Đức Ông Đệ Tam : Đệ Tam Ông Cửa Suốt Hưng Nhượng Trần Quốc Tảng

Đức Ông Đệ Tam là ai? đền thờ đâu và hấu giá Ông như thế nào …? sẽ được giải đáp chi tiết trong bài viết này.

Đời Trần thị mở mang Nam Hải
Đức Đệ Tam dòng dõi kim chi
Mỗi phen giáp mã trùy tùy
Đã vu hoa khắc lại đi phạt Sầm

Chim Phượng 2

Lịch sử và xuất thân Đức Thánh Đệ Tam

Duc Ong De Tam

Đệ Tam Ông Cửa Suốt Hưng Nhượng Trần Quốc Tảng (Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng Đệ Tam Vương Tử). Danh hiệu: Đông Hải Hưng Nhượng Vương. Khi xét công, ông được phong làm Tiết độ sử. Ông có con gái gả cho vua Trần Anh Tông, tức Thuận Thánh Hoàng hậu.

Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng sinh năm 1252, mất năm 1313, ông là một vị tướng và là con trai thứ ba của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và Nguyên Từ Quốc Mẫu tức công chúa Thiên Thành.

Tháng 12 âm lịch năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Được tin đại quân do Trần Hưng Đạo chỉ huy không chống cự nổi trước thể mạnh như chẻ tre của quân Nguyên Mông và phải rút về Vạn Kiếp. Ông cùng Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, Minh Hiến vương Trần Quốc Uất và Hưng Trị vương Trần Quốc Hiện đốc suất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội ở Vạn Kiếp, theo quyền điều khiển của Hưng Đạo vương để chống quân Nguyên.

Sử sách có ghi Trần Quốc Tảng bị đày ra Tĩnh Bang vì tội bất trung, bất hiếu. Nguyên chỉ vì câu nói buột mồm khi đang họp, muốn nói sự mất đoàn kết trong nội tộc họ Trần – “Thù nhà chưa xong nói chi nợ nước”. Trong cuốn “TRẦN TRIỀU HIẾN THÀNH CHÍNH KINH TẬP BIÊN”, in năm Thành Thái (1900) có chép như sau:

“Quốc Tuấn công cho rằng, con trai tỉnh ưa cương dũng ấy (tức Trần Quốc Tảng), không theo đúng đạo làm con, bèn nổi giận lôi đình, đày ra cửa bể Suất Ti Tuần thuộc phủ Hải Ninh, lộ An Bang”.

Thực ra, hành động của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đối với Trần Quốc Tảng, bắt đầu từ nguyên do sâu xa là nội bộ Hoàng tộc lục đục, bất hòa. Điển hình là Trần Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn, ông nội Trần Quốc Tảng) mâu thuẫn với Thái sư Trần Thủ Độ và vua Trần Thái Tông. Trong cuốn TRẦN TRIỀU THẾ PHẢ HÀNH TRẠNG đã chép việc đó, mà người phải hứng chịu chính là Trần Quốc Tảng như sau:

“Khi An Sinh Vương (Trần Liễu), sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn và trăn trối rằng: Mày mà không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết không nhắm mắt” – Ý nói Quốc Tuấn phải cướp được ngôi của nhà Trần để trả thù Trần Liễu bị Trần Thủ Độ ép buộc người vợ kế của mình đang có mang lấy Trần Cảnh, tức vua Trần Thái Tông, em ruột của Trần Liễu. Trần Liễu phẫn uất, chiêu tập binh mã nổi dậy bên bờ sông Cải, chống lại Trần Thủ độ, nhưng thất bại bị lột hết áo mũ. Quốc Tuấn để bụng, nhưng không bao giờ cho thể là phải.

Đến khi trở thành Quốc Công Tiết Chế, Tổng chỉ huy quân đội, nắm quyền tối cao, Quốc Tuấn đem lời cha dặn khi trước, hỏi ý kiến các tướng tâm phúc như: Yết Kiêu, Dã Tượng và con trai là Hưng Vũ Vương. Cả ba người đều ngăn cản, khiến Quốc Tuấn rất mát lòng. Một hôm, Quốc Tuấn đem câu trăng trối của cha hỏi Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, ông bèn nói: Thái tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa cơ đẩy vận cũng được thiên hạ. Quốc Tuấn nghe vậy bèn rút gương kể tội Trần Quốc Tảng: Kẻ làm phản loạn là do ở đứa con bất hiếu, ý muốn giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương nghe tin vội chạy đến kêu khóc xin cho Quốc Tảng, lúc đó Quốc Tuấn mới tha cho và bảo rằng: Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào.

Sau khi Hưng Nhượng Vương ra trấn giữ cửa Suốt, năm Trùng Hưng thứ tư (1288) quân Nguyên lại kéo quân sang xâm lược. Hưng Nhượng Vương xin triều đình lập công chuộc tội. Được chuẩn tẩu, Hưng Nhượng Vương tiến quân, lập đồn ở Trắc Châu, huyện Thanh Lâm. Trải qua ba ngày đêm, ông đem quân đánh thẳng vào trại của quân Nguyên đóng ở sông Bạch Đằng và chiến thắng oanh liệt. Từ đó ông được cử làm Suất Ti Tuần Đại An, trấn giữ cửa bể Cửa Suốt.

Như vậy, chúng ta để ý rằng, lần đầu bị tội mà Trần Quốc Tảng bị cha đày ra Cửa Suốt. Lần thứ 2, nhờ lập được công lớn, Trần Quốc Tảng lại được vua Trần cử ra Cửa Suốt trấn giữ. Hai lần trấn nhậm Cửa Suốt với hai tư thế, hai thể thức khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một trọng trách giữ gìn một nơi quan ải Đông Bắc. Trong thời kỳ bình công, khen thưởng cuối năm 1288, Trần Quốc Tảng được sắc phong là Tiết độ Sử. Từ năm 1288 đến khi qua đời, phần lớn thời gian Trần Quốc Tảng giành cho việc trấn giữ vùng Đông Bắc này của Tổ quốc. Do những công lao to lớn mà vua Trần Anh Tông (đồng thời cũng là con rể của Trần Quốc Tảng), phong tước hiệu Hưng Nhượng Vương.

Sau khi ông mất, năm 1314, đúng một năm sau Trần Minh Tông lên ngôi, đã truy tặng Trần Quốc Tảng chức Thái ủy. Với công lao của ông trong việc trấn ải ở cửa biển nước ta nên người đời suy tôn ông là: Đức Đệ Tam Phủ Súy Đông Hải Đại Vương Trần Quốc Tảng, còn trong tín ngưỡng hầu đồng người ta thường thỉnh ông là: Đức Ông Đệ Tam hay Đệ Tam Đức Thánh Ông Cửa Suốt Cửa Đông.

Canh hoa trang

Ngày mất của Đức Thánh Tam

Tuong tho Duc Ong De Tam

Về ngày mất của ông, hiện nay có 2 quan điểm: Trong tập sách khảo cứu của nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Khánh, tập Đền miếu Việt Nam, do NXB Thanh Niên in năm 2007, ở trang 201 có ghi Trần Quốc Tảng mất ngày 16/8/1311, sách ghi lại những ngày cuối đời của Trần Quốc Tảng ở Cửa Suốt như sau:

“Tự nhiên trời mưa to, gió lớn, sấm sét nổ ầm ầm. Ông thấy một phiến đá to bèn ngồi lên. Ngay lúc đó sóng nổi cuồn cuộn, nước dâng lên rất cao. Phiến đá tự nổi trên mặt nước, Hưng Nhượng Vương hóa thân ở đó, vào ngày 16/8/1311. Một lúc sau mưa tịnh, gió lặng, dân chúng kéo đến xem, thấy trên phiến đá có một cái mũ đá, mũ đá trôi đi. Ngày 1/9 năm ấy, mũ đã trôi đến địa giới Hàm Giang, rồi đến bờ sông xã Trắc Châu (tên tục là Vườn Nhãn). Già trẻ, lớn, bé trong xã đang đêm hôm đó mộng thấy một người cân đai, áo mũ chỉnh tề, đứng ở đình làng bảo rằng: “Ta là Gia Tướng nhà Trần, nay số đã hết, lại trở về đóng nơi đồn cũ giữ yên dân, nước”. Hôm sau, dân chúng ra đình xem, thấy một tảng đá và một mũ đả bên bờ sông. Do phiến đã được 5 thước 4 tấc, ngang 2 thước 3 tấc, có 5 màu huyền ảo như mây. Dân làm lễ đón mũ đá về lập miếu thờ và làm biểu tâu lên vua. Vua thấy Trần Quốc Tảng là người có công, lại linh ứng nên truyền cho lập miếu thờ và phong cho làm Thượng đẳng Phúc Thần, cho 800 quan tiền công hàng năm hai mùa cúng tế vào bậc Nhà nước”.

Trong khi Đại Việt sử kí toàn thư (1497), của Ngô Sĩ Liên, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, tập II, tr.98, thì ghi rõ ràng: Trần Quốc Tảng mất năm Qúy Sửu, Long Hưng thứ 21 (1313), nhưng không ghi ngày tháng nào. Các đền thờ ông hiện nay đều khai hội vào ngày mùng 2 tháng 3 Âm lịch hằng năm, tương truyền là ngày ông từ trần.

Canh hoa trang

Nơi mất của Đức Thánh Tam

Về nơi mất của ông, hiện nay cũng có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm phổ biến nhất hiện nay là Đức Thánh Tam trấn thủ ở đất Cửa Ông và đã mất ở đây, hiện nay được thờ phụng tại Đền Cửa Ông. Tuy nhiên còn một quan điểm khác cho rằng Đức Thánh Tam mất ở địa danh Vườn Nhãn thuộc làng Trắc Châu, xã An Châu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Nhà văn Trần Nhuận Minh đã phân tích chi tiết về quan điểm này như sau:

+Trong tấm bia đá đặt trước tượng đài Đức Thánh Tam được dựng gần đền Cửa Ông có nói đến Vườn Nhãn là nơi Đức Thánh Tam hóa một cách đầy bí ẩn.

+Sách Địa chí Quảng Ninh, tập 3, do Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh xuất bản năm 2003, trang 115, cũng ghi: Cuối đời, ông trở lại vùng Cửa Suốt (nay là Cửa Ông) và tạ thế một cách kì lạ, huyền bí ở khu Vườn Nhãn.

+Trong quyển sách Hướng dẫn du lịch có tên là Non nước Việt Nam, do Tổng cục Du lịch (Việt Nam) tái bản năm 2004, là sách giáo khoa chuyên ngành, cẩm nang của các hướng dẫn viên du lịch và hiện vẫn đang được sử dụng chính thức trong các tour du lịch dành cho người trong và ngoài nước, trong mục Quảng Ninh, trang 318, ở phần Lễ hội Đền Cửa Ông, mà ngày Hội chính là mùng 2 tháng 3 Âm lịch hằng năm, có ghi nguyên văn như sau: “Lễ hội được tổ chức linh đình, tế lễ và rước kiệu bài vị Trần Quốc Tảng từ đền ra miếu ở xã Trắc Châu, tên tục là Vườn Nhãn (theo truyền thuyết là nơi Đức Ông hóa, trôi dạt vào), và quay trở lại đền, tượng trưng cho cuộc tuần du của Đức Ông”.

+Trong tập sách khảo cứu Đền miếu Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh, đã nói trên, có đoạn nói về cái chết của Trần Quốc Tảng như sau: “Tự nhiên trời mưa to gió lớn, sấm sét nổ ầm ầm. Ông (Trần Quốc Tảng) thấy một phiến đá to, bèn ngồi lên trên. Ngay lúc đó, sóng nổi cuồn cuộn, nước dâng rất cao, nhưng phiến đá tự nhiên nổi trên mặt nước. Hưng Nhượng vương hóa ở đó ngày 16 tháng 8 năm 1311. Một lúc sau, mưa gió yên, dân thấy trên đá có một cái mũ, liền rước về lập đền thờ, tâu lên triều đình. Vua phong Thượng Đẳng phúc thần”. Trong tập sách Truyện cổ dân gian Nam Sách do Nguyễn Hữu Phách chủ biên, NXB Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2000, trang 52-53, có chép lại theo Lê Mậu Cường, thì tảng đá với cái mũ đá dạt vào làng Trắc Châu, xã An Châu, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương và nhân dân đã lập miếu thờ ở đỏ như Vũ Ngọc Khánh đã viết. Và nơi ấy cũng chính là Vườn Nhãn, một nơi rất quan trọng trong cuộc đời Trần Quốc Tảng.

+Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỉ XX của Viện Hán Nôm, NXB Khoa học xã hội, 1981, thì huyện Nam Sách hiện nay, từ đầu thế kỉ XX trở về trước, các xã phía bắc thuộc huyện Chí Linh, các xã nam thuộc huyện Thanh Lâm trong đó có xã Trắc Châu thuộc tổng Trắc Châu. Vậy đã rõ, địa danh Vườn Nhãn, nay vẫn thuộc thôn Trắc Châu (xã An Châu huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) theo các ghi chép từ thời xưa, là nơi Trần Quốc Tăng đã mất.

Canh hoa trang

Hầu giá Đức Ông Đệ Tam

Đức Ông Đệ Tam thường được hầu trong hàng Trần Triều. Thông thường những người hầu Hội Đồng Trần Triều thường hay hầu về Đức Ông Đệ Tam.

Theo lối hầu cổ, khi về ngự đồng ngài ngự áo đỏ, khăn đỏ, đai đỏ, lưng đeo cờ kiếm, múa cờ kiểm, xuyên một lình vào má, cắm một quả cau non trong mồm, một tay đỡ lình ra oai. Ông lên đại thượng để tái hiện lại hình ảnh Ngài thác hóa nguyện lấy linh khí để trấn an vùng biển Đông Bắc. Sau đó Ngài cởi bỏ đai thượng, dùng hai tay tóm hai đầu đai siết chặt vào cổ. Ngài ngự đồng sát quỷ trừ tà, chữa bệnh.

Theo lối hầu ngày nay, Đức Ông Đệ Tam mặc áo màu trắng khi về ngự đồng. Trong văn Đức Ông Đệ Tam cũng có đoạn hát kể về điển tích của ông như:

“Thời Trần Thị mở mang Nam Hải
Đức Đệ Tam dòng dõi kim chi”

Đền thờ Đức Ông Đệ Tam

Canh hoa trang

Đền thờ Trần Triều Hưng Nhượng Vương

Đền thờ thuộc thôn Trác Châu, xã An Châu, thành phố Hải Dương. Theo như phân tích của nhà văn Trần Nhuận Minh thì đây chính là nơi mất của Đức Thánh Tam.

Nơi này ở gần bến đò Bình, nay là cầu Bình, từ đây đi lên khoảng 2 kilômét là vũng Trần Xá, bến Bình Than, nơi diễn ra hội nghị Bình Than của các tướng lĩnh nhà Trần, tháng 10 năm 1282, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên mà ai cũng biết ở đây, lễ hội, chưa được khôi phục, nhưng hàng năm, nhân dân vẫn đến thăm viếng rất đông vào ngày mùng 3 tháng 2 Âm Lịch.

Đền Cửa Ông

Đền Cửa Ông thuộc địa phận phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Đền là nơi thờ phụng Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật nổi tiếng thời nhà Trần.

Den Cua Ong

Văn Chỉ Linh Khê

Văn Miếu (hay còn gọi là Văn Chỉ Linh Khê) là nơi thờ Đức Ông Đệ Tam, thuộc thôn Linh Khê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, đình Phúc Xá A xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng, cách sông Kinh Thầy khoảng 800 mét. Đây chính là Nhà cũ Trạng nguyên (nơi Mạc Đĩnh Chi ở và dạy học), do quan Thượng thư triều Lê, đồng thời cũng là nhà văn lớn ở thời đó, là Trần Tiến (1709-1770) cho sửa sang lại.

Từ cuối thời Lê, vua Lê đã cho tạc tượng thờ ba danh nhân là Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (?-1346), Tham tụng – Thượng thư, Thái bảo Trần Cảnh (1684- 1758) tác giả Minh Nông chiêm phả, bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của nước ta, hoàn thành và dâng vua Hiển Tông nhà Lê năm Kỷ Tỵ (1749) và Hưng Nhượng Đại vương, Thải úy Trần Quốc Tảng (1252-1313).

Canh hoa trang

Các bản văn Đức Ông Đệ Tam

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 1 bản văn Đức Ông Đệ Tam.

Trích đoạn

Đề trời xanh vằng vặc sáng soi
Mỗi năm tình kể cùng ai
Đành rằng đem xuống tuyền đài cho cam
Bỗng nhất dạ thuyền mang ra bể
Ông thủy thần thiết kế cũng hay
Trên bãi bể có một cây
Chỉ cây khấn vái rằng nay có thần
Chợt một đám hồng vân cuộn lại
Mảnh tinh linh xuất ngoại trần gian
Cảnh vui ngày lại bàn hoàn

Xem đầy đủ bản văn Đức Ông Đệ Tam

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Đức Ông Đệ Tam

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn tài liệu từ Internet

Tìm hiểu đầy đủ hơn về Tín Ngưỡng Đức Thánh Trần

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen

Tham khảo thêm

Thần tích các vị thánh được thờ trong Tín ngưỡng Đức Thánh Trần: