Vương Phụ An Sinh Vương (Trần Liễu)
Mục Lục Bài Viết
Sự tích về Vương Phụ An Sinh Vương
Vương Phụ An Sinh Vương Là con trưởng Thượng hoàng Trần Thừa, anh ruột vua Trần Thái Tông, Khâm Thiên tướng quốc Thái sư Trần Nhật Hiệu và công chúa Thuy Bà. Ông sinh năm Canh Ngọ, niên hiệu Trị Bình Long Ứng thứ 6 (1210) tại phủ đệ Tinh Cương, phủ Long Hưng (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Ông là người có trí lớn, ngày thường thì ung dung, hào hoa, gặp việc lớn thì sắt đá. Thời loạn lạc, phụ thân phải gánh vác việc nước, trọng trách trong nhà hầu hết đều phải lo liệu.
Được hoàng hậu tác thành, vua Lý Huệ Tông gả công chúa Thuận Thiên, vinh phong Phò mã đô uý, lại cấp đất A Sào để làm thực ấp, phong chức Phụng Càn vương. Ông xây phủ đệ tại A Sào (nay là phần đất hai xã An Đông và An Thái, huyện Quỳnh Phụ). Tuổi trẻ kiên nghị, Phụng Càn vương không tiếc tiền của thuê nhân công, mượn người làm, đêm ngày lăn lộn cùng gia nô gia đồng khai hoang phục hóa, đào sông đắp đường, dựng đình, mở quán. Nhờ đức lớn của vương mà dân khang vật thịnh. Cả huyện A Côi thành vựa thóc(A Mễ), Đại Lẫm (kho lớn) góp hần nuôi quân. A Côi thực sự trở thành hậu thuẫn quan trọng giúp phụ thân và vương đệ (Trần Thái Tông) vững tâm dựng nghiệp.
Từ A Sào, Vương vươn ra khai thác cả vùng Phụ Phượng – Côi. Bấy giờ quận vương Thụy Bà (Sau được thái Tổ Trần Thừa và Trần Thái Tông phong làm công chúa) còn trẻ cung hăng hải giúp anh.
Thái ấp A Sào gắn với thời trai trẻ của Phụng Càn vương và Thuận Thiên Công chúa. Tại đây Thuận Thiên phu nhân đã sinh Vũ Thành Vương Doãn – Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung và Quốc công tiết chế Hưng Đạo vương. Cuối năm 1228 Phụng Càn Vương được điều về kinh thành.
Tại Thăng Long, Thái úy Trần Liễu vừa lo việc chiều chính, vừa trực tiếp phụ trách cung Thánh Từ (Nơi ở và làm việc của Thượng Hoàng). Tháng 6 năm Bính Thân (1236), đê vỡ, nước sông tràn vào cung, nhân đi thuyền vào chầu phụ hoàng, thấy một cung nữ thời Lý xinh đẹp đang vén xiêm lội liền gọi vào cung Lệ Thiên cùng ân ái. Có người đem việc ấy hặc tấu Trần Liễu bị giáng xuống làm Hoàng vương. Sau vua cho đổi tên cung ấy thành cung “Thưởng Xuân”.
Năm Đinh Dậu (1237) Quốc Thánh phu nhân đang mang thai Trần Quốc Khang, trong khi đó vua đã 20 tuổi, hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng cùng bằng tuổi vua, ăn ở cùng nhau 12 năm mà chưa sinh con, Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ quốc mẫu lo lắng người nối dõi vương triều mà anh em họ Trần vất vả gây dựng, liền bức đưa vua đón Thuận Thiên vào cung. Trần Liễu phẫn uất đem quân tiến về sông Cái (Sông Hồng) làm loạn. Vua Thái Tông đau lòng trốn lên chùa Yên Tử, Thủ Độ ép vua về cung, Linh Từ vất vả dàn xếp cho trong ấm ngoài êm. Trần Thái Tông xuống tận thuyền đón anh cùng ôm nhau khóc. Trần Thủ Độ biết tin dẫn quân đến bắt, vua giấu anh trong thuyền, bảo Thủ Độ: “Phụng Càn vương đến hàng đấy”, rồi lấy thân che đường kiếm bảo vệ anh. Thủ Độ ném kiếm xuống sông, xử hoà mắng hai cháu “Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịc thế nào”…
Về sau Trần Thái Tông tuy sinh Thái Tử Hoảng (Tức vua Trần Thánh Tông), nhưng vẫn yêu quý Trần Quốc Khang, vua thay hoàng huynh chăm sóc dạy bảo, phong tới phẩm tước Đại Vương. Mùa xuân năm Đinh Dậu (1237), lấy đất Yên Phụ (Nay thuộc huyện Kim Môn, tỉnh Hải Dương), Yên Dưỡng, Yên Sinh, Yên Hưng, Yên Bang (Nay là huyện Đông Triều, Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) Phong cho Trần Liễu, vì thế từ đẩy sử sách đều chép ông là Yên Sinh Vương.
Yên Sinh Vương giúp vua trấn thủ vùng Đông Bắc, từ đỉnh Yên Thụ, Yên Tử, Vương đã ra sức kiến thiết một cõi Hải Đông thành vùng giầu có, dân các huyện Kim Môn. Đông Triều, Yên Hưng nhiều nơi thờ ông làm thành hoàng. Cuộc đời An Sinh Vương sống đạm bạc, lấy việc xây trang ấp giầu mạnh, dân trang ấp no đủ làm vui, dạy các con phương trưởng là điều hạnh phúc. Trong việc Khai hoá vùng sơn đã thành một trung tâm văn hóa, khoa bảng nở rộ, tăng viện huy hoàng, đạo quán rộng khắp nổi tiếng vương triều, đề có công mở đường của An Sinh Vương.
Năm Tân Hợi, mùa hạ, tháng 4, niên hiệu Nguyên Phong thứ nhất (1251), An Sinh Vương tạ thế tại phủ đệ Yên Phụ, hưởng thọ 41 tuổi. Vua Trần Thái Tông truy phong tước Đại Vương, cho sửa chữa phủ đệ trên đỉnh núi Yên Phụ (Kim Môn, Hải Dương) thành đền Cao để thờ. Đời Hoàng Định triều Lê, vua lấy quốc khố tu sửa chùa Tường Lâm (do Đại Vương xây dựng) và đền Cao.
Tưởng nhớ công đức của Đại Vương dầy công xây dựng hương ấp A Côi, nhân dân đã dựng đền thờ Đại Vương tại ấp A Sào.
Trần Liễu sinh được 7 người con (2 trai 5 gái). Hai con ông là Trần Quốc Tung (có bản chép Trần Trung) và Trần Quốc Tuấn sinh ra từ ấp A Sào, trưởng thành lại về A Sào, Long Hưng xây dựng phòng tuyến chống giặc và đánh giặc.
Trong giai hai lần kháng chiến chống Mông-Nguyên (1285-1288) Trần Quốc Tung từng được giao quản trấn Lê Hồng (Hải Dương) sau lại giao trọng trách trấn giữ Hải Đạo Thái Bình.
Thần tích A Sào ghi: năm 18 tuổi Trần Quốc Tuấn được vua Thái Tông phong là Thượng Vị hầu (tước của con các vương) sai về trấn giữ vùng đất A Sào. Nhiều nguồn tài liệu xác định Trần Hưng Đạo có 3 sinh từ: Kiếp Bạc (nơi ông sống cuối đời), A Sào (khi ông còn là Thượng Vị Hầu sống thời niên thiếu), Tức Mạc (đất thang mộc- tắm gội để vào yết kiến Thượng Hoàng ở cung Thiên Trường). Lưu Đồn Sử Ký ghi: Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên lần thứ hai và thứ ba, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng Thượng Hoàng Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông đã từng ở “cung Trần Vương dã ngoại Lưu Đồn” chỉ đạo cuộc kháng chiến, cũng từ đây Hưng Đạo Vương thường xuyên tới nhiều vùng đất chiến lược ở Thái Bình. Từ cứ địa Lưu Đồn đại quân ta đã tiến ra Vạn Kiếp, Bạch Đằng đánh bại quân Mông – Nguyên.
Chiến công đánh thắng quân Mông – Nguyên thế kỷ XIII gắn liền với tên tuổi các vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn – Những tên tuổi đó nhiều người sinh ra trên đất Thái Bình và yên nghỉ mãi mãi tại đây.
Lý do Trần Liễu hận Trần Thái Tông đến lúc mất
Như chúng ta đã biết Trần Liễu là thân sinh của Đức Trần Hưng Đạo, vị tướng tài ba lỗi lạc vào bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, người anh hùng đã có công lớn trong các cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên vào thế kỷ thứ 13. Trần Liễu có tư thù với người em ruột của mình là vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh mà trước khi chết ông đã trăng trối lại với con là Trần Quốc Tuấn, tức Trần Hưng Đạo: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”
Vì sao Trần Liễu thù hận người em của mình đến chết vẫn không nguôi? Có phải chinh vì mối hận năm xưa, vua Trần Thái Tông – Trần Cảnh đã lấy vợ của mình là Thuận Thiên chăng? Nhưng Trần Liễu cũng biết rằng chuyện bà Thuận Thiên về làm vợ vua Trần Thái Tông, những người trong cuộc đều là nạn nhân của sự xếp đặt này, kể cả Trần Liễu lẫn Trần Thái Tông. Chính vua đã phản đối bằng hành động bỏ cả kinh thành lẫn ngôi vua lên núi Yên Tử với ý định đi tu kia mà? Hơn nữa, sau khi Trần Liễu dấy quân chống lại triều đình, chính vua Trần Thái Tông đã đưa mình ra che chở cho ông để khỏi bị Trần Thủ Độ giết, rồi sau đó hai anh em đã tha thứ cho nhau. Vậy tại sao Trần Liễu muốn con mình cướp ngôi vua để trả thù?
Năm 1237, mặc dù lấy nhau đã 12 năm nhưng vua Trần Thái Tông và hoàng hậu Chiêu Thánh vẫn chưa có con (mặc dù vậy vua Trần Thái Tông và bà hoàng hậu Chiêu Thánh sống với nhau đã 12 năm nhưng lúc đó Chiêu Thánh mới có 19 tuổi – bà sinh năm 1218 – nên không thể nói là hai người sống với nhau lâu năm mà không con). Triều đình lo cho hậu vận nhà Trần có thể bị mất ngôi vua như nhà Lý; do không có con trai nối dõi nên ngôi vua từ nhà Lý rơi vào tay nhà Trần. Tuy nhiên cũng lưu ý rằng lúc đó vua Trần Thái Tông đã có với người thiếp của mình một con trai là Vũ Uy vương Trần Nhật Duy, nhưng vì Nhật Duy không phải là con của vua với hoàng hậu Chiêu Thánh, nên không phải cháu ngoại vua Lý Huệ Tông, vì vậy không thể thừa kế ngôi vua. Vì nhà Trần có được ngôi vua từ tay nhà Lý nên cháu ngoại của nhà Lý đưa lên ngôi vua mới có chính nghĩa, như Lý Đức Chính con của vua Lý Thái Tổ với hoàng hậu Tả Quốc, cháu ngoại vua Lê Đại Hành lên làm vua, tức vua Lý Thái Tông khi nhà Lý lấy ngôi vua từ nhà Lê.
Biết công chúa Thuận Thiên là vợ của Trần Liễu đang có mang 3 tháng, Trần Thủ Độ bàn với Trần Thị Dung đưa Thuận Thiên về làm vợ vua Trần Thái Tông, ép vua lấy chị dâu mình và lập làm hoàng hậu, phế vợ là hoàng hậu Chiêu Thánh xuống làm công chúa. Vua Trần Thái Tông phản đối kịch liệt, nửa đêm cùng với hai cận thần là Trần Thiêm và Trần Khuê Kình trốn khỏi kinh thành lên núi Yên Tử. Gặp Quốc sư Phù Vân là bạn của mình, nhà vua bày tỏ ý định muốn nương nhờ cửa Phật. Quốc sư trả lời rằng :
-Trên núi không có Phật, mà Phật ở ngay trong tâm ta.
Quốc sư và vua đàm đạo về Phật pháp chẳng được bao lâu thì Trần Thủ Độ và quân lính tìm tới. Thủ Độ cùng mọi người ra sức khuyên vua sớm trở lại cung nhưng vua không nghe. Thủ Độ cương quyết với nhà vua rằng:
-Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó
Rồi chỉ cho quân lính chỗ xây các cung điện. Sợ mất sự yên tĩnh nơi tu hành trên núi Yên Tử, Quốc sư Phù Vân khuyên vua trở lại kinh thành và nhờ vậy vua Trần Thái Tông cùng mọi người quay trở lại hoàng cung.
Nói về Trần Liễu, vì uất ức bị mất vợ, ông thừa dịp khi Trần Thủ Độ đưa quân đi tìm vua Trần Thái Tông mà không lo chuyện phòng bị, liền đưa quân đánh chiếm kinh thành. Nhưng Trần Liễu không liệu trước được rằng Trần Thủ Độ là người mưu kế và đi sắp đặt mọi chuyện ở nhà cho các tướng khác. Khi Trần Liễu cùng với quân lính đang trên đường đến đánh kinh thành thì bị quân triều đình bao vây.
Vì không đủ sức chống lại quân triều đình và để thoát khỏi cái chết, Trần Liễu nghĩ tới vua Trần Thái Tông, người em hết mực yêu thương mình, vì chỉ có Trần Thái Tông mới có thể cứu ông trong lúc này. Trần Liễu đã ngầm cho người hẹn với vua Trần Thái Tông đúng giờ bơi thuyền ngự ra sông Cái cứu mình. Khi vua Trần Thái Tông đến Trần Liễu giả làm người đánh cá đến thuyền vua xin hàng. Tới khi gặp Trần Thủ Độ, vua Trần Thái Tông lấy thân mình che chở cho Trần Liễu nên Trần Thủ Độ không làm gì được. Trần Thủ Độ tức lắm nên ném gươm xuống sông và nói:
-Ta chỉ là con chó săn thôi, biết đâu anh em các người thuận nghịch thế nào?
Vậy đâu là nguyên nhân chính của mối hận này? Sau khi được vua Trần Thái Tông cứu thoát chết bên sông Cái, binh lính của Trần Liễu đã bị giết chết. Riêng Trần Liễu, nhờ có thêm sự hoà giải của bà Trần Thị Dung mà ông và vua Trần Thái Tông đi tha thứ cho nhau và tình cảm anh em trở lại như xưa, như chính sử đã ghi. Thế nhưng tại sao trước khi chết Trần Liễu trăng trối với con mình :
“Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được.”
Tại sao lại có sự mâu thuẫn này? Phải chăng có điều gì ẩn khúc bên trong? Thiết nghĩ, để tình cảm anh em có được như xưa, phải chăng Trần Thái Tông đã hứa với an mình rằng, cho dù Trần Thủ Độ có bắt vợ của anh làm vợ mình, ở trong cung ông vẫ giữ khoảng cách giữa chị dâu và em chồng? Có lẽ Trần Thái Tông đã hứa với Trần Liễu là sẽ không phạm tới thân thể của chị dâu nên Trần Liễu mới hứa sẽ tha thứ và bỏ qua cho vua Trần Thái Tông chăng? Thế nhưng sau khi hoàng hậu Thuận Thiên sinh Trần Quốc Khang, đứa con mà bà mang thai trước với Trần Liễu, thì bà tiếp tục đẻ thêm những người con khác với vua Trần Thái Tông như Trần Hoàng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Vĩnh, và Trần Ích Tắc. Phải chăng đây chính là nguyên nhân sâu xa của mối hận này? Có thể đây là nguyên nhân chính làm cho Trần Liễu vẫn còn hận em mình cho đến chết vì ông cho rằng cái lỗi này không còn là lỗi của Trần Thủ Độ nữa mà là do đứa em trai mình, tức vua Trần Thái Tông đã không giữ được tình chị dâu với em chồng như đã hứa với Trần Liễu.
(Nguồn: Đinh Ngọc Thu, Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt)
Các đền thờ Vương Phụ An Sinh Vương
Đền Cao An Phụ (Hải Dương)
Đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tên tự là An Phụ Sơn Từ, thuộc xã An sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tên tự là An Phụ Sơn Từ, thuộc xã An sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Đền An Sinh (Quảng Ninh)
Nằm trong hệ thống di tích nhà Trần ở Đông Triều có một ngôi đền được coi là một trong số những công trình tin ngưỡng linh thiêng ở Quảng Ninh; đó là Đền An Sinh, nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu và các vị hoàng đế nhà Trần.
Đền thờ An Sinh Trần Liễu (Bắc Ninh)
Thôn Tư Thế, xã Trị Quả, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) là làng cổ có bề dày lịch sử, văn hiến và được phản ánh ở truyền thống hiếu học khoa bảng, thuần phong mỹ tục, đặc biệt là quần thể di tích cổ kính thâm nghiêm, trong đó có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu thân phụ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Xem thêm: Tín Ngưỡng Đức Thánh Trần
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Vương Phụ An Sinh Vương.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
- Các nguồn tài liệu từ Internet
Tìm hiểu đầy đủ hơn về Tín Ngưỡng Đức Thánh Trần
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Thần tích các vị thánh được thờ trong Tín ngưỡng Đức Thánh Trần:
- Đức Thánh Trần
- Vương Mẫu : Thiện Đạo Quốc Mẫu
- Phu Nhân : Thiên Thành Công Chúa
- Đức Thánh Cả
- Đức Ông Đệ Nhị
- Đức Ông Đệ Tam
- Đức Ông Đệ Tứ
- Vương Cô Đệ Nhất
- Vương Cô Đệ Nhị
- Đức ông phò mã Phạm Ngũ Lão
- Ông Tả Yết Kiêu
- Ông Hữu Dã Tượng
- Nghĩa Xuyên tướng quân
- Hùng Thắng tướng quân
- Huyền Quang tướng quân
- Cô Bé Cửa Suốt
- Cậu Bé Cửa Đông
- Ngũ Hổ Đại Tướng