Vương Cô Đệ Nhị : Đại Hoàng Công Chúa Trần Thị Tĩnh

Hoa Hải đường Vương Cô Đệ Nhất
Đất mặc hương là đất trâm nanh
Kim chi ngọc diệp rành rành
Thái sư nhất phẩm quyền hành ai qua

Chim Phượng 2

Lịch sử và xuất thân Vương Cô Đệ Nhị

Đệ Nhị Vương Cô (Vương Bà) Đại Hoàng Công Chúa Trần Thị Tĩnh. Cô là con gái thứ của Hưng Đạo Đại Vương. Còn tương truyền rằng Vương Phu Nhân nằm mộng thấy vì sao sa xuống rồi lại thấy rồng ấp bên mình thì mang thai cô vào năm Bính Thìn. Cô tuy là con gái ruột của Đức Đại Vương và Vương Phu Nhân nhưng sau này lại phải đổi ra thành nghĩa nữ lấy hiệu Anh Nguyên (Thủy Tiên) Quận Chúa. Nên danh hiệu của cô là: Đệ Nhị Nữ Đại Hoàng Anh Nguyên Quận Chúa. Sở dĩ vậy là có lí do: Hưng Đạo Vương rất quý mến Phạm Ngũ Lão, muốn gả cô cho Đức Ông họ Phạm, nhưng quy định của tôn thất nhà Trần là phải lấy người trong hoàng tộc, để bảo vệ ngai vàng. Vậy nên Đức Ông phải cho cô ra làm con nuôi, để khỏi phạm vào hoàng luật. Cô mang danh nghĩa tử của Hưng Đạo Vương, kết duyên cùng Phạm Ngũ Lão, trở thành Phạm Điện Suy Phu Nhân. Quận chúa là người văn võ song toàn, đã từng đóng giả nam nhi cầm quân ra trận. Cũng có khi, cô còn thay quyền Hưng Đạo Vương, chấp chính ba quân, cô cũng không hề ngại gian nan, sát cánh cùng cha nơi chiến trường trong sự nghiệp vệ quốc thời Trần. Sử nhà Nguyên xưa cũng chép rằng: Công Chúa (tức chi Vương Cô) dáng thanh như ngọc da trắng như ngà, dáng đi khoan thai giọng nói dịu dàng nhưng khi ra trận thi uy dũng, nam nhi ít người sánh bằng.

Thần Tích Đức Thánh Trần có ghi về Vương cô như sau: “Bà tính tình thuần nhã, không kiêu căng, không sa sỉ, giữ đạo làm vợ, hiếu với cha mẹ, khi mất được phong Nữ Đại Hoàng Anh Nguyên Quận chúa”.

Như vậy, cả hai cô con gái của Trần Hưng Đạo đều là những nữ nhi kiệt xuất. Hồ Đức Thọ, tác giả “Vương phi triều Trần” viết: “Dân gian coi nhị vị vương cô sống thì dũng cảm bảo vệ vua, góp công đánh giặc, thác sẽ hộ quốc tí dân tạo sự yên bình thịnh vượng”.

Canh hoa trang

Hầu giá Vương Cô Đệ Nhị

Khi hầu về hàng Hội Đồng Trần Triều, giá Đệ Nhị Vương Cô hay được hầu nhất. Khi ngự đồng cô thường mặc trang phục giống như Vương Cô Nhất nhưng không phải màu đỏ mà là màu vàng, tuy nhiên cũng do ảnh hưởng của Tứ Phủ, một số nơi hầu Vương Cô Đôi lại mặc màu xanh. Khi ngự đồng, cô dắt một chiếc kiếm và cờ lệnh sau lưng, còn tay thì cũng cầm một kiếm một cờ lệnh. Trong hàng Trần Triều, cô là giá thứ 3 có làm phép để trừ tinh tróc tà, khi hầu cô người ta thường làm một số phép như: xiên lình (nghĩa là lấy chiếc ngạnh nhọn bằng sắt trắng, xiên từ má này sang má kia, bên trong miệng phải có ngậm quả cau. Tuy nhiên hiện giờ cách xiên lình này không mấy người làm được mà nếu có người nào hầu về cô làm phép xiên lình thì thường chỉ dùng hai chiếc ngạnh, đâm vào hai bên mả rồi xoắn lại cho nó chọc sâu vào má chứ không xiên từ bên này sang bên kia như lối cổ), ngoài ra còn có phép tiến lửa tróc tà (nghĩa là người hầu về cô đốt một bỏ hương rồi cho vào mồm ngậm tắt, vậy nên còn gọi là ăn lửa).

Ngày tiệc của Vương Cô Đôi là ngày 5/5 âm lịch. Trong khi hầu cô, văn thường hát những đoạn như:

“Cô Đôi tên hiệu Đại Hoàng
Quê cô Bảo Lộc, Thiên Trường, Trần Quan”

Hay còn có những đoạn hát về tài của Vương Cô như:

“Hậu quân nghìn dặm xa xôi
Xem như nội tướng thực tài phu nhân”

Và có cả đoạn:

“Trên Non Đảo đùng đùng gió cuốn
Đỉnh Dược Sơn cuồn cuộn mây bay
Lâu đài Đệ Nhị Vương Cô
Đào Tiên nảy lộc non bồng khai hoa
Vương Phi thấy sao sa đơn chiếc
Năm Bính Thìn rồng ấp một bên”

Hau gia Vuong Co De Nhi

Nơi thờ Vương Cô Đệ Nhị

Cô cũng thường được thờ với Đức Đại Vương trong các đền phủ. Nhưng riêng ở Đền Kiếp Bạc và Đền Bảo Lộc, cô lại ngồi cận bên hữu của Đức Vương Phu Nhân.

Canh hoa trang

Bản văn Vương Cô Đệ Nhị

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 3 bản văn Vương Cô Đệ Nhị.

Trích đoạn

Rầm rầm bút ngọc còn biên
Động đào vừa hé đôi tiên xuất hình
Kêu cầu cho bõ công sinh
Một năm là một giờ dần tốt thay
Xuân sang vườn lá thu bay
Trăng tròn nay đã hơn ngày tinh thông
Đức thái hậu đặt cho mỹ tự
Nhất cô Khuyên thanh đệ nhị cô Đại hoàng
Thủa xưa có giặc Phạm Nhan
Cô đôi ra sức dẹp an nước nhà
Thủa bấy giờ trùng hưng chi nhị
Trong triều đình kén vị chính phi
Thái sư biểu tấu đan trì
Xin dâng mỹ nữ hiệu đề Khuyên thanh
Đức phượng loan duyên lành hợp ban
Niềm ái ân mô vạn nào phai
Ngôi hoàng hậu quyền cai trăm họ
Muôn dân mừng còn có Mẫu Nghi.

Xem chi tiết bản văn Vương Cô Đệ Nhị

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Vương Cô Đệ Nhị.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn tài liệu từ Internet

Tìm hiểu đầy đủ hơn về Tín Ngưỡng Đức Thánh Trần

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Thần tích các vị thánh được thờ trong Tín ngưỡng Đức Thánh Trần: