Tứ Vị Vua Bà : Sự tích và các đền thờ Tứ Vị Thánh Nương

Tứ Vị Vua Bà gồm những ai? được thờ ở đâu..? sẽ được Tín Ngưỡng Việt tìm hiểu chi tiết trong bài viết này.

Chim Phượng 2

Các tên gọi khác nhau của Tứ Vị Vua Bà

Tứ vị Vua Bà (Tứ Vị Thánh Nương) là các bà Thánh mẫu được thờ phụng ở khắp vùng duyên hải nước ta, và ở các tỉnh đồng bằng. Mọi truyền thuyết đều tập trung vào bà Hoàng hậu nhà Tống và vào thời điểm Cửa Cờn Xứ Nghệ. Tôn hiệu ghi trong các thần tịch thường thấy là:

  • Đại Càn Tứ Vị Thánh Mẫu (Ninh Bình)
  • Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương (Hà Nội)
  • Đại Càn Quốc Gia Nam Hải Tam Tòa Tứ Vị Hồng Thanh Nương Đại Nương (Nam định)
  • Nam Việt Tống Triều Quốc Mẫu Tứ Vị Hồng Nương Càn Hải Linh Từ (Hà Nam)
  • Tứ Thánh Miếu sự tích (Bắc Ninh)
Canh hoa trang

Sự tích Tứ Vị Vua Bà

Tu Vi Vua Ba

Sách Nam Hải tứ vị thành nương phả lục do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đời Lê Anh Tông; Quan giảm bách thần tri điện Hồng Lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền sao chép vào năm Vĩnh Hựu thứ ba (1737) đời Lê Ý Tông.

Văn bản hiện lưu giữ ở thư viện Pháp kí hiệu Pari.SA.Ms.b.15, bản chép tay chữ Hán có xen chữ Nôm, không có mục lục hoặc tựa bạt. Tóm tắt nội dung thần tích như sau:

“Thời Nguyên Tống phân tranh, vua Trần Thái Tông nhìn lên trời thấy điểm lạ, biết được vận nước Nam Tống sẽ hết. Vào lúc nguy cấp, Dương Thái hậu, hai công chúa và một thị nữ cùng ngồi một chiếc thuyền nhỏ đi về phương Nam, phiêu dạt đến bờ biển Việt Nam, trú ngụ tại một ngôi chùa mấy tháng. Khi nghe tin Đế Binh và thần tướng hàng trăm người đã nhảy xuống biển, bèn lấy nghĩa sống vì việc nước chết vì quốc nạn mà nhảy xuống biển chết. Thi thể trôi về cửa Đại Kiền ở Hoan Châu, Tây Phương thiên sử thác mộng cho cư dân địa phương, tuyên chiếu bốn người đã được sắc lệnh cho làm thần biển cửa biển Đại Kiền. Mọi người bèn ra bãi biển làm lễ mai táng và lập một ngôi miếu nhỏ để thờ, viết thần hiệu là TỨ VỊ VƯƠNG BÀ, tuế thời phụng sự cầu đảo linh ứng”.[1]

Xét các văn bản về sự tích Tứ vị thánh nương hiện chiếm một số lượng nhiều nhất ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Dựa theo thể văn có thể chia làm 3 loại hình chính là truyền thuyết dân gian, thần tích thần phả và truyện tích diễn Nôm thể song thất lục bát.

Về Truyền thuyết dân gian có: Kiền Hải môn từ trong sách Tục Việt điện u linh tập [2]; Kiền Hải tam vị phu nhân truyện trong phần Loại tục (Q.3) sách Lĩnh Nam chích quái[3]; Kiền Hải tam vị phu nhân truyện trong sách Việt tuấn giai đàm tiền biên v.v… Sự tích về Tứ vị thánh nương chép trong sách Ô Châu cận lục của tác giả Dương Văn An (1513-?)[4] tương tự các văn bản truyền thuyết dân gian như sau:

“Phu nhân họ Triệu, là công chúa đời Nam Tống. Ba mẹ con, phu nhân là út. Thời Nguyên Tống phân tranh, trong lúc nguy cấp, ba mẹ con phu nhân bám được vào một tấm ván thuyền và trôi dạt đến một ngôi chùa Phật bên bờ biển. Nương nhờ ở cửa chùa mấy tháng, sư chùa thích thủ đến cầu thân nhưng phu nhân thủ tiết kháng cự lại, sư chùa tự thấy xấu hổ bèn nhảy xuống biển tự tử. Mẹ con phu nhân thấy sư chùa vì mình mà chết nên cùng nhảy xuống biển chết. Xác trôi đến cửa Cờn thuộc Diễn Châu nước ta thì dạt vào bên bờ. Người địa phương ra xem thấy thân thể chẳng bị hư tổn gì, dung mạo vẫn như người sống thì lấy làm kinh dị cho là thần, bèn bảo nhau đắp thành phần mộ và lập đền thờ. Đến nay các cửa biển đều lập đền thờ cúng tế. Đây là vị phúc thần anh linh nhất ở Nam Hải vậy” [5].

Về thần tích thần phả, bao gồm thần tích các xã thôn thuộc các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Kiến An, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị…..[6]. Các tỉnh xã thôn này đều thuộc những vùng duyên hải hoặc ven sông, cư dân địa phương lập đền thờ thần biển Cửa Cờn Tứ vị thánh nương là phúc thần tối linh dị ở nước Nam ta. Đặc biệt có bản Hoàn Long Cơ Xá xã thần tích[7]- Vì sao xã Cơ Xá huyện Hoàn Long ở kinh thành Thăng Long phụng thờ Tứ vị thánh nương?

Xét nội dung sách Nam Hải tứ vị thánh nương phả lục có đoạn: “Trần Anh Tông (1293-1314) Nam chinh Chiêm Thành, khi đóng quân ở cửa biển Đại Kiền, đêm mộng thấy một vị phu nhân cùng 3 cô gái đến tự kể về thân phận và nguyện được theo nhà vua đi đánh giặc. Anh Tông tỉnh dậy bèn cầu đảo trước miếu thần, quả nhiên khí thế ngút trời, phá thành bắt vua Chiêm. Sau khi thắng trận, vua Anh Tông bèn cho tu sửa miếu vũ, lăng mộ Tứ vị vương bà, tặng phong sắc chỉ làm ĐẠI KIẾN QUỐC GIA NAM HẢI TỨ VỊ THÀNH NƯƠNG. Lịch truyền đến Lê Thánh Tông (1460-1497), Chiêm Thành không chịu thần phục, Thánh Tông dẫn binh tiến đến cửa Đại Kiền vào miếu tế lễ thần. Lúc ấy có một người lính ở kinh thành Thăng Long tên là Lê Thọ cũng vào cầu đảo trong miếu thần. Lê Thọ trong lúc chiến đấu bị hãm vào trận địa của giặc, dường như sắp chết trong tay giặc thì bỗng nhiên Thánh nương hiển linh, hóa thành nữ tướng quân, chỉ trong chớp mắt hãm quân địch vào tử địa. Sau khi bình Chiêm xong, Lê Thọ cáo trình lên Thánh Tông, được nhà vua đồng ý cho rước Thánh nương về quê hương lập đền thờ phụng, ở giữa nơi dân cư lập đền củng tế, viết thần hiệu là THƯỢNG ĐẲNG PHÚC THẦN”.

Như vậy, Tứ vị thánh nương là người đời Nam Tống, trở thành Thượng đẳng phúc thần ở vùng Nam Hải nước Nam ta, nhiều lần hiển linh hộ quốc trợ dân nên nhân dân các vùng duyên hải và ven sông lập đền thờ phụng, ngàn năm hương khói. Và người lính tên Lê Thọ đã xin vua Lê Thánh Tông cho rước Thánh nương về phụng thờ trên quê hương mình nơi kinh thành Thăng Long xưa[8].

Loại hình thứ ba là Tứ vị vua bà sự tích văn, thể thơ song thất lục bát diễn Nôm sự tích Tứ vị thành nương: Dương Thái hậu là Hoàng hậu của vua Tống Độ Tông cùng hai công chúa theo đường biển tỵ nạn, trôi dạt đến bờ biển Na Sơn (Nga Sơn) của Việt Nam, nương nhờ ở chùa mấy tháng. Sau khi ba mẹ con và sư chùa đã chết đều hóa thành phúc thần, từng hiển linh phù trợ triều Trần, triều Lê chinh phạt Chiêm Thành, nhân dân cúng tế quanh năm.[9]

Từ các góc độ truyền thuyết dân gian hay thần phả thần tích về Tứ vị thánh nương, chúng ta nghiên cứu cốt truyện, tình tiết câu chuyện, nguồn gốc nhân vật, quá trình hóa thần và hiển linh, tín ngưỡng dân gian và phong tục thờ cúng … Tác giả Dương Văn An (1513-?) trong sách Ô Châu cận lục từng chỉ ra sự nhầm lẫn của tục lệ địa phương cũ “vì không biết mà lấy dâm vật để thờ thần. Sao mà nhầm lẫn càn bậy thế! Cần phải nghiêm trị và cấm ngay để biểu dương sự chính trực của thần”[10]. Ghi chép về thần đền Cửa Cờn của tác giả Vũ Trinh (1739-1828) trong sách Kiến văn lục có tính chất luận bàn về sự tích Tứ vị Thánh nương và đinh chính về sự hư truyền, sai ngoa trong truyền thuyết dân gian:

“Đền Cửa Cờn ở Nghệ An thờ bốn vị Thánh nương. Tương truyền trong trận Nhai Sơn vào năm Tường Hưng (1279), quân Tống thua to, Dương Thái hậu và ba công chúa nhảy xuống biển tự tử, gió đưa dạt vào Cửa Cờn. Lênh đênh trên biển mấy ngàn dặm, sắc mặt vẫn còn như sống. Sóng to gió lớn là vậy, mà thân hình vẫn nguyên vẹn. Sư chùa nhìn quần áo họ mặc, lấy làm lạ, vớt lên đem chôn cất tử tế. Sau này dấu thiêng hiển ứng, người địa phương làm đền thờ, được liệt vào Tự điển, là Đệ nhất linh thần của nước ta”. Tác giả Vũ Trinh cũng phủ nhận thuyết cho rằng Tứ vị thánh nương Thái hậu và các công chúa đã không lập tức chết vì việc nghĩa khi nghe tin nhà Tống thua trận ở Nhai Sơn mà lại trôi dạt đến ngôi chùa ở Việt Nam. Lại như nguyên nhân nhà sư được phối thờ, lời bàn của Lan Trì Ngư Giả[11]rằng: “có thể là Thái hậu trôi dạt tới đây, người thôn này lập đền thờ, nhà sư coi hương hỏa, nên sau khi chết cũng được thờ chung ở đền, như viên lão giám ở Chân Vũ Quán thôi”. Tác giả Trịnh Bái Văn trong bài Nam Hải tứ vị thánh nương phả lục. Sơ thám nêu câu hỏi rằng, Hoàng hậu của triều Tống là ai?[12]

Như vậy, trên cơ sở tập hợp các văn bản về sự tích Tứ vị thánh nương, đồng thời với nghiên cứu quá trình của hiện thực và truyền thuyết; lịch sử và thần tích; tín ngưỡng và phong tục thờ cúng dân gian, ngõ hầu giải quyết một cách thấu đảo những vấn đề đặt ra.

Giải thích

[1] Theo Trịnh Bái Văn, Nam Hải tử vị thánh nương phủ lục. Sợ thảm. Bài in trong sách Đông Á văn hóa nghiên cứu, Tập VII, Đông Á Văn hóa Xuất bản xã, Hương Cảng Trung Quốc 2005.

[2] Nguyễn Văn Chất (1422-?) soạn Tục Việt điện u linh tập, đưa thêm vào sách Việt điện u linh tập (1329) của Lý Tế Xuyên đời Trần Hiến Tông 4 truyện nữa, trong đó có Kiền Hải môn từ. Nguyễn Văn Chất người xã Vũ Di, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú. Ông đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn niên hiệu Thái Hòa thứ sáu 1448 đời Lê Nhân Tông, sau làm Quốc tử giảm Tư nghiệp đồng tu Quốc sử, đời Lê Thánh Tông làm Tham chính Nghệ An, sau đó được gọi về triều làm Đô ngự sử, có đi sứ nhà Minh vào năm 1480, làm quan đến chức Thượng thư. (xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, TII, Nxb. KHXH 1990, tr.182; Trần Nghĩa, lời giới thiệu văn bản Việt điện u linh tập trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, TI, Nxb. Thế giới 1997, tr.54).

[3] Đoàn Vĩnh Phúc (giữa thế kỷ XVI) chép thêm vào cuối văn bản Lĩnh Nam chích quái liệt truyện của Vũ Quỳnh (1453-1516) một số truyện nữa thành Q.3 gọi là Loại tục, trong đó có Kiền Hải tam vị phu nhân truyện. Đoàn Vĩnh Phúc không rõ năm sinh năm mất. Theo lời bạt đề năm Quang Bảo sơ niên 1554, ông người triều Mạc, từng làm việc ở Tú lâm cục thuộc Hàn lâm viện. (xem Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Sđd, tr.186; Trần Nghĩa, Lời giới thiệu văn bản Lĩnh nam chích quái liệt truyện trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Sđd, tr.147-148).

[4] Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Q.5, Thần từ, Tứ vị thánh nương, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, VHc.586, tờ 62b-63a. Dương Văn An (1513-?) hiệu là Tĩnh Phủ, người huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình, di cư ra làng Phú Diễn huyện Từ Liêm (nay là Hà Nội). Ông đỗ Tiến sĩ khoa Định Mùi 1547, làm quan nhà Mạc đến chức Thượng thư, tước Sùng Nham hầu, được tặng Tuấn quận công. (xem Trần Văn Giáp, Lược truyện các tác gia Việt Nam, Nxb. KHXH 1971.

[5] Người xưa theo điển tịch Trung Hoa chia thế giới đại dương làm bốn biển gồm Nam Hải, Đông Hải, Tây Hải và Bắc Hải. Nước Đại Việt ta thuộc về Nam Hải.

[6] Xem Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu. Bổ di I, GS.Trần Nghĩa chủ biên, Nxb.KHXH 2002.

[7] Bản sách kí hiệu AE.a2/16, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

[8] Hiện nay đền Tứ vị ở phố Hàng Than; đền Nghĩa Lập ở phố Hàng Đậu; đình Phủ Từ và đền Vĩnh Trù phố Hàng Lược nằm ở khu phố cổ của kinh thành Thăng Long đều thờ Tứ vị thành nương.

[9]Bản sách kí hiệu AB.394, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

[10] Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Sđd, tờ 63a.

[11] Vũ Trinh (1739-1828) tự Duy Chu, hiệu Lai Sơn, biệt hiệu Lan Trì Ngư Giả, người
xã Xuân Lan huyện Lang Tài tỉnh Bắc Ninh. Năm 17 tuổi thi đậu Hương cống thời Lê. Thời Tây Sơn về làng ở ẩn. Thời Nguyễn ra làm quan, từng giữ chức Thị trung học sĩ và đi sứ Trung Quốc năm 1807. (xem Hoàng Văn Lâu, Lời giới thiệu văn bản Lan Trì Kiến văn lục trong Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Sđd, tr.821-824).

[12] Trịnh Bái Văn, Nam Hải tứ vị thánh nương phả lục. Sơ thám. Bài in trong sách Đông Á văn hóa nghiên cứu, Sđd. Tr.103-107.

Canh hoa trang

Bản văn chầu Tứ Vị Vua Bà

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 1 bản văn Tứ Vị Vua Bà

Trích đoạn

Hoa thơm hoa nở bốn mùa
Trên ngàn xanh đua sắc hương bay
Gió rung cây lay lay cành lá
Nhác trông lên nhang xạ ngát mùi

Cảnh rừng núi anh linh lừng lẫy.
Nức danh thơm đã dậy muôn phương
Vẻ cốt cách hình dung tươi tốt,
Nét thanh tân tuyết nhường màu da

Xem đầy đủ bản văn Tứ Vị Vua Bà

Canh hoa trang

Các đền thờ Tứ Vị Vua Bà

Đền Cờn (Nghệ An)

Đền Cờn thuộc xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, gồm có đền trong và đền ngoài. Đền trong được lập nên để thờ Tứ Vị Thánh Nương là Dương Thái Hậu, Hoàng hậu và hai Công chúa nhà Nam Tống. Đền tọa lạc trên Gò Diệc, bên bờ sông Mai, nhìn về hướng Đông Bắc.

Den Con (Nghe An)

Đền Cờn xây dựng từ thời Trần, được vua Trần Anh Tông và vua Lê Thánh Tông trên đường đi đánh giặc phương Nam đến thắp hương. Do Tứ Vị Thánh Nương hiển linh phù trợ đánh thắng giặc nên nhà vua đã ban cấp tiền bạc xây dựng đền bề thế, uy nghiêm, trở thành trung tâm tín ngưỡng của cư dân vùng biển.

Đền Đại Lộ (Hà Nội)

Từ Hà Nội theo đường quốc lộ 1A, xuôi về phía Nam chừng 14 cây số, tới Ngọc Hồi, rẽ trái chừng năm cây số nữa, du khách sẽ tới Ninh Sở thuộc huyện Thường Tín nơi có một ngôi đền Lộ (Đại Lộ Từ) cổ kính và là một danh thắng bao đời ở vùng quê Bắc Bộ.

Den Lo (Ha Noi)

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Tứ Vị Vua Bà

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn tài liệu từ Internet

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Hệ Thống Mẫu Thần Phối Thờ Cùng Tứ Phủ: