Sự phát triển của Tín ngưỡng Tứ Phủ qua hình thức phối thờ

Chim Phượng 2

Sự phối thờ của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ

Su phoi tho cua Tin nguong Tam Tu Phu

Nguyên tắc phối thờ của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ

Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ là một tín ngưỡng đặc biệt, trong đó các vị thần linh được thờ không chỉ giới hạn trong một phạm vi hẹp, mà là một hệ thống rất rộng lớn. Quay lại với những khái niệm cơ bản, Tam Phủ ở đây là khái niệm bao gồm 3 Phủ, trong đó Thiên Phủ bao gồm các vị tiên thánh cai quản ở trên trời, Địa Phủ bao gồm các vị thánh thần linh cai quản ở mặt đất, và Thủy Phủ bao gồm các vị thánh thần linh cai quản ở vùng sông nước biển cả. Nếu như tách rời miền rừng núi từ Địa Phủ ra để tạo thành một Phủ riêng, ta có Nhạc Phủ bao gồm các vị thánh thần linh cai quản ở rừng núi, và khi đó ta cũng có khái niệm Tử Phủ: Thiên Phủ, Địa Phủ, Thủy Phủ và Nhạc Phủ.

Như vậy có thể nói rằng Tứ Phủ bao gồm rất nhiều các vị thánh thần, chứ không bị giới hạn bởi vài chục vị hay vài trăm vị. Bởi vậy mới có khái niệm: Tam Phủ Công Đồng, Tứ Phủ Vạn Linh. Sự rộng lớn đó của Tứ Phủ sẽ được chứng minh tại bài viết Công Đồng Tam Tứ Phủ: Tìm hiểu chi tiết và đầy đủ nhất

Quay trở lại với việc tại sao Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ lại có khả năng dung nạp, tích hợp và phối thờ với các vị thánh thần khác? Và nếu phối thờ như vậy thì vai trò của các vị thánh hay thần linh được phối thờ sẽ nằm ở vị trí nào trong Tín ngưỡng Tam Tử Phủ? Chúng ta trả lời câu hỏi này thông qua việc phân tích hệ thống cấu trúc các vị thần linh trong Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ.

Có thể thấy rằng Tín ngưỡng Tam Tứ Phú cũng giống như Đạo Giáo, là một tín ngưỡng đa thần, trong đó các vị thần linh được phân chia thứ bậc tạo thành một hệ thống giống như bộ máy nhà nước. Tuy nhiên Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ có một hệ thống bộ máy cấu trúc hoàn chỉnh, chặt chẽ và gắn liền với tế hơn khi so sánh với bộ máy các vị thần linh của Đạo Giáo,

Có thể mô tả cấu trúc bộ máy các vị thần linh thuộc Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ như hình vẽ dưới đây, trong đó cũng đồng thời tiến hành so sánh giữa bộ máy của tín ngưỡng Tam Tứ Phủ với Bộ máy của nhà nước CHXNCN Việt Nam, qua đó cho thấy sự liên hệ để bạn đọc dễ hiểu.

so sanh giua bo may cua tin nguong Tam Tu Phu voi Bo may cua nha nuoc CHXNCN Viet Nam

Có thể thấy rằng cấu trúc bộ máy được chia làm hai phần chính: Bộ máy cấp trung ương và bộ máy cấp địa phương, cụ thể:

Bộ máy cấp Trung Ương:

Cao nhất trong bộ máy cấp trung ương là Hội Công Đồng Tam Tứ Phủ (tương ứng với Quốc Hội), là tập hợp của tất cả các vị thánh và thần linh đứng đầu đại diện cho toàn bộ chân linh của 4 miền Thiên Địa Thủy Nhạc, giống như các vị Đại biểu Quốc hội là đại diện cho toàn thể nhân dân của đất nước.

Tiếp theo là đến Ngọc Hoàng Thượng Đế và các vị Vua Cha, tương xứng với ngôi Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch nước. Tuy Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, nhưng lại không trực tiếp điều hành hệ thống hành chính mà giao lại quyền điều hành cho Thủ tướng Chính Phủ. Tương tự như vậy Ngọc Hoàng Thượng Đế không trực tiếp cai quản công việc mà ủy quyền lại cho Thánh Mẫu thực thi công việc của Tam Tứ Phủ Công Đồng.

Tiếp theo là Tam Tòa Thánh Mẫu: tương đương với Thủ tướng Chính Phủ và Phó thủ Tướng Chính Phủ. Có thể nói tuy Thủ tướng ở vị trí thấp hơn so với Chủ tịch nước trong cấu trúc bộ máy (vì Chủ tịch nước là người chỉ định ra Thủ tướng trước khi Quốc hội bỏ phiếu, và Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch nước và Quốc hội,…) tuy nhiên Thủ tướng lại có quyền quản lý trực tiếp vô cùng rộng lớn. Tương tự như vậy Thánh Mẫu tuy ở vị trí thấp hơn Ngọc Hoàng Thượng Đế, nhưng lại được Ngọc Hoàng Thượng Đế ủy quyền cho những quyền hạn vô cùng lớn lao.

Hội Đồng Quan Lớn, Tứ Phủ Chầu Bà, Tứ Phủ Ông Hoàng, v.v… tương đương với Lãnh đạo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Tổng Cục, Cục, Vụ, Viện, Phòng, Ban, …. nằm trong Chính Phủ.

Bộ máy cấp Địa Phương:

Ở mỗi nơi có các vị Quan Bản Xứ, Chúa Bản Đền, Thần Linh Bản Địa, Cô Cậu Bản Cảnh, … cũng tương đương như ở mỗi địa phương đều có những vị Lãnh đạo trong bộ máy nhà nước (Lãnh đạo tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường xã, v.v..).

Từ những lý do trên, có thể thấy rằng Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ có khả năng dung nạp, tích hợp và phối thờ với các vị thánh và thần linh thông qua 2 cấp độ khác nhau:

  • Ở cấp Trung Ương (nằm trong Hội Công Đồng Tam Tứ Phủ <=> Quốc Hội) đối với những vị thánh có tầm ảnh hưởng rộng lớn (như Tứ Vị Vua Bà);
  • Ở cấp địa phương (tương ứng với Quan Bản Xứ, Chúa Bản Đền, Thần Linh Bản Địa, Cô Cậu Bản Cảnh,… <=> Lãnh đạo tỉnh, thành phố, quận, huyện, phường xã,…) đối với những vị thánh có tầm ảnh hưởng trong phạm vi địa phương (như Chúa Ba Nàng, Chúa Cà Phê, Chúa Tộc Mọi, Cô Bé Mỏ Than, v.v…).

Hai nguyên tắc trên đã làm cho Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ ngày càng dung nạp nhiều thêm các điểm thờ tự khác nhau, từ đó Tín ngưỡng được mở rộng và phát triển. Đó cũng là lý do làm cho chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi được hình thành, Tín ngưỡng Tứ Phủ đã lan rộng và phát triển không ngừng, đạt đến số lượng Đền, Phủ, Điện thờ rất lớn từ Bắc vào Nam.

Canh hoa trang

Lợi ích về mặt tâm linh của sự phối thờ

Sự phối thờ của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ mang lại nhiều lợi ích về mặt tâm linh cho các ngôi đền cũng như mang lại sự phát triển và mở rộng chung cho Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ. Cụ thể bao gồm:

– Các ngôi đền được phối thờ với Công Đồng Tam Tử Phủ sẽ như tham gia và có sự liên kết với hệ thống rộng lớn các ngôi đền thuộc Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, qua đó góp phần làm tăng thêm năng lượng và sức mạnh tâm linh cho ngôi đền đó.

– Đối với Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, việc phối thờ sẽ mở rộng hơn về mặt không gian, địa lý, qua đó làm cho Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ càng ngày càng phát triển, đồng thời làm cho sức mạnh tổng thể về mặt tâm linh ngàng càng lớn mạnh hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích nêu trên thì sự phối thờ cũng dẫn tới một vài điểm bất lợi như sau:

– Làm thay đổi cấu trúc của một số ngôi đền, đình, miếu mạo, qua đó gây ra những ảnh hưởng nhất định đến các di sản văn hóa.

– Sự phối thờ không hợp lý, sai lệch làm ảnh hưởng đến chính Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ

Canh hoa trang

Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ là sợi dây kết nối sức mạnh tâm linh

Có thể nói trước khi Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ hình thành thì các vị thánh, thần linh được thờ phụng một cách khá rời rạc và không có sự liên hệ với nhau, không tạo thành một hệ thống thống nhất. Tuy nhiên, sự ra đời của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đã mở ra khả năng kết hợp các vị thánh, thần linh lại với nhau thành khối thống nhất thông qua một số nguyên tắc sau:

– Bản thân các vị thánh, thần linh chính thuộc Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đã có sự liên kết với nhau tạo thành một hệ thống thống nhất và có thứ bậc. Các vị thánh, thần linh chính thuộc Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ được trải rộng ở nhiều vùng miền khác nhau, và đều là các vị thánh thần rất linh thiêng.

– Các vị thánh thần khác nhau ở từng địa phương có thể được phối thờ với Công Đồng Tam Tứ Phủ sẽ như tham gia vào hệ thống rộng lớn của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, qua đó mở rộng phạm và khối thống nhất của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ.

Nói cách khác Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đã trở thành một sợi dây để kết nối các vị thánh thần với nhau để trở thành một hệ thống thống nhất, có sự liên hệ chặt chẽ, qua đó đã làm tăng lên sức mạnh tâm linh.

Canh hoa trang

Phối thờ Hội đồng Trần Triều với Tứ Phủ

Hoi dong Tran Trieu

Các vị thánh trong Hội đồng Trần Triều

Ngoài việc thờ các vị thần linh chính đại điện cho Tứ Phủ, thì Tín ngưỡng Tứ Phủ còn kết hợp với việc thờ cúng Trần Triều. Việc phối thờ như vậy đã tạo ra một hệ thống rộng lớn hơn cho Tín ngưỡng Tứ Phủ. Ngày nay hầu hết các điện thờ Tứ Phủ đều thờ Công Đồng Trần Triều. Các vị thánh trong tín ngưỡng Trần Triều bao gồm:

Trần Triều Hiển Thánh

  • Đức Thánh Trần. Danh hiệu: Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo – Tiết chế quốc công Hưng Đạo Đại vương)
  • Vương Phụ, Vương Mẫu
  • Đức Thánh Cả – Con trai thứ nhất của Hưng Đạo Vương
  • Đức Thánh Phó – Con trai thứ hai của Hưng Đạo Vương
  • Đệ Tam Ông Cửa Suốt – Con trai thứ ba của Hưng Đạo Vương
  • Đức Thánh Tứ – Con trai thứ tư của Hưng Đạo Vương
  • Đệ Nhất Vương Cô – Con gái thứ nhất của Hưng Đạo Vương
  • Đệ Nhị Vương Cô – Con gái thứ hai của Hưng Đạo Vương
  • Đệ Tam Thái Bình – Con gái nuôi của Hưng Đạo Vương
  • Đức Thánh Phạm Danh hiệu: Phạm Ngũ Lão – Con rể của Hưng Đạo Vương
  • Ông Tả Dã Tượng – danh tướng Trần Triều
  • Ông Hữu Yết Kiêu – danh tướng Trần Triều
  • Cô Bé Cửa Suốt – cháu gái của Hưng Đạo Vương
  • Cậu Bé Cửa Đông – Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản
  • Ngũ Hổ Thần Quan

Chú ý: trong hệ thống các vị thánh Trần Triều ở trên thì có Cô Bé Cửa Suốt và Cậu Bé Cửa Đông có sự tích chưa được rõ ràng. Cụ thể là trong hệ thống thờ tự, dựa trên bài vị thờ cúng ở trong các ngôi đền Trần Triều thì không hề nhắc tới Cô Bé Cửa Suốt và Cậu Bé Cửa Đông. Ngay cả nghi thức hầu đồng cổ trong Tín ngưỡng Trần Triều cũng không có giá Cô Bé Cửa Suốt và Cậu Bé Cửa Đông. Rõ ràng sự hình thành giá Cô Bé Cửa Suốt và Cậu Bé Cửa Đông là kết quả của một giai đoạn hòa nhập giữa Tín Ngưỡng Tứ Phủ với Tín ngưỡng Đức Thánh Trần vào khoảng thời gian cuối thế kỷ XX.

Tuy nhiên dựa trên những thông tin cụ thể thì chúng ta có thể xác định được Cô Bé Cửa Suốt chính là con gái của Đức Ông Đệ Tam Trần Quốc Tảng, tức là cháu nội của Đức Ông Trần Triều Trần Hưng Đạo. Còn Cậu Bé Cửa Đông không phải ai khác ngoài Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, người anh hùng trẻ tuổi yêu nước đã hy sinh trong trận đánh với Ô Mã Nhi ở Vân Đồn, một địa điểm cách Cửa Ông không xa.

Canh hoa trang

Trần Triều được hội nhập vào điện thờ Tứ Phủ từ giữa thế kỷ XX

Nếu được tiếp xúc với những vị đồng thầy cao tuổi, hoặc những người hiểu biết về Tín ngưỡng Tứ Phủ thì chúng ta sẽ nhận được câu trả lời rằng: Trần Triều vốn không thuộc trong hệ thống Tứ Phủ, Tín Ngưỡng Trần Triều vốn là một Tín ngưỡng hoàn toàn khác Tín ngưỡng Tứ Phủ, nhưng đến giữa thế kỷ XX thì đã được du nhập vào điện thờ Tứ Phú.

“Đức thánh Trần là khách không mời của Tứ phủ”, đó là câu nói mà nghệ nhân Lê Bá Cao – nghệ nhân sinh năm 1932 nổi tiếng trong hát văn – hay nhắc đến nhất trong những cuộc đàm đạo của mình. Nghệ nhân Lê Bá Cao từng nói: “Tứ phủ trình đồng, phát tấu xong thì thỉnh phật, chứ có trình gì nhà Trần đâu. Nhưng các bà đồng bảo cứ lên một giá nhà Trần đề chứng đàn. Đức thánh Trần là khách không mời của Tứ phủ”. Điều này cho thấy đã có một sự hội nhập giữa Tín ngưỡng Đức Thánh Trần vào Tín ngưỡng Tứ Phủ đúng vào giai đoạn giữa thế kỷ XX, tức là giai đoạn mà cụ Cao đang sống và hoạt động nhiều trong lĩnh vực hát văn.

Tín ngưỡng Đức Thánh Trần là một hình thức tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam, được hình thành qua quá trình thánh hóa, thần hóa anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Trong lịch sử, Trần Hưng Đạo là một vị anh hùng có công với nước. Bước vào huyền thoại – trong tâm thức dân gian – ông là vị thánh phù hộ cho sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước và giúp dân diệt trừ tà ma, chữa bệnh.

Có thể nhận thấy sự tách biệt của Tín ngưỡng Đức Thánh Trần với Tín ngưỡng Tứ Phủ trong giai đoạn trước đây thông qua những nét sau:

– Tín ngưỡng Đức Thánh Trần được hình thành trước Tín ngưỡng Tứ Phủ, nghi thức hầu đồng đã có từ xưa trong Tín ngưỡng Đức Thánh Trần. Sau này nghi thức hầu đồng mới đưa vào tín ngưỡng Tứ Phủ.

– Trong những di tích thờ Đức Thánh Trần như Kiếp Bạc, Bảo Lộc, không hề xuất hiện không gian thờ Tứ Phủ.

– Trước đây đã từng xảy ra sự đối lập nhau giữa giáo phải Nội Đạo với giáo phải Tứ Phủ. Giáo phái Nội Đạo được hình thành ở Thanh Hóa với việc coi Hưng Đạo Đại Vương chính là vị sư tổ của giáo phái.

– Nghi thức hầu đồng Trần Triều trước đây có nhiều điểm khác với nghi thức hầu đồng Tứ Phủ. Trước đây, buổi hầu đồng Trần Triều tách rời hoàn toàn với buổi hầu đồng Tứ Phủ. Thông thường buổi hầu đồng Trần Triều được thực hiện trước, buổi hầu đồng Tứ Phủ được tiến hành sau.

– Theo như tục lệ ngày xưa để lại thì không được phép hầu Tứ Phủ trong các đi tích đền thờ Đức Thánh Trần như Kiếp Bạc, Bảo Lộc, …

Những dẫn chứng trên cho thấy Tín ngưỡng Đức Thánh Trần không những tách rời Tín ngưỡng Tứ Phủ mà còn có những giai đoạn đối nghịch và xung khắc nhau. Tuy nhiên cùng với thời gian, Mẫu Liễu Hạnh được ví với người mẹ, cùng với Vua Cha Bát Hải thì Đức Thánh Trần được ví như người cha, tín ngưỡng Tứ Phủ chủ động đã mở rộng và tiếp nhận Tín ngưỡng Đức Thánh Trần để trở thành một hệ thống rộng lớn hơn, điều này được thể hiện như sau:

– Mặc dù các di tích thờ Đức Thánh Trần không có sự xuất hiện của Tứ Phủ, nhưng trong điện thờ Tứ Phủ luôn có không gian thờ Đức Thánh Trần. Ngay cả ở Phủ Dày, quê hương của Mẫu Liễu Hạnh cũng có gian thờ riêng dành cho Đức Thánh Trần. Thậm chí đền Bắc Lệ thờ Mẫu Thượng Ngàn ở Lạng Sơn cũng thờ Đức Thánh Trần.

– Ngày nay trong nghi thức hầu đồng thì Công Đồng Trần Triều được hầu ngay sau Tam Tòa Thánh Mẫu, và trước Ngũ vị Tôn Quan. Như vậy việc hầu các giá Nhà Trần đã đan xen vào với Tứ Phủ như một thể thống nhất.

Sự du nhập này đã giúp cho cả hai tín ngưỡng hòa đồng vào nhau, cùng phát triển và có quy mô lớn hơn. Những thông tin trên đã đưa đến kết luận sự hòa đồng giữa hai dòng tín ngưỡng này được diễn ra vào khoảng giữa thế kỷ XX.

Khái niệm “Kiêm tri đôi nước”

Trước đây, khi tín ngưỡng Tứ Phủ và tín ngưỡng Trần Triều chưa du nhập vào nhau thì những ông đồng bà cốt chỉ theo một trong hai dòng tín ngưỡng này. Tuy nhiên đến giữa thế kỷ XX, hai dòng tín ngưỡng này đã có sự hòa quyện vào nhau, và cũng trong giai đoạn này xuất hiện những ông đồng bà cốt theo đồng thời cả hai tín ngưỡng Tứ Phủ và tín ngưỡng Trần Triều. Những người thờ đồng thời cả Tứ Phủ và Trần Triều như vậy gọi là có căn “kiêm tri đôi nước”.

Cụ thể hơn nữa trong giai đoạn đầu, những người theo lối “kiêm tri đôi nước” tuy thờ cả hai dòng tín ngưỡng Tứ Phủ và Trần Triều nhưng khi tiến hành nghi lễ hầu đồng thì vẫn tách rời nhau ra, tức là hầu Trần Triều trước, sau đó nghỉ ngơi rồi mới làm nghi lễ hầu Tứ Phủ.

Tuy nhiên trong giai đoạn sau đó, những người theo lối “kiêm tri đôi nước” hầu cả Tứ Phủ và Trần Triều trong một buổi hầu duy nhất, thông thường sau giá Tam Tòa Thánh Mẫu sẽ là các giá về Nhà Trần như phổ biến hiện nay.

Gia Hau Tran Trieu

Phối thờ Mẫu thần, Nữ thần, Nam Thần Bản xứ với Tứ Phủ

Phối thờ những Mẫu thần với Tứ Phủ

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ cũng kết hợp thờ với các tín ngưỡng thờ các vị Mẫu thần khác, tạo ra sự dung hòa giữa nhiều nguồn tín ngưỡng thành một thể tín ngưỡng thống nhất, những Mẫu thần khác đã được phổi thờ cùng tứ phủ như:

Phối thờ những Nữ thần với Tứ Phủ

Ngoài ra tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ kết hợp thờ cùng các các Nữ thần ở từng địa phương khác. Các Nữ thần khi đó đóng vai trò như Chúa Bản Cảnh, Chúa Bản Đền hoặc Chầu Bản Đền trong điện thờ Tứ Phủ. Sự kết hợp này cho thấy sự rộng lớn Tín ngưỡng Tử Phủ. Một số Nữ thần được phối thờ như:

Tam vị Chúa Mường – là các vị Chúa Bà chuyên về đáp giải bói bốc cùng các vị tiên chúa khác.

Chúa Bà Ngũ Hành

  • Đệ Nhất Chúa Bà Kim Tinh Thần Nữ
  • Đệ Nhị Chúa Bà Mộc Tinh Thần Nữ
  • Đệ Tam Chúa Bà Thuỷ Tinh Thần Nữ
  • Đệ Tứ Chúa Bà Hỏa Phong Thần Nữ
  • Đệ Ngũ Chúa Bà Thổ Đức Thần Nữ

Các Nữ thần ở địa phương:

Tam Vi Chua Muong

Phối thờ Nam thần bản xứ với Tứ Phủ

Ngoài ra tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ còn được kết hợp cùng với việc thờ các Nam thần bản xứ ở từng địa phương. Các vị Nam thần bản xứ khi đó đóng vai trò như Quan Bản Cảnh, Quan Bản Đền trong điện thờ Tứ Phủ. Sự kết hợp này cho thấy sự rộng lớn Tín ngưỡng Tứ Phủ. Một số Nam thần bản xử được phổi thờ như:

Canh hoa trang

Sự hội nhập của Tín ngưỡng Tây Thiên với Tử Phủ

Mau Tay Thien

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên từ tục thờ núi

Không có gì khó khăn lắm khi chúng ta đi tìm khởi nguồn của tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ở tục thờ núi, mà thường biểu tượng của nó là thờ đá thiêng. Các dấu tích về tín thờ hòn đá dựng – Lập Thạch, một thứ văn hóa Cự thạch nguyên thủy, rồi tục thờ Tam Triệt Thạch, gọi là Đá ba roi. Tương truyền, một thày phù thủy dùng phù phép quất roi vào hòn đá, khiến nó phải “mở miệng” ra ngậm lấy các phép thuật của thày Phù thủy vì không muôn truyền cho ai, sau đó quất roi tiếp để đủ ngậm miệng lại. Cũng như vậy tục thờ ba hòn đá trắng – Bạch Thạch ở Tam Dương, dấu tích hóa của ba vị đại vương: Cả Nhạc, hai Nhạc, Ba Nhạc thời Triệu Đà…Trước khi được nhân thần hóa, nữ tinh hóa, thần núi Tam Đảo đã được gọi với cái tên Thanh Sơn Đại Vương (Đại Vương thần núi xanh), được chép trong sách Việt Điện U linh. Thời Trần Nhân Tông (1279-1293) đã có tục cầu đảo – cầu mưa ở núi Tam Đảo, thời Lê Nhân Tông (1451) cũng đã lặp lại tục cầu đảo này. Cũng từ thời Lê trở đi, triều đình phong cho thần núi Tam Đảo là Trụ Quốc Mẫu. Như vậy, từ vị thần đá, thần rừng lưỡng tính, một nhiên thần, từ thời Lê trở đi vị thần núi Tam Đảo đã vừa được nhân hóa, vừa nữ tính hóa. Chính truyền thuyết dân gian nêu trên là dấu vết của quá trình chuyển hóa này.Trong không gian của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, hai ngọn núi ở tả hữu trục sông Hồng là Tam Đảo và Ba Vì ở thời lập quốc Văn Lang – Âu Lạc cũng như sau này kinh đô rời về Thăng Long, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của dân chúng và triều đình. Trước nhất, về phương diện địa lý, đó là hai ngọn núi cao nhất nằm sát ngay đồng bằng Châu Thổ, ngày trời quang mây tạnh, không chỉ đứng ở Phong Châu mà cả Thăng Long – Hà Nội nữa đều nhìn thấy. Theo quan điểm sơn thủy, dù ở Phong Châu hay Thăng Long – Hà Nội thì đó là hai ngọn núi trấn giữ bên tả và hữu, “tả Thanh Long hữu Bạch Hổ”, trở thành hai ngọn núi bảo trợ cho kinh thành. Vì vậy, nhanh chóng vị thần núi Tam Đảo và núi Ba Vì sớm gia nhập vào hàng thượng đẳng thần trong hệ thống điện thần Việt.

Việc từ thời Nhà Trần đến nhà Lê sau này đều có nghi lễ cầu đảo – cầu mưa trên hai ngọn núi này là những chỉ bảo. Tâm thức dân gian theo xu hướng nhân thần hóa tự nhiên đã coi núi Tam Đảo là núi Mẹ và Ba Vì là núi Cha. Dân gian có câu:

Tam Đảo núi Mẹ
Tản Viên núi Cha
Cùng Tổ Nghĩa Lĩnh
là ba trường thành

Hay:

Núi thờ cha Tản Viên
Núi thờ mẹ Tây Thiên
Đều hướng về Ngũ Lĩnh (Nghĩa Lĩnh)
Thờ núi Tổ linh thiêng

Việc thờ thần núi Tam Đảo đã diễn ra quá trình tích hợp văn hóa lâu dài. Vốn là việc thờ thần tự nhiên, núi sông, mang lưỡng tính, thần núi Tam Đảo được nhân thần hóa, nữ tính hóa, thành vị nữ thần, đối sánh với núi Tản Viên là nam thần, phù hợp với tâm thức dân gian. Quá trình nhân thần hóa này có lẽ diễn ra từ thời Lê, thế kỷ XV, với việc phong thần “Trụ Mẫu Quốc”. Việc thờ thần núi Tam Đảo là nữ thần nó có cơ sở tự nhiên và văn hóa của nó. Thứ nhất, đây là ngọn núi phía tây, mà phương tây là biểu tượng của âm tính, tương truyền là ngọn núi có quần Tiên trên trời xuống ngao du, đàn hát, là nơi tu tiên của các đạo sỹ, theo kiểu: Ai người tu tiên đắc đạo, Lên Tây Thiên Tam Đảo mà tu.

Chính truyền thuyết vua Hùng Chiêu Vương thứ 7 đi tuần du ở Tam Đảo để cầu Phật và cầu tiên, cũng không năm ngoài quan niệm đó. Đây cũng là nơi du nhập Phật giáo từ sớm, dấu tích các ngôi chùa cổ, nhất là Chùa đồng, có niên đại Lý-Trần. Cũng trong tâm thức dân gian, tương truyền Tản Viên thần chính là người con trai trong số 50 người con thuộc dòng Rồng, theo Cha xuống biển, còn Lăng Thị Tiêu là dòng Tiên, theo mẹ lên núi. Trong hệ thống các huyền thoại thời kỳ lập quốc, vùng địa – văn hóa – lịch sử Tam Đảo – Ba Vì – Nghĩa Lĩnh được coi là vùng đất thiêng, là “ba trường thành” của quốc gia Văn Lang – Âu Lạc, do vậy, sau này khi hệ thống huyền thoại về cội=i nguồn dân tộc hình thành thì ba ngọn núi này cũng sớm được tích hợp vào hệ thống huyền thoại thời lập quốc Hùng Vương, Chnh huyền thoại Hùng Chiêu Vương (Lang Liêu) gặp nàng Lăng Thị Tiêu là người tiên, lấy làm vợ và là người có công giúp vua đánh quân Thục xâm lược, giống như phía bên kia, Sơn Tinh Tản Viên, kết duyên với con gái vua Hùng và trở thành vị tướng phò vua diệt Thục. Chính xu hưởng tích hợp tín ngưỡng – văn hóa thờ thần núi (Tản Viên, Tam Đảo, Nghĩa Lĩnh) vào hệ thống huyền thoại Hùng Vương dựng nước là tác nhân quan trọng cho việc nhân thần hóa việc thờ thần núi ở Bắc Bộ, mà trước tiên là hai ngọn núi thiêng Tam Đảo (Núi mẹ) và Ba Vì (Núi Cha).

Việc xây dựng biểu tượng núi thiêng bảo trợ cho quốc gia và kinh thành Thăng Long còn được củng cố và hiện thực hóa bằng việc phong thần của các triều đại, Lý, Trần, Lê…và việc tổ chức các nghi lễ thờ cúng mang tính quốc gia đối với hai vị thần núi này. Đây chính là lần thứ nhất “tăng quyền” cho việc thờ phụng thần núi, không chỉ gắn nó với việc thờ nhân thần mà còn gắn với lịch sử giai đoạn đầu tiên lập quốc và củng cố quốc gia phong kiến tự chủ của dân tộc Việt. Biểu tượng Quốc Mẫu Tây Thiên không chỉ được “tăng quyền” do quá trình hội nhập vào hệ thống huyền thoại hình thành quốc gia dân tộc mà còn được “tăng quyền” hơn nữa do quá trình hội nhập tôn giáo tín ngưỡng. Đó chính là quá trình hội nhập việc thờ nữ thần núi với Phật giáo và Đạo giáo dân gian (Mẫu Tam phủ, Tứ phủ).

Canh hoa trang

Sự hội nhập của Tín ngưỡng Mẫu Tây Thiên với Tín ngưỡng Tứ Phủ

Xem xét từ khía cạnh tín ngưỡng thờ Mẫu thì việc thờ Mẫu Tây Thiên đã trải qua các nấc thang khác nhau, từ thờ nữ thần núi đến Mẫu thần và Mẫu Tam phủ. Ở giai đoạn sớm, việc thờ một vị thần núi, thậm chí dưới dạng nữ tính nữa thì cũng là hiện tượng phổ biển ở khắp mọi nơi của tín ngưỡng sùng bái tự nhiên. Cũng có thể, các bộ lạc sinh sống thời tiền sử ở đây là các bộ lạc theo mẫu hệ, nên thần núi của họ cũng là nữ thần, thì cũng là điều thường tình. Tuy nhiên, như nói ở trên, núi Tam Đảo cũng như núi Ba Vì không phải là các ngọn núi bình thường như các ngọn núi khác, mà vị trí địa lý của nó lại nằm ở trung tâm của quốc gia cổ đại Văn Lang – Âu Lạc, mà trong tâm thức dân gian nó cùng với núi tổ Nghĩa Lĩnh, trở thành “ba trường thành” của quốc gia cổ đại này. Do vậy, các vị thần núi này sớm được nhân thần hóa và tham gia vào thần điện của vương quốc và núi Tam Đảo hiện thân là vị tiên đã kết hôn với Vua Hùng và trở thành “Quốc Mẫu”, tức là một thứ bậc cao hơn nhiều so với các vị nữ thần bình thường. Vị trí “Tam Đảo Trụ Quốc Mẫu” và được triều đình từ thời Lê thờ phụng như một thượng đẳng tối linh thần.Tuy nhiên, như đã thấy hiện nay, quá trình biến đổi từ nữ thần đến Mẫu thần không chỉ dừng lại ở đó, mà trong lịch sử, không rõ bắt đầu từ lúc nào đã diễn ra quá trình hội nhập giữa thờ Mẫu thần Tam Đảo với hệ thống Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đã hình thành và phát triển từ vùng hạ lưu sông Hồng từ thế kỷ XVI-XVII ngược dòng trở lên trung du và vùng núi. Sự gặp gỡ và hội nhập giữa hai hình thức thờ Mẫu này, một đằng từ miền núi xuống, một đằng từ vùng đồng bằng ven biển dội lên đã tạo cho việc thờ Mẫu ở đây mang tính đặc thù cao, đó là thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, chỉ tồn tại ở Vĩnh Phúc, tạo thành một vùng thờ Mẫu độc đáo này. Sự hội nhập này thể hiện trước nhất là ở điện thần. Trong các ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên ta thấy có sự gá lắp ở những mức độ khác nhau giữa thờ Mẫu tam phủ và thờ Quốc Mẫu Tam Đảo. Vị thần chủ trong các ngôi đền này đều là Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu được đặt ở vị trí trung tâm và cao nhất của điện thần Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ. Ở ngôi đền Thỏng, trên ban thờ cao nhất đặt trên sàn gỗ là tượng Quốc Mẫu Tây Thiên, còn các tượng phối thờ ở tầng trệt là tượng Mẫu Thoải, Mẫu Thượng ngàn ở hai bên, phía tưởng sau tầng trệt là thờ Ngũ Dinh (Ngũ hổ), hai bên là thờ Cô và Cậu đều là các vị thánh của điện thần Tứ phủ. Còn ở các đền Mẫu Hóa, Mẫu Sinh ở xã Đông Lộ (Tam Đảo) thì tượng Quốc Mẫu đặt ở vị trí trên cùng, còn phía dưới là điện thần Tam Tử phủ, như Tam tòa Thánh Mẫu, các Chầu, các Quan lớn, Các Ông Hoàng, các Cô và Cậu…

Canh hoa trang

Chúa Tây Thiên trong nghi thức hầu đồng

Trước các ngôi đền thờ quốc Mẫu Tây Thiên này, người ta có thể hầu đồng, ăn mặc, nghi lễ giống như hầu đồng của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ. Tôi có hỏi các bà đồng ở đây là khi Lên đồng thì Quốc mẫu có giáng đồng không thì họ trả lời là có, với tư cách là Mẫu đệ nhất thượng thiên. Như vậy, ở đây có sự đồng nhất giữa Mẫu thượng Thiên của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, mà Bà Liễu Hạnh Thánh mẫu là hiện thân với Quốc Mẫu Tây Thiên.

Sự hội nhập này khiến cho một lần nữa Quốc Mẫu Tây Thiên được “tăng quyền” và mở rộng phạm vi, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay. Hiện tại các ngôi đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đều diễn ra nghi lễ Lên đồng, có khi mỗi đền có tới 3-4 ban có thể cùng lúc hầu thánh. Những ông đồng, bà đồng này là người địa phương Vĩnh Phúc, nhưng có không ít các ông đồng, bà đồng từ các nơi khác tới, nhất là từ các đô thị lớn, như Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí cả từ thành phố Hồ Chí Minh. Ngày kỵ Quốc mẫu vào mùa xuân, tháng 2, 3 âm lịch, giống như các điện phủ thờ Mẫu khác.

Quá trình hội nhập Phật – Mẫu tại Tây Thiên

Không chỉ có hiện tượng Mẫu thần Tây Thiên bị Mẫu Tam phủ, Tứ phủ hóa như vừa nêu, mà trong lịch sử cũng như hiện nay đã và đang diễn ra quá trình hội nhập Phật Mẫu, tạo nên một bản sắc văn hóa rất độc đáo của Tây Thiên. Theo nhiều nhà nghiên cứu và thực tế cũng chứng tỏ Tây Thiên là nơi Phật giáo du nhập và phát triển từ rất sớm. Ngay trong khu danh thẳng Tây Thiên với chiều dài 11km, chiều ngang khoảng 1km đã có tới 8 ngôi chùa, trong đó có Chùa Đồng cổ ở chân núi Thạch Bàn, nơi các nhà nghiên cứu tìm thấy các di tích khảo cổ thuộc thời Lý Trần.

Có thể nói ở đây chùa thờ Phật và đền thờ Quốc Mẫu luôn luôn cặp đôi với nhau, nói cách khác, nơi nào có đền Mẫu thì có chùa và ngược lại. Các nhà nghiên cứu địa phương cho rằng, các ngôi chùa ở Tây Thiên không chỉ là chùa làng, mà chắc rằng trong lịch sử, nơi đây đã từng là một trong các trung tâm Phật giáo lớn của nước ta. Ngay cái tên Tây Thiên đã gợi nên ý niệm về cõi Phật, giống như Tây Trúc ở Ấn Độ. Ngày nay, ngoài các ngôi chùa cổ, Phật giáo Việt Nam đã xây dựng Thiền Viện Tây Thiên, một trung tâm tu hành, nghiên cứu và giảng dạy Đạo Phật của nước ta.

Chính sự du nhập, kết hợp Mẫu – Phật, Phật – Mẫu không chỉ nâng tầm của việc thờ Mẫu Tây Thiên mà còn quảng bá rộng hơn cho Phật giáo. Điều này đáp ứng tâm thức và ước nguyện của nhân dân. Người ta hướng về với Phật là hướng về cái thiện, tu nhân tích đức để hưởng phúc kiếp sau, còn đến với Mẫu – Mẹ với ước vọng Mẫu mang lại sức khỏe, may mắn và tài, lộc cho đời sống hiện tại. Việc tỉnh Vĩnh Phúc bảo tồn và nâng cấp Lễ Hội Tây Thiên hiện nay với ý tưởng “Về với Phật, đến với Mẫu” là thể hiện và đáp ứng tâm thức ấy.

Canh hoa trang

Sự tích hợp văn hóa liên tộc người trong tín ngưỡng Mẫu Tây Thiên

Hiện tượng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên còn thể hiện sự tích hợp văn hóa liên tộc người. Hiện tại, trên địa bàn các nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, đặc biệt ở các ngôi đền Mẫu Hóa, Mẫu Sinh đều là làng của người Sán Dìu. Họ không chỉ là chủ nhân thờ phụng Mẫu ở các ngôi đền chính này, mà còn tích cực tham gia các lễ hội hàng năm vào các dịp ngày đản và ngày kỵ Quốc Mẫu.

Nguoi San Diu ruoc kieu Quoc Mau Tay Thien

Khi chúng tôi hỏi các cụ người Sán Dìu thì họ đều khẳng định Quốc Mẫu Tây Thiên chính là vị Mẫu thần của dân tộc họ và họ tham gia lễ hội với tư cách là chủ nhân văn hóa. Như chúng ta biết, người Sán Dìu (Sơn Nhân) là tộc thiểu số ở nam Trung Quốc di cư vào nước ta khoảng trên dưới 300 năm nay. Có thể giải thích hiện tượng này từ cơ sở tương đồng văn hóa. Rất có thể ngay từ quê hương xưa, họ đã từng tôn thờ vị nữ thần núi, khi đến Việt Nam, họ đã sớm hòa nhập vào việc tôn thờ Quốc Mẫu Tây Thiên và coi đó như là văn hóa tín ngưỡng của chính mình. Sự hội nhập văn hóa này khiến cho mối quan hệ giữa người Việt và người Sán Dìu trong vùng càng trở nên gắn bó và đoàn kết hơn. Đó cũng là nét độc đáo của truyền thống văn hóa của nhân dân vùng Tây Thiên Vĩnh Phúc.

Tục thờ Mẫu ở Tây Thiên đã là yếu tố cốt lõi tạo nên một không gian văn hóa tâm linh với vẻ đẹp thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, ở đó các di tích kiến trúc thờ cúng đã có tuổi lâu đời, ít nhất cũng từ thời Lý, Trần, mà tiêu biểu là ngôi chùa đồng. Cũng cần nói thêm rằng, các kiến trúc đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên đều đi liền và gắn kết với các ngôi chùa cổ kinh, tạo nên thế liên kết Phật – Mẫu, Mẫu – Phật rất độc đáo. Đó còn là không gian lưu truyền các huyền thoại, truyền thuyết về Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, dù đó là cô gái có công giúp Vua Hùng diệt giặc hay chính là nguyên phi của vua Hùng Chiêu Vương. Từ các huyền thoại, truyền thuyết và các di tích đền, chùa như vậy chính là không gian thiêng diễn ra các nghi lễ, phong tục và lễ hội hàng năm, nơi thu hút các đoàn hành hương từ muôn nơi đỏ về với tâm thức “Về với Phật, đến với Mẫu”. Về với Phật là về với thế giới vĩnh hằng, nơi Tây Thiên cực lạc, còn đến với Mẫu là đến với ước vọng cầu mong Mẫu mang lại cho ta sức khỏe, tài, lộc của thế giới trần thể hiện tồn.

Di tích đền thờ tại Tây Thiên

Di tich den tho tai Tay Thien

Tây Thiên không phải là một địa danh hành chính, cũng không hoàn toàn là một địa danh mang tính địa lý tự nhiên, mà có lẽ đúng hơn là một không gian gắn liền với một tục thờ Nữ thần – mà từ lâu dân gian vẫn gọi một cách thành kính là Quốc Mẫu Tây Thiên. Theo Lê Kim Thuyên, tác giả sách “Quốc Mẫu Tây Thiên Vĩnh Phúc” thì không gian phân bố tục thờ này chủ yếu ở địa bàn Tây Thiên trên núi Thạch Bàn, xã Đại Đình và lan tỏa ra các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Lạp Thạch và thành phố Vĩnh Yên ngày nay.

Địa hình các huyện trên chủ yếu thuộc vùng núi dãy Tam Đảo và trung du. Chính vì thế mà tước hiệu vị Mẫu Thần này được ghi là: Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh đại vương. Theo thống kê trong tự điển nơi thờ cúng ghi đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 24 (1763) thì ở vùng này có 54 tổng xã có đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, trong đó phân bố như sau :- Huyện Tam Đảo có 14 di tích- Huyện Lập Thạch có 18 di tích, – Huyện Tam Dương có 5 di tích – Huyện Bình Xuyên có 4 di tích – Thành phố Vĩnh Yên có 7 di tích, tổng cộng là 48 di tích theo cấp xã của hệ thống hành chính ngày nay.

Hiện tại có mấy di tích quan trọng nhất, là trung tâm của tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, đó là Đền Thượng Tây Thiên trên ngọn núi Thạch Bàn, bên cạnh có chùa Tây Thiên, đền Mẫu sinh ở Đông Lộ, thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo; đền Xóm Xim, thuộc Đông Lộ, là đền Mẫu hóa, Đền Ngò thuộc xã Sơn Đình là nơi xưa kia Mẫu luyện quân đánh giặc Thục; đền Thông (Thông, Lan Thông…) là đền Trình, cạnh chùa Thiên Ân. Như vậy, không gian phân bố các đền thờ Quốc mẫu Tây Thiên đã tạo thành không gian thiêng, không gian văn hóa thờ Quốc mẫu. Ngoài địa bàn này ra, ở nước ta không có nơi nào có tục thờ Quốc Mẫu Tây Thiên như ở đây. Điều đặc biệt ở đây là không gian thờ Quốc mẫu cũng trùng hợp với không gian thờ Phật. Có thể nói, nơi nào có đền thờ Quốc Mẫu thì cũng chính nơi đó, bên cạnh đó có chùa thờ Phật.

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Sự phát triển của Tín ngưỡng Tứ Phủ qua hình thức phối thờ

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • “Quốc Mẫu Tây Thiên Trong Đạo Mẫu” – GS.TS Ngô Đức Thịnh
  • Hình ảnh : nguồn Internet

Xin trân trọng cám ơn!

Tìm hiều thêm:

Hoa sen vàng