Hóa)
  • Đền thờ Chiêu Dung Công Chúa Lý Thị Ngọc Ba và con trai út Trình Tiến(Hà Nội)

Ngày tiệc:

  • 14/03 Âm Lịch (đản tiệc)
  • 06/12 Âm Lịch (khánh tiệc)

Thần tích Chầu Đệ Tứ Khâm Sai

Than tich Chau De Tu Kham Sai

Chầu Đệ Tứ Khâm Sai vốn xưa là Bồng Lai Tiên Nữ, có tài liệu ghi rằng bà là Mai Hoa Công Chúa trên Thiên Cung. Bà giáng thế hạ trần vào nhà họ Lí, tên là Lí Thị Ngọc Ba, sinh quán ở đất Quý Hương, An Thái, Vụ Bản, Nam Định, sau đó trở thành vị nữ tướng, tương truyền chầu là người khảng khái, chính trực, ra trận nếu có kẻ nào làm sai phép quân thì “tiền trảm hậu tấu”, đã có công giúp vua ra dẹp giặc và trấn giữ ở vùng Hà Trung, Thanh Hóa nên được sắc phong là Chiêu Dung Công Chúa.

Sự tích Chầu Đệ Tứ theo Nguyễn Bính

Sự tích về người nữ anh hùng này được Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính ghi chép lại trong cuốn “Di tích và đền miếu nữ danh nhân Việt Nam” như sau:

Theo tài liệu thì tại xã Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang xưa (nay là xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) có ông tù trưởng tên là Đặng Công Thành kết duyên cùng bà Lý Thị Ngọc. Ông bà vốn là người tu nhân tích đức, luôn làm việc phúc cho nhân dân trong vùng. Ông bà sinh được 5 người con trai. Sau khi chồng mất bà ở vậy một mình nuôi dạy các con trưởng thành. Sống trong chế độ tàn bạo của quân nhà Hán, bà sớm nuôi ý chí yêu nước và truyền dạy tấm lòng yêu nước cho các con. Khi các con đã khôn lớn, mẹ con bà đã vận động nhân dân trong vùng xây dựng đồn binh, ngày đêm luyện tập quân sỹ, tích luỹ quân lương.

Khi nghe tin Thái thú Tô Định đem quân về đàn áp bà đã cùng các con lãnh đạo quân sỹ chiến đấu tiêu diệt hàng trăm quân giặc. Do không cân sức mẹ con bà đã phải lui quân về chùa Hương, khôi phục lại lực lượng. Nghe tin Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, bà cùng các con cất quân về tụ nghĩa. Thấy mẹ con bà có khí phách phi thường thì Hai Bà Trưng mừng lắm và phong cho bà là Lý Thị Ngọc Ba – ý muốn tôn sùng lãnh tụ khởi nghĩa đứng đầu là Trưng Trắc, sau là Trưng Nhị và thứ ba là Lý Thị Ngọc Ba.

Sau khi tế cờ ở Hát Môn, Hai Bà Trưng xung trận, các đạo quân đều tả xung hữu đột, chống trận vang trời, quân Tô Định bị bại trận, nghĩa quân Hai bà thu phục được 65 thành. Trưng Trắc xưng vua, Trưng Nhị được phong là Bình Khôi Công chúa và bà Lý Thị Ngọc Ba được phong là Chiêu Dung Công chúa. Sau chiến thắng, bà được Hai Bà Trưng thưởng tiền và phong cho vùng đất Kim Cốc làm đất thang mộc. Từ đó, bà cùng các con tổ chức cho nhân dân trong vùng làm ăn xây dựng quê hương. Tương truyền, vào một hôm (ngày 6 tháng chạp) trời đất bỗng mây mù kéo đến, gió cuộn lên cả một vùng sông Đáy, người ta thấy mẹ con bà xuống thuyền. Khi sóng yên, gió lặng chờ mãi không thấy mẹ con bà trở về, biết mẹ con bà đã hóa, Hai Bà Trưng vô cùng cảm kích nên lệnh cho dân trong vùng lập miếu, xây đình để thờ phụng mẹ con bà. Kể từ đó, để tưởng nhớ đến công lao của bà và các con nhân dân trong vùng lấy ngày mùng 6 tháng chạp hàng năm là ngày giỗ cùng là ngày hội của dân làng Kim Cốc. Dưới thời Lê Trung Hưng, vua đã từng cử đại thần về đây làm lễ dâng hương để tưởng nhớ công lao của bà và các con.

Canh hoa trang

Sự tích Chầu Đệ Tứ theo Nguyễn Bích

Theo thần phả của Đại học sĩ Nguyễn Bích soạn năm Hồng Phúc Nguyên niên 1572 là Nguyễn Hiền Phụng sao năm Vĩnh Hựu niên 1755 thì truyền thuyết kể về bà Lý Thị Ngọc Ba như sau:

Vào năm 39, 40 SCN, Bà Lý Thị Ngọc Ba kết duyên cùng ông Đặng Công Thành ở Thiên Lộc, phủ Đức Quang. Sau khi có giặc ngoại xâm ông bà trở về làng Kim Cốc sinh sống, trong thời gian sinh sống ở làng Kim Cốc ông bà sinh được 5 người con là: Trình Duyên, Trình Xuân, Trình Lang, Trình Khiêm, Trình Tiến. Sau khi chồng mất bà nuôi dậy các con khôn lớn, trưởng thành. Năm 16 tuổi các con của bà ai cũng có diện mạo phi thường, ứng đáp tinh thông. Ai ai cũng tiên đoán rằng sau này sẽ làm nên nghiệp lớn. Sau khi giặc Tô Định nước ta, làm cho dân ta khổ sở, vì thù nhà nợ nước. Bà và các con về tụ nghĩa với hai bà Trưng, cùng với hai bà diệt giặc Tô Định.

Đất nước hòa bình, bà Trưng xưng vua, phong cho Trưng Nhị là Bình Khôi công chúa, phong cho bà Lý Thị Ngọc Ba là Chiêu Dung công chúa và phong cho các con của bà là tiền tả, hậu hữu đại tướng quân, ban cho vùng đất Kim Cốc là vùng đất thang bọc lúc sống hưởng thực ấp, lúc mất là nơi thờ tự. Thưởng cho bà 50 nén vàng kim, 6 bộ quần áo, cẩm bào… Sáu mẹ con trở về hương ấp cũ thăm mộ chồng là Đặng Công Thành, bái yết tổ đường, hương hỏa cho tổ tiên. Sau đó bà và các con trở về thôn Kim Cốc trên một chiếc thuyền. Trên đường về đến Đình Trung bỗng nhiên trời đất mịt mù, nổi sóng to gió lớn, gặp quân Mã Viện và chiến đấu với Mã Viện, 6 mẹ con đã hy sinh ở khúc sông quê hương.

Với công lao của Lý Thị Ngọc Ba như vậy nên khi trở về Thiên Đình, chầu được giao quyền khâm sai Tứ Phủ, Tam Tòa, biên chép sổ Thiên Đình, quyền cai bản mệnh gia trung, vậy nên có khi người ta còn gọi là Bà Thủ Bản Mệnh. Có khi chầu lại được coi là vị chầu bà giữ sổ Tứ Phủ, coi kho ngân xuyến, kề cận bên Mẫu Liễu Hạnh ở đất Phủ Dầy Đôi khi thanh nhàn, chầu truyền các tiên nàng dạo chơi khắp chốn, từ quê hương ra kinh thành, vân du khắp mọi nơi.

Ngoài ngày 6/12 là ngày hóa thần thì một tài liệu khác cũng ghi lại thì ngày chính tiệc giáng sinh của Chầu Đệ Tứ là ngày 14/3 âm lịch.

Hầu giá Chầu Đệ Tứ

Hau gia Chau De Tu

Chầu Đệ Tứ cũng ít khi về ngự đồng. Người ta thường hay hầu chầu khi về đền thờ chầu hoặc đất Nam Định (là nơi chầu kề cận Mẫu). Thường thì khi có đàn mở phủ mà đồng tân dâng bốn tòa Sơn Trang thì thỉnh chầu về chứng tòa màu vàng. Khi chầu ngự về mặc áo màu vàng, cầm quạt khai cuông rồi thường múa kiếm và cờ lệnh (chầu ra trận hoặc cầm cờ hiệu khâm sai), cũng có nơi hầu Chầu về múa quạt, múa mồi hoặc chi khai cuông rồi an tọa, điều này là do tập tục từng nơi.

Canh hoa trang

Các đền thờ Chầu Đệ Tứ Khâm Sai

Chinh cung tho Chau ba De tu kham sai

Đền Chầu Đệ Tứ tại Nam Định

Vì hầu cận Mẫu nên Chầu Đệ Tứ cũng được lập Đền thờ ở trong quần thể Phủ Dày, thuộc thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định. Đây đồng thời là nơi quê nhà của chầu.

Đền Cây Thị tại Thanh Hóa

Đền Cây Thị – Đền Chầu Đệ Tử thuộc xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền đây chính là nơi mà xưa kia Chầu đã dẹp giặc.

Đền Chầu Đệ Tứ tại Gia Lâm

Ở Hà Nội còn có ngôi đền thờ vọng chầu ở bên bờ sông Hồng, gần cầu Chương Dương, Gia Lâm gọi là Đền Duyên Trường – Đền Chầu.

Đình Làng Kim Cốc tại Chương Mỹ

Ngoài ra Chầu Đệ Tứ còn được thờ ở 3 ngôi Đình Quán Trung, Quán Thượng, Quán Hạ nằm trên địa phận các thôn Cốc Trung, Cốc Thượng, Cốc Hạ, thuộc xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, đây là nơi chầu hóa và được nhân dân lập định thờ từ xa xưa. Nhân dân để tỏ lòng biết ơn với bà và các con đã lập đình thờ và hàng năm vẫn mở hội và thờ cũng tỏ lòng biết ơn. Năm 1994 Đình làng được Bộ văn hóa thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Tuy nhiên 3 ngôi Đình ở làng Kim Cốc chỉ thờ Chầu Đệ Tứ cùng với 5 người con trai của chầu, từ Đức Thánh Cả đến Ðức Thánh Năm chứ đình không phối thờ với Tam Tòa Thánh Mẫu và Tử Phủ Công Đồng.

Đình Quán Trung

Ngôi đình nằm tại thôn Cốc Trung Xã Hoàng Diệu huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Đình được xây dựng về hướng Đông. Xung quanh đình có rất nhiều cây cối, các cây gỗ đã được trồng cách đây vài chục năm.

Canh hoa trang

Các bản văn Chầu Đệ Tứ Khâm Sai

Cac ban van Chau De Tu Kham Sai

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 2 bản văn Chầu Đệ Tứ Khâm Sai.

Trích đoạn

Điều thời phụng sắc hoàng thiên
Ngự đồng ánh bóng khắp miền gần xa
Ra uy sát quỷ trừ tà
Chiêu tài tiếp lộc gần xa cho đồng

Khâm sai tứ phủ tuỳ tòng
Chiêu Dung công chúa ngự đồng cứu dân
Trong nghĩa thân ngoài thời nghĩa dưỡng
Nương uy trời độ lượng bao dung

Xem đầy đủ các bản văn Chầu Đệ Tứ

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Chầu Đệ Tứ Khâm Sai.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Sách Đạo Mẫu Việt Nam – Quyển 1 – Gs. Ts. Ngô Đức Thịnh
  • Sách Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ chốn thiêng nơi cõi thực – TS Trần Quang Dũng
  • Wikia Đạo Mẫu Việt Nam

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Thập Nhị Vị Chầu Bà