Quan Triệu Tường : Tìm hiểu chi tiết về Quan Lớn Đệ Thập Triệu Tường

Quan Triệu Tường được cho là hình ảnh của Quan Lớn Đệ Thập – một trong mười vị tướng của Vua Cha Bát Hải Động Đình trong tín ngưỡng Tứ Phủ.

Chim Phượng 2

Lịch sử về Quan Triệu Tường

Quan Lon De Thap Trieu Tuong

Ngài Nguyễn Hoàng là người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa. Ngài sinh ngày Bính Dần, tháng Tám, năm Ất Dậu [1525], là con trai thứ hai của Ngài Nguyễn Kim (Cam) – người có công tôn lập Trang tông Dụ hoàng để hủy là Ninh lên ngôi vào năm 1533 mở đầu thời kỳ Lê Trung Hưng, được vua Lê tôn là Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công, chưởng nội ngoại sự, sau này được triều Nguyễn suy tôn là Triệu tổ Tĩnh Hoàng đế.

Khi anh trai bị hãm hại, nghe tiếng Trạng nguyên Nguyễn Binh Khiêm là người giỏi về thuật số, từng làm tới chức vị Thái Bảo trong triều Mạc, Ngài Nguyễn Hoàng liền bí mật sai người tới hỏi về kế sách giữ mình thì được Trạng khuyên:

“Hoành Sơn nhất đái
Vạn đại dung thân”

Nghĩa là một dải Hoành Sơn có thể dung thân muôn đời. Hiểu ý, Ngài nhờ chị gái là Ngọc Bảo nói với Trịnh Kiểm tâu lên vua Lê để xin vào trấn đất Thuận Hóa.

Mùa Đông, tháng Mười, năm Mậu Ngọ [1558], Ngài vâng mệnh vua Lê, Ngài đem theo những người bộ khúc đồng hương ở Tổng Sơn và những người nghĩa dũng xử Thanh Hoa lên đường vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Ngài vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, sưu thuế nhẹ nhàng, được dân mến phục, bấy giờ thường được gọi là chúa Tiên. Nghiệp để dựng nên, thực là xây nền từ đấy.

Tháng 5 năm Nhâm Thìn [1592], Ngài đem binh quyền ra Đông Đô yết kiến vua Lê, được phong làm Trung quân đô đốc phủ tả đô đốc chưởng phủ sự Thái ủy Đoan quốc công. Ngài đã có nhiều công lao giúp nhà Lê trong việc tiễu trừ nhà Mạc. Ông là người đã đem quan truy đuổi họ Mạc đến tận đất Cao Bằng. Tháng 5 năm Canh Tý (1600), Ngài đem cả tướng sĩ thuyền ghe bản bộ đi đường biển trở về Thuận hóa. Từ đấy Ngài và các thế hệ con cháu kế tiếp liên tục mở rộng bờ cõi về phía Nam, xây dựng nên một đất nước thống nhất dưới quyền của Vương triều Nguyễn. Tháng 6, ngày Canh Dần, năm Quý Sửu [ngày 03 tháng 6 ÂL năm 1613], Ngài yếu mệt, cho triệu hoàng tử thứ 6 và các thân thần đến trước giường căn dặn rằng:

“Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang [Hoành Sơn] và sông Gianh [Linh Giang] hiểm trở, phía Nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cả muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời …”.

Ngày ấy Ngài băng, hưởng thọ 89 tuổi. Ban đầu thì an táng ở núi Thạch Hãn (xã thuộc huyện Hải Lăng, Quảng Trị), sau cải táng ở núi La Khê (xã thuộc huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế; năm Minh Mệnh thứ 2, phong núi ấy làm núi Khải Vận).

Trong suốt 55 năm cai trị Thuận-Quảng, nhẫn nhịn để chờ thời cơ, lập chi lớn, gây dựng cơ nghiệp lâu dài để lại cho con cháu mai sau, Ngài vừa là một vị tướng mưu lược, vừa là một vị Chúa khôn ngoan lại có lòng nhân đức, thu phục hào kiệt, vỗ về dân chúng và lo phát triển kinh tế, mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía nam, mở đầu cho việc hùng cứ phương nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập Vương triều nhà Nguyễn bao gồm 13 vua;

Ngài là người có tầm nhìn của một nhà chiến lược xuyên thế kỷ: Ngài hướng ra Bắc mong khôi phục nhà Lê, hướng vào Nam để mở mang bờ cõi; hướng ra các đảo trên biển Đông xác lập chủ quyền quốc gia; mở mang giao thương quốc tế, lập nên các khu thương mại tự do để làm cho Đàng Trong giầu mạnh; tin dùng người hiền tài, vỗ về khoan thư sức dân cho nên Ngài được dân chúng Thuận Quảng cảm mến, thường gọi Ngài là Chúa Tiên.

Ngài được các vua triều Nguyễn sau này suy tôn là Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế, lăng gọi là Trường Cơ.

Khi sinh thời Ngài là một vị tướng lĩnh, một vị quan lớn, một vị Chúa tài năng, đức độ, trí dũng song toàn có nhiều công lao to lớn và căn bản với đất nước. Khi mất Ngài là một vị Nhân thần anh linh luôn phù hộ cho nhân dân và xã tắc, đó là Quan Hoàng Triệu Tường – ngài Nguyễn Hoàng, đức Thái tổ Gia dụ Hoàng đế, vị Chúa và là vị Nhân thần mãi trường tồn trong đời sống tâm linh của nhân dân và luôn được khắc ghi những công lao to lớn của Ngài trong lòng dân tộc Việt Nam.

Canh hoa trang

Quan Triệu Tường không phải là Quan Hoàng Đôi

Trong xứ Thanh Hóa đồng nhất Quan Triệu Tường với Quan Hoàng Đôi. Tuy nhiên theo TS Bùi Hùng Thắng thì quan điểm này là không đúng vì những lý do sau:

Thứ nhất

Quan Hoàng Đôi giáng trần cùng thời với quan Hoàng Bẩy bảo Hà, điều này được khẳng định trong bản văn ông Hoàng Bẩy như sau:

“Quan Hoàng Bẩy Bảo Hà chính vị
Cùng tướng công đệ nhị Hoàng Đôi
Can qua dâu bể biến dời
Anh hùng xưa đã ra người cung tiên”

Mà theo truyền thuyết kể lại thì Quan Hoàng Bẩy giảng trần vào cuối đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786). Thời đó khắp vùng Quy Hóa gồm Châu Thủy Vĩ và Châu Văn Bàn (thuộc Lào Cai bây giờ) luôn bị giặc vùng phương Bắc tràn sang cướp phá, giết hại dân lành. Trước cảnh đau thương tang tóc ấy, tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Trong một trận chiến không cân sức với quân giặc, ông đã anh dũng hy sinh, thi thể ông trôi theo sông Hồng tới Bảo Hà thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng đã vớt, an táng thi thể ông và lập đền thờ tại đây để ghi nhớ công đức to lớn của ông.

Thứ hai

Quan Triệu Tường không giáng trần cùng thời với ông Hoàng Bẩy Bảo Hà. Điều này được khẳng định trong bản văn Quan Triệu Tường:

“Việt sử chép đời Lê Thái Tổ
Đức Nguyễn Kim phò chúa an dân
Sinh ông Hoàng Triệu trung thần
Đã hay kinh sử lại nhuần binh thư”

“Quan Triệu ngài vâng lệnh bài sai
Đề binh mã ra ngoài Bắc trấn
Vận thần tóan bày binh bố trận
Mạc thế cùng chiếu cuốn thu quân
Nẻo Cao Bằng, Mạc chúa ẩn thân”

Trước hết có thể thấy về sự tích thì ông Hoàng Triệu là con trai của Nguyễn Kim (1468 – 1545), ông tham gia vào công cuộc Phù Lê Dẹp Mạc ở những giai đoạn khi nhà Mạc rút lên Cao Bằng cát cứ, giai đoạn lịch sử này ứng với khoảng thời gian những năm 1620. Và cho đến khi nhà Mạc thực sự chấm dứt thì cũng chỉ vào năm 1677. Như vậy xét về mặt lịch sử Quan Hoàng Triệu phải giáng trần trước Quan Hoàng Bảy Bảo Hà, không thể là anh em của Quan Hoàng Bảy Bảo Hà được. Do vậy nếu coi Quan Hoàng Triệu là Quan Hoàng Đôi thì sẽ không phù hợp như trong bản văn ông Hoàng Bẩy:

“Cùng tướng công đệ nhị Hoàng Đôi
Can qua dâu bể biến dời”

Thứ ba

Dựa trên quan điểm về Tin ngưỡng Tứ Phủ thì vị trí thứ hai trong hệ thống thần linh sẽ thuộc về Nhạc Phủ, ví dụ như Quan đệ nhị, Chầu đệ nhị, Cô đôi, Cậu đôi. Vậy thì Quan hoàng đôi phải thuộc về Nhạc phủ, tuy nhiên lịch sử về Quan Triệu Trường cũng như đền thờ của ngài lại cho thấy ngài không thuộc về Nhạc phủ. Đây là một lý do nữa để khẳng định Quan Triệu Tương không phải là Quan Hoàng Đôi.

Canh hoa trang

Quan Triệu Tường đồng nhất với Quan Lớn Đệ Thập

Ở Hà Nội hay thỉnh ông Triệu Tường về như một vị Quan Lớn gọi là Ông Lớn Triệu Tường, ngự sau giả Quan Điều Thất, với danh hiệu là con Vua Bát Hải Động Đình. Theo tôi quan điểm này là hợp lý hơn vì những lý lo sau:

Thứ nhất: Như đã nói ở trên thì Quan Triệu Tường ngài không phải là Quan Hoàng Đôi, như vậy việc đặt ngài ở vị trí thuộc hàng Quan Lớn sẽ là hợp lý.

Thứ hai: Quay trở lại với thần tích Đền Đồng Bằng thì sau khi chiến thắng oanh liệt giặc ngoại xâm, Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình đã giao cho Quan Đệ Thập chấn giữ vùng đất Cửu Chân. Mà theo “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, “Đại Việt sử ký toàn thư” và “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” thì nước Văn Lang thời các Vua Hùng khi đó được phân thành 15 bộ là:

  • 1 – Giao Chỉ: “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” chủ là nay thuộc ba tỉnh Hà Nội , Nam Định và Hưng Yên
  • 2 – Chu Diên: “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” chủ là nay thuộc tỉnh Sơn Tây
  • 3 – Vũ Ninh: “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” chủ là nay thuộc tỉnh Bắc Ninh
  • 4 – Phúc Lộc : “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” chủ là nay thuộc tỉnh Sơn Tây
  • 5 – Việt Thường : “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chú rằng nay là vùng đất từ phủ Hải Lăng tỉnh Quảng Trị đến phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam , Đào Duy Anh căn cứ theo tên huyện Việt Thường quận Cửu Đức thời thuộc Ngô cho rằng đây là khu vực huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
  • 6 – Ninh Hải : “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chủ là thuộc tỉnh Quảng Yên.
  • 7 – Dương Tuyền : “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” chủ là nay thuộc tỉnh Hải Dương, Đào Duy Anh căn cứ vào tên huyện Thang Tuyền của Thang châu thì cho rằng là đất Thang châu thời thuộc Đường, tức vùng tây nam Quảng Tây, Trung Quốc hiện nay.
  • 8 – Lục Hải : “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” chủ là nay thuộc tỉnh Lạng Sơn, Đào Duy Anh xác định là ven biển Hải Phòng hiện nay.
  • 9 – Vũ Định: “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” chú là nay thuộc hai tỉnh Thái Nguyên và Cao Bằng.
  • 10 – Hoài Hoan: “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chủ là nay thuộc tỉnh Nghệ An.
  • 11 – Cửu Chân: “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” chủ là nay thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  • 12 – Bình Văn: “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” nghi ngờ không khẳng định ở đâu.
  • 13 – Tân Hưng: “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” chủ là nay thuộc hai tỉnh Hưng Hóa và Tuyên Quang.
  • 14 – Cửu Đức: “Khâm định Việt sử thông giảm cương mục” chủ là nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
  • 15 – Văn Lang

Như vậy Bộ Cửu Chân khi đó gồm địa phận tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Chính vì Quan Đệ Thập đã được giao trấn giữ ở vùng đất Cửu Chân mà ngày nay ở quần thể di tích Đền Đồng Bằng không có Đền thờ Quan Đệ Thập là vì thế.

Tuy Quan Triệu Tường giáng muộn (thế kỷ thứ XVI), nhưng ngài sinh ra ở Thanh Hóa, trấn giữ vùng Thanh Hóa và có đền thờ ở Thanh Hóa (vùng đất Cửu Chân thời Vua Hùng). Với những chiến công lớn, Quan Triệu Tường vừa là một vị tướng mưu lược, vừa là một vị chúa khôn ngoan lại có lòng nhân đức, thu phục hào kiệt, vỗ về dân chúng và lo phát triển kinh tế, cho nên dân chúng cảm mến, gọi ông là, dù đương thời ông chỉ có chức Đoan Quốc công. Ông được vì giống như Nỗ Nhĩ Cáp Xích, người sáng lập ra nhà Hậu Kim, tiền thân của nhà Thanh trong lịch sử Trung Quốc sống cùng thời với ông. Ông có thể coi là người tiên phong trong việc mở rộng bờ cõi đất nước xuống phía Nam, mở đầu cho việc hùng cử phương nam của 9 chúa Nguyễn, tạo tiền đề cho việc thành lập vương triều nhà Nguyễn bao gồm 13 vua. Với những chiến công lớn và được giao trấn giữ trên vùng đất Thanh Hoa (đây cũng là vùng đất Cửu Chân thời vua Hùng), vì vậy mà Quan Triệu Tường được coi chính là sự hiển linh của Quan Lớn Đệ Thập, và được đồng nhất với hình ảnh của Quan Lớn Đệ Thập thời Hùng Vương.

Canh hoa trang

Hầu giá Quan Đệ Thập Triệu Tường

Quan Lớn Triệu Tường, ngự sau giá Quan Lớn Điều Thất, Quan Lớn Đệ Bát Đồng Bằng Sông Diêm, khi ngự đồng ông mặc áo vàng, ông về tấu hương, khai quang rồi múa cờ lệnh (cờ lệnh đại, vuông, ngũ sắc).

Hau gia Quan De Thap Trieu Tuong

Các đền Quan Triệu Tường

Đền Quan Triệu Tường (Thanh Hóa)

Đền Quan Triệu Tường, còn được gọi là đền Đức Ông, ở thôn Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa là một ngôi đền cổ linh thiêng. Trải qua những thăng trầm của thời cuộc, ngôi đền đã bị tàn phá vào những năm 1960. Toàn bộ kiến trúc và những giá trị lịch sử – văn hóa đi theo của ngôi đền đã bị phá hủy hoàn toàn.

Den Quan Trieu Tuong (Thanh Hoa)

Ngôi đền được phục dựng lại vào những năm 1990 nhưng những giá trị văn hóa trong ngôi đền cũ đã mãi mãi mất đi khó có thể tìm lại được, một trong những giá trị đó là những thần phả, thần tích và sắc phong nói lên lịch sử ngôi đền và tiểu sử, công tích của Quan hoàng Triệu Tường.

Đền Quan Lớn Triệu Tường (Hà Nội)

Đền Quan Lớn Triệu Tường còn gọi là Đền Quan Triệu ở làng Chèm, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đền Quan Lớn Triệu Tường cũng thờ Mẫu Tứ Phủ và một số vị thánh khác.

Den Quan Lon Trieu Tuong (Ha Noi)

Hậu cung đặt Tam Thế Phật ở hàng trên, tiếp dưới là tượng Tam Tòa Thánh Mẫu. Gian ngoài đặt tượng Ngọc Hoàng rồi tượng quan lớn Triệu Tường, tượng chầu Bà, Ngũ Vị Tôn Ông, các Ông Hoàng…Đáng quan tâm còn có hệ thống tượng Huyền Đàn vốn một thầy phù thủy có tên tuổi, cùng các trợ thủ là Tôn Ngộ Không và thần Độc Cước với thân hình tượng nửa người bổ dọc và hình hài dữ tợn. Ngoài ra còn có ban thờ Chúa Sơn Trang, Chầu Thủ Đền, Ban cô, Ban cậu… Quan Lớn Triệu Tượng là ngài Nguyễn Hoàng đã rời đất Bắc vào Nam khai phá đất đai, và được người Việt tôn sùng nên nhập vào thần điện của Mẫu.

Bản Văn Quan Triệu Tường

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 1 bản văn Quan Triệu Tường.

Trích đoạn

Chí càn khôn nổi miền Nam Việt
Đất Thanh Hoa dân kiệt địa linh
Tấu quan Hoàng Triệu giáng sinh
Vào nhà Nguyễn tộc nên danh tướng tài.

Ông hoàng con vua thứ hai
Đời Lê Thái Tổ quản cai triều đình.
Có nhà họ Mạc bất bình
Vua sai quan Triệu đề hành binh sang.

Xem chi tiết bản văn Quan Triệu Tường

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Quan Lớn Đệ Thập Triệu Tường

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn trên internet

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen vàng

Tham khảo thêm