Quan Đệ Lục : Thần tích và đền thờ Quan Lớn Đệ Lục
Quan Đệ Lục là quan lớn thứ sáu trong số mười quan lớn đã cống hiến cùng Vua Cha Bát Hải Động Đình để chống lại quân xâm lược từ bên ngoài
Mục Lục Bài Viết
Thần tích Quan Lớn Đệ Lục
Quan Lớn Đệ Lục là vị quan lớn thứ 6 trong số 10 vị Quan Lớn đã có công cùng Vua Cha Bát Hải Động Đình đánh giặc ngoại xâm. Tuy nhiên do chiến tranh tàn phá nên hiện nay di tích đền thờ cũng như các sự tích về ngài không còn nữa.
Sự tích Quan Lớn Đệ Lục hiển linh
Tục truyền dưới thời nhà Trần năm Nhâm Thân, nước nhà đang bị ngoại bang xâm lấn, tướng Trần Quang Khải được vua giao trấn giữ cửa ải thượng lưu khu vực Trang Đào Đồng, nay thuộc huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Thế giặc hung hãn làm quân ta suy yếu, để bảo toàn quân lực, tướng Trần Quang Khải bèn cho lui quân về khu hạ Hồng Châu, phủ Hải Dương (Tứ Kỳ Hạ cũ) dọc theo sông Cắt, Thái Bình.
Trên đường rút quân về Tứ Kỳ, đội quân thấy một con rắn lớn bơi dọc theo đội quân,khi đến tới khu Lộng Khê (Tứ Kỳ Hạ), tổng Tất Lại thì tự nhiên phát ra một luồng hào quang ngũ sắc bay về núi Đống Thần gần đó rồi tự nhiên biến mất. Với diện tích núi Đống Thần chừng mười mẫu đất, cây cối mọc um tùm rậm rạp mua mãi xum xuê. Thấy địa thế thuận lợi tướng Trần Quang Khải cho quân nghỉ ngơi đóng quân tại đó. Buổi chiều ngày mùng chín tháng giêng năm Nhâm Thân, triều đình cùng nhân dân tại bản lập đàn linh sơn tú khí về giúp sức. Địa thần làng Lộng Khê đã hiện thân phò vua dẹp tan giặc giữ và có công đầu trấn giữ tám cửa biển phía tây.
Đất nước thái bình nhờ ơn công thần phò trợ, vua ban sắc phong ngài được sắc phong “Đệ Lục Tôn Quan Thượng Thượng đẳng tối linh thần” giao cho nhân dân trong vùng ngày đêm nhang khói phụng thờ.
(Theo: phuday.com)
Phùng Hưng không phải là Quan Lớn Đệ Lục
Theo quan điểm của Giáo hội Hoàng Thiên Tiên Thánh Giáo (đăng trên daomautuphu.com) thì Quan Lớn Đệ Lục cũng chính là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Tuy nhiên theo TS. Bùi Hùng Thắng ( Chủ biên cuốn sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam) thì quan điểm này là không chính xác bởi vì trong Tín ngưỡng Tứ Phủ luôn có một nguyên tắc “các vị vua không được đưa vào hệ thống thần linh của từ phủ”.
Quan điểm này đã được trình bày rõ ở phần đầu của cuốn sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam, về cơ bản có thể hiểu sơ lược nguyên tắc trên như sau: đã là một vị vua thì luôn ở ngôi cao, do vậy tuyệt đối không được xếp vào vị trí là các vị quan trọng tín ngưỡng tử phủ. Xếp một vị vua vào làm một vị quan trọng tử phủ, đó là sự hạ thấp và xúc phạm đến vị vua đỏ. Nên nhớ rằng các vị vua là “thiên tử”, là “con trời” nên các vị vua được xếp cao hơn thần linh và còn có cả quyền sắc phong cho thần linh. Trong khi đó Phùng Hưng là Bố Cái Đại Vương, là một vị vua của Việt Nam, do vậy không thể có chuyện đưa Phùng Hưng trở thành Quan Lớn Đệ Lục được.
Miếu Giáp Lục – Đền thờ Quan Lớn Đệ Lục
Miếu Giáp Lục là nơi thờ Quan Lớn Đệ Lục, tuy nhiên Miếu đã bị phả từ thời giặc Pháp chiếm đóng để làm đồn bốt. Miếu Giáp Lục thuộc thôn Đào Động, xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, xưa kia nằm ở phía bên kia đường so với phía đền Quan Lớn Đệ Nhị hiện nay, vị trí Miếu ở gần khu chợ và cách đền Quan Lớn Đệ Nhị khoảng 500 m.
Xưa kia Miếu Giáp Lục nằm ở giữa Chùa Bèo và Chùa Đông. Tuy nhiên miếu đã bị phá bỏ từ thời giặc Pháp và ngày nay nhà dân đã xây dựng đè lên nền khu Miếu Giáp Lục xưa kia.
Ngày nay đền thờ Quan Lớn Đệ Lục được phối thờ ở hai nơi chính, một là đền thờ Quan Lớn Đệ Lục nằm trên đất Lộng Khê xã Tiên Động, Tứ Kỳ, Hải Dương trên di tích núi Đống Thần cũ, hai là được phối thờ trong quần thể di tích đền Đồng Bằng, Quỳnh Phụ, Thái Bình.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Quan Đệ Lục.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
- https://phuday.com/quan-lon-de-luc.html
- Các nguồn trên internet khác
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm