An Sinh Vương có tên húy là Trần Liễu. Ông sinh năm Canh Ngọ thời Trị Bình Long Ứng thứ 6 tức năm 1210, mất năm 1251 tại đất Thang Mộc (Quảng Ninh ngày nay).
Trần Triều Vương Phụ An Sinh là anh ruột của Trần Cảnh, cha ruột của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ông là người tài giỏi, một trong những nhân vật lịch sử nổi tiếng thời nhà Trần, từng được vua Trần Thái Tông phong chức Úy Phụ Quốc và đi xứ Thanh dẹp giặc. Đồng thời, ông cũng là nhân vật mà người đời thường nói tới khi nhắc đến mối hận cướp vợ của Trần Liễu với vua Trần Thái Tông.
Nhân dân khi đến đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu thường sắm một mâm lễ đủ đầy gồm các thức lễ như một đĩa hoa, một đĩa quả gồm nhiều loại quả, cơi trầu, cút rượu, xôi thịt, thẻ hương, giấy tiền và một cánh sớ.
Đền Thờ
Đền Cao An Phụ Hải Dương: xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương
Đền An Sinh Quảng Ninh: Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
Đền thờ An Sinh Trần Liễu Bắc Ninh: Tư Thế, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh
Tiệc Mẫu Đệ Tam
Ngày tiệc : Ngày 10/6 năm Nhâm Dần (8/7/2022)
Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ là vị Thánh Mẫu cai quản miền sông nước, một trong bốn vị Tứ Phủ Thánh Mẫu. Trong thần điện Tứ Phủ, Mẫu mặc trang phục trắng, ngồi bên tay trái Mẫu Thiên Tiên.
Đền Thờ
Đền Hạ: Xã Tân Quang, TP Tuyên Quang.
Đền Ỷ La: Phường Ỷ La, Tuyên Quang
Đền Thượng: xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang.
Đền Xâm Thị: Xã Hồng Vân,Thường Tín, Hà Nội
Đền Dầm: Đê Hữu Hồng, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội
Đền Ghềnh: phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội
Đền Mẫu Thác Hàn: xã Hàn Sơn, huyện Hà Trung, Thanh Hóa
Đền Mẫu Thoải: Hùng Vương, Chi Lăng, TP Lạng Sơn
Tiệc Mẫu Thác Đền Hàn và Cô Bơ Bông
Ngày tiệc : Ngày 12/6 năm Nhâm Dần (10/7/2022)
Lễ hội Hàn Sơn được mở vào tháng 6 (âm lịch) hàng năm, ngày 12 tháng 6 là ngày chính hội, nhân dân thường tổ chức lễ hội rước kiệu, mà cách thức là rước bóng Cô Bơ ở Đền Ba Bông về hầu Thánh mẫu Đệ Tam Đền Hàn, khi thực hiện xong nghi lễ lại rước Cô trở về, lễ rước được diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống.
Lễ hội diễn ra rất sôi nổi, náo nhiệt cả một vùng xứ Thanh, trên bộ dưới sông xe thuyền tấp nập, cờ hoa rợp trời, kẻ Nam người Bắc, dưới ngược trên xuôi, muôn nẻo đổ về đông vui vô kể.
Đền Thờ
Đền Hàn – Thờ Mẫu Thoải (Xã Hà Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa)
Đền Ba Bông – Thờ Cô Bơ (Xã Hà Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa)
Tiệc Chúa Năm Phương
Ngày tiệc : Ngày 16/6 năm Nhâm Dần (14/7/2022)
Bà Chúa Năm Phương hay còn có những tôn xưng khác là Vũ Quận Bạch Hoa Công Chúa hay Đức Vũ Quận Quyến Hoa Công Chúa. Bà đã được vua ban là Hộ Quốc trang huy Thượng Đẳng Thần (hàng vị thần cao nhất) nhằm ghi nhận công lao to lớn của bà đối với nhân dân và đất nước.
Bà đã có công giúp vua Ngô Quyền quản lý kho quân nhu, quân lương tiếp sức mạnh cho quân đội làm nên chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy sử Việt, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc.
Đền Thờ
Đền Tiên Nga (53 Lê Lợi, phường Máy Tơ, Quận Ngô Quyền)
Quan Lớn Đệ Tam Thoải là Quan lớn con trai thứ ba của Vua Cha Bát Hải Động Đình, là người rất được vua cha rất mực yêu quý giao cho cai quản miền Thoải phủ và hầu cận kề bên vua cha.
Nhiều ngôi đền được lập ra để thờ Ông và thu hút nhiều du khách tới tham quan bái yết.
Đền Thờ
Đền Xích Đằng (P. Lam Sơn, Hưng Yên)
Đền Lảnh Giang (Yên Lạc, Duy Tiên, Hà Nam)
Đền Tam Phủ Hàng Cót ( 52 Hàng Cót, phường Hàng Mã, Hà Nội)
Quần thể di tích đền Đồng Bằng (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình)
Cô Bé Minh Lương là một vị tiên cô trong hệ thống Thần linh Tứ Phủ, thuộc hàng Cô Bé Bản Đền, người ta cho rằng tiên cô có thể là hóa thân của Cô Bé Thượng Ngàn trên đất Tuyên Quang.
Đền thờ
Đền Cô Bé Minh Lương (Lang Quán, Yên Sơn, Tuyên Quang)
Tiệc Quan Hoàng Bơ
Ngày tiệc : Ngày 26/6 năm Nhâm Dần (24/7/2022)
Ông Hoàng Bơ là con trai vua Long Vương Bát Hải Động Đình nên còn được gọi là ông Bơ Thoải. Ông thường ngự dưới Thoải Cung, trông coi Đền Vàng Thủy Phủ. Lưu truyền rằng, ông thường hiện lên thành vị Hoàng Tử dung mạo hơn người, cưỡi cá chép vàng biến trên mặt nước. Đôi khi, ông cũng biến hiện để ngao du thiên hạ, cùng các bạn tiên uống rượu, đánh cờ,… hưởng thử các thú vui của bậc cao nhân.
Đền thờ
Đền Quan Hoàng Ba (Phong Mục, Hà Trung, Thanh Hóa)
Đền Hưng Long (Tiền Hải, Thái Bình)
Đền Vạn Ngang (Đồ Sơn, Hải Phòng)
Đền Cờn (Quỳnh Phương,TX Hoàng Mai, Nghệ An )
Tiệc Cô Tám Đồi Chè
Ngày tiệc : Ngày 26/6 năm Nhâm Dần (24/7/2022)
Cô Tám Đồi Chè là vị thánh cô thứ 8 xếp sau Cô Bảy Tân La và Cô Chín Sòng Sơn. Cô Tám là vị thánh cô có quyền cao phép lớn nổi tiếng với phép chữa mọi bệnh trần gian. Người ta thường cầu cô để được cô ban cho sức khỏe và an khang thái bình cho bách gia trăm họ. lkl
Đền thờ
Đền Cô Tám Đồi Chè (Phong Mục, Hà Trung, Thanh Hóa)
Các sắm lễ khi đi lễ vào các ngày tiệc
Đi tới lễ đền – điện – phủ , con nhang đệ tử luôn cố gắng sắm sửa lễ vật thành tâm dâng tiến nhà Ngài. Lễ vật khi đến đền thường là lễ chay hoặc lễ mặn, không yêu cầu đắt tiền nhưng cần chỉn chu hết mức có thể.
Lễ vật cơ bản bao gồm:
1 bó hoa
1 đĩa quả gồm nhiều loại quả: chuối, thanh long, nho, bưởi, táo, hồng, đu đủ, hồng xiêm…
1 chai rượu nhỏ
1 đĩa trầu cau
Tiền lẻ, vàng mã ( Gồm tiền vàng và các mã theo vị thánh được thờ chính tại đền)
Xôi giò hoặc gà trống luộc
Bánh kẹo, phẩm oản
Cánh sớ
Bài văn khấn đền phủ vào ngày tiệc
Dưới đây là bài văn khấn đền phủ thông dụng nhất được Tín Ngưỡng Việt chỉnh soản. Các bạn có thể in ra giấy để cầm đọc, sau đó hóa đi cùng vàng mã.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
Con lạy chín phương Trời, lạy mười phương Đất, chư Phật mười phương, mười phương chư Phật.
Con tấu lạy Vua Cha bách bái, Tam vị Quốc Vương Mẫu ngàn trùng.
Tam phủ Công đồng, Tứ phủ vạn linh.
Con tấu lạy Đức Trần triều thượng đẳng cao xa, nhị vị Vương Bà bách bái (nếu đền, phủ có cung/ban thờ Trần triều).
Con tấu lạy Ngũ vị Tôn Ông, công đồng Quan lớn, hội đồng các quan.
Con tấu lạy Tứ phủ Chầu Bà, Tứ phủ Ông Hoàng, Tứ phủ Tiên Cô, hội đồng Thánh Cậu, Năm dinh Quan lớn, Mười dinh các Quan, Bát bộ Sơn trang, Thập nhị Tiên nàng, mười tám cửa rừng, mười hai cửa bể.
Con tấu lạy quan cai đầu đồng, chầu thủ bản mệnh, đương niên hành khiển Thái Tuế Chí Đức tôn thần, Đương Cảnh Thành hoàng liệt vị đại vương tôn thần.
Con lạy Cô Bé, Cậu Bé thủ đến thủ phủ.
Hôm nay ngày… tháng… năm… (âm lịch).
Tín chủ con là… (có thể khấn kèm tên các thành viên khác trong gia đình).
Ngụ tại…
Nhất thiết chí thành đem miệng về tâu đem đầu bái yết… (tên nơi đền phủ đang hành lễ).
Thành tâm tu thiết Nhang – Đăng – Quả – Phẩm – Kim ngân, lễ bạc lòng thành, cúi xin chư vị giáng lâm giáng lai, giáng đài giáng điện, bảo hộ phù trì quốc thái dân an, nhân khang vật thịnh.
Chấp lễ chấp bái, chấp kêu chấp cầu, nhất tội nhất xá, Vạn tội vạn xá, phù hộ độ trì cho nội gia ngoại viên chúng con: già được mạnh khỏe, trẻ được bình an, bốn mùa không hạn ách nào xâm, tám tiết có điềm lành tiếp ứng. Cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an, cầu vô sự đắc vô sự, câu công danh đắc công danh, cầu hạnh phúc thành hạnh phúc.
Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần).
*Lưu ý: Khi đến các đền, phủ chính thờ sẽ khấn thêm tên hiệu vị Thánh được thờ như sau: “Con tấu lạy anh linh bản từ phụng tự … nhất thiết liệt vị uy linh”. Tuy nhiên, vị trí câu khấn này cần được đặt vào đúng hàng của vị Thánh chính thờ tại đền, điện, phủ nơi mình đến.
Ví dụ: đến đền Quan Đệ Tam thì sẽ khấn tên hiệu Ông vào phần “…” ở trên và đặt cả câu khấn vào hàng Ngũ vị Tôn Ông.
Trên đây là thông tin chi tiết các ngày tiệc Tứ phủ tháng 6 được Tín Ngưỡng Việt tổng hợp và chia sẻ. Kính chúc các Bạn một tháng mới nhiều may mắn và tài lộc.