Tên thật là Phạm Thị Thỏa, quê ở huyện Đỗ Gia nay thuộc phần đất của huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Bà có chồng tên là Nguyễn Duy Lạc quê ở thôn Xuân Am Mỏ Hạc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Bà sinh hạ được một người con trai đặt tên là Nguyễn Duy Khôi.
Bà Phạm Thị Thỏa (Bà Chúa Lộc) sống vào thế kỷ XV, một giai đoạn lịch sử biến động của dân tộc Việt Nam năm 1400 – Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần. Nhà Minh liền mượn cớ “Phù Trần diệt Hồ” kéo quân sang xâm lược nước ta. Nhà Hồ nhanh chóng sụp đổ, nhà Minh đặt nền đô hộ lên đất nước ta. Ở Lam Sơn – Thanh Hóa, Lê Lợi dấy binh khởi nghĩa. Trước tình hình đó, bà Phạm Thị Thỏa đến vùng đất nay thuộc xã Ngọc Sơn chiêu mộ binh lính, khai khẩn đất hoang, tích lũy lương thực, rèn luyện binh khí chờ đợi thời cơ khởi nghĩa đánh quân Minh. Đến những năm 1425 – 1426 nghe theo kế của Nguyễn Chích, Lê Lợi tiến quân về hướng Nam lấy Nghệ Tĩnh nơi đất rộng người đông làm chỗ “lập cước chi địa” tạo đà tiến đánh thành Đông Quan giải phóng đất nước. Ở Nghệ Tĩnh, nghĩa quân Lam Sơn cùng con trai của bà Phạm Thị Thỏa được nhân dân đùm bọc, che chở, đóng góp sức người sức của cho nghĩa quân trong đó có cả bà Phạm Thị Thỏa. Bà cầm quân tiến đánh giặc Minh ở miền Cửa Sót (nay thuộc xã Thạch Kim – Thạch Hà – Hà Tĩnh). Trong lúc mải mê đánh giặc, bà hay hung tin con trai Nguyễn Duy Khôi tử trận do bị tướng giặc Minh Thái Phúc chém đứt đầu. Bà Phạm Thị Thoa hoang mang bối rối và đau xót cho người con trai duy nhất của bà đã mất tại Lạch Quèn, nay thuộc huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An.
Thế giặc mạnh, bà Phạm Thị Thỏa cùng viên tướng của nhà Lê tên là Sử Hy Nhan chống cự không nổi đã lui quân về chiến hào tại vùng đất thuộc xã Ngọc Sơn có một cây cổ thụ rất lớn. Bà cùng nghĩa quân ẩn náu nơi đó để chờ viên tướng trẻ trong lúc thua trận thất lạc. Nhưng chờ mãi bà cũng không thấy Sử Hy Nhan đến nơi đã hẹn. Bỗng một hôm mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm có một ông Hổ lớn ba chân xuất hiện cõng bà chạy thẳng lên hướng núi Đồng Bụt (nay thuộc Truông Bát Khe Giao) có hai hòn đá lớn ông Hổ đặt bà xuống đấy mà không ăn thịt bà. Ngược lại ông Hổ còn bắt người và thú rừng mang về cho bà ăn thịt, nhưng bà Phạm Thị Thỏa không ăn thịt sống và thịt người mà bà chỉ hái hoa quả ăn qua ngày. Bà trút hơi thở cuối cùng ở Rú Đọi.
Đến khi Thái tử Nguyên Long con trai của Vương phi thứ ba của Lê Lợi lên ngôi vua, niên hiệu Lê Thái Tông. Thương xót bà Phạm Thị Thỏa đã cùng đoàn tùy tùng và quân linh tìm đến vùng đất nơi bà tập hợp nghĩa quân có cây cổ thụ lớn (gọi là Miếu Đợi ngày nay). Chờ đợi bà Phạm Thị Thỏa mãi không thấy, nhà Vua tiến vào rừng sâu dưới chân núi Đọi, nơi hai phiến đã nằm đó thì đã tìm thấy thi thể của bà nằm đó và đã được mối làm mộ. Vua thấy vậy bèn thương xót cho một người con gái – một nữ tướng văn võ song toàn đã phò Lê giúp nước. Vua Lê Thánh Tông đã lập miếu thờ bà và phong cho bà là Vương Nương Thánh Mẫu Lộc Hoa Công Chúa Thượng đẳng tối linh Thần. Thơ kể rằng khi vua Minh Mạng kinh lý qua đây bằng voi ngựa, quân thần khi đi đến Khe Giao đột nhiên trời tối sầm, mây đen vần vũ, voi ngựa không chịu đi thêm nữa. Vua nhìn lên phía trước mặt, cây cối um tùm rủ xuống ngôi miếu rêu phong, linh khi bay lên từ đấy. Nhà Vua và quân thần cảm thấy trong người ớn lạnh, vội buộc voi ngựa, vào miếu dâng hương tiến lễ vái lạy. Một lúc sau, mây tan, gió lặng, núi rừng trở lại phong quang, nhà Vua và quân thần mới đi lại được. Thấy sự kỳ lạ của ngôi miếu nới: “Thâm sơn cùng cốc” về đến triều vua phong cho thần miếu là “Cao Sơn Thần Nữ Chế Thắng Mã Vàng Đại Vương Thượng Thượng Đẳng tối linh thần”. Rồi lại lập đền thờ nguy nga ngay trên nền Miếu thiêng và chỉ dụ các thần dân đến tế lễ.
Đền Truông Bát ở thôn 1 Khe Giao, xã Ngọc Sơn (Thạch Hà – Hà Tĩnh). Đền Truông Bát được xây dựng cách đây gần 600 năm, là một ngôi đền linh thiêng có tiếng. Đền là nơi thờ Vương Nương Thánh Mẫu hay còn gọi là Lộc hoa công chúa. Trong đền còn thờ Mẫu Đệ nhất Thượng thiên (Mẫu Liễu Hạnh), Mẫu Đệ tam thuỷ phủ (Mẫu thoải), vì thế dân gian vẫn thường gọi ngôi đền này là Tam toà Thánh Mẫu. Còn tên gọi đền Truông Bát là theo tiếng địa phương, nghĩa là con đường đi xen kẽ những quả núi.
Đền Truông Bát mở hội vào ngày mùng 7/4 âm lịch hàng năm. Và trong tâm thức người dân nơi đây, ngôi đền thờ Mẫu Đệ nhị Thượng Ngàn đã đi vào đời sống tâm linh, trở thành nơi gửi gắm tình cảm, ước vọng của bà con. Chính vì thế, không những ngày lễ, Tết mà cả ngày thường, nơi đây cũng thu hút nhiều người đến thăm viếng.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Bà Chúa Lộc.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Xem thêm thần tích Hệ Thống Nữ Thần Phối Thờ Cùng Tứ Phủ: