Cô Đôi Thượng (Sơn Tinh Công Chúa)

Cô Đôi Thượng là Thánh Cô xếp thứ 2 trong hàng Tứ Phủ Thành Cô được giao Cai quản kho lộc Sơn Lâm Sơn Trang, ban phát cho người trần và Chấm đồng, bắt đồng.

Thiên Thai là cảnh bồng lai
Tấu Cô Đôi Thượng đại tài hái hoa
Hầu vua hầu mẫu ba tòa
Tiếng tăm lừng lẫy chúa bà yêu thương

Chim Phượng 2

Sơ lược về Cô Đôi Thượng

Co Doi Thuong

Nguồn gốc: Con của Ngọc Hoàng Thượng Đế

Danh hiệu:

  • Sơn Tinh Công Chúa
  • Cô Đôi
  • Cô Đôi Thượng

Hầu cận:

  • Tam Tòa Thánh Mẫu (trước khi giáng sinh cõi trần)
  • Đức Diệu Tín Thiền Sư, Lê Mại Đại Vương (lúc đang ở cõi trần)
  • Mẫu Đông Cuông, hoặc
  • Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn

Phủ/ nơi cai quản: Nhạc Phủ

Lĩnh vực chính:

  • Cai quản kho lộc Sơn Lâm Sơn Trang, ban phát cho người trần
  • Chấm đồng, bắt đồng

Trang phục/Màu sắc:

  • Áo xanh ngắn đến hông, quầy đen hoặc quầy hoa
  • Đầu đội khăn voan kết thành hình đóa hoa hoặc khăn vấn, hai bên dắt hoa

Sắc phong: Thượng Đẳng Thần (sắc phong bởi Nguyễn Hoằng Tông, tức hoàng đế Khải Định)

Đền thờ:

  • Đền thờ chính: Đền Thượng Bồng Lai, xã Nho Quan, Ninh Bình
  • Đền Bồng Lai Thượng, Hòa Bình
  • Gần đền Mẫu Đông Cuông , Yên Bái
  • Đền Cô Đôi, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa

Ngày tiệc: 06/01 Âm Lịch

Canh hoa trang

Sự tích Cô Đôi Thượng Ngàn

Cô vốn là con Vua Đế Thích trên Thiên Cung, được phong là Sơn Tinh Công Chúa, ra vào hầu cận bơ tòa Vua Mẫu trong điện ngọc, nơi tiên cảnh. Sau cô giáng sinh xuống đất Ninh Bình làm con gái nhà một chúa đất ở chốn sơn lâm, khi hạ sinh, Cô Đôi rất xinh đẹp: da trắng, tóc xanh mượt mà, mặt tròn, lưng ong thon thả. Sau này cô quyết chí đi theo hầu Đức Diệu Tín Thuyền Sư Lê Mại Đại Vương (chính là Mẫu Thượng Ngàn, Bà Chúa Sơn Trang) học đạo phép để giúp dân. Rồi khi về thiên, cô được theo hầu cận ngay bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn Đông Cuông Tuần Quán được Mẫu Bà truyền cho vạn phép, giao cho cô dạy người rừng biết thống nhất về ngôn ngữ (nên có khi còn gọi là Cô Đôi Đông Cuông), cũng có người cho rằng cô về theo hầu cận Chầu Đệ Nhị.

Su tich Co Doi Thuong Ngan

Lúc thanh nhàn cô về ngự cảnh sơn lâm núi rừng ở đất Ninh Bình quê nhà, trong ba gian đền mát, cô cùng các bạn tiên nàng ca hát vui thú tháng ngày trên sườn dốc Bò, có khi cô biến hiện ra người thiếu nữ xinh đẹp, luận đàm văn thơ cùng các bậc danh sĩ, tương truyền cô cũng rất giỏi văn thơ, làm biết bao kẻ phải mến phục. Cô Đôi cũng là tiên cô cai quản kho lộc Sơn Lâm Sơn Trang, người trần gian ai nhất tâm thì thường được Cô Đôi ban thưởng, nhược bằng có nợ mà không mau trả lễ cô lại bắt đền nặng hơn.

Cô Đôi Thượng rất hay ngự về đồng, vì danh tiếng cô lừng lẫy ai ai cũng biết đến, đệ tử cô đông vô số và cô cũng hay bắt đồng.

Canh hoa trang

Hầu giá Cô Đôi Thượng

Trong đại lễ khai đàn mở phủ người ta thường dâng lễ vàng cây lên 5 tiên cô là Cô Đôi, Cô Bơ, Cô Sáu, Cô Chín và Cô Bé, trong đó Cô Đôi thường là giá cô ngự về đầu tiên (mở khăn cho hàng cô) để chứng lễ. Khi cô về ngự thường mặc áo lá xanh hoặc quây đen và áo xanh (ngắn đến hông), trên đầu có dùng khăn (khăn von hoặc khăn vấn) kết thành hình đóa hoa, cũng có một số nơi dâng cô áo xanh, đội khăn đóng (khăn vành dây) và thắt lét xanh, hai bên có cài hai đóa hoa. Cô về đồng thường khai cuông rồi mua mồi, múa tay tiên hái tài hái lộc cho đồng tử.

Hau gia Co Doi Thuong

Các bản văn Cô Đôi Thượng Ngàn

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 2 bản văn Cô Đôi Thượng Ngàn

Trích đoạn

Thiên Thai là cảnh bồng lai
Tấu Cô Đôi Thượng đại tài hái hoa

Hầu vua hầu mẫu ba tòa
Tiếng tăm lừng lẫy chúa bà yêu thương
Về đồng đánh phấn soi gương
Lược ngà chải chuốt vành dây đội đầu

Rong chơi quán Sở tần Lầu
Xe giá lên chầu thượng đế vua cha
Đệ tử Cô vô số hằng hà
Chiêu tài tiếp lộc gần xa cho đồng

Đứng trên ngàn rừng xanh ngan ngát
Thấy cô về ngỡ Phật quan âm
Tay đàn miệng hát ca ngâm
Điểm đa điểm đót tiếng trầm nhặt khoan…

Xem đầy đủ hơn các bản văn Cô Đôi Thượng

Các đền thờ Cô Đôi Thượng

Đền Thượng Bồng Lai (Ninh Bình)

Đền Thượng Bồng Lai tọa lạc thôn Bồng Lai, xã Văn Phương, Nho Quan, Ninh Bình gắn với sự tích giáng sinh của Cô.

Đền Bồng Lai Thượng(Hòa Bình)

Đền Bồng Lai Thượng là nơi gắn với sự tích Cô hóa và hiển thánh.

Đền Đôi Cô (Tuyên Quang)

Đền Đôi Cô, thuộc phường Nông Tiến (thị xã Tuyên Quang) thờ phụng và ngưỡng vọng cổ đôi Thượng Ngàn và cô bơ Thoải Cung (con của Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải Cung).

Đền Chí Mìu (Bắc Giang)

Đền Chi Mìu ở tại bản Chí Mìu, xã Hương Sơn, Bắc Giang. Đền là nơi thờ vọng Cô Đôi Thượng, tuy nhiên người dân ở đây lại gọi cô là Cô Bé Chi Mìu.

Đền Cô Đôi (Thanh Hóa)

Cô Đôi cũng có đền thờ ở Thanh Hóa, thuộc quần thể di tích Phong Mục (thôn Phong Mục, xã Châu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa).

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Cô Đôi Thượng Ngàn.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn tài liệu từ Internet

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Tứ Phủ Thánh Cô