Cậu Bé Cửa Đông

Cậu Bé Cửa Đông là ai? được thờ tại đâu và hầu giá Cậu Bé như thế nào…? sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết này.

Thuyền ai thấp thoáng giang khê
Thuyền Cậu Cửa Suốt chèo về Hạ Long
Triều đình ban chỉ sắc phong
Gia ban chủ tướng vương tôn nhà Trần

Chim Phượng 2

Cậu Bé Cửa Đông không trong hệ thống Trần Triều cổ

Cau Be Cua Dong

Quay ngược trở lại với thời gian, mọi người đều nhận thấy rằng trong hệ thống các vị thánh được thờ trong Tín ngưỡng Trần triều cổ không hề có Cậu Bé Cửa Đông. Các ngôi đền lớn nhỏ thờ về Đức Thánh Trần như Kiếp Bạc, Bảo Lộc, Trần Thương, … có thể thờ rất nhiều các vị danh tướng thời trần với những bài vị, ban thờ riêng v.v… tuy nhiên lại không có bất kỳ một bài vị hay ban thờ nào nào là dành cho Cậu Bé. Thậm chí ngay cả đền Cửa Ông – nơi được coi là nơi chính của Cậu Bé– cũng không hề có bài vị, ban thờ, tượng thờ Cậu Bé Cửa Đông. Trong nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng Trần Triều cổ cũng không bao giờ có giá Cậu Bé . Những điều trên đưa ta đến một kết luận là: khái niệm “Cậu Bé Cửa Đông” không hề có trong hệ thống các vị thánh trong Tín ngưỡng Trần Triều cổ.

Canh hoa trang

Thuật ngữ Cậu Bé Cửa Đông xuất hiện từ cuối thế kỷ XX

Vậy thì thuật ngữ “Cậu Bé Cửa Đông” xuất hiện từ bao giờ? Một số thông tin cho thấy rằng bắt đầu từ cuối thế kỷ XX, khi mà có sự hòa nhập giữa Tín ngưỡng Tứ Phủ với Tín ngưỡng Trần triều. Cụ thể là từ khoảng những năm 1990 thì bắt đầu có một số đồng thầy hầu giá Cậu Bé Cửa Đông, và giá hầu Cậu Bé Cửa Đông xuất hiện cùng với lối hầu mới, đó là lối hầu Trần Triều cùng ghép cùng với Tử Phủ trong cùng một buổi hầu đồng duy nhất, khác với trước đó nghi thức hầu Trần Triều và hầu Tứ Phủ được thực hiện tách rời thành các buổi khác nhau chứ không chung với nhau thành một buổi duy nhất.

Một số giả thiết về Cậu Bé Cửa Đông

Chính vì sự không rõ ràng về Cậu Bé Cửa Đông mà hiện nay hầu như không thể xác định được cậu là vị thánh nào. Một số tài liệu chỉ nói một cách đơn giản Cậu Bé Cửa Đông là thánh cậu trấn giữ Cửa Đông. Một số tài liệu nói cậu là Cậu Bé Quận bản đền trong Đền Cửa Ông, được Đức Ông Đệ Tam trao quyền trấn giữ Cửa Đông. Tuy nhiên trong Đền Cửa Ông không hề có ban thờ hay bài vị của Cậu Bé Cửa Đông, mà cậu lại được thờ ở ngoài Đền Cửa Ông, tại một ngôi đền Mẫu ở gần đền Cửa Ông.

Một số tài liệu thì nói Cậu là cháu trai của Hưng Đạo Vương, ngang bằng với Cô Bé Cửa Suốt. Tuy nhiên các tài liệu lại không chỉ ra được cụ thể là người cháu nào của Hưng Đạo Vương, hơn nữa trong những người cháu của Hưng Đạo Đại Vương thì không có cháu nào trấn giữ ở Cửa Đông và tham gia cuộc chiến chống Nguyên Mông. Được giao trấn giữ ở Cửa Đông có lẽ duy nhất chỉ có Đức Ông Đệ Tam Trần Quốc Tảng.

Như vậy những giả thiết ở trên về Cậu Bé Cửa Đông đều quá sơ xài và không có tính logic cao, khó thuyết phục. Một số giả thiết khác cũng được đưa ra ở những phần sau đây.

Cậu Bé Cửa Đông không phải là Trần Quang Triều

Tran Quang Trieu

Như chúng ta đã biết, Trần Quốc Tảng có một người con trai, chính vì vậy một giả thiết được đưa ra là Cậu Bé Cửa Đông chính là người con trai đó của Đức Ông Đệ Tam Trần Quốc Tảng, tức là Văn Huệ Vương Trần Quang Triều.

Trần Quang Triều (1287 – 1325) còn có tên là Trần Nguyên Đào, biệt hiệu là Cúc Đường Chủ nhân và Vô Sơn Ông; là nhà thơ và là quan nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Nguyên quán Trần Quang Triều ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường; nay thuộc tỉnh Nam Định. Ông là con trai cả Trần Quốc Tảng, cháu nội Trần Quốc Tuấn, và là anh vợ vua Trần Anh Tông.

Thuộc dòng dõi quý tộc nên ông được biệt đãi. Tháng 4 (âm lịch) năm 1301, mới 14 tuổi, ông được vua Trần Anh Tông phong tước Văn Huệ vương, và sau đó được làm quan tại triều. Ông là người văn võ toàn tài, nhưng không ham phú quý. Khi vợ ông là Công chúa Thượng Trân qua đời, ông về tu ở am Bích Động (thuộc huyện Đông Triều), và lập ra thị xã Bích Động để cùng xướng họa với các bạn thơ, như Nguyễn Sưởng, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Ức, Tự Lạc tiên sinh, …

Theo các tư liệu ghi chép trong sách vở và bia chùa Quỳnh Lâm, thì Trần Quang Triều và vợ là công chúa Thương Trân đã đóng góp rất nhiều công của cho chùa Quỳnh Lâm. Sách Tam tổ thực lục có ghi lại rằng, năm 1317 khi bắt đầu tu tạo lại chùa Quỳnh Lâm, Trần Quang Triều đã đóng góp 4.000 quan tiền (bia chùa Quỳnh Lâm thì ghi 40 vạn). Đến năm 1324, ông còn cúng thêm 300 mẫu ruộng ở Gia Lâm, hơn 1.000 mẫu ruộng ở An Lưu (thuộc đất phong của An Sinh vương Trần Liễu) và 1.000 nô tì để làm của tam bảo vĩnh viễn cho chùa. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử thì hành động hiến gần như toàn bộ gia sản lớn cho chùa Quỳnh Lâm chứng tỏ một điều rằng Trần Quang Triều đã muốn gắn bó cả phần xác và phần hồn đối với nơi này.

Ngoài đóng góp công của tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm, dấu ấn của Trần Quang Triều còn ở chỗ ông đã lập ra ở đây một diễn đàn thi ca gọi là Bích Động am hay Bích Động thi xã. Đây là một tổ chức thơ ca mang tuyên ngôn hành động của một nhóm cư sĩ chứ không phải thiền sư. Cho đến ngày nay, các nhà nghiên cứu mới chỉ biết được 4 thành viên của Bích Động thi xã là Trần Quang Triều, Nguyễn Sưởng, Nguyễn ức và Nguyễn Trung Ngạn. Trong số đó, những sáng tác của Trần Quang Triều đã bị thất lạc khá nhiều, chỉ còn lại một số bài trong tập Cúc Đường di cảo, như: Đề Gia Lâm tự, Đề Phúc Thành từ đường, Giang thôn tức sự, Mai thôn phế tự, Quả An Long, Trường An hoài cổ… Trong đó, bài Trường An hoài cổ đã có ý kiến đánh giá cho là “lấp lánh một dự bảo thiên tài, bảo hiệu sự suy vong không cưỡng nổi của nhà Trần”.

Năm 1321, dưới triều vua Trần Minh Tông, Trần Quang Triều được triệu ra gánh vác việc nước. Ông giữ chức Nhập nội kiểm hiện tư đồ được ít lâu thì mất. Khi ấy là vào tháng 8 âm lịch năm Khang Thái thứ 2 (1325), và ông chỉ ở khoảng 38 tuổi.

Như vậy sau khi điểm qua các sự kiện liên quan đến Trần Quang Triều thì có thể nhận thấy rằng ngài không phải “Cậu Bé Cửa Đông” với những lý do sau:

– Thứ nhất: Trần Quang Thiều không tham gia các cuộc chiến chống Nguyên Mông của Nhà Trần. Lần thứ nhất và lần thứ hai chống Nguyên Mông thì Trần Quang Thiều chưa sinh ra, còn lần thứ ba chống Nguyên Mông thì Trần Quang Thiều mới sinh ra và hiển nhiên không thể tham gia cuộc chiến. Điều này trái ngược với các bản văn về “Cậu Bé Cửa Đông” nói về sự kiện ngài có công đánh giặc Nguyên Mông như đoạn trích dưới đây:

“Phất cờ hạ lệnh tiến công
Phạm Nhan mất vía Nguyên Mông chạy dài

Dẹp an về tấu Đức Vua
Mông Nguyên đã thảo đã thua tan tành
Xa gần nức tiếng thơm danh
Thánh Cậu Cửa Suốt anh linh muôn đời”

– Thứ hai: Trần Quang Thiều không tham gia trấn giữ Cửa Ông. Sách sử ghi chép lại là năm 14 tuổi, ông được vua Trần Anh Tông phong tước Văn Huệ Vương, và sau đó được làm quan tại triều. Sau này ông lui về ở chùa Quỳnh Lâm, hang Bích Động ở huyện Đông Triều. Những địa danh này đều không liên quan đến vùng biển Cửa Ông. Và các chức quan mà Trần Quang Thiều được phong cũng không liên quan đến việc trấn giữ vùng Cửa Ông. Điều này phần nữa khẳng định Trần Quang Thiều không thể là Cậu Bé Cửa Đông.

– Thứ ba: Mặc dù Trần Quang Thiều mất sớm ở độ tuổi khoảng 38, nhưng để được coi là Cậu Bé thì cũng không phù hợp. Vì trong tín ngưỡng dân gian thì thánh Cậu Bé vốn dùng để chỉ các thành cậu ở độ tuổi thanh niên, tức là khi mất cũng ở độ tuổi thanh niên. Trong khi đó Trần Quang Thiều mất ở tuổi 38, đó là độ tuổi trung niên chứ không phải thanh niên, như vậy Trần Quang Thiều khó có thể được coi là Cậu Bé Cửa Đông.

Từ những lý do trên có thể đi đến kết luận rằng Cậu Bé Cửa Đông không phải là Trần Quang Thiều – người con trai của Đức Ông Đệ Tam Cửa Suốt Trần Quốc Tảng.

Cậu Bé Cửa Đông là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản

Tran Quoc Toan

Để xác định được chính xác Cậu Bé Cửa Đông là ai, chúng ta hãy cùng xem lại các danh tướng nhà Trần có công đánh giặc Nguyên Mông. Có thể thấy rằng danh tướng trẻ tuổi nhất thuộc dòng dõi Nhà Trần, ở độ tuổi chưa đầy 18, có lòng yêu nước và chỉ khí hiên ngang, và đã lập lên nhiều chiến công chống giặc Nguyên Mông, duy nhất chỉ có Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản.

Tại sao Cậu Bé Cửa Đông lại là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, và Trần Quốc Toản có liên quan gì đến vùng đất Cửa Ông. Chúng ta sẽ cùng giải thích điều này qua những dẫn chứng sau:

– Thứ nhất: Trần Quốc Toản là một danh tướng thuộc dòng dõi Nhà Trần. Có nhiều tài liệu khác nhau nói về cha của Trần Quốc Toản. Cuốn “Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam” nói Trần Quốc Toản là con Trung Thành Vương, và là cháu nội Nhân Đạo Vương. Theo như kết quả những nghiên cứu gần đây, Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản là con của Vũ Uy vương Trần Nhật Duy và vương phi Trần Ý Ninh. Trần Nhật Duy là con trai vua Trần Thái Tông nên Trần Quốc Toản là cháu nội của vua Trần Thái Tông, vị vua Trần đầu tiên của nước ta.

– Thứ hai: Trần Quốc Toản tham gia chống Nguyên Mông khi tuổi đời còn chưa đến tuổi 18, và cũng hy sinh ở tuổi thanh xuân. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản đã đi vào lịch sử là tấm gương tuổi trẻ chi lớn, với lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước, dám hy sinh tính mạng vì dân tộc. Vì vậy Cậu Bé Cửa Đông là Trần Quốc Toản cũng là một điều hợp lý, khi mà thánh Cậu Bé được tín ngưỡng dân gian coi là những vị thánh ở độ tuổi còn trẻ.

– Thứ ba: Mặc dù Trần Quốc Toản tham gia nhiều trận đánh khác nhau ở những nơi khác nhau, nhưng trận đánh cuối cùng mà Trần Quốc Toản tham gia và cũng là trận đánh mà người hy sinh, đó chính là trận Vân Đồn. Đây là trận đánh nằm trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ ba. Trận Vân Đồn là một trận thủy chiến giữa quân nhà Trần với Ô Mã Nhi nhằm tiêu diệt kho quân lương của Nguyên Mông, trong trận chiến này Trần Quốc Toản đã anh dũng hy sinh để chặn mũi tiến công của địch nhằm cướp lại kho lương thực. Vị trí của Vân Đồn cách Cửa Ông không xa chỉ vài cây số, và có lẽ đây cũng là lý do hợp lý nhất để thấy rằng Cậu Bé Cửa Đông chính là Trần Quốc Toản.

– Thứ tư: Trong bản văn Cậu Bé Cửa Đông có nhiều đoạn cho thấy sự hợp lý để thấy rằng Cậu Bé Cửa Đông chính là Trần Quốc Toản, chẳng hạn như đoạn văn sau:

“Tiên phong phất ngọn hồng kì
Bảo dân hộ quốc quản gì công lao”

Ngọn hồng kỳ mà bản văn nhắc tới chính là lá cờ thêu sáu chữ vàng “phá cường địch, báo hoàng ân” đã cùng Trần Quốc Toản tiên phong trong các trận chiến chống quân Nguyên Mông.

– Thứ năm: Cậu Bé Cửa Đông được phong là Hiển Thánh Vương Tôn Chủ Bộ Tướng, điều này cũng phù hợp với sự kiện Trần Quốc Toản được phong tước Vương sau khi hy sinh. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bản kỷ quyển V có viết về Trần Quốc Toản như sau: “Đến khi mất, vua rất thương tiếc, thân làm văn tế, lại gia phong tước Vương”.

– Thứ sáu: Một điều trùng hợp nữa giữa Cậu Bé Cửa Đông với Trần Quốc Toản để có thể hiểu rằng cả hai cùng là một, đó chính là: Cậu Bé Cửa Đông không được thờ chính thức trong hệ thống đền thờ Hưng Đạo Đại Vương, cũng giống như Trần Quốc Toản không có bài vị và không được thờ chính ở các đền thờ Hưng Đạo Đại Vương. Sở dĩ như vậy bởi vì khi đó Trần Quốc Toản vẫn còn quá trẻ tuổi, ở độ tuổi đó Trần Quốc Toản cầm đầu một đội quân chiến đấu dưới sự chỉ huy của tướng Trần Nhật Duật chứ chưa thể đứng đầu một đạo quân lớn để chỉ huy những chiến dịch lớn. Như vậy xét về độ tuổi, chức vụ và công trạng thì Trần Quốc Toản rõ ràng vẫn còn thấp hơn so với những vị danh tướng khác của Nhà Trần. Tuy nhiên xét về tuổi trẻ chí lớn, với lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước, dám hy sinh tính mạng vì dân tộc thì Trần Quốc Toản lại là một tấm gương lớn cho thế hệ trẻ của Việt Nam và xứng đáng được tôn vinh.

– Thứ bảy: Nếu như Trần Quốc Toản đã có một đền thờ riêng thì giả thiết Cậu Bé Cửa Đông là Trần Quốc Toản chắc chắn sẽ khó thuyết phục. Tuy nhiên hiện nay Trần Quốc Toản lại không có đền thờ riêng. Và với những công lao lớn của Trần Quốc Toản, việc có một nơi thờ chính thức và có một vị trí cụ thể trong tín ngưỡng của dân có lẽ cũng là một điều thỏa nguyện mong muốn của nhiều người dân Việt Nam. Đây lại là một cơ sở nữa để chúng ta đi đến kết luận Cậu Bé Cửa Đông chính là Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản.

Canh hoa trang

Hầu giá Cậu Bé Cửa Đông

Cậu Bé Cửa Đông khi ngự đồng mặc áo vàng, cũng có khi cậu ngự mặc áo trắng. Trên đầu cậu vấn khăn ngang. Cậu không múa đội hèo hoa như thánh cậu thuộc Tứ Phủ mà cậu mua cờ và kiếm để đánh giặc.

Khi thỉnh cậu, văn hát rằng:

“Cửa Đông sóng dậy ầm ầm
Thỉnh mời Cậu Bé lai lâm ngự về”

Hau gia Cau Be Cua Dong

Văn Cậu Bé Cửa Đông

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 1 bản văn Cậu Bé Cửa Đông.

Trích đoạn

Cậu Hoàng văn võ mười phần
Điều quân khiển tướng tài thần ra oai
Lĩnh ban quốc ấn quyền cai
An dân trấn giữ ra ngoài Cửa Đông

Phất cờ hạ lệnh tiến công
Phạm Nhan mất vía Nguyên Mông chạy dài
Thánh tôn xuất chúng đại tài
Văn thao võ lược đáng trai anh hùng

Xem đầy đủ bản văn Cậu Bé Cửa Đông

Canh hoa trang

Đền thờ Cậu Bé Cửa Đông

tuong Cau Be Cua Dong

Cậu Bé Cửa Đông được thờ tại ngôi Đền Mẫu ngay gần đền Cửa Ông, thuộc địa phận phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Ngoài tượng Cậu Bé, đền còn thờ Cô Bé Cửa Suốt.

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Cậu Bé Cửa Đông.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn tài liệu từ Internet

Tìm hiểu đầy đủ hơn về Tín Ngưỡng Đức Thánh Trần

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Thần tích các vị thánh được thờ trong Tín ngưỡng Đức Thánh Trần: