Nghĩa Xuyên tướng quân – An Nghĩa Đại Vương
Mục Lục Bài Viết
Lịch sử về Nghĩa Xuyên Tướng Quân
Nguyễn Chế Nghĩa (1265-1341) Thành hoàng làng Cuối, người xã Cối Xuyên, huyện Trường Tân, lộ Hồng Châu (Cối Xuyên nhất xã lục thôn Gồm Đức Phong, Đại Liêu, Mỹ Long, Hoa Điểm, Tiên Nha, Vĩnh Dụ) nay là hai xã Hội Xuyên và Phương Điểm – huyện Gia Lộc. Ông sinh năm 1265 trong một gia đình có danh vọng, từ nhỏ ông đã có sức khoẻ lạ thường, giỏi cỡi ngựa và sử dụng giáo dài: thiên văn, binh pháp đều tinh thông, lại thích ngâm vịnh và làm thơ. Ngài là Nguyễn Chế Nghĩa có nhiều vũ công, là đại tướng triều Trần.
Ngài vốn dòng dõi thi lễ lớn lên là người thiên tư anh tuấn học vấn uyên thâm. Năm 12 tuổi đã có sức khỏe lạ thường. Cha mẹ ngài còn mời thầy về dạy võ, được thầy giỏi rèn luyện nên Ngài văn võ kiêm toàn. Những binh thư Tôn Ngô, Ngài đều thấu suốt, văn thuyết đều tinh thông. Trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, Ngài còn thục luyện bộ thái ất thần kinh và thuộc làu kinh dịch. Ngài cỡi ngựa bắn cung đánh trường múa đao đều giỏi. Ngài đã làm bài thơ nghĩa khi như sau:
Định thiên lập địa trượng phu thân
Chí khí đường đường mại đẳng luân
Đàn Giáp khẳng mi tề sách sĩ
Trước tiên tu hướng tấn năng thân
Cơ tàng cử hỏa kiêm hoài tuyết
Tích hiển đường yên giữ hán vẫn
Lưu đắc càn khôn trung nghĩa tiết
Cao đàm thiên cổ nhất hoàn nhân
Năm 16, 17 tuổi tiếng hay văn võ của Ngài đã lừng lẫy nhiều nơi. Năm 17 tuổi Ngài đã đầu quân, nhà Vua và đức Hưng Đạo Vương đã thử tài bắn cung của ngài, môn bắn cung đã được khen là thần tiễn và Ngài được phong là tướng quân đi đánh giặc.
Ngài đã đem dân binh của Lộ Hồng đi chặn giặc ở Nội Bàng. Ở Vạn Kiếp làm cho giặc phải tiến quân chậm chạp, Ngài cũng diệt được nhiều quân giặc nên xa giả nhà Vua đủ thời gian rút khỏi kinh thành. Uy danh ngài đã vang lừng từ cửa ải Chi Quan đến cửa ải Lê Quan. Ngài có hai con ngựa chiến giỏi là Long Câu và Long Đề đã giúp nhiều cho ngài trong chiến trận
Năm 19 tuổi ngài đã đeo ấn tiên phong cùng tướng Phạm Ngũ Lão lên Lạng Sơn, Ngài đã lập 3 trại dân binh, Thử, Xa, Chúc để cản địch. Trận đầu ngài đã cầm quân đánh lui các tướng Nguyên là Trịnh Bằng Phi và Ảo Lỗ Xích. Ngài đã được nhà Vua phong không bắc tướng quân, Nhưng lúc đầu thế giặc còn mạnh quân ta phải tạm rút. Ngài lại được cử giữ Nội Bàng để chống giặc bảo vệ đại bản doanh của Đức Hưng Đạo Vương đang đóng ở Vạn Kiếp, sau đó ngài được giao giữ mặt trận từ Kiêu Kỵ đến đê Cơ Xá, để chặn giặc không cho chúng sang Lộ Hồng, nhiều trận ngài diệt hàng trăm giặc. Ngài lại đem quân phối hợp với Trung Thành Vương diệt đồn Giang Khẩu rồi lại đem quân chặn giặc ở đê Thiên Đức và ở An Hưng. Khi giặc rút chạy. Võ công của ngài đã góp nhiều với triều Trần đánh đuổi quân Nguyên ra ngoài bờ cõi.
Cuối năm 1287, có tin quân Nguyên sắp sang đánh nước ta, Nguyễn Chế Nghĩa được Hưng Đạo Vương cử dẫn một đạo quân lên tổ chức phòng tuyến chặn giặc dài hơn 100 dặm – từ ải Nội Bàng đến núi Kỳ Cấp ở Lạng Sơn. Khi quân Nguyên tạm chiếm Thăng Long, ông tổ chức dân binh đêm đêm đánh vào trại giặc, đã chỉ huy trận phục kích giặc ở đầm lầy cạnh đồng đay làng Kiêu Kỵ, diệt 300 địch. Khi ta tổng phản công, Nguyễn Chế Nghĩa đem quân tham gia trận đánh lớn trên sông Bạch Đằng. Ông cùng Phạm Ngũ Lão đánh tan một cánh quân, giết tướng giặc là Trương Quân ở ngay cửa ải Nội Bàng.
Dẹp giặc xong nhà Vua lại giao cho ngài đi tổng trấn Lạng Sơn một thời gian ngài lại đi xứ Bắc quốc sau đó ngài được triệu về triều giữ nhiều chức như thái uý, đô úy Nghĩa Xuyên Công, Ngài lần lượt được phong thượng tướng, rồi đại tướng quân, Vua Trần đã gả công chúa Nguyệt Hoa cho ngài (Lúc ngài là thượng tướng quân)
Ngài la bậc lão thần Lần lượt thờ các Vua Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông nhà Trần với tước công và có lúc được giao đứng đầu văn võ, có lúc được giao cả chức lễ bộ thượng thư. Ngài rất cương trực đã giúp nhiều cho việc triều chính ở triều đình và phủ dụ thần dân nhất là những việc cấy hái tầm tang đê điều.
Nguyễn Chế Nghĩa là tướng tài, thuộc hàng quốc thích, đứng đầu ban võ, có lúc kiêm cả Lễ bộ Thượng thư. Khi tuổi cao, ông dâng sớ xin về nghỉ ở quê nhà, mãi mới được vua chấp thuận. Tại Cối Xuyên, ông vui sống cuộc đời bình dị, lập chợ Cuối để dân tiện mua bán và lập giáo trường để rèn dân binh. Có thể vì vậy mà bọn xu nịnh hãm hại ông. Sử cũ chép: Bình sinh, Nguyễn Chế Nghĩa là người thẳng thắn, quyết không khoan nhượng với bọn nhũng nhiễu hại dân. Đến đời Trần Dụ Tông thì Ngài bị ám hại: Một lần, dự triều hội dâng kế giữ nước an dân, trên đường về Cối Xuyên, ông bị ám hại, mất ở quán Ninh Kiều (Cầu Nành) thuộc đất Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm. Hôm đó là ngày 28-8 âm lịch. Vua còn dặn quan thái sử không được chép tên ngài vào sử ký. Thế là nỗi bị ai oan khuất của ngài không được rửa sạch mặc dầu triều đình vẫn làm Vương Lễ an táng và phong thần cho ngài là “An Nghĩa đại Vương
Công chúa Nguyệt Hoa và thượng vị hầu Nguyễn Sùng Phúc (Con trai của ngài) không chịu nhận chức tước gì nữa, sau khi ngài mất chỉ ở nhà thủ tiết.
Đến đời vua Lê Thái Tổ đã phong thần cho ngài: “Thượng đẳng phúc thần vạn đại huyệt thực” và đến đời Vua Lê Anh Tôn niên hiệu Hồng Phúc đã giao cho bộ lễ Viết lại Ngọc Phả của ngài xếp cuốn ngọc phả này vào sách bách linh của bộ lễ.
Bản triều đã truy ơn và tiếp tục phong thần cho ngài: Tuấn lương đại Vương rồi quang y đại Vương cùng sửa lại ngọc phả trong sách bách linh của bộ lễ.
Đền thờ Nghĩa Xuyên Tướng Quân
Cảm mến đức lớn của bậc công thần, dân Kiêu Kỵ tôn ông làm thành hoàng và lập đền thờ ông từ đó. Hiện nay đền còn lưu giữ 32 sắc phong thần của triều Lê và triều Nguyễn 3 cỗ long ngai, ba bài vị sơn son, hai cỗ khám thờ tổ nội, tổ ngoại và đồ tế khí như bát bảo, chấp kích, gươm…vô cùng có giá trị.
Ở làng Cối Xuyên cũng có đền thờ và lăng mộ Nguyễn Chế Nghĩa, Lăng nằm trên gò đất cao bên hồ nước, xây 2 tầng 8 mái, chính giữa đặt bát hương đá và một bia đã tạo năm Canh Thìn (1880) đời Tự Đức ghi danh tính, quê quán của thần. Năm 2003, người làng Cuối ở thành phố Hải Dương góp tiền mua 10 tấn đồng đúc tượng Nguyễn Chế Nghĩa, phu nhân và con trai là Thượng Vị Hầu Sùng Phúc. Năm 2004, 800 người làng sống ở quê và các tỉnh đóng góp hơn 300 triệu đồng dựng tòa trung đường rộng 220m2. Dân làng còn cung tiến cửa võng, hoành phi, câu đối.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Nghĩa Xuyên Tướng Quân.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
- Các nguồn tài liệu từ Internet
Tìm hiểu đầy đủ hơn về Tín Ngưỡng Đức Thánh Trần
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Thần tích các vị thánh được thờ trong Tín ngưỡng Đức Thánh Trần:
- Đức Thánh Trần
- Vương Phụ An Sinh Vương
- Vương Mẫu : Thiện Đạo Quốc Mẫu
- Phu Nhân : Thiên Thành Công Chúa
- Đức Thánh Cả
- Đức Ông Đệ Nhị
- Đức Ông Đệ Tam
- Đức Ông Đệ Tứ
- Vương Cô Đệ Nhất
- Vương Cô Đệ Nhị
- Đức ông phò mã Phạm Ngũ Lão
- Ông Tả Yết Kiêu
- Ông Hữu Dã Tượng
- Hùng Thắng tướng quân
- Huyền Quang tướng quân
- Cô Bé Cửa Suốt
- Cậu Bé Cửa Đông
- Ngũ Hổ Đại Tướng