Ông Hoàng Chín được sắc phong tước hiệu Thượng Đẳng Thần. Đền thờ Ngài ở phía đảo ngoài biển Cờn. Ngài hầu Mẫu đền Cờn, làm việc nội chính.
Ngài hạ sinh vào thời Lý ở Nghệ An, đi thi nhiều lần không đỗ, xuống tóc ra cửa Cờn lập am tu trì, cứu vớt những người đi biển và là nơi dừng chân của tàu thuyền xuôi ngược. Khi nhà Nam Tổng bị đánh bại, ông vớt thân y ông Hoàng Bơ, là thái tử nhà Nam Tống, và chôn cất. Sau đó, cứu sống 3 mẹ con Mẫu Cờn, Ngài nghĩ nếu nộp họ cho quan thì sẽ phải làm nô tì, còn thả ra bước đường đời thì sẽ gặp đau khổ. Thà rằng Ngài tục huyền lấy họ để khỏi phải bơ vơ nhưng lại bị cự tuyệt, Ngài thấy buồn chán nên để lại thư và uống thạch tín quyên sinh. Sau khi Ngài tạ thế, Mẫu đọc được bức thư thấy rõ được sự tình nên đã đi ra biển quyên sinh, hai người con thấy thế vội vàng chạy ra gọi mẹ và thác hóa. Từ đó, biển Cờn nổi tiếng anh linh, thuyền bè qua đó bị sóng to bão tổ đều được chở che. Nhân dân lập đền thờ 3 mẹ con ở lạch Cờn, thờ ông Hoàng Bơ ở trên đỉnh núi và đền thờ ông Hoàng Chín ở ngoài biển, phối hương linh vị ở đền Cờn. Sau này qua thời vua Lý đánh Chiêm Thành, còn thờ thêm Thánh Mẫu thần khí nước Nam. Đến thời Lê thờ phối hương thêm Tam tòa Thánh Mẫu cộng đồng bốn phủ và xếp Thánh Hoàng vào hàng thứ 9, hàng Hoàng. Nhân dân gọi ông là ông Chín đền Cờn.
Ông Chín Cờn Môn ít khi ngự đồng. Khi về ngự đồng thì thông thường Ông Chín Còn Môn sẽ mặc áo the đen, đầu đội khăn xếp. Về đồng ông sẽ làm thơ, viết chữ, phát lộc và ban tài.
Theo lối hầu đồng cổ ngày xưa, thì khi Ông Chín Cờn Môn khi ngự đồng ở đền Sòng Sơn ông bắt buộc phải ngự đồng khăn xếp đỏ, nét đỏ, áo the hồng. Sở dĩ ông mặc áo màu đỏ như vậy có thể hiểu ví von giống như ông đang vào cung cấm của Mẫu Sòng Sơn để chầu, như vậy ông phải mặc áo quan màu đỏ để vào để ra mắt Mẫu chủ không phải mặc áo the đen như thông thường thanh nhàn nữa. Ông về ngự đồng uống nước trà nhưng không hút thuốc.
Qua đây lại có một số người hiểu nhầm có thêm Ông Hoàng Chin Sòng Sơn khác với Ông Chín Còn Môn là không đúng. Đây vẫn chỉ là Ông Chín Cờn Môn thôi, nhưng ông ăn mặc khác đi cho phù hợp với từng nơi từng hoàn cảnh.
Khi ngự đồng, ông Chín Còn Môn thường mặc áo mặc áo the dài đen, khăn xếp đen, hoặc mặc áo the hồng, khăn xếp đỏ khi ngự ở Sòng Sơn.
Tuy nhiên hiện nay có một số người hầu ông giống như là thầy đồ, đeo kính đen, cầm ba toong, chân đi guốc mộc, tay cầm ô, mặc kiểu địa chủ thời cổ Việt Nam, không khác gì ông thầy bói. Những điều như vậy là sai, ông có thể mặc áo the đen, đầu đội khăn xếp, nhưng không đeo kinh đen, chống gậy ba toong, tay cầm ô, … vì lý do như sau:
Thứ nhất: theo sự tích ông Chín Cờn Môn thì ông là Nhà sư thuộc dòng đi tu, vậy ông không thể đeo kính đen, cầm ba toong, chân đi guốc mộc, tay cầm ô, mặc kiểu địa chủ thời cổ Việt Nam được, vì như vậy không khác gì ông thầy bói.
Thứ hai: thời ông Chín Cờn Môn lại là thời Lý, ngày đó có thể có khăn xếp áo the, nhưng không thể có kính dâm hay gậy batoong được. Vì vậy mà cách ăn mặc trên là sai.
Rất mong các thanh đồng đạo quan lưu ý để có được lối hầu đúng khi hầu giả Ông Chín Cờn Môn.
Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 1 bản văn Ông Chín Cờn.
Trích đoạn
Trên chín bệ cao thâm võng cực
Dưới bách thần mộ đức kinh luân
Cù lao chín chữ quần thần
Sinh ông Hoàng Chín kinh luân gồm tài
Văn thơ phú sánh ngài Đỗ Lý
Võ lược thao cái thế Tôn Ngô
Cung tên mã thượng giang hồ
Tuổi vừa đôi tám đăng khoa triều đình
Xem đầy đủ bản văn Ông Chín Cờn
Đền Cờn tại xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đền được lập vào đầu thời Trần thế kỷ 13.
Đền Cờn bao gồm Đền Cờn trong cạnh bên dòng Mai Giang thờ Tứ Vị Thánh Nương (hay còn gọi là Tử Vị Vua Bà); đền Cờn ngoài hay còn gọi đền Ông Chín Cờn nằm ở cửa biển trên núi Hùng Vương thờ nhà sư (hay còn gọi là ông Chín Còn) – người đã cưu mang 4 mẹ con Dương Thái Hậu (tức là Mẫu Cờn) và Hoàng đế Tổng Đế Bính cùng các tướng tùy tùng, có công âm phù nhà Trần, nhà Lê và các triều vua khác đánh thắng quân xâm lược nước ta.
Lễ hội đền Cờn được tổ chức hàng năm từ ngày 19 đến ngày 21 tháng giêng âm lịch (ngày xưa còn gọi là hội phát tính) ngoài ra còn có nhiều lễ tế được kéo dài từ đầu tháng giêng đến tháng ba âm lịch. Ngày nay lễ hội Đền Cờn đã được khôi phục lại sau 50 năm bị mai một và Đền Cờn đã được Bộ Văn hóa thông tin cấp bằng di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia 1993. Đền Cờn không chỉ đẹp về mặt kiến trúc nghệ thuật mà còn nổi tiếng linh thiêng nhất Nghệ Tĩnh: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Bã, tứ Chiêu Trưng”. Hằng năm Đền Cờn tiếp đón hàng chục vạn du khách khắp nơi về dâng hương, tham quan và du lịch.
Ngoài đền Ông Chín Cờn thì còn một số đền khác cũng thờ Ông Chín Còn Môn, chẳng hạn như đền thờ Mẫu Thoải nằm ở Bắc Biên, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Ngoài thờ Công Đồng Tứ Phủ, Đức Ông Trần Triều thì đền còn thờ Tứ Vị Vua Bà và Ông Hoàng Chín Còn Môn.
Người miền Nam hay hầu Ông. Ông là người dân tộc trên miền núi đi hái thuốc chữa bệnh cho muôn dân. Bao nhiêu Ông Hoàng về đồng chỉ có Ông Chín Thượng lúc dâng nhang là dùng bản chầu văn của các chùa các chầu dùng để lễ. Ông chín thượng ngàn trong Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ ông thuộc nhạc phủ tức là một vị thần cai quản rừng núi, mang gùi, vai quàng dây leo, eo đóng khổ, tay cầm khèn hoặc quấn luôn con… rắn (làm giả bằng rễ cây). Ông Chín Thượng Ngàn về đồng thì hú hét quát tháo ầm ĩ.
“Ông Chín về đồng làm lễ dâng nhang
Khấu đầu lạy Mẫu mười phương độ trì
Tay dâng nhang miệng khẩn từ bi
Lệnh Ông sai đổi chiều lục cung
Tính Ông hay mang trúc mang giang
Măng che măng nứa cơm lam trà vàng”
Giá ông Chín Thượng Ngàn không quên mang cho ông cái khèn và cái ống vố hoặc tẩu để ông hút thuốc. Khi ông Chín nhập vào, thanh đồng cởi áo dài đen ra, xắn quần lên tận bẹn, lấy giấy tinh đất thành than, xoa khắp mặt mày mình mẩy, đầu vẫn khăn đầu rìu, lưng đóng khổ, mình choàng một cái áo cánh vải rắn hoặc in hoa nhỏ xanh đỏ dày đặc, loại vải mà người Thượng ở Huế thích mua dùng. Có thể nói ông chín Thượng là người Thượng và ông mặc giống người Tây Nguyên. Ông Chín Thượng còn mang gùi trên lưng, trong gùi có sẵn mở cây lá thuốc phơi khô, mà lát nữa ông Chín sẽ ban phép cho ai muốn xin thuốc chữa bệnh.
Khi cung văn chuyển qua điệu Thượng ngàn thì người ta dâng cho ông Chín cây khèn. Ông Chín khom mình vừa thổi khèn vừa nhún nhảy theo điệu nhạc, chẳng khác chi kiểu nhảy múa của người Thượng vào lễ đâm trâu. Xong màn nhảy múa, ông Chín nhồi thuốc vào tẩu, vừa vập vập ống vổ vừa nghe người ta khai bệnh để cho thuốc. Đôi lúc ông Hổ cũng về cho thuốc và cho bùa. Tôi thấy người ta để tờ giấy tinh lên khay, ông Hổ co bàn tay thành nắm đấm, nhưng vào nghiên son, in vào trên giấy rồi hà hơi vào đó, thành ra lá bùa của ông. Nghe nói bùa này trừ quan sát. Đối với các giá đồng lớn, thường các ngài không ở lâu, giá lâm một lát để chứng lễ cũng bằng cách phê son đỏ vào tờ sớ do gia chủ dâng lên, phán truyền một vài điều rồi thăng. Giá đồng của ông Chín thường ở lại làm việc cứu nhân độ thể rất lâu, có khi suốt buổi cúng.
Khi ông Chín về thì thể nào cũng gọi linh của ông về theo, đó là ông Hổ. Hễ thấy ông Hổ về thì chớ lấy khăn áo. Hãy lấy ngay cải lốt cọp may bằng vải mà mặc cho ông. Lốt may rất khéo (may theo kiểu áo liền quần của pilot, gài phía trước bằng nút), cũng có cái đuôi ve vẩy đàng hoàng. May xong, người ta đem nhuộm vàng rồi dùng mực Tàu vẽ vằn vện, mặc vào nhảy nhót ngó như cọp thiệt. Rồi lại phải có người lo múc một thau nước đầy kèm theo lát thịt heo sống để trên đĩa cho ông thưởng thức. Sau một hồi gầm thét nhảy nhót theo ông thầy (ông Chín), ông Hổ có thể uống cạn thau nước như không, còn thịt thì ông chỉ lấy vuốt lật qua lật lại và ngửi chứ không ăn.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Ông Hoàng Chín.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Xem thêm thần tích Thập Vị Ông Hoàng