Ông Hoàng Lục : Tìm hiểu đầy đủ các sự tích và đền thờ

Ông Hoàng Lục là vị Quan Hoàng thứ 6 trong hàng Thập Vị Ông Hoàng của Tín ngưỡng Tam – Tứ Phủ.

Chim Phượng 2

Các sự tích Ông Hoàng Lục

Ông là con trai thứ sáu của Vua Cha Bát Hải Động Đình. Sự tích về Quan Hoàng Lục không được lưu lại chính xác. Tuy nhiên vẫn lưu truyền một số điển tích được cho là hiện thân của Quan Hoàng Lục là An Biên Tướng Quân, Quan Hoàng Lục Thanh Hà, Quan Hoàng Lục Trần Nhật Duật.

Quan Hoàng Lục Thanh Hà

Một số điển tích coi Quan Hoàng Lục là tướng Trần Lựu. Danh tướng Trần Lựu trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, không rõ năm sinh năm mất. Con nghĩa sĩ Trần Lượng đời Hậu Trần. Quê xã Lỗ Tự, huyện Thụy Nguyên (nay thuộc huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá) được theo họ vua Lê, nên cũng gọi là Lê Lựu. Cha ông giúp vua Trần Trùng Quang chống quân Minh và hi sinh. Về sau ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ buổi đầu hội thề ở Lũng Nhai. Ông chỉ huy đội quân thiết, đội hoạt động ở Nghệ An, nổi tiếng trong nhiều trận đánh lớn.

Cuối năm 1426, ông cùng Lê Bôi, Trịnh Khả, giải phóng các vùng Hồng Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Lạng Sơn, rồi được phong làm Tổng trị Hồng Châu kiêm tri An Bang (1427). Sau đó, ông nhận lệnh điều động quân sĩ chận viện binh của Liễu Thăng nơi Lạng Giang. Ông đưa quân đi, một mặt giả thua đề như Liễu Thăng đuổi theo, một mặt phục binh nơi Chi Lăng, kết liễu cuộc đời tướng giặc tại đấy trong ngày 20-9 âm lịch Đinh Mùi (1427), lập nên kỳ tích Chi Lăng. Khởi nghĩa thành công, năm 1426, ông được dự vào bậc công thần đệ nhất, phong làm Trấn viễn đại tướng quân, tước Thượng Tri Tự. Khi ông mất, được truy phong Trung Dũng Hầu và có đền thờ ông tại xã Lỗ Tự.

Đình Thanh Hà là ngôi đình của thôn Thanh Hà, toạ lạc tại số 10 Ngõ Gạch, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, thờ đại vương họ Trần, tên Lựu. Ông sống dưới triều Trần, có công đánh dẹp giặc phương Bắc. Tương truyền, khi giặc phương Bắc tràn sang, nhà vua ra lệnh cho văn võ bá quan ai có thể cầm quân đánh giặc thì sẽ phong quan cao tước hậu. Các quan đều lo sợ nên không ai dám nhận. Lúc đó, Đại vương Trần Lựu xin đi. Vua lập tức phong cho tước Ứng Chi hầu, lại ban tước Quận công.

Đại vương đem quân đến đóng tại trấn Vũ Ninh, tìm ra những kế sách kì diệu để đẩy lui quân giặc. Địa điểm đóng quân quân lệnh uy nghiêm, quân lính rất chỉnh tề. Quân giặc phương Bắc nghe uy danh chấn động nên thanh thể dần suy yếu. Đại vương bày binh bố trận, chống cự với quân giặc khiến chúng thua chạy tan tác.

Sau khi chiến thẳng, Đại vương cắt binh trấn thủ các đồn sở và khải hoàn trở về. Khi về đến thôn Thanh Hà, phường Đồng Xuân, kinh thành Thăng Long, Đại vương truyền khao thưởng quân sĩ và các bậc phụ lão quanh vùng. Ngay lúc đó, mây mù ảm đạm, sấm chớp dữ dội, Đại vương lập tức hóa. Nhà vua hay tin vô cùng thương xót nên truyền dựng đình để thờ.

dinh Thanh Ha

Dân làng suy tôn Đại vương lên làm thành hoàng làng. Đại vương cũng được vua sắc phong là Thượng đẳng thần, Thiên Đô đại thành hoàng, tức Thanh Hà linh ứng Đại vương.

Nói về công lao của thành hoàng được thờ ở đình Thanh Hà, dân gian có thơ truyền lại như sau:

Thần linh vốn bẩm sinh do hoá công tạo ra
Giúp đỡ triều Trần trong lúc rất nguy nan
Tuấn mã rong ruổi tiếng tăm lừng lẫy
Ngọn giáo vàng chi thẳng thế ào ạt
Người phương Bắc khiếp sợ mất hết tham vọng xâm lăng
Bờ cõi nước Nam đặt vững như bàn thạch
Anh linh từ vạn cổ được ghi trong sử sách
Tiếng oai hùng vang khắp giang sơn.

Canh hoa trang

Quan Hoàng Lục An Biên

Quan Hoàng Lục sinh ngày 10-8-1038, tại xã Lũng Đĩnh, châu Thượng Lang (nay là xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh) trong một gia đình nhiều đời làm tù trưởng. Năm 18 tuổi ông đã tinh thông binh pháp, am hiểu sử sách. Năm 1075, biết trước âm mưu xâm lược nước Đại Việt của nhà Tống, vua Lý Nhân Tông với chiến thuật “Tiên pháp chế nhân” đã cử Thái úy Lý Thường Kiệt cất quân tiến đánh, đốt phá kho tàng của quân Tống ở vùng châu Khâm, châu Liêm nhằm làm giảm ý chí xâm lược của nhà Tống. Nhận được mật lệnh của thái úy Lý Thường Kiệt, Hoàng Lục cùng Tôn Đản, Nùng Chi Xuân, Nùng Trí Cao trở thành bộ tướng dũng mãnh của Lý Thường Kiệt tung hoành ngang dọc trên đất Tống. Phá tan âm mưu xâm lược của nhà Tống, Lý Thường Kiệt ra lệnh rút quân về nước xây dựng phòng tuyến sông Như Nguyệt và tin cậy giao cho Hoàng Lục trấn giữ vùng Đông Bắc từ Quảng Uyên đến Phục Hoà.

Ông mất ngày 22-4-1008 tại Phục Hoà, quân sĩ và nhân dân đã tổ chức đưa thi hài ông về chôn cất tại quê hương Lũng Đính. Với những công lao to lớn trong việc gìn giữ biên cương, Hoàng Lục được phong là An Biên tướng quân. Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân vùng Lũng Đinh đã xây dựng đền thờ ông trên đỉnh núi Đỏng Lình. Đền thờ Hoàng Lục đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Den Tho Quan Hoang Luc An Bien

Hàng năm đến ngày 28-2 âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội để ôn lại công lao của Hoàng Lục và truyền thống chống giặc cứu nước của cha ông. Sau phần lễ, bà con nô nức tham gia hội tung còn, kéo co, múa võ, biểu diễn văn nghệ…

Canh hoa trang

Điển tích Quan Hoàng Lục là Trần Nhật Duật

Cũng có tích nói Hoàng Lục chính là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (1255-1330) là hoàng tử và là tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, giữ gìn bờ cõi nước Đại Việt.

Ông sinh ra và lớn lên ở thành Thăng Long. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật (sinh tháng tư năm Ất Mão, 1255) là con trai thứ sáu của Trần Thái Tông (người đời ấy thường gọi là Ông hoàng sáu hoặc Đệ lục hoàng tử), và là em của Trần Thánh Tông. Ông cũng là anh em cùng mẹ với Trần Ích Tắc (người đã bỏ trốn sang Trung Quốc trong đại chiến Nguyên Mông, người mà sau này Trần Thánh Tông đã ra chỉ gọi là Ả Trần). Theo sử sách, từ nhỏ ông đã nổi tiếng là hiếu học và “sớm lộ thiên tri, ham thích hiểu biết về các tiếng nói và các giống người”.

Truyền rằng khi mới sinh, trên tay Trần Nhật Duật có bốn chữ “Chiêu Văn đồng tử”. Sau vua Trần lấy đó mà đặt vương hiệu cho ông là Chiêu văn (có nghĩa là đón, gọi cái đẹp).

Trần Nhật Duật nổi tiếng hiểu nhiều biết rộng. Ngoài việc thông thạo nhiều ngoại ngữ, ông còn có sự hiểu biết sâu rộng về các nước láng giềng. Học tiếng Tống và tiếng Chiêm Thành, Nhật Duật chẳng những sử dụng thành thạo các ngôn ngữ ấy mà còn am hiểu nhiều mặt của các nước đó, kể cả phong tục tập quán của họ. Đối với các dân tộc trong nước, Nhật Duật không những hiểu tiếng mà còn hiểu cả tâm tư người khác.

Cuối năm 1284, quân Nguyên chia hai đường ồ ạt kéo sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Trần nhật Duật đang trấn thủ lộ Quy Hoa (bây giờ là Tuyên Quang). Trước thế mạnh của quân giặc từ Vân Nam tiến đánh quân Đại Việt ở trại Thu Vật (thuộc tỉnh Yên Bái ngày nay, ông đã thực hiện cuộc rút lui chiến lược theo con đường từ Yên Bình về Bạch Hạc (Phú Thọ) rồi vượt qua vùng các dân tộc thiểu số rút về chỗ vua Trần đóng quân. Sau một thời gian tránh thế mạnh của địch, dùng kế vườn không nhà trống ở kinh thành Thăng Long và các vùng lân cận khiến quân Nguyên bị thiếu lương thảo, quân Trần bắt đầu phản công. Trần Nhật Duật cầm quân chỉ huy trận đánh ở cửa Hàm Tử.

Cuối tháng 4 năm 1285, ông lập chiến công vang dội ở trận Hàm Tử. Giặc bị thiệt hại nặng, bỏ chạy tan tác. Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư: “Công đánh giặc Nguyên, Nhật Duật lập được nhiều hơn cả”. Chiến thắng Hàm Tử Quan là một trong những trận đánh nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên và trong cả lịch sử Việt Nam.

Năm 1302, vua Trần Anh Tông phong Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật làm Thái úy Quốc công cùng vua trông coi việc nước. Đến đời Minh Tông năm 1324 phong thành Tả thánh Thái sư, năm 1329 lại phong Đại vương. Ông là bậc thân vương tôn quý, làm quan trải bốn triều, ba lần coi giữ trấn lớn, đã từng là hoàng tử lưu thủ kinh thành khi vua Trần và Trần Quang Khải tuần du phương Nam. Trần Nhật Duật cũng là người có công nuôi dạy hoàng tử Mạnh từ bé (về sau lên ngôi thành vua Trần Minh Tông).

Ông mất năm 1330 đời Trần Hiến Tông, thọ 75 tuổi. Tên tuổi và sự nghiệp của ông gắn liền với giai đoạn vinh quang nhất của nhà Trần. Tài năng, đức độ, sự nghiêm minh ngay thẳng của ông cũng như các tướng văn, võ trong thân tộc nhà Trần cùng thế hệ với ông (Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải…) góp phần không nhỏ vào sự tồn tại và hưng thịnh của nước Đại Việt thời nhà Trần.

Canh hoa trang

Ông Hoàng Lục Hầu Mẫu và chúa bà Tuần Quán

Cũng có thông tin nói rằng Quan Hoàng Lục sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần và đền thờ Ngài ở Phố Lu. Ngài hầu Mẫu và chúa bà Tuần Quán, làm việc nội bộ lục chính. Ngài ngự áo chàm đen, khăn chít mỏ rìu, mặc áo trấn thủ, đi ghệt chân ghệt tay, ít khi ngự đồng. Khi ngự đồng Ngài hiển trà mạn và thuốc lào, múa rìu, lưng đeo cung nỏ, bên mình là con dao quăm. Ngài hạ sinh ở Yên Bái. Thánh ông Hoàng Sáu được truyền là người tiều phu xẻ gỗ. Dân tộc vùng nhận lệnh triều đình quản lý gỗ quý trên Yên Bái, Lào Cai. Khi Ngài đưa gỗ về triều đình, Ngài được công chúa mến yêu và đòi theo nhưng vì Ngài tự hổ thẹn với bản thân mình nghèo khổ không sánh được với công chúa nên Ngài bỏ về. Công chúa theo đến đền Tuần Quán ngày nay và hóa. Sau này Ngài tịch diệt được thờ phối hương ở đền công chúa.

Canh hoa trang

Hầu giá Ông Hoàng Lục

Quang Hoàng Lục rất ít khi ngự đồng, chỉ khi nào ngày tiệc ông hay về đến đền thờ ông thì mới hầu ông. Khi ngự đồng, có khi ông mặc áo đỏ, vì ông là người dân tộc nên cũng có khi ông mặc áo đen hay áo xanh thêu rồng hình chữ thọ và khoác áo choàng. Khi làm việc, ông khai quang, múa cờ, kiếm.

Văn thỉnh ông Hoàng Sáu

“Hoàng Sáu hóa phép càng gia (*)
Vua sai ông trấn Hải Hà Nam Ninh”

Hau gia Ong Hoang Luc

Bản Văn Ông Hoàng Lục

Văn Quan Hoàng Lục An Biên Đại Tướng Quân

Chính quê Trùng Khánh Cao Bằng
Có quan Hoàng Lục giáng phàm tối anh linh
Cõi trần gian hữu tình hữu cảnh
Lý triều có Đại tướng An Biên
Khai quang thậm thì diệu
Đất Cao Bằng – Trùng Khánh tựa cõi tiên
Tiễu trừ giặc Tống giữ yên cõi bờ
Nước Nam Việt đẹp như huyền thoại
Sách trời ghi sáng mãi sử oai hùng
Đức Hoàng Lục ngài thông thạo kiếm cung
Vâng lệnh Thái Úy giữ vùng biên cương
Mười tám tuổi am tường binh pháp
Thông kinh thư sử sách làu làu
Khắp hòa tam thập lục châu
Nức danh gia thế đẹp câu thuận hòa

Quang minh chứng đàn duyên
Ngã tích tang cúng dàng
Kim phụng hoàng lân cận
Phật Thánh Chúa Tiên trung vương,
Hoàng Lục có lệnh truyền ra
Các quan thủy bộ cùng là chư dinh
Chuyên cần luyện tập quân binh
Đánh đông dẹp bắc tung hoành mọi nơi
Thái Úy Lý Thường Kiệt đức vời với sáng
Nhận thấy Hoàng tỏa rạng mưu cơ
Ban cho nào kiếm nào cờ
Cùng ban mật lệnh bất ngờ xuất quân
Dùng chiến thuật chế nhân tiên pháp
Phá kho tàng tiến đánh Tống bang
Châu Liêm cùng với châu Khâm
Xua quân xung kích thỏa tầm trông xa
Sông Như Nguyệt dựng ra phòng tuyến
Dẹp âm mưu xâm chiếm nước ta
Từ Quảng Uyên đến Phục Hòa
Hoàng Lục trấn giữ gần xa thỏa lòng
Mậu Tuất Lý Nhân Tông Chinh Hạ
Hoàng Lục ngài từ giã nhân gian
Đoỏng Lình dân lập ngôi đền
Khắp vùng Lũng Đính muôn miền khói nhang
Đức Hoàng Lục độ oan cứu khổ
Ngài hiển linh phù trợ trần gian
Tội công (Ai tội, ai công) ngài biên chép rõ ràng
Tiễu trừ kẻ ác phục hàng quỷ ma
Cũng có lúc Ngài ra trợ phép
Giúp cho người đẹp nết thảo ngay
Có khi dạo gót đông tây
Câu thơ Thái Ủy sẵn bày cuộc ngâm
Ngài ngâm rằng:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
Đấng anh linh phong tư tài mạo
Rạng vẻ ngoài mũ áo cân đai
Độ cho hai chữ Lộc Tài
Độ cho già trẻ gái trai cát tường
Phép thần thông hô phong hoán vũ
Tài kinh bang tế thế chuyển luân
Nức lòng tướng sĩ ba quân
An Biên đại tướng muôn dân phụng thờ

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Ông Hoàng Lục.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Thập Vị Ông Hoàng