Quan Đệ Tứ : Những thông tin về Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai

Quan Đệ Tứ Khâm Sai, vị thần cai quản Tứ Phủ, là một trong Ngũ Vị Tôn Ông, được sắc phong là Thiên Hựu Đại Vương Thượng Đẳng Tối Linh Thần. Ông trấn giữ đồng bằng địa linh, ngự trên Thiên Đình, biên chép sổ sách sinh tử, có vai trò quan trọng trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ngày khánh tiệc của ngài là 24/4 Âm lịch.

Bài viết này sẽ giới thiệu về sự tích, danh hiệu, trang phục, đền thờ và các bản văn chầu Quan Đệ Tứ, giúp bạn hiểu rõ hơn về vị thần quyền uy này.

Chuyển quan san trên trời dưới đất
Quản thông tri phép phật truyền ra
Cầu ô bắc sông Ngân Hà
Liệt hàng tinh tú bày ra ngang trời

Sơ lược về Quan Lớn Đệ Tứ

Danh hiệu: Quan Đệ Tứ Khâm Sai

Sắc phong: Thiên Hựu đại vương thượng đẳng tối linh thần.

Phủ/ nơi cai quản:

  • Quyền cai Tứ Phủ
  • Trấn giữ đồng bằng địa linh
  • Ngự trên Thiên Đình: Biên chép sổ sách sinh tử

Ngày khánh tiệc: 24/4 Âm Lịch

Trang phục:

  • Áo vang thêu rồng
  • Đeo hổ phù
  • Mạng Vàng
  • Đai Vàng

Đền thờ: Đền Quan Đệ Tứ (Hải Phòng)

Quan Đệ Tứ Khâm Sai là ai?

Quan Đệ Tứ Khâm Sai, người cai quản Tứ Phủ, đứng thứ tư trong Ngũ vị Tôn Ông, trấn giữ đồng bằng địa linh. Ông ngự trên Thiên Đình, biên chép sổ sách sinh tử, được sắc phong là Thiên Hựu đại vương thượng đẳng tối linh thần.

Theo Thần tích Đền Đồng Bằng, thời Hùng Vương thứ 18, giặc ngoại xâm lấn, Hùng Duệ Vương lo lắng, bèn hỏi kế Sơn Thánh. Sơn Thánh mách vua triệu kỳ nhân ở Hoa Đào trang. Sứ giả đến nơi, thấy Hoàng Xà hóa thành chàng trai tuấn tú, tên Vĩnh Công, tức Vua Cha Bát Hải. Vĩnh Công nhận chỉ dụ, hứa đánh tan giặc trong 3 ngày.

Ngày đầu tuyển mộ, Vĩnh Công chọn được 3 tướng: Quan lớn Thượng, Quan Đệ Tam và Quan Đệ Tứ. Dưới sự chỉ huy của Vua Cha Bát Hải, Quan Đệ Tứ cùng các tướng lập chiến công, đuổi giặc khỏi Văn Lang.

Có tài liệu nói rằng sau này, Quan Đệ Tứ giáng sinh ở Chí Linh, Hải Dương, phù giúp nhà Trần, nhà Lê, được gọi là vị quan kiêm tri đôi nước.

Ngày tiệc của ngài là 24/4.

Quan Lớn Đệ Tứ không đại diện cho âm ti địa phủ

Một số tài liệu cho rằng “Quan Lớn Đệ Tứ khâm sai tử phủ đại diện cho con người dưới cõi âm ti địa ngục”. Tác giả xin nhấn mạnh lại rằng quan điểm trên là không đúng vì những lý do sau:

Thứ nhất:

Trong các bản sự tích, văn chầu thì không một bản nào nói rằng Quan Lớn Đệ Tứ đại diện cho âm ti địa phủ.

Thứ hai:

Trở lại với khái niệm cơ bản của Tứ Phủ thì Phủ ở đây dùng để chỉ nơi làm việc của các quan trong triều đình, Tứ ở đây để chỉ 4 miền khác nhau. Theo đó thì Thiên Phủ là Phủ làm việc của các chư vị thần linh ở cõi trời, Địa Phủ là Phủ làm việc của chư vị thần linh cai quản cõi đất vùng đồng bằng, Thủy Phủ là Phủ làm việc của chư vi thần linh cai quản miền sông nước biển cả, và Nhạc Phủ là Phủ làm việc của chư vị thần linh cai quản miền rừng núi. Quan Lớn Đệ Tứ mặc áo vàng, thuộc về Địa Phủ, nhưng Địa Phủ ở đây không phải là âm ti địa phủ mà là Phủ làm việc của các chư vị thần linh cai quản miền đất đai, vùng đồng bằng

Hầu giá Quan Lớn Đệ Tứ như thế nào?

Trong tòa quan lớn, Quan Lớn Đệ Tứ Khâm Sai ít khi giáng đồng, chỉ khi có đại lễ mới thỉnh ông về. Khi văn hát thỉnh, ngài ra tay dấu bốn ngón, mặc áo vàng thêu rồng, hổ phù; nét vàng, mạng vàng, đai vàng; làm lễ khai quang, chứng sở điệp.

Khi mở phủ khai đàn, người ta thỉnh Quan Đệ Tứ về chứng đàn Địa Phủ gồm long chu phượng mã, tượng phục, nghê quỳ… tất cả đều màu vàng.

Ngài là vị quan Khâm sai cai quản Tứ phủ, khi ngự đồng chỉ làm việc chính như chứng sớ, kiểm lại sở Tứ phủ, không múa kiếm trừ khi mở phủ kiêm tri đôi nước. Ngài không ngự vui, làm xong là xe giá, vì vậy không phải ai cũng được loan giá Ngài về đồng.

Đền thờ Quan Đệ Tứ ở đâu

Đền thờ Quan Đệ Tứ nằm ở Khu Phố Đông Thái, Thị Trấn Vĩnh Bảo, Huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Đền dự kiến xây dựng cùng Đền Đồng Bằng, nhưng nhiều lần xây đều hỏng. Sau chọn địa điểm ở Vĩnh Bảo, đền mới xây được.

Đền có gốc tích từ thời Vua Hùng, nhưng bị phá hủy do chiến tranh. Khi xây lại, Quan Đệ Tứ đã hóa Hoàng Xà về chứng giám. Ảnh chụp Hoàng Xà vẫn còn ở đền.

Ảnh chụp Hoàng Xà xuất hiện khi xây dựng đền Quan Đệ Tứ

Đền gồm Ban Công Đồng ở giữa, cung phải thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, cung trái thờ Đức Thánh Trần, hậu cung thờ Quan Đệ Tứ. Ngoài sân có Lầu Cô, Lầu Cậu và thờ Ngũ hổ.

Ngoài ra, Quan Đệ Tứ được thờ ở hầu hết các phủ đền trong Năm Tòa Ông Lớn, ông ngồi bên trái Quan Giám Sát hoặc bên phải Quan Tam Phủ.

Các bản văn Quan Đệ Tứ Khâm Sai

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 2 bản văn chầu Quan Đệ Tứ.

Trích đoạn

“Tiệc bàn loan thỉnh mời Quan Đệ tứ
Vốn con trời cai ngự thiên cung
Bảng vàng choi chói vua phong
Quyền Quan Đệ Tứ uy hùng dậy vang

Chuyển quan san trên trời dưới đất
Quản thông tri phép Phật truyền ra
Cầu ô bắc sông Ngân Hà
Liệt hàng tinh tú bày ra ngang trời
..”

Xem chi tiết các bản văn Quan Đệ Tứ

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Quan Lớn Đệ Tứ.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Sách Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ chốn thiêng nơi cõi thực – TS Trần Quang Dũng
  • Các nguồn trên internet

Xin trân trọng cám ơn!

Tìm hiểu đầy đủ về Ngũ Vị Tôn Quan trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ

Tham khảo thêm

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.