Tam Tòa Thánh Mẫu : Tìm hiểu những thông tin chi tiết nhất

Tam Toa Thanh Mau

Bốn vị Thánh Mẫu cai quản tam tử phủ nhưng Tam Toà Thánh Mẫu lại chỉ có ba vị, vậy ba vị đó là những vị nào. Đó là điều mà chúng ta cần xem xét với các quan điểm khác nhau sau đây:

Chim Phượng 2

Tam Tòa Thánh Mẫu dựa trên thuyết Tam Phủ

Theo khái niệm về tam phủ thì tam phủ gồm có 3 phủ như sau:

  • Thiên Phủ
  • Địa Phủ
  • Thủy Phủ

Tương ứng như vậy sẽ có 3 vị thánh mẫu:

  • Mẫu Thiên Tiên
  • Mẫu Địa Tiên
  • Mẫu Thủy Tiên

Như vậy theo quan điểm này thì Tam Tòa Thánh Mẫu bao gồm:

Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên được thờ riêng ở cung Sơn Trang đó cũng là quan điểm khá phổ biến, nhất là trong khi hát văn thỉnh Tam Toà Thánh Mẫu trong nghi lễ hầu bóng.

Quan điểm này cũng được thể hiện thông qua cách thức viết sở trong tin ngưỡng tử phủ, khi đó cách thức thỉnh đến tam tòa thánh mẫu trong các sở Tử Phủ, sở Lễ Mẫu là là “Thiên Địa Thủy Tiên Tam Tòa Vương Mẫu”, còn Mẫu Thượng Ngàn thì được thỉnh đến riêng biệt trong sở Sơn Trang.

Tam Tòa Thánh Mẫu dựa trên đồng nhất Thiên Phủ với Địa Phủ

Trong quan điểm này thì Mẫu Thiên Tiên được đưa lên hàng danh dự, giống như Ngọc Hoàng Thượng Đế. Lý do vì Mẫu Thiên Tiên ngự ở trên ngôi cao và vì thế khoảng không gian xa cách với con người nhiều hơn so với Mẫu Địa Tiên, Mẫu Thủy Tiên và Mẫu Nhạc Tiên. Khi đó Mẫu Địa Tiên Liễu Hạnh sẽ thay mặt Mẫu Thiên Tiên trong điện thần Tử Phủ. Theo quan điểm này thì:

  • Mẫu Cửu trùng Thanh Vân được thờ riêng ngoài trời với danh hiệu Mẫu Bán Thiên.

Tam Tòa Thánh Mẫu khi đó gồm:

  • Mẫu Liễu Hạnh vừa là thiên thần vừa là nhân thần thông tri tam giới quản cai tiên cung, ngôi Đệ Nhất Thiên Tiên
  • Sơn Lâm Công Chúa – Lê Mại Đại Vương quản trưởng sơn trang, ngôi Đệ Nhị Thượng Ngàn
  • Xích Lân Công Chúa quản cai thuỷ cung Ngôi Đệ Tam

Đây là quan điểm phổ biến nhất trong việc thờ tự hiện nay Tam Toà Thánh Mẫu với ba ngôi vị được xếp theo thứ tự thiên nhạc thoải (từ trên cao xuống thấp về mặt không gian).

Tam Tòa Thánh Mẫu dựa trên đồng nhất Địa Phủ với Nhạc Phủ

Quay trở lại với khái niệm Tam Phủ thì Tam Phủ bao gồm 3 phủ là:

  • Thiên Phủ
  • Địa Phủ
  • Nhạc Phủ

Theo khái niệm của Tứ Phủ thì Tử Phủ bao gồm 4 phủ là:

  • Thiên Phủ
  • Địa Phủ
  • Thủy Phủ
  • Nhạc Phủ

Nếu xét rộng khái niệm Địa Phủ thì Địa Phủ trong khái niệm Tam Phủ đã bao gồm cả Địa Phủ và Nhạc Phủ trong khái niệm Tứ Phủ. Bởi lẽ Thiên Phủ thuộc về Thượng Nguyên vốn là cõi ở trên cao, trong khi đó cả Địa Phủ và Nhạc Phủ đều thuộc Trung Nguyên là nơi con người sinh sống, còn Hạ Nguyên là Thủy Phủ là cõi ở thấp nhất.

Theo quan điểm này thì tam tòa thánh mẫu bao gồm:

  • Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên Thanh Vân
  • Mẫu Đệ Nhị: Địa Tiên Liễu Hạnh Công Chúa và Nhạc Tiên Sơn Lâm Công Chúa
  • Mẫu Đệ Tam: Thủy Tiên Long Nữ

Như vậy theo quan điểm này sẽ có sự bao quát hơn, đó là tam toà Thánh Mẫu chính là cả bốn vị Mẫu. Bởi lẽ, xét về tâm linh thì bốn vị Mẫu chính là đại diện cho một vị Thánh Mẫu duy nhất đó là người mẹ của tâm linh. Tam toà không chỉ nói về số lượng, số đếm thông thường mà còn nói về sự bao quát, đầy đủ mà người xưa đã xây dựng; Số ba có thể nói là một số thiêng chúng ta thấy có Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), Tam thời (Quả khử, Hiện tại, Tương lai), Tam vô lậu học (Giới, Định, Tuệ)… ngoài ra thì người phương đông cũng thường dùng số lẻ mà không dùng số chẵn. Với quan niệm số lẻ là sự cân bằng âm dương (số lẻ là tổng của số lẻ và số chẵn)

Xét về mặt lịch sử có lẽ tam toà Thánh Mẫu xuất phát từ tục thờ tam phủ ứng với ba vị Mẫu Thiên Địa Thoải, mặc dù tín ngưỡng sau này đổi thành tử phủ nhưng tam toà Thánh Mẫu vẫn không đổi. Đó là biểu tượng của tam thân Thánh Mẫu, là biểu tượng của quyền năng thâu tóm toàn vũ trụ, mà cũng có thể đơn giản đó là biểu tượng của người mẹ bất diệt trong lòng người dân Việt Nam.

Tam Tòa Thánh Mẫu dựa trên từng trường hợp cụ thể

Theo tác giả một trong những cách giải quyết khác linh hoạt hơn là coi tất cả các cách sắp xếp ở trên đều đúng, tuy nhiên dựa vào cấu trúc ở từng điện thờ mà ta áp dụng một cách hợp lý nhất. Xin phân ra làm các trường hợp cụ thể như sau:

Trường hợp 1:

Nếu ban thờ Mẫu chỉ có một tượng duy nhất (trường hợp này có thể thấy ở các ngôi chùa có ban thờ Mẫu đơn giản) thì bức tượng Thánh Mẫu duy nhất đó là đại diện cho cả 4 vị Thánh Mẫu thuộc Tử Phủ.

Trường hợp 2:

Nếu ban thờ Mẫu chỉ có ba tượng Thánh Mẫu, ngoài ra không có ban Sơn Trang và ban thờ ngoài trời thì Tam Tòa Thánh Mẫu khi đó được hiểu theo hai cách như sau:

Cách 1: Đồng nhất Nhạc Phủ với Địa Phủ

  • Mẫu Đệ Nhất: Mẫu Thiên Tiên
  • Mẫu Đệ Nhị: đại diện cho cả Mẫu Nhạc Tiên và Mẫu Địa Tiên (do Nhạc Phủ và Địa Phủ cùng thuộc về Địa Phủ, hay chính xác hơn thì Nhạc Phủ là một phần của Địa Phủ)
  • Mẫu Đệ Tam: Mẫu Thủy Tiên

Cách 2: Đồng nhất Thiên Phủ với Địa Phủ

  1. Mẫu Đệ Nhất: đại diện cho cả Mẫu Thiên Tiên và Mẫu Địa Tiên (theo cách hiểu là Mẫu Thiên Tiên ngự ở chín tầng mây, và cách xa nơi con người sinh sống nên Mẫu Thiên Tiên đã ủy quyền hành của mình cho Mẫu Địa Tiên trong điện thờ Tứ Phủ)
  2. Mẫu Đệ Nhị: Mẫu Nhạc Tiên
  3. Mẫu Đệ Tam: Mẫu Thủy Tiên

Kết luận: Theo cả hai cách như trên thì Tam Tòa Thánh Mẫu tuy là ba vị nhưng lại là đại diện cho cả 4 vị Thánh Mẫu thuộc Tử Phủ.

c) Trường hợp 3

Nếu ban thờ Mẫu có ba tượng Thánh Mẫu, ngoài ra còn có ban Sơn Trang, nhưng lại không có ban thờ Thiên ở ngoài trời thì Tam Tòa Thánh Mẫu khi đó được hiểu như sau:

  • Mẫu Đệ Nhất: Mẫu Thiên Tiên
  • Mẫu Đệ Nhị: Mẫu Địa Tiên
  • Mẫu Đệ Tam: Mẫu Thủy Tiên
  • Mẫu Đệ Tứ: Mẫu Nhạc Tiên được thờ ở cung Sơn Trang.

d) Trường hợp 4

Nếu ban thờ Mẫu có ba tượng Thánh Mẫu, ngoài ra còn có ban thờ Thiên ở ngoài trời, nhưng lại không có ban Sơn Trang thì Tam Tòa Thánh Mẫu khi đó được hiểu như sau:

  • Mẫu Đệ Nhất: Mẫu Địa Tiên Liễu Hạnh Công Chúa
  • Mẫu Đệ Nhị: Mẫu Nhạc Tiên Sơn Lâm Công Chúa
  • Mẫu Đệ Tam: Mẫu Thủy Tiên Xích Lân Công Chúa
  • Mẫu Thiên Tiên được thờ ở ban thờ Thiên ngoài trời.

d) Trường hợp 5

Nếu ban thờ Mẫu có ba tượng Thánh Mẫu, ngoài ra còn có cả ban Sơn Trang và ban thờ Thiên ở ngoài trời thì Tam Tòa Thánh Mẫu khi đó được hiểu như sau:

  • Mẫu Đệ Nhất: Mẫu Thiên Tiên
  • Mẫu Đệ Nhị: Mẫu Địa Tiên
  • Mẫu Đệ Tam: Mẫu Thủy Tiên
  • Mẫu Đệ Tứ: Mẫu Nhạc Tiên được thờ ở ban Sơn Trang
  • Mẫu Cửu Thiên Huyền Nữ hoặc Mẫu Bán Thiên Mão Dậu được thờ ở ban thờ Thiên ngoài trời.

Kết luận chung cho tất cả các trường hợp trên:

Cho dù cách bày biện trong điện thờ Tứ Phủ có như thế nào đi chăng nữa, dù các tượng được sắp đặt đơn giản hay phức tạp đến đâu thì tượng của các vị Thánh Mẫu cũng luôn luôn đại diện cho cả 4 vị Thánh Mẫu thuộc Tử Phủ là: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thủy và Mẫu Nhạc.

Tam Tòa Thánh Mẫu theo quan điểm của tác giả

Mặc dù có nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau về Tam Tòa Thánh Mẫu, tuy nhiên theo tác giả vẫn cần phải lựa chọn ra một quan điểm hợp lý, thống nhất và logic nhất về khái niệm này. Theo tác giả việc xác định khái niệm Tam Tòa Thánh Mẫu phải dựa vào những nguyên tắc cơ bản như sau:

  • Cách thỉnh mẫu trong bản văn cúng
  • Cách bài trí tượng thờ tam tòa thánh mẫu
  • Nghi thức thỉnh mẫu trong hầu đồng
  • Sắp xếp thứ tự các phủ trong Tín Ngưỡng Tứ Phủ.

Ngoài ra khái niệm về Tam Tòa Thánh Mẫu cũng phải đảm bảo được cả hai nguyên tắc sau:

  • Tử Phủ phải bao gồm 4 phủ, do đó Tử Phủ phải có 4 mẫu: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thủy và Mẫu Nhạc.
  • Mẫu Liễu Hạnh là vị thần tối quan trọng trong Tín ngưỡng Tứ Phủ, và đứng ở vị trí thần chủ của Tín ngưỡng Tứ Phủ.

Bây giờ chúng ta sẽ dựa trên lập luận để xây dựng lên một quan điểm thống nhất về Tam Tòa Thánh Mẫu sao cho đáp ứng được đầy đủ các nguyên tắc đã nên ở trên.

Tứ Phủ phải có 4 vị Thánh Mẫu

Đây là nguyên tắc tối quan trọng, và cũng là nền tảng cơ bản để xây dựng lên tin ngưỡng Tứ Phủ. Tử Phủ gồm có 4 Phủ là Thiên Phủ, Địa Phủ, Thủy Phủ và Nhạc Phủ. Như vậy thì mỗi Phủ cũng phải có một vị Thánh Mẫu, tức là:

  • Thiên Phủ phải có Mẫu Thiên
  • Địa Phủ phải có Mẫu Địa
  • Thủy Phủ phải có Mẫu Thủy
  • Nhạc Phủ phải có Mẫu Nhạc.

Nếu không đảm bảo nguyên tắc Tứ Phủ tương ứng với 4 vị Thánh Mẫu thì tin ngưỡng Tứ Phủ mất đi tính logic ngay từ ban đầu.

Nói cách khác nếu quan điểm chỉ có ba vị Thánh Mẫu thì sẽ bất hợp lý về cấu trúc của Tử Phủ, và sự bất hợp lý đó sẽ làm cho Tin ngưỡng Tử Phủ trở lên không thống nhất và bị mất cân đối. Quan điểm về bốn vị Thánh Mẫu đứng đầu bốn Phủ cũng được thể hiện qua nhiều tranh thờ dân gian, dưới đây là một số bức tranh thờ minh họa điều đó.

Tranh Tu Phu

Tranh Tứ Phủ

Tam Giáo ( Phật – Đạo – Mẫu) chất liệu gỗ, sơn khoảng cuối Thế kỷ XIX đầu XX

Quan điểm về bốn vị Thánh Mẫu đứng đầu bốn Phủ cũng được thể hiện qua sự bài trí tượng thờ, chẳng hạn như tượng thờ 4 vị thánh mẫu ở đền Công Đồng Tử Phủ thuộc quần thể di tích đền Đồng Bằng (thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình ở xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Trung tam hau cung den Cong Dong Tu Phu

Trung tâm hậu cung đền Công Đồng Tứ Phủ thờ mẫu Thiên Tiên (phía trên mặc áo đỏ) và mẫu Địa Tiên (phía dưới mặc áo vàng)

Hai ben hau cung den Cong Dong Tu Phu

Hai bên hậu cung đền Công Đồng Tứ Phủ thờ mẫu Nhạc Tiên (phía bên trái mặc áo xanh) và mẫu Thủy Tiên (phía bên phải mặc áo trắng)

Tương tự, quan điểm về bốn vị Thánh Mẫu đứng đầu bốn Phủ cũng được thể hiện qua sự bài trí tượng thờ ở Cung Mẫu thuộc đền Đồng Bằng (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Trên Cung Mẫu bao gồm 4 vị thánh mẫu, trong đó ba vị ngồi ngang hàng nhau là Mẫu Thiên (mặc áo màu đỏ), Mẫu Thoải (mặc áo trắng) và Mẫu Nhạc (mặc áo xanh). Ở phía trước ba vị thánh mẫu trên là Mẫu Địa (mặc áo vàng), như vậy là có đủ 4 vị thánh mẫu ở Cung Mẫu. Đây là một bằng chứng nữa thể hiện quan điểm có 4 vị Thánh Mẫu thuộc Tử Phủ.

Ngoài ra, quan điểm về bốn vị Thánh Mẫu đứng đầu bốn Phủ cũng được thể hiện qua sự bài trí tượng thờ ở Cung Mẫu thuộc đền Hàn Sơn (thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Có thể nhận thấy sự xuất hiện của cả 4 vị thánh mẫu với phần tô điểm của viền áo lần lượt có các màu đỏ, xanh, trắng, vàng tương tửng với Thiên, Nhạc, Thoải, Địa. Đây là một bằng chứng nữa thể hiện quan điểm có 4 vị Thánh Mẫu thuộc Tử Phú.

Bon vi Thanh Mau tai Cung Mau o den Dong Bang

Bốn vị Thánh Mẫu tại Cung Mẫu ở đền Đồng Bằng

Bon vi Thanh Mau tai Cung Mau o den Han Son

Bốn vị Thánh Mẫu tại Cung Mẫu ở đền Hàn Sơn

Ngoài ra quan điểm về 4 vị Thánh Mẫu còn thể hiện ở trong các khoa cúng Tử Phủ, khoa cúng Mẫu. Trong các khoa cúng thì có hai cách khác nhau để thỉnh các vị thánh mẫu:

Cách thứ nhất là thỉnh lần lượt Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên, sau đó đến Mẫu Đệ Nhị Địa Tiên, Mẫu Đệ Tam Thủy Tiên và Mẫu Đệ Tử Nhạc Tiên

Cách thứ hai là thỉnh Mẫu Thiên Tiên, sau đó là tam tòa thánh mẫu gồm Mẫu Đệ Nhất Địa Tiên, Mẫu Đệ Nhị Nhạc Tiên và Mẫu Đệ Tam Thủy Tiên.

Bên cạnh đó quan điểm về 4 vị Thánh Mẫu còn thể hiện ở trong các bản chầu văn và các nghi thức khác thuộc tín ngưỡng tử phủ.

Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Địa, không phải là Mẫu Thiên

Một số quan điểm cho rằng Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Thiên. Một số quan điểm cho rằng Mẫu Liễu Hạnh vừa là Mẫu Địa, vừa là Mẫu Thiên (kiêm cả hai chức vụ).

Theo tôi cả hai quan điểm trên đều sai. Bằng lập luận logic của mình tôi sẽ chứng minh điều đó.

Thứ nhất

Chúng ta cần phải phân biệt khái niệm thể nào là Mẫu Thiên, thế nào là Mẫu Địa? Theo đúng logic về khái niệm Tứ Phủ thì Mẫu Thiên phải là người đứng đầu và cai quản hệ thống thần linh ở trên trời, trong khi Mẫu Địa là người đứng đầu và cai quản hệ thống thần linh ở mặt đất – nơi mà con người đang sinh sống. Theo đúng khái niệm này thì Mẫu Liễu Hạnh không thể là Mẫu Thiên được, mặc dù Mẫu Liễu Hạnh có nguồn gốc là Thiên Tiên. Theo các sự tích về Mẫu Liễu Hạnh để lại thì Mẫu Liễu Hạnh giảng trần 3 lần, trong đó lần thứ 3 giáng xuống trần với tư cách là một vị Tiên Nữ xuống hạ giới. Theo sự tích kể lại thì Ngọc Hoàng Thượng Đế đã ban cho Mẫu Liễu Hạnh quyền trắc giáng bất thường dưới trần gian, hàm ý là ban quyền hành cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh dưới trần gian – tức là ở chốn Địa Phủ, chứ không phải ban quyền hành cho Mẫu Liễu Hạnh ở chốn Thiên Phủ. Dựa trên logic này thì rõ ràng Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Địa chỉ không phải là Mẫu Thiên.

Thứ hai

Mẫu Liễu Hạnh đã hiển linh nhiều lần ở chốn trần gian, điều đó cũng đã chứng tỏ Mẫu Liễu Hạnh phải là Mẫu Địa. Vì theo nguyên tắc phân quyền thì Mẫu Thiên sẽ cai quản trên thiên đình, Mẫu Địa cai quản ở dưới trần gian. Theo nguyên tắc phân quyền đó thì Mẫu Thiên sẽ không với tay xuống để quản lý ở chốn trần gian được. Trong khi đó Mẫu Địa vốn là vị Thánh Mẫu trực tiếp cai quản Địa Phủ sẽ là vị Thánh có quyền hành lớn nhất nơi trần gian, có quyền hành cai quản trực tiếp. Đó chính là lý do để giải thích cho việc Mẫu Liễu Hạnh đã hiển linh rất nhiều lần ở chốn trần gian như các sự tích đã để lại.

Thứ ba

Một số người có lập luận như sau “Mẫu Thủy là con của Vua Cha Bát Hải Động Đình; Mẫu Nhạc là con của Vua Cha Nhạc Tiên Tản Viên Sơn Thánh; Mẫu Liễu Hạnh là con của Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế, vậy thì Mẫu Liễu Hạnh phải là Mẫu Thiên”. Quan điểm này cũng không đúng vì Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế không phải chỉ có duy nhất một công chúa, thứ hai vì Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế không ban cho Mẫu Liễu Hạnh quyền hành trên Thiên Đình mà lại ban cho Mẫu Liễu Hạnh quyền hành dưới Hạ Giới, như vậy rõ ràng việc kết luận Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Thiên dựa trên lập luận trên là không đủ sức thuyết phục.

Thứ tư

Một số người lại có quan điểm cho rằng “vì Mẫu Liễu Hạnh hiển linh ở chốn trần gian, đã có công phù trợ cho quốc thái dân an, vậy Mẫu Liễu Hạnh xứng đáng ở vị trí Mẫu Đệ Nhất, hay nói cách khác Mẫu Liễu Hạnh phải là Mẫu Thiên”. Quan điểm này một lần nữa tôi cho là không đúng. Vì theo đúng khái niệm về Tứ Phủ thì Tứ Phủ bao gồm 4 miền khác nhau là Thiên – Địa – Thủy – Nhạc, bốn vị Thánh Mẫu ứng với Tử Phủ cũng giống như bốn vị Vua của bốn quốc gia vậy, không thể nói vị này cao hơn vị kia, vì các vị đó ngang nhau về quyền hành ở mỗi khu vực mà mình quản lý. Việc sắp xếp các vị theo thứ tự chỉ là để thuận tiện cho việc thỉnh trong các nghi lễ thờ cúng thôi chứ không có nghĩa là thấp hay cao. Vì vậy nếu coi Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Đệ Nhất thì cũng không có nghĩa rằng Mẫu Liễu Hạnh phải là Mẫu Thiên. Nói cách khác Mẫu Đệ Nhất và Mẫu Thiên không liên quan đến nhau, và quan điểm đã nêu ở trên là không đúng. Và lát nữa tôi sẽ đưa ra một đề xuất trong đỏ Mẫu Liễu Hạnh vẫn là ngôi đệ nhất, nhưng lại không phải là Mẫu Thiên

Thứ năm

Một số người cho rằng Mẫu Liễu Hạnh xuất thân vốn là Thiên Tiên, như vậy Mẫu Liễu Hạnh phải là Mẫu Thiên. Tôi cũng cho rằng điều này không đúng, vì Thiên Tiên và Mẫu Thiên là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Cụ thể thì Thiên Tiên là khái niệm để chỉ vị tiên ở trên trời, trong khi Mẫu Thiên là khái niệm để chỉ vị Thánh Mẫu ở trên trời có quyền hành cai quản các Thiên Tiên, như vậy rõ ràng Mẫu Thiên cao hơn Thiên Tiên hẳn một bậc. Là Thiên Tiên thì không thể là Mẫu Thiên được.

Thứ sáu

Một số người dựa trên sắc phong của các đời vua cho Thánh Mẫu Liễu Hạnh để khẳng định Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Thiên, tôi cho rằng điều này không đúng. Để khẳng định điều này tôi sẽ đưa ra các sắc phong của các đời và chứng minh điều ngược lại”

+ Niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 2 ngày 10 tháng 12, “Sắc Phong Đệ Nhất Liễu Hạnh”, Hiệu Viết Mạ Vàng. Sắc phong này ban cho Mẫu Liễu Hạnh ngôi đệ nhất, tuy nhiên theo lập luận của tôi như đã nói ở trên thì ngôi Đệ Nhất và Mẫu Thiên không liên quan đến nhau. Và lát nữa tôi sẽ đưa ra một đề xuất trong đó Mẫu Liễu Hạnh vẫn là ngôi đệ nhất, nhưng lại không phải là Mẫu Thiên.

+ Minh Mệnh nhị niên ngày 22 tháng 7, “Sắc phong Đế Thích Thiên Đình Liễu Hạnh Công Chúa”. Hoặc Khải Định Nhị Niên ngày 18 tháng 3, “Sắc phong Đế Thích Tiên Đình Ngọc Nữ Liễu Hạnh Công Chúa”. Về sắc phong này chúng ta cần phân tích kỹ chữ “Đế Thích Thiên Đình Liễu Hạnh Công Chúa” thì “Đế Thích Thiên Đình” dùng để chỉ Đức Vua Đế Thích ở trên Thiên Đình, vậy thì cả sắc phong dịch ra có nghĩa Liễu Hạnh là Công chúa con vua Đế Thích trên Thiên Đình. Điều này không đồng nghĩa với việc Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Thiên.

+ Cảnh Hưng năm thứ 44 ngày 16 tháng 5, “Phong Thiên Thượng Tiên Thần nhân gian Thánh Mẫu”. Có người dựa vào đây đưa ra quan điểm rằng Mẫu Liễu Hạnh vừa là Mẫu Thiên vừa là Mẫu Địa, tuy nhiên theo tôi không đúng vì chữ “Thiên Thượng Tiên Thần – Nhân Gian Thánh Mẫu” dịch chính xác là “Thần Tiên Trên Trời – Thánh Mẫu Trần Gian”, như vậy nếu hiểu theo ý nghĩa trên thì thứ tự các câu chữ sẽ không ổn. Nếu ta đảo ngược lại trật tự thì sẽ là “Thánh Mẫu Trần Gian – Thần Tiên Trên Trời”. Như vậy cả hai cách ghi theo trật tự trên đều có nghĩa” Liễu Hạnh là “Thánh Mẫu Trần Gian” và là “Thần Tiên Trên Trời”. Khó có thể hiểu theo nghĩa là “Thánh Mẫu Trần Gian và Trên Trời”. Vấn đề nằm ở chỗ có sự tương xứng như sau” Thiên Thượng tương xứng với Nhân Gian (chỉ cõi trời và đất), Tiên Thần tương xứng với Thánh Mẫu (chi chức danh). Nếu đã là Thánh Mẫu của cả Thiên và Địa rồi thì sự xuất hiện chữ Tiên Thần ở giữa sắc phong là không hợp lý về mặt câu từ. Còn nếu muốn sắc phong Liễu Hạnh là Thánh Mẫu trên Thiên Đình thì sắc phong đáng nhẽ phải là “Thiên Thượng Nhân Gian Thánh Mẫu” hay “Thiên Thượng Thánh Mẫu” và bỏ chữ Tiên Thần đi, như vậy câu chữ mới hợp lý.

+ Ngoài các sắc phong trên thì không còn sắc phong nào khác gây ra sự hiểu nhầm rằng Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Thiên, cho nên tôi xin phép không được đưa ra các sắc phong còn lại ở đây nữa.

Thứ bảy

Mẫu Thiên ngự ở trên Thiên Đình, ngài không giảng phàm, ngài cũng không cai quản ở dưới hạ giới, ngài không hiển linh dưới trần gian, vì vậy mà con người gần như không biết về ngài, sự tích về ngài thì hoàn toàn không có, và đây cũng là một điều hợp lý với ngôi vị Mẫu Thiên. Có thể thấy Tín ngưỡng Tứ Phủ xây dựng lên ngôi vị Mẫu Thiên Tiên là Thanh Vân Công Chúa (Thiên Thanh Công Chúa) nhưng lại rất ít thông tin, không có sự tích về ngài, các đền phủ thờ ngài rất ít, đây cũng là điều rất hợp lý và logic.

Tranh Tho

Thứ tám

Quay lại với một số bức tranh thờ, như bức tranh thờ trên ta nhận thấy trong tranh có đầy đủ 4 vị Thánh Mẫu. Ở phía trên là có ba vị Thánh Mẫu với màu đỏ ở giữa tượng trưng cho Mẫu Thiên, màu xanh bên trái tượng trưng cho Mẫu Nhạc, mà trắng bên phải tượng trưng cho Mẫu Thoải. Phía dưới ba vị Thánh Mẫu chính là Mẫu Địa đang ngồi trên tòa sen.

Chú ý rằng sự xuất hiện của tòa sen ở đây cho thấy Mẫu Địa vừa là Tiên Thánh, lại vừa là Bồ tát, vì vậy Mẫu Địa không thể là vị nào khác ngoài Mẫu Liễu Hạnh. Chú ý rằng Mẫu Liễu Hạnh đã được tặng phong là “Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương” và cũng được sắc phong là “Mã Vàng Bồ Tát”, điều này cho thấy Mẫu vừa là Thần Tiên, vừa là Bồ Tát. Lại thấy rằng Mẫu Liễu Hạnh vừa là Nhân Thần lại vừa là Thiên Thần, Mẫu cũng lại là Bồ Tát để cứu độ chúng sinh, cho nên Mẫu Liễu Hạnh gần gũi với con người trần gian hơn cả, chính vì sự gần gũi này với chốn nhân gian mà Mẫu Liễu Hạnh được đồng nhất với ngôi vị Địa Tiên Thánh Mẫu là hợp lý.

Nhận xét về thứ tự Mẫu trong văn cúng, văn thỉnh và tượng thờ

Có thể nhận thấy sự mâu thuẫn nhau về thứ tự thỉnh Mẫu trong văn cúng, tượng thờ, trong văn thỉnh mẫu cũng như trong thứ tự giả hầu đồng của các vị thánh trong Tử Phủ. Sự mẫu thuẫn đỏ thể hiện ở các điểm như sau:

  • Trong khoa cúng Tử Phủ: thì ngôi vị các Mẫu được thỉnh theo thứ tự là: Thiên – Địa – Thủy – Nhạc.
  • Trong việc bố trí tượng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu thì: Mẫu Đệ Nhất (Màu Đỏ) ở giữa, Mẫu Đệ Nhị (Màu Xanh) ở bên trái và Mẫu Đệ Tam (Màu Trắng) ở bên phải nếu nhìn từ dưới lên. Dựa trên sự phân chia các phủ theo màu sắc thì khi đó thứ tự của các Mẫu theo tượng thờ sẽ là: Thiên – Nhạc – Thủy.
  • Trong văn thỉnh Mẫu ở nghi thức hầu đồng thì thử tự thỉnh mẫu là: Thiên – Địa – Thủy – Nhạc, Mẫu Nhạc (Chúa Sơn Trang) khi đó sẽ là giá đầu tiên tung khăn hầu.
  • Trong nghi thức hầu đồng thì các vị thánh thuộc về thiên phủ luôn ở hàng số 1 (Quan đệ nhất, Chầu đệ nhất, Ông hoàng cả, Cô đệ nhất, Cậu Đệ Nhất); các vị thánh về nhạc phủ luôn ở hàng số 2 (Quan đệ nhị, Chầu đệ nhị, Ông hoàng đôi, Cô đôi, Cậu đôi); các vị thánh về thủy phủ luôn ở hàng số 3 (Quan đệ tam, Chầu đệ tam, Ông hoàng bơ, Cô bơ, Cậu bơ); các vị thánh về địa phủ luôn ở hàng số 4 nhưng ít hơn (Quan đệ tứ, Chầu đệ tứ). Như vậy sắp xếp theo hệ thống thần linh của Tứ Phủ sẽ là Thiên – Nhạc – Thủy – Địa.

Từ những mâu thuẫn trên đòi hỏi chúng ta phải có một quan điểm hợp lý nhất về Tam Tòa Thánh Mẫu để sao cho có thể giải thích và hòa hợp được tất cả những quan điểm ở trên.

Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Địa và là đại diện cho Mẫu Thiên

Như ở phần trên, chúng ta nhận thấy có hai quan điểm chính về thứ tự của các vị thánh mẫu dựa trên bản văn cùng, văn thỉnh mẫu, tượng thờ, … là:

  • Quan điểm 1: Thiên – Địa – Thủy – Nhạc
  • Quan điểm 2: Thiên – Nhạc – Thủy – Địa

Dựa vào đây, theo tác giả khái niệm thống nhất về Tam Tòa Thánh Mẫu như sau sẽ là khái niệm hài hòa nhất, và hợp lý đối với tất cả những vấn đề chúng ta đã đặt ra ở trên đây. Cụ thể quan điểm đó như sau:

“Mẫu Thiên vốn và vị Thánh Mẫu ở xa trên Thiên Đình, vốn không trực tiếp cai quản chốn nhân gian, lại không giáng trần, không có thần tích, và có rất ít thông tin về ngài. Trong khi đó Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Địa, là vị Thánh Mẫu cai quản trực tiếp chốn nhân gian và gần gũi với con người nhiều hơn cả. Hơn nữa Mẫu Liễu Hạnh lại có nguồn gốc là Thiên Tiên, vì vậy Mẫu Thiên ủy thác sự hiện diện và vai trò của mình trong điện thờ Tứ Phủ cho Mẫu Liễu Hạnh. Mẫu Liễu Hạnh là Địa Tiên, nhưng hình ảnh của Mẫu Liễu Hạnh cũng là đại diện cho Mẫu Thiên. Và tôi phải nhấn mạnh lại một lần nữa rằng Mẫu Thiên và Mẫu Liễu Hạnh là hoàn toàn khác nhau, Mẫu Liễu Hạnh không phải là Mẫu Thiên, nhưng Mẫu Liễu Hạnh là đại diện cho Mẫu Thiên trong điện thờ Tứ Phủ. Nếu theo quan điểm này thì Mẫu Liễu Hạnh và Mẫu Thiên cùng ở ngôi vị Mẫu Đệ Nhất. Chính vì thế mà trong tượng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu thì Mẫu Liễu Hạnh luôn mặc áo đỏ và ngồi ở giữa, tuy một Mẫu nhưng mà lại đại diện cho cả hai. Hai bên Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Nhạc và Mẫu Thủy.”

Nếu theo quan điểm trên về Tam Tòa Thánh Mẫu thì chúng nhận thấy rằng vẫn đảm bảo được tất cả những vấn đề mà chúng ta đã đưa ra, cụ thể như sau:

– Thứ nhất: Tứ Phủ vẫn có bốn vị Thánh Mẫu là Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thủy và Mẫu Nhạc.

– Thứ hai: Mẫu Liễu Hạnh ở ngôi vị thần chủ của Tín ngưỡng Tử Phủ, ngài ở vị trí Mẫu Đệ Nhất, tượng của ngài mặc áo màu đỏ và ngài ở vị trí chính giữa của Tam Tòa.

– Thứ ba: trong bài cúng Tử Phủ thì thứ tự thỉnh các Mẫu là: Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thủy và Mẫu Nhạc cũng hoàn toàn hợp lý với quan điểm ngôi đệ nhất thuộc về cả Mẫu Thiên và Mẫu Địa, thỉnh Thiên trước Địa cũng là nguyên lý cơ bản,

– Thứ tư: trong sắp xếp hệ thống các vị thánh của bốn phủ thì Thiên Phủ ở ngôi số 1 là điều hợp lý vì Mẫu Liễu Hạnh là Mẫu Đệ Nhất đại diện cho Mẫu Thiên và Thiên Phủ; Nhạc Phủ ở ngôi thứ 2 là phù hợp với vị trí Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn; Thủy Phủ ở ngôi thứ 3 là phù hợp với vị trí Mẫu Đệ Tam Thủy Phủ; riêng Địa Phủ ở ngôi thứ 4 cũng là hợp lý vì Mẫu Liễu Hạnh vốn đã đại diện cho Thiên Phủ ở ngôi thứ 1.

Thứ năm: quan điểm trên cũng phù hợp với văn thỉnh Tam Tòa Thánh Mẫu như sau:

Thỉnh mời đệ nhất Thiên Tiên
Thanh Vân Công chúa thượng thiên ngự về
Phủ Giầy, Vân Cát thôn quê
Nghĩa Hưng, Thiên Bản, nhà Lê cải trần

***

Thỉnh mời Đệ Nhị Địa Tiên
Vốn xưa hiển thánh trong đền Sòng Sơn
Hình dong nhan sắc khác thường
Giả danh đòi một hoa vương khôn bì

***

Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên
Xích Lân Long Nữ ngự đền thoải cung
Kính Xuyên sớm kết loạn phòng
Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan

Như vậy trong cách thỉnh ở trên thì Mẫu Liễu Hạnh vừa đại diện cho Mẫu Thiên – Thanh Vân Công Chúa, lại vừa chính là Mẫu Địa. Và sau khi thỉnh xong ba ngôi Mẫu Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thủy thì Mẫu Nhạc sẽ được tung khăn hầu với danh hiệu là Chúa Sơn Trang Lê Mại Đại Vương.

Canh hoa trang

Văn thỉnh Tam Tòa Thành Mẫu

Theo các nguồn tài liệu, Tín Ngưỡng Việt sưu tầm được 2 bản văn thỉnh và các Bài Kệ Tán sử dụng trong các giá hầu Mẫu.

Các bạn có thể xem đầy đủ hơn tại bài viết tổng hợp Văn thỉnh Tam tòa Thánh Mẫu

Tiệc mở thung dung
Tiết ngày lành Tiệc mở thung dung
Tam toà tiên thánh, công đồng mẫu giáng đàn duyên.

Đệ nhất thiên tiên
cung thỉnh mời
Mẫu Đệ nhất Thiên Tiên
Thanh Vân công chúa, thượng tiên mẫu giáng trần.

Đô hương xạ nhiệt Pháp giới mông huân.
Chư Phật hải hội tất giáo văn, tuỳ xứ kiết tường vân.
Thành ý phương ân, Chư Phật hiện toàn thân.
Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Maha Tát (3lần)

Xe loan thánh giá hồi cung…

Nhan săc khác thương hình dong nhan sắc khác thường
Giá danh đòi một, khuê hương khôn thì.

A di đà phật chiêm màn, hải ngạt, lô nhiệt, minh hương, da dô tử bộ, lưỡng vô hương hoả.
Tử thắp thanh hương, trí tâm kim cương.
Nhất chú tiến thập phương.

Nam mô tây phương cực lạc, thế giới đại từ đại bi, a di đà phật. (3 lần)

Xe loan thánh giá hồi cung…

Đệ tam thánh tiên
cung thỉnh mời
Mẫu đệ tam thánh tiên
Xích lân thần nữ, Mẫu ngự đền thoải cung

A di đà phật, giới hương đình hương dữ tuệ hương, giải thoát chi kinh hương,

Quang minh vấn đài tiến pháp giới cúng dàng thập phương vô lượng phật
.
Nam mô tây phương cực lạc thế giới đại từ đại bi, a di đà phật. (3 lần)

Xe loan thánh giá hồi cung…

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Tam Tòa Thánh Mẫu

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn tài liệu từ Internet

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen