Cô Bản Đền Bản Cảnh : Tìm hiểu chi tiết về các Cô Bé Bản Đền
Cô Bản Đền Bản Cảnh Công Chúa là tiên không thuộc hàng chính thống trong Tứ Phủ, tuy nhiên cô vẫn được thờ cúng cùng Tứ Phủ ở tại bản đền đó, và được hầu đồng sau giá Cô Bé. Khi ngự đồng mặc áo từng miền, khi là người Kinh, khi là người Thượng và tùy thuộc vào sắc thái Chầu bà chính cung của bản đền đó. Cô về làm lễ khai quang chứng lễ vật.
Cùng Tín Ngưỡng Việt tìm hiểu chi tiết hết về các Cô Bản Đền Bản Cảnh:
Mục Lục Bài Viết
Cô Nhất Vân Đình
Cô Nhất Vân Đình (Ứng Hòa – Hà Tây cũ) không phải tiên cô nằm trong hệ thống thánh cô Tứ Phủ thánh Cô. Cô là tiên cô bản địa tại đất Ứng Hòa. Cô hiển linh theo hầu thánh mẫu được sắc phong ngôi đệ Nhất trong hàng tiên cô, nhưng không thuộc ngôi Tứ Phú.
Non xanh nước bạc đồng vàng
Bốn phương tấp nập phố phường đông vui
Bao cơn vật đổi sao dời
Dấu xưa còn lại nhớ người nữ trinh
Có cô Đệ Nhất Vân Đình
Theo dòng Nước bạc anh linh khác thường
Xót đòi duyên trái tang thương
Mượn dòng nước bạc thân phàm xả chi
Xem đầy đủ bản văn Cô Nhất Vân Đình
Cô Cả Bắc Ninh
Cô là một trong hai chị em ở Cam Đường hiển thánh sau bị cướp giết trên đường buôn bán. Được thờ cạnh Cô Đôi Cam Đường. Khi về đồng cô mặc áo tứ thân màu nâu, chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao (nón ba tầm).
Cô Đôi Cam Đường
Cô Đôi Cam Đường không phải là thánh cô đứng thứ hai trong hệ thống Tứ phủ Thánh Cô, mà từ “Cô Đôi” ở đây chỉ nghĩa là hai Cô quê gốc ở đất Đình Bảng (Bắc Ninh) làm nghề buôn bán vải sau này hiển linh trên đất Cam Đường. Vốn trước đây thuật ngữ nói về hai cô là Đôi cô cam đường, nhưng dần dần người dân đảo đi đảo lại thành Cô Đôi Cam Đường.
Tuy quê Cô ở Bắc Ninh nhưng lại hiển thánh ở thị xã Cam Đường, Lào Cai, nên người dân ở đó lập Đền cô đôi Cam Đường. Cô Đôi Cam Đường từ một am miếu nhỏ, tồn tại qua hàng trăm năm, Đôi Cô ngày nay trở thành ngôi đền khang trang và vẫn là nơi linh thiêng trong tâm linh của người dân Lào Cai.
Xem đầy đủ hơn về Cô Đôi Cam Đường.
Cô Bé Sapa
Cô bé Sapa là người Mông, cũng là cô bé bản đền được thờ tại đền Mẫu Sapa Lào Cai và đền Mông Vá.
Cô bé sapa rất ít ngự đồng. Chỉ có người ăn lộc cô hoặc về đền thỉnh cô thì cô se loan giá ngự. Cô về đồng mặc áo thổ cẩm, đầu chít khăn hoa, giống cách ăn mặc giống cách ăn mặc của các cô bé. Cô bé về đồng thường ban sức khỏe trừ tà, cô cho buôn may bán đắt. Lúc thanh nhàn cô vui chơi ngắm cảnh sơn lâm, sơn trang. Khắp các bản làng.
Ai lên Mạn Ngược Sông Hồng
Lắng nghe tiếng hát ấm lòng thượng du
Hát về mảnh đất hoang vu
Lăng Khay ,Lăng Khít ,Phố Lu Bảo Hà
Đường mòn vắng bóng người qua
Đầu non thác đổ xa xa hổ gầm
Tiếng Khèn vang vọng sơn lâm
nhà sàn vách lứa mưa rầm sapa
Xem chi tiết các bản văn Cô Bé Sapa
Cô Bé Minh Lương
Truyền thuyết kể rằng, vào thời nhà Trần (thế kỷ XV), ở tổng Minh Lương, thuộc xã Lang Quán ngày nay có hai vợ chồng, ông chồng là người Dao, bà vợ là người Mường tuổi đã cao mà chưa có con. Ngày ngày ông bà ra ngòi Lịch xúc tôm tép sống lần hồi. Một hôm, ông ở nhà, bà đi xúc tép như mọi ngày, nhưng xúc mãi không được con gì mà chỉ được hai quả trứng lạ. Bực mình, bà xuống hạ nguồn rồi lên tận thượng nguồn ngòi Lịch xúc vẫn chỉ được hai quả trứng ấy. Bà đành mang về thả vào chum nước dưới cầu thang. Ít lâu sau, bà mang thai và sinh ra một cô bé bụ bẫm, đặt tên là Minh Lương. Cùng lúc đó, hai quả trứng thả trong chum nước dưới cầu thang nở ra hai con rắn. Hai con rắn và cô bé Minh Lương cùng lớn lên, quấn quýt làm bạn với nhau.
Một buổi chiều, ông bà đi làm về và nhìn thấy hai con rắn quấn chết cô bé. Sẵn con dao rựa đeo bên người, ông tức giận rút dao vừa chém, vừa nói “Mày hại tao à”. Hai con rắn sợ quá chạy trốn, nhưng một con chậm hơn đã bị chém đứt đuôi. Ông đuổi hai con rắn và nói: “Cụt đi hang Mang, Khoang đi hang Đồng”.
Ông bà xót thương cô bé, không nỡ chôn, nên đặt cô nằm ở trên sàn. Đến sáng đã thấy mối đùn lên đắp mộ cho cô bé. Dân làng thấy vậy đều cho là cô đã linh hóa nên lập miếu thờ. Thời kỳ giặc Cờ đen, cô bé Minh Lương đã hiển linh giúp quan quân triều đình thoát khỏi rừng rậm, sau đó dũng mãnh dẹp sạch giặc Cờ đen. Sau đó Cô còn hiển linh bốc thuốc, giúp dân chữa bệnh thoát cơn hiểm nghèo.
Cô Bé Thác Bờ
Ai thăm cảnh đẹp Hòa Bình
Thác bờ phong cảnh hữu tình biết bao
Dai sông Đà rì rào sóng vỗ
Cảnh núi rừng cây phủ màu xanh
Anh linh cô bé Hòa Bình
Thác bờ mẫu ở một mình trông coi;
Phù Lê triều sáng soi nữ kiệt
Giặc bạo tàn phải khiếp uy linh
Xem thêm bản văn Cô Bé Thác Bờ
Cô Bé Thạch Bàn
Cô Bé thờ tại Đền Sinh, thôn Yên Mô, Chi Linh, Hải Dương. Vì lầu Cô Bé lập ở chốn thạch bàn nên được gọi là Cô Bé Thạch Bàn.
Người ta thường hầu Cô sau giá Cô Bé Tứ Phủ, khi thỉnh cô giá ngự về đồng người ta dâng áo thổ cẩm đặc trưng miền núi rừng, đầu vấn khăn thêu hoa, cũng có khi thắt khăn củ ấu. Thông thường cô chỉ giá ngự đúng bản đền của cô vào các dịp khánh tiệc khi có các thanh đồng sát căn của cô thỉnh mời cô bé giá ngự.
Bản văn Cô Bé Thạch Bàn
Lầu Cô gió mát bóng cây
Tầng cao tầng thấp thang mây lưng chừng trời
Bốn mùa lễ bái đông vui
Người vô giải hạn,người thời tôn nhang
Anh linh đã có tiếng vang
Phép cô linh ứng Thạch bàn tối linh
Thú hữu tình dưới khe nước chảy
Đá xếp chồng cỏ mọc rêu in
Xem đầy đủ hơn bản văn Cô Bé Thạch Bàn
Cô Bé Chín Tư (Cô Bé Lục Cung)
Cô Bé Chín Tư là thánh cô bản đền hầu cận kề bên cạnh Chầu Lục Cung Nương nên cô còn được gọi là Cô Bé Lục Cung.
Cô là thánh cô người Nùng, thuộc đất Hữu Lũng, Lạng Sơn. Thủa sinh thời là người con gái xinh đẹp nết na có tài chữa bệnh. Cô thường đi khắp rừng sâu núi thẳm để hái thuốc cứu người. Vậy nên khi hiển thánh, Cô Bé vẫn thường được muôn dân tôn là tiên cô có tài chữa bệnh cứu người. Vì vậy, ai có bệnh thường đổ về về cửa cô để xin thuốc tiên trị bệnh.
Xem đầy đủ thần tích và các bản văn Cô Bé Chín Tư
Cô Bé Cây Xanh
Cô Bé Cây Xanh là thánh cô bản đền bản cảnh được phối thờ vào hệ thống thần linh Tứ phủ. Cô được thờ chính tại Đền Cảnh Xanh (Tuyên Quang) và Đền Cô Bé Cây Xanh (Bắc Giang).
Ai về suối mỡ Bắc Giang
Ghé thăm cô bé cảnh xanh ngự đền
Đền cô bé nhỏ xinh xinh
Hàng cây tươi tốt oai linh thuở nào.
Tìm hiểu truyền thuyết và bản văn Cô Bé Cây Xanh
Cô Bé Tân An
Cô Bé Tân An được cho là hiện thân của Cô Bé Thượng Ngàn trên đất Bảo Hà. Tương truyền Cô Bé Tân An có tên húy là Hoàng Bà Xa, cô là con của Quan Hoàng Bảy.
Từ rất xa xưa, bên bờ sông Hồng tại thôn Tân An 2 thuộc xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, đã có một ngôi Đền gọi là Đền Cô Tân An (còn gọi là Đền Cô Bé Thượng Ngàn), là nơi thờ tự một nữ chúa có tên húy là Hoàng Bà Xa, tương truyền đã cùng cha là đức quan ngài Hoàng Bảy, có công chinh phạt giặc ác, giữ yên bờ cõi, được cư dân vùng Bảo Hà và Khau Ban (địa danh Văn Bàn cổ xưa) suy tôn là vị Thánh Mẫu. Đối diện bên kia sông là đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai)- thờ Đức quan ngài Hoàng Bảy.
Trích đoạn văn chầu
Tân An cổ tích lưu truyền Tiếng thơm
Cô Bé khắp miền gần xa
Có phen chơi Bảo Hà Trái Hút
Dạo tiếng đàn thánh thót nhặt khoan
Chiềng Ken, Tân Thượng, Tân An
Nậm Tha, Nậm Rạng, Làng Giàng, Khánh Yên
Ngàn núi đá nọ miền sơn thuỷ
Ngôi đền thờ tú khí danh lam
Xem đầy đủ bản văn Cô Bé Tân An
Cô bé Xương Rồng (Cô bé Xương Long)
Ngày xưa trước của đền Xương Rồng là một con suối rất lớn có một gia đình ông bà lão già và một người con gái sống ở đó, vừa hành nghề y cứu người, vừa đánh bắt cả để sinh sống. Khi có giặc ngoại xâm tới chúng cướp bóc của cải và giết dân chúng nơi đó rất nhiều, hai ông bà cũng không nằm ngoài những người đó. Sau khi bố mẹ mất cô bé vẫn một mình ở lại chữa chạy thuốc thang cho dân chúng và những binh lính bị thương của triều đình. Quân giặc biết cô chữa chạy cho binh lính của triều đình khỏi bệnh chúng cho quân đến bắt cô nhưng vì nghĩa khi cô đã gieo mình xuống dòng suối đó.
Sau khi cô mất triều đình và nhân dân nhớ ơn của cô bé đã lập miếu thờ cô, kẻ qua, người lại đều vào lễ cô và thấy linh ứng, cầu gì cũng được, nguyện gì cũng thành nên dần dần các khách thập phương về chiêm bái, lễ cô rất đông.
Cô đã có công phù đời giúp nước rất lớn, sau này nhân dân mới xây đền thờ phật thánh, đình thần tam, tứ phủ trên nền đất cũ của Cô và Thái Ông Thái Bà xưa. Hội đền Xương Rồng tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch.
Trích đoạn chầu văn
Động Thái Linh trùng trùng điệp điệp
Bắc Nguyên Phong tuyết tuyết vân vân
Khi thiêng đỉnh xuất nhập thần
Bốn mùa hoa thảo đượm nhuần tốt tươi
Kẻ tiên đạt phù đời dựng nước
Người cần lao nối nghiệp tề gia
Bốn phương phẳng lặng can qua
Gió xuân đầm ấm nhà nhà khang ninh
Xem thần tích và bản văn Cô Bé Xương Rồng
Cô Bé Cấm Sơn
Truyền thuyết về Cô Bé Cấm Sơn gắn liền với công cuộc 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông dưới sự chỉ huy của vua tôi nhà Trần đó là vị tướng quốc Trần Quốc Tuấn – người được phong hiệu “Vạn cổ anh linh Thượng đẳng phúc thần”.
Tương truyền rằng, năm 1257 Trần Quốc Tuấn hành quân lên biên giới chỉ huy quân phòng thủ chống quân xâm lược Mông Cổ (Thế kỷ XIII) có rất nhiều tướng lĩnh đã ngã xuống vùng đất nơi biên cương này. Hồi đó khu vực ga (Phố Mới ngày nay) là một cảnh rừng nguyên sinh rậm rạp, trong một lần thị sát và chỉ huy phòng thủ biên giới (khoảng năm 1257), tướng Trần Quốc Tuấn đã chọn địa điểm ngôi Đền Cấm bây giờ làm trạm quân y tuyến 2 trong phòng thủ biên giới. Sau đó trong các trận chiến đấu, thương binh được đưa về chữa trị dưới cảnh rừng này, người dân bản địa lúc đó là người Việt, người Tày và người Giáy cũng đưa người ốm đau vào nhờ quân y chăm sóc giúp. Rồi có chuyện ly kỳ xảy ra đó là: đêm đêm có một thiếu nữ mặc váy áo màu xanh đến chữa thuốc cho mọi người, thiếu nữ chữa rất giỏi, ai được dùng thuốc đều khỏe mạnh, nhưng thầy thuốc thần kỳ chỉ xuất hiện vào ban đêm còn ban ngày không thấy xuất hiện.
Tìm hiểu bản xứ, người dân cho biết không có con cái nhà ai như vậy, sau đó người dân và quan binh đều tin rằng đó là hiển linh của Thánh Mẫu thượng ngàn giúp quan quân và nhân dân giữ nước. Ngay dưới Phương Đình bên cây mít cổ thụ là 5 ngôi mộ của những quan binh đã xả thân vì nghĩa lớn.
Xem thêm Bản văn Cô Bé Cấm Sơn
Cô Bé Bắc Nga
Ngày xưa người và tiên sống cùng nhau, các tiên nữ thường ngao du xuống hạ giới, thấy vùng này nhiều hoa tươi cỏ lạ, cây cối mướt xanh cùng sông Kỳ Cùng uốn lượn hữu tình khiến các nàng rất thích thú. Một nàng tiên trong số đó đã nói với dân làng rằng nơi đây cảnh đẹp, đất lành, nàng không muốn về thượng giới nữa. Từ đó nhân dân trong vùng họp nhau lại, góp công của xây dựng miếu thờ Tiên, mong các Tiên nữ phù hộ dân làng cuộc sống bình yên.
Ai đi xứ Lạng bao xa
Ai đi man ngược ai đi Bản Ngà
Hỏi đền cô bé Bắc Nga
Khi thiêng đúc tụ một tòa sơn lâm
Chợ Bản Ngà ngày phiên đông đúc
Người dân tộc Dao, Mèo gọi nhau
Người Tày người Thổ đua nhau
Người Nùng người Mán hẹn nhau quẩy hàng
Xem thêm đầy đủ bản văn Cô Bé Bắc Nga
Cô Bé Mỏ Than
Truyện chuyên miệng kể rằng:
Thần Kim Quy thấy mỏ quý của vua cha mẫu mẹ tại đền Mỏ Than, đã rủ cá Kình ở biển Đông về cùng nhau mang hết mỏ quý ra vùng Nam Hải khi đất ở đây chỉ còn là giữa núi và biển, cá Kình đứng gác bên ngoài, thần Kim Quy xuống hang và khi lên tới gần miệng hang thì ông Cóc (ở gần miếu Sơn Thần) đã nghiến răng báo lên thiên đình cho Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngọc Hoàng cử cô bé xuống. Cô bé cưỡi trên lưng hai con rồng bay xuống thấy khoảng trời u ám có khí lạnh bay lên. Cô nhảy vội xuống với hai vết chân chẹn lên thần Kim Quy, vết chân phải trượt gót mờ, bàn chân trái đè oằn cổ rùa. Bắt rùa hoá đá (bách gia trăm họ gọi là quy trị bản đền) thần Kim Quy hóa đá thì cà Kình ở biển Đông cũng hóa đá (tất cả các cảnh quan của đền quay về nơi phật ngự phương tây riêng có cá Kình quay về phía Đông Bắc). Nhờ Cô Bé Mỏ mà bách gia trăm họ vẫn còn “mỏ tụ đồng” xưa. Đến Pháp tìm ra mỏ than hay còn gọi là vàng đen của đất nước. Hiện nay còn nuôi dưỡng mỏ kim cương non. Cho nên ở chính nơi đây còn tồn tại truyền thuyết Cô Bé Mỏ Than (hay Cô Bé Mỏ Cây Xanh). Cô bắt ông Ba Mươi phủ phục bên mình, cô xin vua cha mẫu mẹ cho cây xanh bao bọc lấy mỏ và bốn mùa toả bóng mát cho cô hoàn thành việc cha việc mẹ. Ngoài ra cô còn chữa bệnh cho bách gia trăm họ. Nhất là những người dở dại dở điên. Những lúc thư nhàn cô gọi đàn chim ngũ sắc về vậy quanh ca hát, lúc đi lúc về cổ thường mang sắc thái màu vàng với âm thanh của tiếng chim vàng anh báo biến, báo hiện. Khi cô đi xa cô thường để lại đôi dải thắt lưng màu đen ở lại (đôi long xà có mào) để giữ đền giữ phủ. Người ta truyền rằng ai nhìn thấy ông rắn có mào là người đó được lên danh lên giáả. Nhưng người đó phải là người thực tâm không có tâm tà. Xưa những người đàn bà bụng mang dạ chửa phải đi vòng qua cửa cô cách nữa dặm. bất kể ai qua nơi cô ngự đều phải bỏ nón mũ xin cô thực tâm cô phù hộ. Tà tâm cô cho náo loạn gia trung.
Cô Bé Đen
Cô Bé Đen (Nhạc Phủ), mặc khăn áo đen và hồng. Về đồng mua mồi, dùng nhang chữa bệnh. Cô đánh phấn màu đen, phần đỏ cô để ban khen cho thanh đồng. Cô hay về đồng tại Miền Nam.
Cô Bé Đèo Kẻng
Tại đền Đèo Kẻng (Thất Khê), cô bé Thượng Ngàn được gọi là cô bé Đèo Kẻng là cô bé bản đền, cai quản bản đền Đèo Kẻng, là cô bé rất đành hanh. Cô bé Đèo Kẻng chấn giữ cửa rằng Thất Khê (cung rừng này một cửa vào là cửa Suối Lân do Cô Năm Suối Lân trấn giữ, cửa ra là cửa Thất Khê do Cô Bé Đèo Kẻng trấn giữ). Vì vậy du khách thập phương đi lễ trên đất Lạng nên đến cửa cô cầu an cầu lộc cầu tài. Theo một số quan niệm cô bé Đèo Kẻng hầu cận các 12 vị chúa chữa thờ tại đền Đèo Kẻng. Mười hai vị chúa chữa là 12 vị người dân tộc với các dân tộc khác nhau, nhưng đều được các dân tộc thiểu số tập chung lại thờ 1 nơi. Khi về ngự đồng cô mặc quần áo thổ cẩm, chân quấn xà cạp, đeo kiềng bạc, tay cầm ô, vai đeo gùi.
Người hợp căn hợp mệnh sẽ mang căn Cô. Người có căn Cô Bé thường rất dễ tính, tính cách vui vẻ, hòa đồng thậm chí là hơi tinh nghịch như một cô bé. Ngoài ra, nếu cô cho lộc, người này cũng sẽ làm ăn thuận lợi, có tiền có của.
Cô Bé Nguyệt Hồ
Cô Bé Nguyệt Hồ là thánh cô bản Đền Nguyệt Hồ trên vùng Yên Thế, Bắc Giang. Cô bé Nguyệt Hồ được thờ trong cung Lầu Cô, nơi đây thờ Cô Bé Nguyệt Hồ và Cô Chín, Cô Bơ. Tương truyền Cô Bé Nguyệt Hồ rất linh thiêng mà mỗi ai khi đến với Đền Nguyệt Hồ thì nên nhất thiết phải vào bái lạy cửa cô. Cho đến hiện nay vẫn chưa phát hiện được thần tích về Cô, chỉ biết Cô là hầu cận của Chúa Nguyệt Hồ.
Một số ý kiến khác lại cho rằng Cô Bé Nguyệt Hồ cũng là một trong những hóa thân của Cô Bé Thượng Ngàn trên miền Yên Thế, vì vậy khi hầu giá cô, người ta thường dâng cô màu áo xanh, chít khăn củ gấu đặc trưng của miền thượng ngàn.
Cô Bé Đồng Đăng
Cô Bé Đồng Đăng là thánh cô bản Đền Mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn)
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về các Cô Bản Đền Bản Cảnh.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
- Các nguồn tài liệu từ Internet
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Xem thêm thần tích Tứ Phủ Thánh Cô