Tổng hợp các ngày tiệc Tứ Phủ trong tháng 4 âm lịch

(Tín Ngưỡng Việt) – Tổng hợp các ngày tiệc Tứ Phủ tháng 4 âm lịch hàng năm. Thông tin ngày tiệc, thần tích, đền thờ, cách sắm lễ tiệc Tứ Phủ tháng tư thường niên.

Tiệc Tứ Phủ tháng tư

Tiệc Tứ Phủ tháng 4 thường niên

Đại lễ nhập hạ (vào hè)

  • Ngày tiệc: toàn bộ các ngày trong tháng tư âm lịch.
  • Ý nghĩa của Đại lễ nhập hạ (vào hè): Lễ vào hè có mục đích là để cầu người khỏe, vật yên, không có bệnh dịch, mùa màng tươi tốt, thời tiết thuận hòa trong 3 tháng hè. Lễ cúng vào hè thường được diễn ra khắp các đền, phủ, miếu, điện…

Tiệc Trần Triêu Đức Vương Phụ An Sinh Vương

  • Ngày tiệc: 1/4
  • Thần tích: Đức Vương Phụ An Sinh Vương là thân phụ của Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương.
  • Đền thờ chính:
    • Đền Cao An Phụ (An Phụ Sơn Từ) thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
    • Đền An Sinh (Điện An Sinh) thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
    • Đền thờ An Sinh Vương tại thôn Tư Thế, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
  • Cách sắm lễ: Một đĩa hoa, một đĩa quả gồm nhiều loại quả, cơi trầu, cút rượu, xôi thịt, thẻ hương, giấy tiền và một cánh sớ.

Tiệc Chúa Thác Bờ

  • Ngày tiệc: 12/4 (hoặc 1/4)
  • Thần tích: Chúa Thác Bờ người Mường, tên húy là Đinh Thị Vân. Chúa có công lớn trong việc giúp Vua Lê Lợi đánh thắng giặc. Ngoài ra, Chúa Thác còn giúp dân ổn định cuộc sống, dạy nhân dân lên rẫy làm nương, xuống sông Đà làm lưới bắt cá. Tương truyền, người còn giúp dân trị thủy, chế ngự sống Đà cuồn cuộn sóng dữ.
  • Đền thờ chính: nằm trên địa phận hai xã là xã Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.
  • Cách sắm lễ: một đĩa hoa, một đĩa quả gồm nhiều loại quả, giấy tiền, thẻ hương, trầu cau, cút rượu, xôi thịt, cánh sớ. Riêng với Chúa Thác Bờ, các thức lễ dâng lên chúa bà phải có màu trắng. Bởi khi thỉnh Chúa Thác Bờ, chúa ngự về đồng thường mặc áo trắng.

Tiệc Chầu Bà Đệ Tam

  • Ngày tiệc: 18/4
  • Thần tích: Tương truyền, Chầu Đệ Tam là Thủy Tinh Tiên Nữ, con vua Thủy Tề dưới Long Cung. Lại có sự tích nói rằng, bà là con gái của Lạc Long Quân, danh hiệu Thủy Tinh Động Đình Ngọc Nữ Tam Giang Công Chúa. Nhưng truyền thuyết này không được lưu truyền rộng rãi mà thực tế thì người ta vẫn công nhận sự tích Chầu Đệ Tam là con Vua Long Vương Bát Hải Động Đình hơn.
  • Đền thờ chính: Chầu Bà Đệ Tam không có đền thờ riêng. Chầu là Khâm sai của Thánh Mẫu Thoải cung, nên nơi chính thờ Thánh Mẫu cũng thờ Chầu Đệ Tam. Nổi tiếc nhất là đền Hàn Sơn (đền Thác Hàn) thuộc xã Hàn Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa.
  • Cách sắm lễ: Một mâm lễ vật thường là những thức đồ chay mặn tùy tâm, không cần đắt tiền nhưng cần thành tâm hết mức có thể.
Tiệc Chầu Đệ Tam
Chầu Bà Đệ Tam

Tiệc Quan Hoàng Lục Thanh Hà

  • Ngày tiệc: 19/4
  • Thần tích: Quan Hoàng Lục Thanh Hà có tên là Trần Hựu, một vị tướng có công lớn trong việc giúp Vua Lê Lợi dẹp giặc Minh. Chính vì vậy mà Quan Hoàng được Vua ban cho Quốc tính (họ Vua) là Lê Hựu và phong làm Trấn viễn đại tướng quân, tước Thượng Trí Tự. Khi Ông mất cũng được truy phong Trung Dũng Hầu.
  • Đền thờ chính: Quan Hoàng Lục Thanh Hà được thờ tại Đình Thanh Hà, số 10 Ngõ Gạch, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Cách sắm lễ: một đĩa hoa, một đĩa quả với nhiều loại quả, cơi trầu, quả cau, cút rượu, xôi thịt, thẻ hương, giấy tiền và một cánh sớ.

Tiệc Trần Triều Đức Ông Đệ Nhất Hưng Vũ Vương

  • Ngày tiệc: 24/4
  • Thần tích: Đức Ông Đệ Nhất Hưng Vũ Vương tức Đức Thánh Cả có tên húy là Trần Quốc Nghiễn, là con trai thứ nhất của Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương.
  • Đền thờ chính: Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn tại đường Trần Quốc Nghiễn, phường Hồng Gai, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
  • Cách sắm lễ: hương, hoa tươi, quả chín, phẩm oản, xôi chè, vàng mã, trầu cau, cánh sớ.

Tiệc Quan Đệ Tứ

  • Ngày tiệc: 24/4
  • Thần tích: Quan Đệ Tứ hay Quan Lớn Đệ Tứ Khâm sai giữ quyền Khâm sai bốn phủ. Quan Đệ Tứ vốn xuất thân từ chốn Thiên cung nhưng được giao cai quản miền đất đai nơi con người sinh sống; do đó, Ngài ngự áo màu vàng tượng trưng cho Địa phủ.
  • Đền thờ chính: Đền Đức Thánh Quan Lớn Đệ Tứ, phố Đông Thái, thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
  • Cách sắm lễ: một đĩa hoa, một đĩa quả nhiều loại quả, cơi trầu, quả cau, cút rượu, xôi thịt, giấy tiền, thẻ hương, cánh sớ thành kính dâng yết cửa ngài.

Đọc thêm: Tổng hợp danh sách các ngày tiệc Tứ Phủ thường niên

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.