Nói đến Quang Trung Nguyễn Huệ, một hình ảnh không thể tách rời vị anh hùng áo vải là công chúa Lê Ngọc Hân, con vua Lê Hiến Tông và Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền.
Năm 1786, sau khi đem quân ra Bắc, hoàn thành sứ mệnh “Phò Lê diệt Trịnh”, Nguyễn Huệ vào cung yết kiến và trao quyền binh lại cho Vua Lê. Cảm kích trước việc làm đó và để thêm phần thân tình với nhà Tây Sơn, vua Lê Hiển Tông (qua mai mối của Nguyễn Hữu Chinh) gả công chúa Lê Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Hôn lễ được cử hành tại kinh thành Thăng Long năm Bính Ngọ (ngày 11-7-1786). Lúc bấy giờ công chúa vừa tròn 16 tuổi, còn Nguyễn Huệ đã 33 và đã có nhiều đời vợ. Công chúa Lê Ngọc Hân là con gái thứ chín của vua Lê Hiến Tông, sinh ngày 27 tháng Tư năm Canh Dần (22 tháng 5 năm 1770), là người có sắc đẹp và nết na nổi bật trong số các công chúa con nhà vua. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, trước khi ra Bắc diệt quân Thanh, đã phong bà làm Hữu Cung Hoàng Hậu. Năm 1789, sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Huệ phong bà làm Bắc Cung Hoàng Hậu, ở Phú Xuân (1789).
Ngọc Hân là cô gái tài sắc hơn người, kiều diễm, đoan trang. Nguyễn Huệ là bậc hào kiệt, tình yêu hai người ngày càng đằm thắm, mặn nồng. Sinh thời, bà có nhãn quan chính trị sắc sảo, hiểu thấu thời cuộc, công chúa Ngọc Hân đã giúp Nguyễn Huệ Quang Trung rất nhiều về đại sự quốc gia. Khi vua Lê Hiển Tông băng hà, Nguyễn Huệ có hỏi bà ai là người nối ngôi, bà không chấp nhận Lê Duy Kỳ nhưng rồi ông này vẫn được làm vua, tức Lê Chiêu Thống. Về sau Chiêu Thống chống nhà Tây Sơn, đã cầu cứu nhà Mãn Thanh đem quân sang xâm lăng nước ta. Chọn nhầm người, tai hại muôn dân. Lịch sử đời sau đã lên án nặng nề việc “cõng rắn cắn gà nhà” của Lê Chiêu Thống.
Sau khi Quang Trung qua đời, hoàng hậu Lê Ngọc Hân phải trải qua bao năm tủi nhục, lẩn trốn sự truy lùng của nhà Nguyễn để nuôi con.
Lê Ngọc Hân còn là một nhà thơ, bà sáng tác “Ai tư vấn” khóc vua Quang Trung Bài thơ có 164 câu, viết theo thể song thất lục bát, được nhiều người truyền tụng. Hai khổ đầu dường như chứa đựng nội dung toàn bộ tác phẩm:
Gió hiu hắt, phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan, hoa héo don don!
Cầu tiên khói tỏa đỉnh non,
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan dàu dàu
Nỗi lai lịch dễ hầu than thở
Trách nhân duyên mờ lỡ cớ sao?
Sầu sầu thảm thảm xiết bao
Sầu đầy giọt bể, thảm cao ngất trời.
Cuộc đời bà và hai con: Công chúa Ngọc Bảo, hoàng tử Quang Đức, quá ngắn ngủi, cả ba mẹ con lần lượt qua đời. Ngọc Hân mất ngày 4-12-1799, lúc mới 29 tuổi. Con trai bà là hoàng tử Quang Đức mất năm 1801, khi 11 tuổi, công chúa Ngọc Bảo mất năm 1802, ở tuổi 13.
Mồ mả của Công Chúa Ngọc Hân chẳng biết nơi đâu, vậy mà nghe nói Đền Ghềnh thờ công chúa Ngọc Hân. Hơn nữa đền Ghềnh vốn thờ mẫu Thoải vậy do đâu có tiếng đồn thờ Hoàng Hậu Lê Ngọc Hân? Theo tương truyền thì:
Năm 1804 mẹ Ngọc Hân là Mẫu Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền bí mật nhờ một tướng nhà Nguyễn đưa hài cốt Hoàng Hậu và 2 con về chôn ở bãi Cây Đại trong làng Nành ngày 16-7-1804. Để tránh con mắt truy lùng của bộ hạ nhà Nguyễn, mộ xây như mộ dân bình thường. Tuy nhiên 38 năm sau, đời Thiệu Trị, do mâu thuẫn trong làng nên có đơn tố giác ông chánh tổng Hà Dương dung túng cho làng Phù Ninh (làng Nành) thờ nghịch tặc. Triều đình cử tổng đốc Bắc Ninh điều tra, thấy trong dinh Thiết Lâm, (bà Nguyễn Thị Huyền vợ vua Lê Hiển Tông khi chết xin về quê và có dinh Thiết Lâm) có thờ Ngọc Hân và 2 cháu ngoại. Khi bị phát giác, triều đình cho đào lấy hài cốt vứt xuống sông Hồng cách xa làng Nành. Đó là quãng sông thuộc địa phận làng Ái Mô… Một thời gian sau nơi đây nổi lên bãi bồi ngày một cao. Dân chúng cho rằng do hài cốt 3 mẹ con Ngọc Hân nên có hiện tượng này. Tiếng đồn ra, nhiều người đến thắp nhang, dần dà dựng thành miếu thờ. Dòng sông bên lở, bên bồi, ít lâu sau, ngôi miếu nhỏ cũng bị lũ cuốn trôi. Cho đến năm 1858, cụ Đặng Thị Bản, vợ cụ Đặng Đình Hinh, vốn là người nhân từ, đã hằng tâm công đức tôn tạo đền chùa ở Ái Mộ, Lâm Du, Phú Viên, được dân quí trọng. Cụ quyên tiền khách thập phương và đứng ra xây lại ngôi đền. Để bảo vệ đền không cho quan quân nhà Nguyễn đập phá, nhân dân dùng hình thức thờ “Mẫu Thoải” nhưng thực ra là thờ Ngọc Hân. Mẫu Liễu Hạnh, con gái Ngọc Hoàng và Mẫu Thượng Ngàn, con gái thần núi Tản Viên cũng được rước về thờ chung. Năm 1872, Pháp đánh Thành Hà Nội, Đền bị đốt hoàn toàn. Cụ Bản lại đi quyên góp xây lại đền khang trang hơn trước. Trải bao phen binh lửa, can qua, đền Ghềnh vẫn được con cháu cụ Đặng Thị Bản trông nom và dân làng gìn giữ đến ngày nay. Trong cung còn lưu đôi câu đối ca ngợi Lê Ngọc Hân: Sơn nhạc chung linh, Lê thị chí kim lưu tự điển Phong vân trường lộ, Nhĩ Hà dĩ bắc ngật sùng từ Dịch nghĩa: Núi Nhạc linh thiêng, gương bà họ Lê truyền ghi sử sách Sóng gió lặng yên, đền dựng to cao đẹp bến sông Hồng Tương tự việc thờ phượng vua Quang Trung ở chùa Bộc, đền Ghềnh phải cải trang để thờ Hoàng Hậu Ngọc Hân.
Đền Ghềnh có tên chữ là “Thiên quang linh từ”, gần cầu Chương Dương, thuộc địa phận tổ 2, phường Bồ Đề. Gọi là đền Ghềnh vì trước cửa đền có một ghềnh nước lớn. Theo năm tháng, dòng chảy biến động, con ghềnh mất đi và chỉ còn lại dấu tích nơi tên đền.
Đền Ghềnh trải qua nhiều lần bị tác động ngoại cảnh hủy hoại nên được tu sửa nhiều lần. Do đó những nét kiến trúc cổ của đền gần như không còn. Tuy nhiên những hạng mục chính của đền vẫn được đảm bảo như điện mẫu, điện sơn trang, nhà tổ, nhà khách, khu vực phụ trợ.
Bên cạnh những giá trị vật thể, tại di tích này, hàng năm đều diễn ra Lễ hội Đền Ghềnh nổi tếng khắp cả nước với nhiều hoạt động mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng. Lễ hội thể hiện ước nguyện của người dân về mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng thời tưởng nhớ đến nỗi đau của Hoàng hậu Lê Ngọc Hân
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Công Chúa Ngọc Hân.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Xem thêm thần tích Hệ Thống Nữ Thần Phối Thờ Cùng Tứ Phủ: