“Hùng Thắng tôn thần thiên thu tại
Quận công dũng tướng vạn cổ liêu”
Dịch nghĩa:
Tôn thần Hùng Thắng ngàn năm còn đó
Dũng tướng quận công vạn thuở vẫn lưu danh
Tướng quân Vi Hùng Thắng con cụ Phúc Tinh và bà Từ Duyên, là hậu duệ 6 đời của cụ tổ họ Vi ở làng Vai, xã Kim Sơn, huyện Lục Ngạn ngày nay.
Cuối thế kỷ XIII (1285-1287) quân xâm lược Nguyên Mông lại một lần tiến vào đất Việt. Với nghĩa khi sát thát (giết giặc Nguyên Mông) từ hội nghị Diên Hồng, dưới sự lãnh đạo của vua tôi triều Trần, quân và dân ta đã nhất tề đứng dậy.
Trước họa xâm lăng, vua xuống chiếu chiêu hiền đãi sỹ, tìm người tài ra giúp vua đánh giặc. Cùng với các tướng Trần Sầm, Đỗ Hựu, Đỗ Vỹ, Nguyễn An, Trần Bách, Vi Hùng Thắng được vua tin dùng trấn giữ cả một vùng rộng lớn Sơn – Lục. Cuối tháng Giêng năm 1285, Thoát Hoan mang đại quân tràn vào bờ cõi, một trận chiến diễn ra tại cửa khẩu Khả Li (Xa Lý), hai tưởng nhà Trần là Đỗ Vỹ và Đỗ Hưng tử trận. Với thế mạnh ban đầu, quân giặc tiếp tục tràn qua Động Bản (khu vực Biển Động ngày nay). Tướng Trần Sầm bị hy sinh, phòng tuyến của ta bị vỡ. Quân giặc thừa cơ tiến xuống và biết Trần Quốc Tuấn cùng quân sỹ đang trên đất Nội Bàng nên chúng vừa cho người tới dụ hàng, vừa tổ chức bao vây đã gây cho quân ta gặp nhiều khó khăn, tướng Đoàn Thại bị tử trận. Trước tình thể đó, Vi Hùng Thắng đã chỉ huy một đạo quân phối hợp đánh chặn, tạo điệu kiện để Trần Hưng Đạo xuống thuyền rút xuôi theo dòng sông Lục.
Tháng 5-1285 quân dân nhà Trần bắt đầu tổ chức phản công, quân giặc Nguyên Mông do Thoát Hoan cầm đầu lần lượt bị tiêu diệt và cuối cùng tìm đường tháo thân. Thoát Hoan thoát chết nhờ chui ống đồng cùng đám quân bại trận rút chạy khỏi bờ cõi. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 2 của quân dân ta kết thúc thắng lợi.
Mặc dù bị đại bại qua 2 lần xâm lược, nhưng giặc Nguyên Mông chưa từ bỏ dã tâm xâm lược. Mùa đông năm 1287, chúng lại đem quân xâm lược nước ta lần thứ 3, buộc quân dân Na Ngạn, Phượng Nhãn thêm một lần đứng lên cùng triều Trần chiến đấu bảo vệ nền độc lập của xã tắc tổ tiên. Từ Xa Lý, Biển Động, giặc tiến xuống Bình Nội, bị quân ta phục kích tiêu diệt. Đây là trận chiến ác liệt diễn ngày 1-2-1288. Tiếp đó là những trận giao tranh liên tục bên bờ sông Lục. Trong đó có trận diễn ra tại đồi Tân Dã, Vi Hùng Thắng cùng hai tiểu tướng là Nông Thị Tâm và Lâm Văn Cường hy sinh (ngày 20-2-1288). Thi hài ông và các tiểu tướng hy sinh được nhân dân địa phương chôn cất tại rừng bên. Sau này đền thờ ông được lập để nhân dân tỏ lòng thành kính.
Khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên của quân dân ta kết thúc thắng lợi, triều đình xét thấy tướng quân Vi Hùng Thắng là người có công lớn trong công cuộc giúp vua giữ gìn bờ cõi nên đã phong ngài bằng hàng chữ:
“Sinh vi tướng, tử vi thần,
Hùng Thắng uy linh vầng nhật nguyệt.”
Nghĩa là:
Sinh ra làm tướng, chết đi làm thần,
Tên tuổi Hùng Thắng oai phong linh ứng cùng mặt trời, mặt trăng.
Hiện nay, đền Khánh Vân thuộc đồi Tân Dã thôn Hà Thị, nay là Thanh An, thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang. Dân vùng Chũ vẫn quen gọi đây là đền Quan Quận (Tướng quân Hùng Thắng được thiên triều sắc phong tước Quận Công) là đền thờ chính của tướng quân Hùng Thắng đền Khánh Vân được tu dựng trên nền đất cũ thuộc loại hình lưu niệm danh nhân. Tượng ngài được đặt ngồi chính gian giữa, hai bên thờ các tướng thời Trần đã cùng ông đánh giặc như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Hùng Thắng tướng quân.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
Tìm hiểu đầy đủ hơn về Tín Ngưỡng Đức Thánh Trần
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Thần tích các vị thánh được thờ trong Tín ngưỡng Đức Thánh Trần: