Nữ Tướng Lê Chân
Mục Lục Bài Viết
Lịch sử về Nữ Tướng Lê Chân
Lê Chân (? – 43), là nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà được coi là người có công khai khẩn lập nên vùng đất đời sau phát triển thành thành phố Hải Phòng ngày nay.
Tương truyền bà quê làng An Biên (tên cổ là làng Vẻn), huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn An Biên, xã Thủy An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Theo thần tích đền Nghè, cha Lê Chân là Lê Đạo và mẹ là Trần Thị Châu. Bà là người có nhan sắc, giỏi võ nghệ lại có tài thơ phú nên tiếng đồn đến tại thái thú nhà Hán là Tô Định. Tô Định toan lấy bà làm thiếp nhưng bị cha mẹ bà cự tuyệt, theo truyền thuyết, chính vì thế họ đã bị sát hại. Lê Chân phải bỏ quê theo đường sông xuôi xuống phía Nam, đến vùng An Dương, cửa sông Cấm, thấy địa hình, đất đai thuận lợi bà dừng lại lập trại khai phá. Cùng với thân quyến và người làng mà bà cho đón ra, Lê Chân phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm và đánh bắt thủy hải sản tạo nên một vùng đất trù phú. Nhớ cội nguồn, bà đặt tên vùng này là An Biên trang. Cùng với phát triển sản xuất, bà chiêu mộ trai tráng để luyện binh và được sự ủng hộ của nhân dân quanh vùng. Binh sỹ của Lê Chân được huấn luyện chu đảo và có sở trường về thủy trận. Năm 40, khi Hai Bà Trưng dấy binh, bà đem theo binh lính gia nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Trong các trận đánh, bà thường được cử làm nữ tướng quân tiên phong, lập nhiều chiến công. Sau khi thu phục 65 thành, Tô Định phải lui về nước, bà được Trứng Vương phong là Thánh Chân công chúa, giữ chức chưởng quản binh quyền nội bộ, đứng ra tổ chức, luyện tập quân sĩ, tăng gia sản xuất. Năm 43, Mã Viện lại đưa quân sang xâm lược, quân Hai Bà Trưng chống cự không nổi, hai Bà trầm mình xuống Hát Giang tự vẫn. Lê Chân cũng mất năm đó nhưng về cái chết của bà, theo truyền thuyết, có một số giả thiết sau:
- Bà trầm mình theo Hai Bà Trưng tự vẫn.
- Bà hy sinh khi chiến đấu tại vùng núi thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hoặc trầm mình tự vẫn sau những cuộc chiến đấu ở vùng này.
- Sau khi chống quân Mã Viện ở vùng sông Bạch Đằng không thành công, bà phải lui về hồ Tây rồi Mai Động, Hà Nội và hy sinh ở đây.
Theo truyền thuyết dân gian, trong các lễ hội, ngày 8 tháng 2 âm lịch là ngày sinh và 25 tháng 12 âm lịch là ngày mất của Lê Chân.
Các vua đời sau cũng có chiếu phong bà là Thượng đẳng phúc thần công chúa.
Đền Nghè – thờ Nữ Tướng Lê Chân
Đền Nghè nằm ở trung tâm thành phố Hải Phòng, thuộc phường Mê Linh (nay là phường An Biên, quận Lê Chân). Đền Nghè là di tích lịch sử văn hóa thờ nữ tướng Lê Chân – vị tướng giỏi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thế kỷ 1 (40 – 43), đã đến vùng đất ngã ba sông Tam Bạc – sông Cấm, lập ấp Vẻn, sau đổi là An Biên Trang, tiền thân của Tp. Hải Phòng sau này. Ngôi đền cũng kết hợp với việc thờ Tín ngưỡng Tứ Phủ. Ngôi đền là tổng thể di tích lịch sử gồm voi – ngựa đá, sập đá, bia đá và các toà kiến trúc xinh xắn với qui mô vừa phải nhưng từ lâu đã trở thành một trong số những di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng của địa phương.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Nữ Tướng Lê Chân.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
- Các nguồn tài liệu từ Internet
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Xem thêm thần tích Hệ Thống Nữ Thần Phối Thờ Cùng Tứ Phủ:
- Chúa Đệ Nhất Tây Thiên
- Chúa Đệ Nhị Nguyệt Hồ
- Chúa Đệ Tam Lâm Thao
- Chúa Thác Hòa Bờ
- Chúa Long Giao
- Bà Chúa Cà Phê
- Chúa Ba Nàng
- Chúa Bà Tộc Mọi
- Chúa Bà Ngũ Phương
- Chúa Bà Đá Đen
- Bà Chúa Kho
- Bà Lớn Tuần
- Công Chúa Ngọc Hân
- Bà Chúa Lộc
- Bà Chúa Vực
- Chúa Bắc Hà
- Chúa Bà Ngũ Hành
- Quế Nương và Thị Nương
- Chúa Bà Thừa Thiên Công Chúa