Đức Thánh Trần : Tìm hiểu đầy đủ về Đức Đại Vương Trần Triều

Đức Thánh Trần là ai? đền thờ ở đâu và hầu giá Đức Đại Vương Trần Triều như thế nào?… tất cả sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết này.

Quốc sử ký Việt Nam Trần thị
Lịch đế vương tế thế trị bình
Thiên Trường, Tức Mạc địa danh
Sơn hà dục tú trung linh kham kỳ

Chim Phượng 2

Lịch sử Đức Đại Vương Trần Triều

Duc Dai Vuong Tran Trieu

Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là con An Sinh Vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tôn là chú ruột, sinh ngày 10/12 âm lịch. Còn có truyền thuyết kể lại rằng, nguyên xưa kia Đức Thánh Tản Viên thấy luồng khói trắng bay từ núi Tây hóa thành tinh thuồng luồng, xuống nhà người đàn bà kia tư thông, ngài nghĩ ắt hẳn đó sẽ đầu thai thành kẻ gây hậu họa cho nhân gian (tên đó sau này chính là Phạm Nhan – Nguyễn Bá Linh, cha là người Tàu Phúc Kiến, mẹ là người Đông Triều, nằm mơ thấy tinh thuồng luồng mà sinh ra hẳn), vậy nên Đức Thánh Tản liền đem tâu chuyện đó với Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng hỏi rằng ai có thể xuống hạ phàm để trừ diệt mối hậu họa đó thì có Thanh Tiên Đồng Tử tình nguyện xin xuống phàm để giúp dân. Ngọc Đế ưng thuận sai ban thần kiếm, cờ ấn, tam tài của Lão Tử, ngũ bảo của Thái Công rồi truyền Kim Đồng Ngọc Nữ hộ giả xe mây xuống nước Nam hạ phàm. Liền đó Vương Mẫu nằm mơ thấy có người áo xanh tự xưng là người của Thiên Đình xuống đầu thai phù đời, từ ấy bà hoài thai, đủ ngày đủ tháng thì hạ sinh được ông, trong nhà ngào ngạt hương thơm và ánh sáng. Vậy nên, trong bản văn cũng có đoạn:

“Vương Phụ là Đức An Sinh
Cùng Đức Thánh Mẫu cầm lành hợp duyên
Điềm lành vốn tự thiên nhiên
Thanh Tiên Đồng Tử phút liền đầu thai
Chí kì sinh đặng con trai
Tài kiêm văn võ ít ai sánh bằng”

Sau này ông giúp vua Trần hai lần chống giặc Nguyên Mông, ông sinh được bốn người con trai (thường gọi là tứ vị vương tử) và hai người con gái (thường gọi là nhị vương cô hay nhị vị vương bà) đều có công lao giúp vua Trần chống giặc Nguyên, ngoài ra trong công cuộc “Sát Thát” còn có rất nhiều đóng góp của vương tế của ông là Phạm Ngũ Lão Điện Súy (thường gọi là Đức Thánh Phạm Điện Súy hay Phù Ủng Đại Vương) cùng các tướng tài của ông như: Dã Tượng, Yết Kiêu (thường gọi là đôi bên Đức Ông Tả Hữu)… Có thể nói trong công cuộc bảo vệ đất nước dưới thời Trần, có công đóng góp không nhỏ của gia đình ông. Hơn nữa ông còn là người một lòng vì nước vì dân, vì nghĩa lớn mà quên đi mối thù nhà: ông không nghe lời cha giành lại ngai vàng từ tay vua Trần, vậy nên được vua Trần nể trọng, tin tưởng, thường hỏi ý kiến ông về những việc đại sự quốc gia. Ông mất vào ngày 20/8 âm lịch.

Sinh thời, do công lao lớn của mình ông được vua Trần phong là Quốc Công Tiết Chế Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương hay là Đức Thượng Từ. Vua Trần Anh Tông phong ông là Đức Thượng Phụ Thượng Quốc Công Bình Bắc đại nguyên soái Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương (tước hiệu này nếu xét theo thời đại của chúng ta thì sẽ là: Ủy viên bộ chính trị, bí thư quân ủy trung ương, Nguyễn Súy, Bộ trưởng Bộ quốc phòng).

Tran Hung Dao

Tài hoa, đức độ, cuộc đời ông là bản anh hùng ca về tinh thần trung – hiếu – nghĩa – chi – tín. Ông đã từng khảng khái trả lời vua Trần Nhân Tông trong lúc nguy nan: “Xin hãy chém đầu thần trước, sau hãy hàng giặc. Đầu thần còn giữ được, xã tắc vẫn bền vững lâu dài, xin bệ hạ đừng lo”. Với công lao to lớn trong ba cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, tháng 4 năm 1288 ông được ban tước hiệu “Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương”. Khi ông mất, triều đình lại phong là: “Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo đại vương”. Suốt một đời phò vua giúp nước, ông dốc sức xây dựng Đại Việt thành quốc gia “Thái bình thịnh trị” với câu nói nổi tiếng “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”. Chính sách trọng nông, lấy dân làm gốc…không chỉ giúp nhà Trần chiến thắng những kẻ thù mạnh nhất mà còn giúp vương triều tồn tại và phát triển rực rỡ gần 200 năm. Là đại thần của triều đình, được ví là bậc Thượng phụ nhưng Hưng Đạo đại vương luôn lấy chữ “nhân” để xử thế, vì vậy ông gần gũi với dân và được nhân dân tôn kinh. Ông là “Cha”, là “Đức Thánh Trần”, là huyền thoại sống mãi trong tâm thức của lớp lớp thế hệ người Việt Nam. Nhân dân dựng đền thờ ông ở nhiều nơi trong ấp An Lạc là nơi anh hùng dân tộc đã gắn bó thuở thiếu thời.

Sau này, khi mất đi tên tuổi ông vẫn vang lừng không chỉ trong Việt Nam mà còn lan ra toàn thế giới (ông là một trong số 10 vị tướng tài ba nhất trên thế giới, cùng với các vị như Nã Phá Luân (Napoleon), Thành Cát Tư Hãn… là những người có ý nghĩa to lớn với lịch sử thế giới), người ta tôn làm Đức Thánh Trần. Còn trong tín ngưỡng dân gian, người ta thường tôn danh ông là Đức Thánh Ông Trần Triều hay ngắn gọn hơn là Đức Ông Trần Triều.

Những năm tháng thái bình ông về sống ở Vạn Kiếp. Khi ông lâm bệnh nặng, có dặn lại con cháu rằng: “Ta chết tất phải hoả táng, cho xương vào những ống tròn chôn ở vườn An Lạc rồi trồng cây như cũ để người đời sau không biết đâu mà tìm”.

Năm Hưng Long thứ tám (1300), ngày 20 tháng 8 Trần Hưng Đạo qua đời tại nhà riêng ở Vạn Kiếp. Theo truyền thuyết, đám tang của ông có trên bẩy mươi quan tài xuất phát cùng một giờ, đưa tang cùng một lúc, rải ra khắp vùng Vạn Kiếp. Vợ con ông cũng chia đi các đám tang. Hiện nay cách đền Kiếp Bạc 100m về phía nam có quả đồi nhỏ, dân gian gọi đó là Viên Lăng (Viên mộ của Trần Hưng Đạo). Dãy núi Nam Tào còn gọi là Dược Sơn có một ngọn núi nhỏ, dân gian cũng gọi là núi Lăng (núi mộ của Trần Hưng Đạo). Công tác nghiên cứu, khảo cổ học đã phát hiện được ở núi có gạch, ngói và nhiều hiện vật có từ thời Trần.

Hinh tuong Tran Hung Dao

Giả thiết về Thân Mẫu và năm sinh Đức Đại Vương

Hiện nay cách sách sử Việt Nam đều không nói rõ về thân mẫu của Trần Quốc Tuấn. Bên cạnh đó, các sách có ghi năm sinh của Trần Quốc Tuấn nhưng không thống nhất, theo các sách này thì ông sinh khoảng từ 1224 đến 1232, nhưng quy tụ ở các năm 1228 và 1230. Cá biệt có một số sách như Trần triều thế phả hành trạng nói rằng ông sinh ngày 20 tháng chạp năm 1251, tuy nhiên thông tin này không chính xác do có sự kiện Trần Quốc Tuấn đã lẻn vào phòng của Thiên Thành công chúa vào tháng giêng năm 1251 thì không thể đến tháng chạp năm 1251 lại được sinh ra. Một số nhà viết sử không tên tuổi thì lại cho rằng ông sinh năm 1224, trong khi năm ấy Trần Liễu mới 13 tuổi.

Trong khi đó, Nguyễn Khắc Thuần cho rằng ông sinh ra sớm nhất không trước 1230 và muộn nhất không sau năm 1232. Nhiều học giả đồng ý về cách nhận định về năm sinh sớm nhất của ông Nguyễn Khắc Thuần vì Trần Tung anh cả của ông sinh năm 1230, và ngoài ra còn có Trần Doãn sinh sau Trần Tung nữa. Giả sử ba người là con của ba bà vợ khác nhau của Trần Liễu thì họ có thể sinh chênh nhau vài tháng nhưng cùng trong năm 1230. Thế nhưng Trần Doãn là con của bà Thuận Thiên nên khó có thể sinh năm 1230, vì lúc này bà Thuận Thiên mới 14 tuổi, vậy Trần Doãn chí ít cũng sinh năm 1231. Còn về năm sinh muộn nhất của ông không hiểu Nguyễn Khắc thuần dựa vào đâu để nói ông sinh muộn nhất cũng không sau năm 1232. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và các cuốn sử chính thống khác của Việt Nam không cho biết ông sinh năm nào nhưng có một số chi tiết ghi chép trong các sách ấy cho ta có thể xác định được năm sinh của ông.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Mùa xuân, tháng 1, đổi nguyên hiệu là Nguyên Phong (năm thứ 1). Vua tự viết bài minh ban cho các hoàng tử, dạy về trung, hiếu, hoa, tốn, ôn, lượng, cung, kiệm. Gả trưởng công chúa Thiên Thành cho Trung Thành Vương (không rõ tên). Con trai Yên Sinh Vương là Quốc Tuấn cướp lấy. Công chúa về với Quốc Tuấn. Ngày 15 tháng ấy, vua mở hội lớn 7 ngày đêm, bày các tranh về lễ kết tóc và nhiều trò chơi cho người trong triều ngoài nội đến xem, ý muốn cho công chúa Thiên Thành là lễ kết tóc với Trung Thành Vương. Trước đó, vua cho công chúa Thiên Thành đến ở trong dinh Nhân Đạo Vương (Nhân Đạo Vương là cha Trung Thành Vương). Quốc Tuấn muốn lấy công chúa Thiên Thành, nhưng không làm thể nào được, mới nhân ban đêm lên vào chỗ ở của công chúa thông dâm với nàng. Công chúa Thụy Bà (chị ruột của Thái Tông, cô của Quốc Tuấn, nuôi Quốc Tuấn làm con) liền đến gõ cửa điện cao cấp. Người coi cửa vội vào tâu. Vua hỏi có việc gì, Thụy Bà trả lời: “Không ngờ Quốc Tuấn ngông cuồng càn rỡ, đang đêm lẻn vào chỗ Thiên Thành, Nhân Đạo đã bắt giữ hắn rồi, e sẽ bị hại, xin bệ hạ rủ lòng thương, sai người đến cứu.

Theo thông lệ ngày xưa, con của các vương hầu dựng vợ gả chồng rất sớm, con trai thì khoảng 17, 18 tuổi đã lập gia thất, con gái thì 14, 15 tuổi đã lấy chồng, cá biệt có trường hợp sớm hơn nữa, rất hiếm khi ngoài 20 tuổi mà chưa lập gia đình. Theo những ghi chép trong ĐVSKTT thì hẳn lúc ấy Quốc Tuấn chưa lấy vợ và đang tuổi chớm yêu nên mới yêu say đắm, dẫn đến việc làm bồng bột có thể mất mạng như thế. Lúc ấy có thể Quốc Tuấn khoảng 17, 18 tuổi mà thôi.

ĐVSKTT cũng cho ta biết Thụy Bà nhận nuôi Quốc Tuấn làm con. Xét sự việc được ghi chép ở trên như nửa đêm bà đến gõ của điện xin vua trần Thái Tông cứu Quốc Tuấn, kết hợp với việc Quốc Tuấn lên vào nhà của Nhân Đạo Vương mà Nhân Đạo Vương không hay trong khi bà đã biết cho phép ta suy đoán rằng Thụy Bà nuôi Quốc Tuấn từ nhỏ chứ không phải nhận Quốc Tuấn làm con nuôi trên danh nghĩa và tình cảm của bà dành cho Quốc Tuấn là tình mẫu tử thật sự.

Bấy giờ ta đặt ra câu hỏi: Tại sao Thụy Bà lại nhận nuôi Quốc Tuấn từ nhỏ?

Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất phải là: Quốc Tuấn không có sự chăm sóc của mẹ ngay từ nhỏ và cha vì công việc hay một lí do nào khác không lo được đầy đủ cho Quốc Tuấn.

Ta nhớ lại sự việc diễn ra năm 1237 khi Trần Thủ Độ ép Thuận Thiên vào cung vua ở với Trần Cảnh, rồi Trần Liễu làm loạn, thất thế xin đầu hàng, bị tước hết quyền đưa đi an trí ở đất Yên Sinh. Rõ ràng khi vào cung với mục đích sinh cho đương kim hoàng thượng người nối dõi (dù rằng lúc này bà đã có mang Quốc Khang 3 tháng) thì Thuận Thiên không thể mang con theo, dù là con nhỏ. Trần Liễu sau khi thất bại trong vụ làm loạn thì cũng không còn tâm trí đâu mà lo cho con nữa. Vì lẽ đó Thụy Bà mới nhận nuôi Quốc Tuấn (cũng có thể là dưới sự sắp đặt của Trần Thủ Độ).

Một việc nữa cũng giúp chúng ta củng cố giả thiết đó là Trần Thủ Độ vốn là người mưu lược, sắp đặt công việc rất chu đáo nên Quốc Tuấn khó có thể có được địa vị nếu không phải là cháu ngoại của Trần Thị Dung.

Căn cứ vào các phân tích ở các bài viết trước và trong bài viết này nhiều học giả đã đưa ra nhận định: Thân mẫu của Trần Quốc Tuấn là Hiển Từ Hoàng hậu Lý Thuận Thiên, ông là con thứ hai của bà Thuận Thiên và Trần Liễu. Ông sinh khoảng năm 1234 (năm 1251 ông 17 tuổi), Trần Doãn sinh khoảng 1231, Trần Quốc Khang 1237.

(Nguồn: Nhan Sư Cổ, Viện Việt Học)

Câu chuyện về Đức Thánh Trần Giáng Đàn Trừ Tà

Năm 1920, Hiệp hội Thông linh gia Pháp quốc có cử hai đại diện là ông Camille Flammarion và bà Josette d’Estamines sang khảo sát về phù thủy tại Đông Dương. Tại Việt Nam, hai nhà thông linh Pháp đã tiếp xúc với nhiều nhân vật, trong số đó có một viên tri huyện ở Hải Dương, con nuôi của một vị pháp sư lừng danh. Nhờ sự hướng dẫn của ông quan trẻ này mà hai nhà thông linh Pháp được chứng kiến nhiều sự việc kì bí, lạ lùng và viết hồi ký phóng sự về giới phù thủy Việt Nam đăng trên tạp chí “La Revue des Deux Mondes”. Trích lục dưới đây là bài tường thuật về việc triệu thỉnh Đức Thánh Trần giảng đàn trừ tà.

* * *

Đoàn quan khách về tới điện thờ, tắm rửa ăn cơm xong thì gần tối. Có một bà lão cùng con trai đến yêu cầu pháp sư bắt tà trị bệnh cho người con dâu bị “ma làm”, đau đã nửa tháng không dứt, lúc tỉnh khi mê. Bà lão đặt một khoản tiền lên đĩa đưa thầy “sửa lễ” cúng Thánh, rồi ra về. Viên tri huyện nói với hai nhà thông linh Pháp:

– Bốn ngày nữa nhị vị sẽ xem nghĩa phụ tôi thỉnh âm binh thần tướng về trừ tà chữa bệnh cho một nữ tín chủ bị “quỷ ám”.

Mấy ngày sau, y hẹn, bà cụ và con trai dẫn tới bằng cảng (võng), một thiếu phụ ốm xanh xao.

Vừa đến trước nhà, thiếu phụ nằm trên cáng bỗng thét lên, bắt phu cảng quay trở về. Ánh mắt quắc lên đanh ác, thị giãy nảy, nhất định không vào trong điện.

Hai nhà thông linh ngoại quốc chạy ra coi, không hiểu gì cả. Viên tri huyện giải thích đó là do con tà ám thiếu phụ sợ không dám vào điện.

Lão pháp sư, tiếp đó, cũng chạy ra, rồi vỗ tay lên đầu đòn cáng, nạt bảo hai phụ khiêng cáng vào trong điện …

Thiếu phụ biến sắc, dáo dác sợ nằm im thin thít trên cáng, vào đến trong, lão pháp sư cầm tay đỡ thị đứng lên, dẫn đến ngồi bên mẹ và chồng.

Bà đầm hỏi viên tri huyện:

– Tôi thấy con tà sợ pháp sư, nên đã hết làm dữ như lúc mới đến.

Viên tri huyện giải thích:

– Con tà đã xuất rồi.

– Vậy là thiếu phụ hết đau? Và con tà chạy đi đâu?

– Nó chưa trả hồn vía, giải bệnh cho thiếu phụ thì trốn đâu thoát? Hiện nó ở ngoài cửa, vì sợ không dám vào, pháp sư phải đánh quyết trục tà khỏi nạn nhân và vỗ tay lên gọng cáng cột nó vào đó.

– Như vậy, pháp sư trông thấy ma quỷ?

– Nghĩa phụ tôi niệm chủ thì mắt thấy nơi ma quỷ trốn lánh.

– Nếu vậy, ai đọc được chủ này đều thấy ma quỷ?

Viên tri huyện lắc đầu:

– Không phải ai cũng biết chủ “kiến âm”. Chú này cùng một số bị chủ khác chỉ được mật truyền sau khi luyện xong các phép. Sau đó pháp sư, dù cao tay, cũng không dám truyền ẩu cho ai dù là thân nhân, thân hữu, vì nếu không phải là chính tông pháp sư, người thường đọc chú này, chỉ một lần, mắt sẽ bị thong manh và á thanh nói không ra tiếng.

– Mấy hôm trước, lão pháp sư đã làm phép cho chúng tôi thấy âm binh, cô hồn ở chợ, vậy cũng dùng chủ này?

– Không, nghĩa phụ tôi dùng ẩn quyết và thư phù lên mắt, giúp nhị vị trông thấy âm giới trong chốc lát mà thôi.

Bỗng, chuông trống bắt đầu gióng lên, tất cả đã sẵn sàng chờ lão phù thủy vào đàn lễ. Hai tầng ban điện đèn nến sáng choang, khỏi nhang nghi ngút, giữa sập rộng đặt một ghế tựa sơn son, lão pháp sư ngồi cầm túm nhang im lặng mật khẩu…

Phía sau, trên chiếu, thiếu phụ bị tà ám bơ phờ, thờ thẫn. Dưới sàn chiếc chiếu của toán ba cung văn “chập cheng” vào khóa cúng.

Tiếng trống hành sai mỗi lúc thêm dồn dập, lão phù thủy trao túm nhang cho viên hầu đồng, nhấc mảnh khăn nhiễu vắt vai, phủ lên đầu, ngồi im một lát rồi giơ cao hai ngón tay trong khi chiếc khăn trùm rớt xuống.

Thấy hiệu tay, viên hầu đồng biết là vía Phạm phò mã tức là Phạm Ngũ Lão giáng đàn, bèn lấy trên mắc chiếc áo nhiễu điều, mặc phủ lên áo thâm pháp sư và chít vành khăn đỏ lên đầu. Viên hầu đồng thứ hai trùm lá cờ lục xanh lên đầu thiếu phụ ngồi phía sau. Tiếng trống hành sai vẫn đổ hồi, thiếu phụ giao đảo mỗi lúc càng mau… đến khi lá cờ rớt xuống thì mở bừng mắt, láo liên ngó quanh, nhưng vẫn đảo đồng chầm chậm.

Flammarion hỏi viên tri huyện về ý nghĩa việc trùm khăn, cờ lên đầu pháp sư và thiếu phụ?

Ông huyện đáp:

– Có lần tôi đã hỏi vấn đề này, nghĩa phụ tôi giải thích rằng việc trùm khăn phủ có tác dụng che giấu, không để lộ liễu hiện tượng xuất hồn của con đồng và nhập cốt của vía thần, mặc dù các hiện tượng này người trần không thể thấy bằng mắt. Nói chung, các phép biến hóa thần thông ít khi phơi trần, bộc lộ trước mắt người sống, tỉ như hôm qua, pháp sư đã biến đầu heo thành đầu người và ngược lại. Để tạo ảo giác, pháp sư phải cắt đứt, dù chớp nhoáng, sự trố mắt theo dõi của đối tượng bằng cách đột ngột biểu “nhắm mắt ! ” hoặc trỏ tay lên không trung, biểu “coi kìa ! ” để đánh lạc hướng sự chú ý trong khi làm phép biến hóa.

CON TÀ QUÁ DỮ, VÍA PHẠM PHÒ MÃ TRỊ KHÔNG XUỂ.

Nói đến đây, bỗng có tiếng bước nện mạnh trên sập. Ngó lên Flammarion thấy lão phù thủy vừa “lên đai” xong, nghĩa là hai gã hầu đồng đã siết chặt cần cổ pháp sư bằng vải khăn nhiễu, siết chặt đến nỗi máu ứ, mặt sưng phù bầm đỏ dễ sợ. Hai cây lình lá hình mũi dao dài hơn hai tấc xiên qua mép, dựng đứng hai bên má.

Vía Phạm phò mã giáng đàn, cầm thanh kiếm gỗ sơn son, ra hiệu cho gã hầu đồng lấy roi và vồ linh -một thứ trống gỗ tí hon có cán, cầm để khảo tà.

Lớn tiếng thét sai âm binh, gã hầu đồng đánh roi đen đét trên chiếu vào hai bên chỗ ngồi thiếu phụ. Con tà không nao núng, vẫn giao đảo như con lật đật, Nó đặt hai tay lên đầu gối, có lúc co lên chống nạnh, mắt láo liên ngạo nghễ…

Bà d’Estamines thắc mắc hỏi:

– Sao không đánh roi trúng con tà ám thiếu phụ, lại đánh ra ngoài trên chiếu?

– Đánh vào thân mình thiếu phụ không ích gì, lại để dấu vết thêm buồn lòng thân nhân.

– Nếu vậy là con tà không còn ám hãm nạn nhân?

– Nó vẫn ở trong người thiếu phụ. Âm binh thần tướng đã nắm đầu nó vật sang tả, sang hữu để hầu đồng đánh bằng roi, vồ: do đó, khỏi đánh mình thiếu phụ mà chỉ đánh bên chiếu là đủ.

Thình lình con tà chụp lấy tay gã hầu đồng, giật cặp vồ linh rồi dang tay tự đánh vào vai, lưng, ngực, từng chập…

Bà đầm ngạc nhiên hỏi:

– Tại sao con tà tự đánh nó như vậy?

– Đó là nó tự ra oai để tỏ ra nó không ngán sợ đòn các thần tướng giáng đàn.

Lát sau, bỗng thiếu phụ buông tay liệng cặp vồ lăn lóc trên sập rồi tiếp tục lại giao đảo, hai mắt sắc như dao, thỉnh thoảng nhếch môi cười thách thức…

Bà đầm hỏi:

– Sao con tà liệng vồ linh, không tự đánh nữa?

– Con tà này thuộc loại khó trị, chống cự phép Thánh.

Trong khi vía Phạm phò mã trừng mắt chế ngự con tà, hai viên hầu đồng đốt thêm nhang, thỉnh chuông, quỳ khấn trước bàn thờ quan “Năm dinh” (Ngũ hổ). Tiếng trống thanh la hành sai dồn dập thêm. Hai chiếc ghế đẩu do gia nhân bưng đến vừa đặt bên ghê phò mã thì cả hai hầu đồng đang quỳ bỗng mặt đỏ phừng, gầm lên một tiếng rồi nhảy tót ngồi chồm hỗm trên hai chiếc đẩu, nhe nanh hầm hang ngó con tà như muốn ăn sống nuốt tươi…

Gã hầu đồng thứ ba lấy hai áo nhiễu, vàng và trắng mặc cho hai đồng nghiệp vừa ốp đồng. Nhà thông linh Pháp hỏi… viên tri huyện giải thích rằng đó là hai Hổ thần Hoàng và Bạch, hai trong năm vị Ngũ Hổ thần, giáng đàn để áp đảo con tà khai khẩu, đã cưỡng lệnh phò mã, không chịu nói.

– Như vậy, phải chăng ngài phò mã kém oai linh hơn hai vị thần?

– Không, đã hai năm nay theo tu với Đức Chử Đồng Tử ngoài Đông Hải, ngài phò mã ít về giáng đàn, ngoại trừ một số điện lớn như điện nghĩa phụ tôi đây. Vì tiến tu nên Ngài nay không hiển lộng thần oai như ngày trước. Trong mười vụ trừ tà giải bệnh, Ngài đã giáng trị đến tám, chín; họa hoằn mới triệu thỉnh Đức Thánh Kiếp Bạc.

Vẫn gầm gừ hầm hang, hai cọp thần cầm cờ lệnh phất lia lịa trên đầu thiếu phụ, trong khi gã hầu đồng ngồi dưới chiếu, đánh roi chí chát, quát nạt:

– Xin các quan đánh đuổi… căng thẳng hai tay nó ! Trói nó lại !

Con tà vẫn ngạo nghễ quắc mắt, không ngán hai thân hổ… tiếp tục giao đảo, hai tay năm cứng đầu gối. Bỗng nó giật thót lên run rẩy từng cơn như mắc động kinh, khiến khăn tóc thiếu phụ rũ rượi. Hai cánh tay như bị một sức mạnh vô hình kéo giật từ gối xuống chiếu không nhấc lên nổi. Chỉ một thoáng, nó lại ráng co tay lên. Và co lên kéo xuống vùng vẫy hơn khắc đồng hồ… cuối cùng nó phải thẳng tay chống xuống chiếu như bị dính cứng vào mặt sập.

Bà d’Estamines muốn hiểu nguyên do các động tác trên, viên tri huyện giải thích:

– Những động tác co kéo, vật vã của thiếu phụ là do con tà cố chống cưỡng áp lực hai vị Hổ thần căng tay trên chiếu, không cho cục cựa. Có làm như vậy, con tà mới chịu khai khẩu…

– Để làm gì?

– Có ba giai đoạn trong tiến trình chế ngự con tà. Thoạt đầu phải áp đảo bắt nó khai sự thật về tung tích hoạt động tác quái của nó, lý do tại sao nó hãm hại nạn nhân? Cũng như trần gian bắt phạm nhân cung khai lý lịch, tình trạng, hành tung v. v… Lắm con tà rắn mặt, khăng khăng không nói thực về danh tánh, quá khứ, nói lẩn quất trên trần v. v… Giai đoạn 2, ép nó phải trả lại hồn phách tinh thần nạn nhân, giải trừ bệnh tật. Giai đoạn 3, bắt làm cam đoan không tái phạm trở lại hại nạn nhân lần nữa.

– Sao không cầm nhốt nó như trên trần bỏ tù một tội nhân?

– Nghĩa phụ tôi có lần cho biết là dưới âm, chỉ có Thập điện Diêm đài xét xử nghị tội các vong hồn, ngoài ra, không ai có quyền làm như vậy, kể cả với các hồn còn vất vưởng lẩn trốn trên trần. Những hồn chết oan kiện kẻ hại mình còn sống trên dương gian thường được Diêm Vương sai quỷ sứ lên bắt xuống làm tội. Nếu kẻ đó chưa tới số, oan hồn được phép lên trần trả oán, nhưng không được làm chết, chỉ có thể làm đau ốm, điên loạn, ngộ nạn điêu đứng mà thôi.

TẠI SAO CON TÀ RẰN MẶT

Bỗng, thiếu phụ tru lên vì hai vía thần hổ, từ trên đầu nhào xuống, bàn chân mỗi vị chận một bên tay thị. Con tà giãy giụa một hồi rồi chống hai tay chịu trân, cúi gầm đầu… Tuy bị chế ngự, thúc thủ, nó từng chập mắt vẫn quắc lên dáo dác, trong khi hai thần hổ hầm hè ngó nó… Gã hầu đồng thì nện roi chát chúa mỗi lúc thêm mạnh:

– Xin các quan áo đảo kéo lưỡi nó ra ! Bắt nó khai khẩu !

Con tà nhấp nhổm bàn tọa mà không nhúc nhích được nửa thân, hai bàn tay vẫn như đóng đinh vào mặt sập. Bỗng, nó mím chặt hai môi, lắc đầu lia lịa, vùng vẫy như muốn tránh nó không để âm binh thần tướng kéo lưỡi nó… Cuối cùng, chống cưỡng không nổi, nó thét lớn:

– Ta bị chết oan. Diêm đế cho ta lên trần trả oán. Không ai bắt được ta !

Căn điện bỗng trở nên nhộn nhịp vì lời con tà vừa thốt. Viên hầu đồng ra hiệu cho người bưng tới tách trà bốc khói và chậu nước mưa đặt trước thiếu phụ rồi ôn tồn dụ dỗ:

– Hồn oan ức làm sao? Hãy tống khẩu, tẩy thủ, tẩy diện (xúc miệng, rửa mặt, tay) rồi giãi bày trước cửa. Phò mã giải quyết cho !

Nhưng con tà đâu chịu khai ngay. Sau gần nửa giờ phủ dụ, lúc dọa nạt, nó mới chịu thú thực nó là vợ cả chồng thiếu phụ và đã bị đầu độc chết. Bằng giọng lảnh lót, nó nói:

– Bảy tám năm trước con dâm phụ này dan díu với chồng ta, ả ta bí mật mưu mô sai đứa cháu gái gọi bằng dì ở Hưng Yên, xin vào làm con ở cho ta. Một hôm, đứa cháu này thừa cơ, bỏ thuốc độc kim câu vào trầu, ta chỉ nhá ba miếng trước sau thì bị á khẩu, chết không kịp trối. Lúc tẩm liệm, mẹ ta thấy máu ứa cửa miệng, biết ta chết oan, liền đầu đơn cáo. Nhưng quan sở tại ăn của đút, lại cho đó không phải máu vì ta nghiện trầu nặng, trúng phong cứng lưỡi chết bất ngờ, cốt trầu còn trong họng lúc khâm liệm mới ọc ra. Ai cãi nổi miệng quan có gang có thép? Thế là con dâm phụ trắng án.

Sau ma chay ba ngày, gian phu đã mở cửa đón dâm phụ vào hú hí trên giường ta. Trước cảnh gai mắt, hồn ta phải bay lên ngọn cau cuối sân. Rồi hết tuần tứ cửu, chúng công khai làm vợ chồng; ta đã “hóa” bình nhang, ba giờ trưa giữa ban ngày cháy ngùn ngụt cho chúng sợ phép. Hàm oan như vậy, ta được Diêm Vương cho lên trần trả oán; song vận số dâm phụ hồi đó còn vượng, ta chưa thể làm nó ốm đau mắc nạn. Cuối cùng, ta đành đầu thai để rửa hận. Không ngờ, nó có bà tổ cô thiêng phù hộ nên thai không đậu. Nó bị sảy thai. Ngậm hờn, ta làm cho dâm phụ hữu sinh vô dưỡng, đẻ thông ba đứa con không nuôi được. Nay, nó gặp vận kiển Kế Đô, ta bắt hồn vía cho nó thập tử nhất sinh đến ngày tận số.

Bỗng, vía Phạm phò mã quắc mắt nạt lớn:

– Không được ! Ngươi không được phép hại người, làm đau bệnh triền miên đến ngày đáo số. Đây là xưa ngươi gieo nhân thì nay lãnh quả; kiếp trước đã giết người cướp chồng thì kiếp này, người ta đoạt chồng, hại lại là oan oan tương báo, luật vay trả rõ ràng. Hãy nể phép ta, tha cho nó ! Oán nên gỡ, chớ nên thắt ! Oán cởi, oán tiêu, oán kết, oán còn. Nếu không, bao giờ hồn ngươi siêu sinh tịnh độ?

Con tà lắc đầu quầy quậy giọng gay gắt:

– Không ! Diêm Vương đã cho lên trần trả oán, không ai cấm cản được ta.

Con tà giọng lảnh lót vừa dứt, hai vía hổ thần liền “rã đồng”. Tiếp đến vía Phạm phò mã cũng giơ tay ra hiệu thăng đồng… Hai viên hầu điện vội vã “thôi đai”, mở mau gút thắt siết cổ, vừa xong thì vía phò mã cũng ngã mình trên ghế… thăng. Lão pháp sư mặt vừa to bạnh đỏ gay vì máu ứ, đã trở lại bình thường như không có gì xảy ra, sau khi tháo nút khăn thắt họng. Rồi, đến thiếu phụ cũng “xả đồng” theo.

Bà đầm thắc mắc hỏi… Viên tri huyện giải thích là các thần tướng vì oai linh không đủ chế ngự con tà dữ, bắt nó phải tuân theo. Ngài phò mã trước khia oai linh sấm sét, hiếm có tà ma dám chống cưỡng. Nay đã tu hành nên ngài thuần nhu, không muốn hiển lộng thần thông. Còn hai vị hổ thần là quan hạ dinh không đủ thần uy khắc phục tà dữ.

Flammarion hỏi:

– Vậy con tà ám thiếu phụ đã thắng?

– Không. Mai mốt phải triệu thỉnh Đức Thánh Kiếp Bạc giáng đàn mới trị nổi con tà này. Chỉ có Đức Thánh Trần – vị Thánh tổ phù thủy An Nam, mới hàng phục được chúng. Mai mốt, nghĩa phụ tôi phải triệu thỉnh Ngài về giáng điện mới xong.

Bà d’Estamines hỏi:

– Sao không triệu thỉnh Ngài bây giờ mới có hơn 10 giờ đêm, lại để mai mốt?

– Không phải bạ lúc nào cũng thỉnh được Đức Thánh như các thần tướng khác. Ngài chỉ giáng đồng khi pháp sư thủ điện đủ trai giới ba ngày và Ngài giáng đền khai điện trước các thần tướng âm binh khác.

ĐỨC THÁNH TRẦN RA OAI, CON TÀ SỢ, TRỐN KHÔNG THOÁT.

Trời bắt đầu tối. Trong điện thờ, đèn đuốc sáng choang, tất cả đã sẵn sàng, chỉ còn chờ thiếu phụ tà ám đến là khai đàn. Đang ngồi tiếp quan khách, lão pháp sư bỗng mặt đỏ bừng, lim dim hai mắt rồi đứng vùng lên, lùi lùi xuống thang… bước ra đến cổng thì chỉ gặp mẹ và chồng thiếu phụ hơ hải chạy đến. Làm như không thấy họ, pháp sư cứ rảo cẳng đi về phía chợ, đến nơi, thấy đòn cáng chình ình bên lộ, hai phi khiên ngồi bó gối ủ rũ. Lão pháp sư tức thì giậm chân đánh quyết, nạt lớn một tiếng, đập mạnh hai tay lần vào đầu cáng, quát hai phu khiêng thiếu phụ đến điện thờ.

Toán quan khách theo pháp sư cùng đến chợ coi, trên đường về, được pháp sư kể cho nghe (qua lời quan huyện thông ngôn) rằng hồi nãy tại điện mặt ông tự nhiên đỏ bừng rồi nhắm mắt, đó là lúc âm binh giải tà về cấp báo ông hay con tà cầu cứu cô hồn các đảng chợ Thị Cầu cản cáng không cho đi. Đám quỷ hồn nhảy lên đầy võng, bám vít hai đầu đòn, ôm cứng tay chân, kéo cổ phu cáng làm cho cả hai ngột ngạt, xây xẩm không thể cất bước, loạng choạng và phải hạ cáng, ngồi xệp xuống dưới. Thấy khó áp đảo lũ cô hồn, âm binh hành sai giải tà vội bay về điện cấp báo pháp sư trước khi thân nhân thiếu phụ đến.

Sau khi pháp sư ra oai đánh đuổi bọn cô hồn các đảng, xúm lại cản đường, phu cáng võng lại tiếp tục tiến bước. Về đến điện thờ, thiếu phụ được đặt ngồi trên chiếu như lần trước. Trên điện, đèn nến chói lòa, khói nhang nghi ngút. Lão pháp sư cũng đã ngồi trên chiếc ghế tựa sơn son kê trên sập, chiếc khăn nhiễu điều phủ trùm đầu, tay cầm bó nhang, khấn vái thầm trong im lặng…

Giữa những tiếng thanh la não bạt… “chập cheng”… và tiếng trống hành sai đổ hồi dồn dập, toán cung văn ba người ngồi dưới sàn nhà cũng đã bắt đầu đàn hát bài chầu văn Đức Thánh Trần:

Công cứu quốc cao dầy đã rõ,
Ơn chúng sinh tế độ còn dài
Đại Vương từ ngự thiên đài
Ngọc Hoàng giáng chỉ cứu người dương gian
Ngôi Vạn Kiếp bốn phương chầu lại,
Đức uy linh bát hải lan ra,
Nam Tào, Bắc Đẩu hai tòa.
Xạ ba thiên tướng, hằng hà thiên binh.
Việc nội ngoại ngũ dinh tuần thú,
Khắp thiên đình, địa phủ, dương gian.
Bên ngai tả hữu hai ban,
Kiếm thần cờ lệnh, ấn vàng trong tay.
Trên ngọc bệ tàn mây năm sắc,
Trước long đình hổ phục rồng chầu.
Thần thông biến hóa phép màu,
Nghìn tai nghìn mắt đâu đâu tỏ tường.
Đạo đức cao bốn phương bái phục,
Phép uy linh quỷ khốc thần kinh.
Triệt địch lệ, giải đao binh
Phò nguy cứu khổ tà tinh tiễu trừ
Suốt nam bắc phụng thờ thành kính
Cả muôn dân cửa Thánh đội ân
Tâm thành cầu khẩn phép thần
Phút đâu hiển ứng mười phân vẹn mười
Non nước nhược, ngự chơi ngày tháng
Chốn non bồng thăng giáng hôm mai
Trần gian bao cửa đền đài,
Đằng vân giá vũ khắp nơi đi về
Từ sơn cước suốt khe rừng nội,
Đến phồn hoa cát bụi chẳng nề
Một tay che chở phù trì,
Công ơn tế thế sánh bì trời cao…

Sau khi đưa bó nhang cho viên hầu đồng, và ngồi im lặng một lát, pháp sư đầu đảo lia lịa, quát lên một tiếng rồi bỏ khăn trùm đầu ra. Biết là vía Đức Thánh đã giáng đàn, những người hầu đồng bèn xúm lại phục dịch. Cũng y như lần trước, họ phủ áo nhiễu điều lên mình pháp sư và chít khăn đỏ lên đầu, một người khác cũng phủ lá cờ xanh lên đầu thiếu phụ. Giữa những tiếng trống dồn dập, thiếu phụ lại giao đảo, lá cờ rớt xuống, y vừa đảo đầu vừa ngó dáo dác chung quanh… Một bên sập, có đặt một hỏa lò nấu một chảo dầu đang sôi sục.

Đức Thánh Trần giáng đàn có vẻ oai nghi lẫm liệt khác hẳn lần trước, khiến cho con tà đã có vẻ nao núng, khiếp sợ. Cũng như lần trước, Ngài truyền cho thuộc hạ “lên đai” (láy khăn nhiễu siết cổ) và xiên lình dựng đứng hai bên má, rồi lên tiếng quát hỏi thiếu phụ bị ám:

– Sao mi chưa chịu trả hồn phách lại cho nạn nhân?

Con tà có vẻ nể sợ, nhưng vẫn còn ngoan cố chưa chịu nói. Pháp sư bèn từ từ đứng dật bước xuống đất, lại gần chảo dầu đang sôi sùng sục. Giữa tiếng trống hành sai dồn dập mỗi lúc càng mau, pháp sư tay bắt quyết, miệng niệm trú, rồi quát lên một tiếng lớn, dùng hai tay bốc đều dầu sôi trong chảo đưa lên húp đầy miệng, phun vào con tà. Thiếu phụ thét lên một tiếng thất thanh, nét mặt lộ vẻ đau đớn khôn tả, rồi vừa run rẩy lập cập, vừa rú lên từng hồi nghe thật ghê rợn ! Pháp sư vừa muốn bốc dầu sôi lên húp nữa để phun vào mình thiếu phụ một lần thứ nhì thì con tà lại rú lên nghe rất thảm thiết, rồi chắp tay vái lia lịa và cúi xuống lạy như tế sao ! Sau khi đã hiển lộ thần oai, vía Đức Thánh Trần mới dịu giọng phủ dụ con tà:

– Thôi, ân oán giang hồ bấy nhiêu đã đủ! Mi hãy trả hồn phách cho người ta, rồi phải hồi tâm lo tu hành để còn mong được siêu sinh tịnh độ. Mi nghe chưa?

Giọng nói từ bi và phúc hậu của Đức Thánh Trần dường như có một oai lực linh diệu khiến cho con tà xúc động và muốn hồi đầu hướng thiện. Nó đã cúi đầu chịu phép, không còn vênh mặt ngó láo liên như trước nữa, mà hai mắt lấm lét nhìn xuống đất trong tư thế sẵn sàng tuân lệnh. Biết nó đã chịu khuất phục, vía Đức Thánh Trần mới truyền cho người phụ đồng đem đồ vật liệu đến để bắt nó phải làm tờ cam đoan: một lưỡi dao bén, một cái đĩa và một tờ giấy bản, rồi quát nạt con tà hãy xòe hai bàn tay đã úp lên tờ giấy. Vị pháp sư tự rạch lưỡi bằng dao bén, lưỡi đứt lìa để rơi trên đĩa rồi phun máu xuống tờ giấy. Dưới ánh lửa chập chờn của mấy ngọn nến thắp sáng trên điện, đó là một cảnh tượng vô cùng kinh dị và rùng rợn! Một lát sau con tà nhấc tay lên, thì hình hai bàn tay mười ngón nổi bật trên nền giấy lấm tấm máu bầm đã phun. Thiếu phụ giật mình đánh thót một cái, rồi bật ngửa người ra đằng sau: con tà đã xuất. Đó là một cách bắt tà làm tờ cam đoan; khi đã chịu phép lấy “dấu tay” kiểu này, con tà hết dám trở lại hại nạn nhân lần nữa.

Kế đó, vía Đức Thánh Trần trở lại sập ngồi trên ghế son như cũ, rồi đưa tay ra hiệu thăng đồng. Hai viên hầu đồng lại vội vã “thôi đai”, mở gút khăn siết cổ, rút xiên lình xong, thì lão pháp sư cũng vừa ngả mình trên ghế: Đức Thánh đã thăng !

Cái lưỡi trong miệng cắt đứt lìa, còn dính máu me và cựa quậy trên mặt đĩa… Mười lăm phút sau, lão pháp sư cầm lên đút vào miệng ráp nối dính liền như cũ, không cần khâu may băng bó. Cái lưỡi, với bắp thịt chi chít huyết quản, bị cắt làm đôi mà lại không ra nhiều máu. Khi cuộc đàn lễ đã xong, pháp sư thè lưỡi cho quan khách xem, thì thấy nó ngo ngoe, co giãn như thường, chỗ bị cắt đứt hồi nãy chỉ còn lại một vết ngang như một sợi chỉ màu nâu sậm. Còn việc bốc dầu sôi trong chảo và đưa lên miệng húp, chừng xem lại thì miệng lưỡi và hai bàn tay pháp sư vẫn như thường, không có dấu vết gì chỉ rằng da thịt bị rộp hay bị phỏng. Thật là những hiện tượng kỳ lạ, mà hai nhà thông linh Pháp cho rằng độc đáo trong giới phù thủy Việt Nam, không từng có ở một xứ nào trên thế giới !

ĐỨC THÁNH TRẦN VỐN KHÔNG PHẢI LÀ ĐẠI PHÁP SƯ

Bà d’Estamines lại hỏi:

– Qua những việc vừa xảy ra, thì phải chăng Đức Thánh Trần hồi dương thời cũng là một đại pháp sư?

– Nước Nam tôi có một đại vương đệ nhất anh hùng lịch sử là Trần Hưng Đạo ba lần cứu quốc đánh tan ngoại xâm Mông Cổ. Ngài quy thiên hiển thánh thường thượng đồng (lên xác) về cứu chữa những đồng bào bị yêu quái ám nhập. Nhất là các phụ nữ bị ác vong Phạm Nhan tự Nguyễn Bá Linh hãm hại, không đâu trừ trị được, đều đổ xô về Đông Đô, rồi sau về Kiếp Bạc, cầu Ngài cứu chữa và chỉ có Ngài mới chế ngự nổi con yêu hơn đỉa này. Nguyên Phạm Nhan có cha là người Quảng Đông sang buôn bán bên An Nam từ cuối nhà Tống lấy vợ ta làng An Bài Đông Triều, đẻ ra Nhan, năm 16 theo cha về Tàu tiếp tục học, đậu tiến sĩ, bỏ lên núi tu tiên bất thành, theo quân Thoát Hoan sang đánh nước Nam lần thứ nhì. Khi lâm trận, y đứng đầu thuyền dùng phép bàng môn làm nổi sóng to dữ dội đánh đắm chiếc thuyền Nam.

Mấy lần các thủy tướng Trần Quang Khải, Yết Kiêu lập kế bắt được y lại hóa phép độn thủy biến mất. Hưng Đạo Vương dặn biểu các tướng trữ sẵn chỉ ngũ sắc và máu chó mực để khi thộp được Nhan, nhấc bổng nó lên, chằng chỉ ngũ sắc quanh cổ nó và thọc huyết chó, tưới vào đầu mình nó. Nhan quả nhiên hết đường biến rồi Ngài thân chinh giao về làng mẹ nó để gia hình. Nhưng đao kiếm chém nó cứ trơ trơ như chém gỗ đá, Vương bèn cầm thanh thượng phương bảo kiếm vua ban, đưa lên ngang mày khấn nếu Hoàng thiên hậu thổ còn tựa Trần triều, xin cho chém đứt đầu Phạm Nhan. Dứt lời, Ngài khua kiếm, đầu Nhan rụng xuống. Nhưng vong hồn y không thể siêu thoát, từ đó, lẩn quất hãm hại đàn bà con gái. Viên Đại tư xã Đông bộ đầu, nguyên ti tướng cũ trong vương phủ Ngài, có con gái cũng bị Nhan hành sắp chết, vội vào nội, quỳ khóc xin Ngài cứu sống. Vương liền đi kiệu đến tận nơi, vầm thanh kiếm trước đã chém Nhan, chém bốn nhát vào bốn góc ván nằm rồi đặt ngang kiếm lên hai vai nạn nhân đồng thời Ngài nạt lớn trục hồn Nhan khỏi căn nhà. Thoáng sau, cô gái nhỏm dậy, hết bệnh.

Từ đó, khắp nơi, người bị tà ma quỷ ám ùn ùn kéo đến quỳ ngoài tường thành, xin Vương chữa chạy. Nhưng Ngài làm sao cứu được hàng nghìn người một lúc? Ngài bèn sai thợ, dùng thanh kiếm của Ngài gọt chuốt 28 thanh gươm đúng in, nhỏ hơn bằng gỗ trầm, đem phân phát cho các người này mượn đem về làm đúng những lời Ngài dặn; và khi chữa khỏi bệnh, lại phải đem trả, để chuyền cho người khác. Đế triều Anh Tông, vương gần 70 về trí sĩ tại Vạn Kiếp, hàng ngày vẫn có cả trăm người từ khắp nơi đổ về cầu Ngài cứu mạng… cho đến ngày Ngày quy tiên hiển thánh. Từ đó, đền phủ nguy nga thờ Vương trở thành “chốn Tổ” trung tâm hành hương. Giới phù thủy, đạo sĩ toàn quốc chầu về Kiếp Bạc cầu xin làm đệ tử, tôn Ngài làm Thánh tổ thủ điện, cùng các bộ tướng vương phủ cũ của Vương làm thần tướng hành sai như Ngài phò mã (Phạm Ngũ Lão), Ngài Nguyễn Khoái, Dã Tượng, Yết Kiêu…

Sau ngày Ngài viên tịch, tục lệ phất gươm phép trừ tà vẫn được duy trì đến cuối đời nhà Mạc. Hồi đó, yêu tinh quỷ quái xuất hiện hoành hành khắp nơi quấy nhiễu dân gian. Ngài hiển thánh giáng đàn trấn áp kỳ hết. Đời sau, các pháp sư vẫn tìm đến Kiếp Bạc xin tôn bình nhang làm đệ tử Đức Thánh để trừ tà trị bệnh cứu dân.

Hau Gia Duc Thanh Tran xua

Hầu giá Đức Thánh Trần

Vào năm 2006, chính quyền chính thức công nhận hình thức sinh hoạt tín ngưỡng lên đồng. Những người theo tin ngưỡng lên đồng thờ Thánh Trần được gọi là Thanh đồng. Hiện nay lên đồng Trần triều diễn ra thường xuyên tại đền Kiếp Bạc.

Nếu một người có căn số hầu các giá nhà Trần thì giả Đức Ông có thể là giá mở khăn đầu tiên, vì Tam Tòa Thánh Mẫu không tung khăn, tuy nhiên cũng khá hiếm khi có người hầu về Đức Ông mà chỉ khi đại sự cần thỉnh ông về để trừ tà sát quỷ thì mới hầu ông, vì theo quan niệm cổ: “bóng” Đức Ông khá nặng nên không phải đồng cựu đã đội lệnh nhà Trần thì không thể hầu được hoặc khi đại tiệc mở phủ thường thỉnh ông về chứng đàn Trần Triều gồm voi, ngựa, thuyền rồng, tráp áo…; hoặc đồng mới tạ phủ và làm lễ đội lệnh nhà Trần.

Khi ngự đồng, ông mặc áo đỏ, thêu rồng và hổ phù, có một số nơi hầu ông, chân đi hia, đầu đội mũ trụ, có thể mặc áo choàng bên ngoài, một số vùng hầu ông thường múa thanh đao. Khi về đồng, Đức Thánh Ông thường làm phép để sát quỷ trừ tinh, điều này chỉ có đúng đồng nhà Trần, có đội lệnh mới có thể làm như thế khi hầu ông, đó là: “lên đại thượng” nghĩa là cầm dải lụa đỏ thắt cổ (khi thắt vào cổ, mặt người hầu thường bạnh ra, đỏ, thì thế mới là thật đồng), lúc này người hầu dâng phải khéo léo móc một ngón tay vào dây thắt cổ để cho dãn bớt (vì dù là thật đồng nhưng Đức Thánh Ông chỉ giảng li giáng lai trên đầu đồng); “rạch lưỡi” nghĩa là dùng con dao hay vật nhọn rạch vào lưỡi người hầu để lấy máu (gọi là Đức Ông ban “dấu mặn”) sau đó phun ra tờ giấy phù hoặc rượu, có người xin giấy phù mang về để hộ thân trừ tà, có người bị tà mà quấy nhiễu lại xin rượu có máu, uống để trục tà; ngoài ra còn có uống dầu sôi, nung nóng bàn cuốc rồi đặt chân lên… Tuy nhiên, hiện nay, các lối hầu cổ như vậy đã ít dần, chỉ còn một số người khi hầu Đức Đại Vương Trần Triều là có thể làm như vậy. Làm như thế người ta gọi là làm phép nhà Trần ra uy, vậy nên văn hát giá Đức Thánh Ông Trần Triều có một số đoạn như:

“Thánh Ông có lệnh truyền ra
Các quan thủy bộ cùng là chư dinh
Hộ vang trấn động Nam thành
Đánh Đông dẹp Bắc tung hoành mọi nơi”

Hay khi Đức Ông về ra uy tróc tà (lên đại thượng hay rạch lưỡi ban dấu mặn) người ta cũng hát rằng:

“Phép ông đôi má thu phình
Lưỡi thời lấy huyết quyết linh thần phù”

Hau gia Duc Thanh Tran

Do quan niệm dân gian nên khi có tà mà dịch bệnh người ta thường cầu đảo Đức Thánh Trần để sát quỷ trừ tà, nhất là phụ nữ bị bệnh về sản khoa (theo dân gian, phụ nữ bị bệnh sản khoa là do quỷ Phạm Nhan gây ra, mà Đức Ông lại là người đã chém đầu quỷ Phạm Nhan); ngoài ra có câu chuyện còn kể rằng nếu có giặc dã, vào đền xin Đức Ông mà thấy tráp kiếm có tiếng kêu bên trong thì nhất định là thắng lớn.

Chú ý khi Hầu Đức đại vương không được lên đại thượng. Chỉ có Đức ông đệ tam mới lên đai thượng để tái hiện lại hình ảnh Ngài thác hóa nguyện lấy linh khi để trấn an vùng biển Đông Bắc.

Canh hoa trang

Các bản văn Đức Thánh Trần

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 9 bản văn Đức Thánh Trần.

Trích đoạn

Ứng mộng lý mãn tuần xuất thế
Thác định sinh Trần thị tôn vương
Dung nghi tướng mạo đường đường
Khuê trương vĩ vọng đống lương đại tài.

Võ thao lược hùng oai quán cổ
Văn kinh luân khí độ Việt nhân
Triều ban bĩ cực hoàng thân
Nội san bình chính ngoại cầu Đổng binh.

Xem thêm đầy đủ các bản văn Đức Thánh Trần

Canh hoa trang

Đền thờ Đức Thánh Trần chính

Một số đền thờ Đức Thánh Trần chính:

ĐềnĐịa Chỉ
Đền Kiếp BạcCôn Sơn-Kiếp Bạc, Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương
Đền Cố TrạchTrần Thừa, Lộc Vượng, TP. Nam Định
Đền Bảo LộcBảo Lộc, Mỹ Lộc, Nam Định
Đền Trần ThươngTrần Thương, Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam
Đền A SàoThôn A Sào, Quỳnh Phụ, Thái Bình
Đền Sơn HảiP. Chương Đ. Độ, Chương Dương Độ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Đền Ngọc SơnP. Đinh Tiên Hoàng, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Đền Phú XáĐông Hải, Hải An, Hải Phòng
Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Đức Thánh Trần.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn tài liệu từ Internet

Tìm hiểu đầy đủ hơn về Tín Ngưỡng Đức Thánh Trần

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Thần tích các vị thánh được thờ trong Tín ngưỡng Đức Thánh Trần: