Tiệc Tứ phủ tháng 7 âm lịch hàng năm

Các ngày tiệc Tứ phủ tháng 7 âm lịch được Tín Ngưỡng Việt cập nhật chi tiết các thông tin để chia sẻ tới các bạn.

Tiec Tu phu thang 7 am lich

Danh sách tiệc Tứ phủ tháng 7/2022

  • Đại Lễ Tán Hạ
  • Ngày 3 tháng 7: Tiệc Vương Nữ Tôn Anh Tông Hoàng Hậu (Vương Cô Đệ Nhất)
  • Ngày 6 tháng 7: Tiệc Cô Tư
  • Ngày 7 tháng 7 (hoặc 17/7): Tiệc Ông Hoàng Bảy Bảo Hà
  • Ngày 12 tháng 7: Tiệc Mẫu Ỷ La
  • Ngày 13 tháng 7 : Tiệc Nữ Tướng Lê Chân đền Nghè
  • Ngày 14 tháng 7: Tiệc Ông Hoàng Đôi (đền Bảo Hà)
  • Ngày 20 tháng 7: Tiệc Bà Chúa Kho
  • Ngày 21 tháng 7: Tiệc Chầu Bảy Kim Giao
  • Ngày 21 tháng 7: Tiệc Cô Bảy Kim Giao
  • Ngày 21 tháng 7: Tiệc Cô Cả Núi Dùm
Chim Phượng 2

Chi tiết các ngày tiệc Tứ phủ tháng 7 âm lịch hàng năm

Dưới đây là chi tiết các ngày tiệc Tứ phủ trong tháng 7:

Đại Lễ Tán Hạ

Ngày diễn ra: Tất cả các ngày trong tháng 7 âm lịch.

Dai Le Tan Ha

Tiệc Vương Nữ Tôn Anh Tông Hoàng Hậu

Ngày chính tiệc: Ngày 3 tháng 7 năm Nhâm Dần (Chủ nhật 31/7/2022)

Vương Nữ Tôn Anh Tông Hoàng Hậu (Vương Cô Đệ Nhất) là một trong Nhị Vị Vương Cô – con gái của Hưng Đạo Đại Vương. Cả cuộc đời Bà nổi tiếng đôn hậu, dũng cảm, được nhân dân mọi miền cảm phục, yêu mến và thờ cúng ở trong các đền phủ cùng với Đức Đại Vương.

Đền thờ

  • Đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương)
  • Đền Bảo Lộc (Nam Định)
  • Đền Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam)
  • Đền thờ Đức Thánh Trần (Nha Trang)

Xem thêm: Bản văn Vương Cô Đệ Nhất

Tiệc Cô Tư

Ngày chính tiệc: Ngày 6 tháng 7 năm Nhâm Dần (Thứ 4 – 3/8/2022)

Cô Tư vốn là con vua Đế Thích chính cung. Theo lệnh vua cha, cô theo hầu Mẫu Thượng Ngàn tại đất Tuyên Quang. Về sau, nơi Mẫu giá ngự đó, người ta lập đền Mẫu Ỷ La nên cô cũng được gọi là Cô Tư Ỷ La.

Ngoài ra Cô Tư còn có một danh hiệu khác là Cô Tư Tứ Tổng Tây Hồ. Qua ước đoán, có thể suy ra rằng danh hiệu này là do Cô Tư đã từng giáng hiện tại đất Tây Hồ, Hà Nội rong chơi, và điển hình nhất là hiện nay vẫn có ban thờ Cô Tư tại đình Tứ Liên; một ngôi đình cổ nằm ở gần Phủ Tây Hồ, Hà Nội.

Đền thờ

  • Đền Ỷ La (Tổ 4, phường Ỷ La, TP. Tuyên Quang )
  • Đình Tứ Liên (Ngõ 123, Âu Cơ, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội)

Xem thêm

Hau gia Co Tu

Tiệc Ông Hoàng Bảy Bảo Hà

Ngày chính tiệc:

  • Tiệc đản nhật : Ngày 7 tháng 7 năm Nhâm Dần (Thứ 5 – 4/8/2022)
  • Ngày giỗ : Ngày 17 tháng 7 năm Nhâm Dần (Chủ nhật – 14/8/2022)

Khánh tiệc đức Hoàng Bẩy là một trong ba Đại lễ của Phủ Chúa Bắc Hà và các anh chị em Nhất Tâm cùng các con nhang đệ tử. Hàng năm vào tháng 7 bản hội Nhất Tâm đều tổ chức trẩy tiệc Hoàng Bẩy. Về với đền Bảo Hà để tri ân và tưởng nhớ công đức của đức Thánh Hoàng, bản hội cũng cầu xin Đức Hoàng gia hộ tiếp độ ban tài tiếp lộc cho các gia chủ.

Trong lễ hội có tổ chức rước kiệu, tế thần, dâng hương tưởng niệm, cùng các hoạt động văn hoá – thể thao khác. Ngoài những ngày lễ hội, những ngày thường (đặc biệt là vào mùa xuân) khách thập phương trong cả nước vẫn thường xuyên tụ họp tại đây để thắp hương tưởng niệm, cầu an, cầu lộc.

Đền thờ

  • Đền Bảo Hà (Lào Cai)
  • Đền Đá Thiên – Trại Cau (Thái Nguyên)

Sắm lễ ông Bảy

  • Lễ mặn (xôi, gà), rượu, bia, nước ngọt, nước khoáng
  • Hoa tươi, quả tốt
  • Bánh, kẹo (kẹo lạc), trà, thuốc lá
  • Vàng lá, hương, nến, tiền trần, cau trầu
  • 1000 vàng Bốn Phủ, 1000 vàng tím…

Nếu có điều kiện hơn thì sắm thêm cỗ ngựa tím cùng quần, áo, hia, mũ đủ đầy.

Xem thêm: Bản văn ông Bảy

den tho ong Hoang Bay

Tiệc đền Mẫu Ỷ La

Ngày chính tiệc : 12 tháng 7 năm Nhâm Dần (Thứ 3 – 9/8/2022)

Đền thờ : Đền Mẫu Ỷ La (phường Ỷ La, Tuyên Quang)

Đền Mẫu Ỷ La và Đền Hạ (Đền Tam Cờ, hay đôi khi còn gọi là đền Hiệp Thuận), Đền Thượng (Đền Mẫu Dùm) tạo thành một cụm di tích thờ 2 công chúa của Vua Hùng là Phương Dung Công Chúa và Ngọc Lân Công Chúa.

Tiệc Nữ Tướng Lê Chân đền Nghè

Ngày chính tiệc : 13 tháng 7 năm Nhâm Dần (Thứ 4 – 10/8/2022)

Bà Lê Chân quê gốc ở Đông Triều Quảng Ninh. Vì nợ nước thù nhà, bà rời bỏ quê hương, khai khẩn vùng đất mới lập nên ấp An Biên – chính là Hải Phòng ngày nay. Nữ tướng đã lập nhiều chiến công, giúp Hai Bà Trưng chống lại quân Đông Hán xâm lược (thế kỷ I), được phong là thánh Chân công chúa, là người cai quản mảnh đất Hải Tần Phòng Thủ – Hải Phòng ngày nay.

Đền Nghè ban đầu là một ngôi đền nhỏ làm từ tre, gỗ, qua nhiều lần, nhiều đời tôn tạo, đền Nghè có quy mô như ngày nay. Kiến trúc của đền Nghè mang đặc trưng kiến trúc của nhà Nguyễn.

Đền thờ : Đền Nghè (Số 53 đường Lê Chân, phường An Biên, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng)

Ban tho Duc Thanh Mau Le Chan

Tiệc Ông Hoàng Đôi (đền Bảo Hà)

Ngày chính tiệc : Ngày 14 tháng 7 năm Nhâm Dần (Thứ 5 – 11/08/2022)

Ông Hoàng Đôi là một trong bốn vị Khâm Sai thay quyền Tứ Phủ đi chấm lính nhận đồng. Ông từng tham gia nhiều trận đánh trên thượng ngàn và sau này khi hiển thánh, ông trở thành vị Quan Hoàng thứ hai trong Thập Vị Quan Hoàng, được nhân dân nhiều vùng lập đền nghiêm cẩn thờ kính.

Ngày lễ của Ngài 14 tháng 7 âm lịch hàng năm. Vào dịp này, các đền thờ cúng ông Hoàng Đôi lại thu hút hàng ngàn lượt khách hành hương tứ xứ đổ về dâng lễ bái yết Ngài. Trước là để tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với công lao vệ quốc vệ dân của ông, sau là cầu Ngài phù hộ độ trì cho gia quyến và vạn sự bình an như ý.

Đền thờ :

  • Đền Bảo Hà ( Lạng Sơn)
  • Chùa Quang Minh (Lào Cai)
  • Phủ Tây Hồ (Hà Nội)

Xem thêm : Bản văn Ông Hoàng Đôi

Tiệc Bà Chúa Kho

Bà Chúa Kho là nhân vật lịch sử có đóng góp lớn trong chiến thắng Như Nguyệt và gắn liền với sự kiện Lý Thường Kiệt lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 1076.

Cứ vào mùa lễ hội, hàng ngàn lượt khách hành hương lại đổ về đền và thực hiện nghi thức “vay vốn” cầu làm ăn. Người ta tin rằng, đầu năm vay vốn, cuối năm trả nợ Bà Chúa Kho sẽ giúp cho công việc kinh doanh thuận lợi, tiền tài tấn tới.

Đền thờ : Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)

Tiệc Chầu Bảy Kim Giao – Cô Bảy Kim Giao

Ngày chính tiệc : 21 tháng 7 năm Nhâm Dần (Thứ 5 – 18/08/2022)

Chầu Bảy Kim Giao

Chầu Bảy sinh thời là người Mọi trong một gia đình sinh sống ở vùng Thanh Liên, Mỏ Bạch, Thái Nguyên. Có rất ít thông tin về Chầu khi sinh thời. Chỉ biết rằng trong những điển tích còn sót lại thì Chầu là người giáng trần giúp dân dẹp quân xâm lăng trên đất Thái Nguyên. Sau đó, bà cũng chính là người dạy người Mọi làm ăn canh tác, trồng trọt chăn nuôi. Đặc biệt còn lưu truyền rằng bà chính là người dạy dân biết trồng chè tuyết.

Sau khi về trời, Chầu được giao quyền quản cai núi rừng Mỏ Bạch, Thái Nguyên. Tương truyền vào những đêm canh khuya, Chầu Bảy thường hiện hình dạo chơi cùng các tiên nàng và hội họp giữa rừng xanh.

Xem thêm: Bản văn Chầu Bảy

Cô Bảy Kim Giao

Cô Bảy Kim Giao vốn là một tiên cô ở vùng Kim Giao, Mỏ Bạch, Thái Nguyên. Có tài liệu cho rằng cô là người dân tộc Mọi. Tuy nhiên, trong danh mục các dân tộc Việt Nam không thấy có dân tộc có tên là Mọi. Vì vậy, có khả năng Cô là người Nùng. Các tài liệu về thần tích của Cô hiện không có, chỉ tương truyền cô có công giúp người dân Mọi biết trồng trọt chăn nuôi và trong công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc, nhưng thời gian nào thì cũng không xác định được.

Xem thêm: Bản văn Cô Bảy

Đền thờ : Đền Kim Giao (Thanh Liên, Mỏ Bạch, Thái Nguyên)

hau gia Chau Bay

Bài văn khấn đền phủ trong ngày tiệc

Đây là bài văn khấn đền phủ thông dụng nhất được Tín Ngưỡng Việt chỉnh soạn. Các bạn có thể in ra giấy để cầm đọc, sau đó hóa đi cùng vàng mã.

Chim Phượng 2

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

  • Con lạy chín phương Trời, lạy mười phương Đất, chư Phật mười phương, mười phương chư Phật.
  • Con tấu lạy Vua Cha bách bái, Tam vị Quốc Vương Mẫu ngàn trùng.
  • Tam phủ Công đồng, Tứ phủ vạn linh.
  • Con tấu lạy Đức Trần triều thượng đẳng cao xa, nhị vị Vương Bà bách bái (nếu đền, phủ có cung/ban thờ Trần triều).
  • Con tấu lạy Ngũ vị Tôn Ông, công đồng Quan lớn, hội đồng các quan.
  • Con tấu lạy Tứ phủ Chầu Bà, Tứ phủ Ông Hoàng, Tứ phủ Tiên Cô, hội đồng Thánh Cậu, Năm dinh Quan lớn, Mười dinh các Quan, Bát bộ Sơn trang, Thập nhị Tiên nàng, mười tám cửa rừng, mười hai cửa bể.
  • Con tấu lạy quan cai đầu đồng, chầu thủ bản mệnh, đương niên hành khiển Thái Tuế Chí Đức tôn thần, Đương Cảnh Thành hoàng liệt vị đại vương tôn thần.
  • Con lạy Cô Bé, Cậu Bé thủ đến thủ phủ.

Hôm nay ngày… tháng… năm… (âm lịch).

Tín chủ con là… (có thể khấn kèm tên các thành viên khác trong gia đình).

Ngụ tại…

Nhất thiết chí thành đem miệng về tâu đem đầu bái yết… (tên nơi đền phủ đang hành lễ).

Thành tâm tu thiết Nhang – Đăng – Quả – Phẩm – Kim ngân, lễ bạc lòng thành, cúi xin chư vị giáng lâm giáng lai, giáng đài giáng điện, bảo hộ phù trì quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.

Chấp lễ chấp bái, chấp kêu chấp cầu, nhất tội nhất xá, Vạn tội vạn xá, phù hộ độ trì cho nội gia ngoại viên chúng con: già được mạnh khỏe, trẻ được bình an, bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an, cầu vô sự đắc vô sự, câu công danh đắc công danh, cầu hạnh phúc thành hạnh phúc.

Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).

—-//—-

Lưu ý:

Khi đến các đền, phủ chính thờ sẽ khấn thêm tên hiệu vị Thánh được thờ như sau: “Con tấu lạy anh linh bản từ phụng tự … nhất thiết liệt vị uy linh”.

Tuy nhiên, vị trí câu khấn này cần được đặt vào đúng hàng của vị Thánh chính thờ tại đền, điện, phủ nơi mình đến.

Ví dụ khi đi lễ tại đền Bảo Hà ( chính thờ Quan Hoàng Bảy) thì sẽ khấn là

“Con tấu lạy Tứ phủ Chầu Bà, Tứ phủ Ông Hoàng, Con tấu lạy anh linh bản từ phụng tự Ông Hoàng Bảy nhất thiết liệt vị uy linh, , Tứ phủ Tiên Cô, hội đồng Thánh Cậu,…”

Con rồng

Trên đây là thông tin chi tiết các ngày tiệc Tứ phủ tháng 7 được Tín Ngưỡng Việt tổng hợp và chia sẻ. Kính chúc các Bạn một tháng mới nhiều may mắn và tài lộc.

Xem thêm