Chúa Thác Bờ : Tìm hiểu đầy đủ về Chúa Thác Hòa Bình

Chúa Thác Bờ là ai? Đền thờ ở đâu và hầu giá Chúa Thác Hòa Bình như thế nào?…sẽ được Tín Ngưỡng Việt giải đáp trong bài viết này.

Cảnh thanh xuân chiều quang mây tỏ
Chúa thác bờ tiên nữ giáng sinh
Họ mường áo trắng đai xanh
Lưng đeo xà tích bên mình túi dao

Chim Phượng 2

Sơ lược về Chúa Thác Bờ

Chua Thac Bo

Nguồn gốc: Con gái của một tộc trưởng người Mường ở xã Kim Bôi, Hòa Bình

Danh hiệu: Chúa Thác Bờ

Phủ/ nơi cai quản: Vùng đất người Mường ở Hòa Bình

Trang phục/Màu sắc:

  • Áo trắng, quần đen
  • Đeo dây đai xanh
  • Bên hông có xà tích bạc

Ngày tiệc: 1/4 hoặc 12/4 âm lịch

Canh hoa trang

Sự tích Chúa Thác Bờ

Bà vốn là người Mường, sinh quán ở đất Hòa Bình dưới thời nhà Lê (có người nói là thời Trần). Chúa Thác Bờ tên thật là Đinh Thị Vân, con gái một gia đình tộc trưởng người Mường ở Kim Bôi, Hòa Bình. Chúa xưa vốn là tiên nữ, giáng sinh vào nhà họ Đinh, sau này, đất nước gặp cơn loạn lạc, bà đã tập hợp dân Mường liên kết với các dân tộc khác ở vùng đất Hòa Bình, đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Sau khi đã đánh đuổi được bọn ngoại xâm, bà được triều đình giao cho cai quản vùng đất Mường ở Hòa Bình.

Tương truyền vào khoảng năm 1430 – 1432, vua Lê Lợi niên hiệu Thuận Thiên đem quân đi dẹp loạn giặc Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ, Sơn La. Khi vua Lê Lợi kéo quân đến khu vực Thác Bờ thì thấy giữa dòng nước xoáy phía trước là một thác nước hiểm trở xô bọt trắng trời, với muôn vàn mỏm đá lởm chớm nên đoàn quân không thể tiến lên được.

Lúc bấy giờ ở xã Hào Tráng có cô gái người dân tộc Mường tên là Đinh Thị Vân và cô gái người dân tộc Dao (không rõ tên) ở xóm Mỏ Né, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc đứng lên vận động trai tráng trong bản lên rừng xẻ ván, đóng thuyền độc mộc, kêu gọi nhân dân chặt nửa kết thành bè mảng, góp lương thực, thực phẩm cho nhà vua nuôi quân và chở giúp quân sĩ qua Thác Bờ đi đánh giặc.

Trên đường chiến thắng trở về, vào tháng 3 năm Nhâm Tý (1432) vua Lê Lợi dừng chân ở Thác Bờ. Nhà vua dừng lại làm lễ khao quân ngay tại Thác Bờ và hai cô lại vận động bà con trong bản góp cơm lam, thịt muối chua, rượu cần, múa hát điệu thường rang, bọ mẹng, ném còn, múa xoè để liên hoan mừng chiến thắng.

Tại đây bà giúp dân ổn định cuộc sống, dạy nhân dân lên rẫy làm nương, xuống sông Đà thả lưới đánh bắt cá. Tương truyền Chúa Thác còn là người giúp dân trị thủy, chế ngự con sông Đà cuồn cuộn sáng hung dữ. Khi thanh nhàn, chúa lại một mình trên chiếc thuyền độc mộc, chèo từ Bến Ngọc, Sông Đà đi du ngoạn khắp các thắng cảnh.

Về sau khi hai bà mất, hai bà thường hiển linh và giúp đỡ mọi người mỗi khi vượt qua thác ghềnh hiểm trở. Từ đó nhân dân đã phong cho hai bà là bà chúa Thác Bờ. Vua đã ban chiếu chỉ cho dân trong vùng lập đền thờ hai bà.

Su tich Chua Thac Bo

Đền thờ Chúa Thác Bờ

Đền Thác Bờ

Đền Chúa Thác Bờ là địa danh thắng cảnh hàng năm được rất đông du khách đến chiêm bái, được lập ở thị xã Hòa Bình, ngay trên hòn đảo giữa dòng sông Đà. Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính thì hiện nay Đền Thác Bờ toạ lạc trên dải đất của hai huyện là Đà Bắc và Cao Phong, tỉnh Hoà Bình.

Năm 1979 công trình Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình trên Sông Đà được khởi công xây dựng. Do nước dâng cao, ngôi đền đã phải di rời lên sườn núi ngay cạnh bờ sông. Qua nhiều lần tu sửa đến năm 2000, ngôi đền được nâng cấp xây dựng khang trang như hiện nay. Ít ai biết rằng, đền thờ chúa Thác Bờ (Hòa Bình) đã phải di chuyển tới 10 địa điểm, cứ khi nào nước sông Đà dâng, người dân lại di chuyển đền lên địa thế cao.

Trước đây khi đập thủy điện chưa làm thì đền thờ chúa Thác Bờ được xây dựng bên dòng sông Đà, bên quốc lộ 6 đi ngang qua. Nhưng từ khi người ta ngăn sông làm thủy điện thì toàn bộ con đường số 6 cũ và ngôi đền nằm dưới lòng sông Đà. Khi đó ngôi đền được làm bằng vôi mật với 3 mái vòm rất đẹp. Tính tổng cộng đền chúa Thác Bờ đã di chuyển 10 lần. Lần cuối chỉ kịp di chuyển những bảo vật từ xưa để lại, còn toàn bộ ngôi đền nằm dưới lòng hồ sông Đà. Có hai thứ quý giá nhất của đền cũ để lại là hai pho tượng bằng đồng và một chiếc chuông cổ có niên đại từ thời Thành Thái.

Đền Thác Bờ phía tả ngạn

Đền nằm trên đỉnh đồi Hang Thần có tổng diện tích trên 1 ha, thuộc xóm Phổ Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc. Phía Đông và phía Tây giáp khu dân cư xóm phố Bờ; Phía Nam giáp lòng hồ Sông Đà, phía Bắc giáp một phần lòng hồ Sông Đà và dãy núi của xã.

Từ dưới bến thuyền du khách phải leo qua hơn 100 bậc sau đó theo một triền dốc thoải là vào đến khu vực đền. Qua nhiều lần trùng tu đền được xây dựng lại vào ngày 15/4/1993 với kiến trúc như hiện nay. Gồm 3 gian, mải đền bằng bê tông cốt thép, được thiết kế theo kiểu vòm cuốn.

Den Thac Bo phia ta ngan

Đền Thác Bờ phía hữu ngạn

Đền toạ lạc trên sườn đồi Sầm Lông, thuộc xóm Đền, xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Trước đây Đền Thác Bờ được xây dựng, ngay dưới chân Thác Bờ với nguyên vật liệu chỉ là tranh tre, nứa lá.

Đền thờ bà Chúa Thác Bờ ngoài ra trong đền hiện nay các vị thần, thánh trong tín ngưỡng dân gian người Việt cũng được nhà đền đưa vào thờ trong đền như: Ban thờ Cộng đồng quan lớn, Ngũ vị Tôn ông; Ban thờ bà chúa Sơn Trang (Động Sơn Trang); Ban thờ Tứ phủ Thánh cô, Tứ phủ Thánh cậu; Ban thờ Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn; Ban thờ Tứ phủ Chầu bà; Ban thờ Tam toà Đức Thánh Mẫu, …

Den Thac Bo phia huu ngan

Động Tiên – Động Thác Bờ

Ngoài Đền Thác Bờ còn có một nơi còn lưu lại thánh tích rõ ràng nhất của Chúa Thác Bờ là Động Tiên nằm sừng sững giữa dòng sông Đà cuộn sóng.

Cửa vào động Thác Bờ khá lớn, cao đến 30m với những khối đá có hình thù hết sức đặc biệt. Trong lòng động khá rộng, sâu hơn 100m với nhiều vách đá, nhũ đá có vân khá đẹp đã được hình thành qua nhiều năm tháng. Lòng động Thác Bờ khá gập ghềnh, nhấp nhô chỗ thấp chỗ cao.

Dong Thac Bo

Hầu giá Chúa Thác Bờ

Chúa Thác Bờ rất hay ngự về đồng, thông thường Chúa Thác thường hay ngự về sau Chầu Đệ Tam (vậy nên có người lại gọi là Chầu Thác Bờ nhưng đôi khi có người lại hầu Chúa Thác sau Chúa Mường Đệ Tam Lâm Thao hoặc hầu chúa sau Chầu Bé Thượng), nhưng Chúa Thác Bờ thường hay ngự về hơn Chầu Đệ Tam và có khi người ta không thỉnh Chầu Đệ Tam mà thỉnh luôn chúa về chứng tòa Sơn Trang màu trắng rồi thả cá phóng sinh trong đại lễ khai đàn mở phủ. Chúa ngự về đồng thường mặc áo trắng, quây đen, đai xanh, bên hông có xà tích bạc, chúa về khai cuông rồi một tay cầm chèo, một tay cầm mồi, bẻ lái dạo chơi trên sông Đà.

Hau gia Chua Thac Bo

Các bản văn Chúa Thác Bờ

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 5 bản văn Chúa Thác Bờ.

Trích đoạn

Sông Đà nước chảy rì rào
Sau đền đá mọc thấp cao mấy tầng
Cảnh thanh tân thiều quang soi tỏ
Chúa Thác Bờ tiên nữ giáng sinh

Họ Mường áo trắng đai xanh
Lưng đeo xà tích bên mình dao quai
Đôi mắt phượng hoa cài trâm giắt
Vầng trán xinh vẻ mặt càng tươi

Môi son nở đoá hoa cười
Thanh tân lịch sự nét ngời thu ba
Tóc rườm rà rẽ đôi cánh phượng
Nét cong cong uốn lượn đường tơ
Xinh xinh để liễu thẫn thờ

Xem đầy đủ các bản văn Chúa Thác Bờ

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Chúa Thác Bờ.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn tài liệu từ Internet

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Hệ Thống Nữ Thần Phối Thờ Cùng Tứ Phủ: