Lịch sử nghi thức lên đồng – hầu bóng

Lên đồng là gì? nghi thức này xuất hiện từ bao giờ…Tất cả sẽ được trả lời chi tiết trong bài viết này.

Cùng tìm hiểu chi tiết!

Khái niệm về lên đồng là gì?

Lên đồng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, trong đó có tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Về bản chất, đây là nghi thức giao tiếp với thần linh thông qua các ông đồng, bà đồng. Người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào thân xác các ông đồng, bà đồng nhằm phản truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng thì lúc đó các ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.

Lên đồng – hầu bóng có từ xa xưa

Ở Việt Nam, lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Tam Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần,… Tuy nhiên không hẳn nghi thức hầu đồng ra đời cùng với tín ngưỡng Tam Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần, mà nghi thức hầu đồng có từ rất xa xưa, trước thời nhà Trần, trước cả khi tín ngưỡng Tam Tứ Phủ và Trần Triều hình thành.

Tuy nhiên những tư liệu lịch sử ghi chép về lên đồng còn lại quá ít ỏi. Tuy nhiên, căn cứ vào những ghi chép rời rạc thì hình thức tín ngưỡng này ít nhất có từ thời Lý. Trong “Thiền Uyển tập anh” nói về nhà sư Khánh Hỷ thời Lý Thần Tông (trụ trì ở chùa Từ Liêm, mất năm 1135), khi cùng thầy đến nhà thì chủ, Khánh Hỷ hỏi thầy rằng “ý nghĩa của Tổ Thiền là thế nào mà thày đến nhà dân nghe đồng cốt nói nhảm?” Bản tịch trả lời “Hỏi như vậy chẳng hóa ra đồng cốt giáng thần à?”. Như vậy chứng tỏ từ thời Lý đã có hiện tượng lên đồng, và chú ý rằng ở thời điểm này vẫn chưa hình thành tín ngưỡng Tam Tứ phủ và tín ngưỡng Trần Triều.

Len dong - hau bong co tu xa xua

Sự khác nhau về lên đồng giữa Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ với Trần Triều

Ở Việt Nam, lên đồng là nghi thức không thể thiếu trong các thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần… Về hình thức, nghi thức lên đồng hầu về Hội Đồng Thánh Trần mang tính saman nặng hơn khi lên đồng hầu về Tứ phủ bởi hầu về Hội Đồng Thánh Trần có các hành động trực tiếp lên thể xác Thanh Đồng (người ở ngoài nhìn đôi khi thấy sợ) như đi trên than hồng, xiên lình (dùng thanh sắt sắc nhọn đâm xuyên vào hai má và miệng thanh đồng), ăn lửa, lên đai (1 hình thức thắt cổ, có người được gọi là sát căn, có khi lên 3 đai)…

Su khac nhau ve len dong giua Tin nguong Tam Tu Phu voi Tran Trieu

Thời điểm xuất hiện lên đồng trong Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ

Hiện chưa có các tài liệu khẳng định thời điểm ra đời của nghi thức hầu bóng gắn liền với Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ. Tài liệu khảo cổ duy nhất hiện biết và đáng tin cậy, với niên đại được xác định là thế kỷ XVIII, là bức chạm gỗ một cảnh lên đồng ở đình Cô Mễ, tỉnh Bắc Ninh. Tuy vậy, các nhà khoa học đều khá thống nhất cho rằng hầu bóng ra đời vào khoảng thế kỷ XVI, gắn với sự hiển thế/giáng sinh của Liễu Hạnh – vị nữ thần duy nhất trong Tứ Bất Tử của thần điện Việt. Dân gian còn hòa đồng Liễu Hạnh vào với Cửu Thiên Thánh Mẫu.

Bản ngọc phả đề tên tác giả Nguyễn Bính, soạn vào ngày 12 tháng 2 năm Hồng Phúc thứ nhất đời vua Lê Anh Tông (1572), nghĩa là đã cách nay 436 năm, ở thời đó đã có các Thanh đồng, Trinh nữ. Chữ “Thanh đồng” cho thấy đã có hiện tượng lên đồng ở đây, với việc có sáo, đàn, ca hát, mà nay là công việc của các cung văn.

Thượng Kinh ký sự thời Lê của Lê Hữu Trác có kể lại một buổi ngồi đồng. Năm 1781, Ông từ Thanh Hoá ra Thăng Long, qua xã Kim Khê nghi lại và được mời dự buổi lên đồng “Tôi nghỉ ở trạm Kim Khê quan văn thư làm lễ vào yết miếu ở làng ấy, Ông có đặt một tiệc hát và cho mời tôi, tôi đến thì thấy một “cô đồng” đang hầu giá nhà Thánh vừa đảo vừa nói lảm nhảm. Có người bảo tôi rằng Thánh Mẫu đây linh ứng lắm, cụ vào kinh, có muốn cầu việc gì thì cứ kêu ngài. Tôi trả lời rằng, phàm ai cũng cần lấy cái sở đắc, chứ có ai cầu cái sở thất, bụng tôi không nguyện đắc cái gì thì cầu mà làm chi. Cô đồng nghe tủm tỉm cười, quan văn thư cũng trông tôi cả cười”.

Cố Giáo sư – Tiến sĩ Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam khẳng định: “Đã phát hiện văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm về những bài hát văn từ thế kỷ 18”. Đây là tài liệu hát văn cổ nhất từ trước đến nay. Tài liệu hiện đang được bảo tàng Nam Định dịch và sẽ được công bố trong thời gian tới. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho biết hiện nay, những tài liệu về hình ảnh, bản ghi âm, công trình nghiên cứu về nghi lễ chầu văn có rất nhiều nhưng việc tìm thấy một tài liệu cổ bằng chữ Hán và chữ Nôm như tại Nam Định là rất hiếm và có giá trị. Giáo sư Đức Thịnh chia sẻ: “Qua nhiều lần khảo sát, thu thập kết quả, Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam thu được tồn tại 50% là những bản văn mới. Bởi lời văn trong nghi lễ chầu văn thường được truyền miệng là chinh nên hiểm khi được văn bản hóa. Do đó việc phát hiện ra văn bản này là điều rất mừng”.

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Lịch sử nghi thức lên đồng.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • https://hatvan.vn/
  • NAG: Mật Ong – https://www.facebook.com/ong.mat.98096

Xin trân trọng cám ơn!

Tìm hiều thêm:

Hoa sen vàng
Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.