Cô Bơ Thoải (Thủy Cung Công Chúa)

Là con gái của Vua Thủy Tề, Cô Bơ được phong là Thủy Cung Công Chúa, ngự tại Thoải Phủ và sở hữu quyền năng bảo trợ cho sức khỏe, hạnh phúc và giúp đỡ người lầm than. Nàng từng giáng sinh xuống trần, giúp vua Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, sau đó trở về Thủy Cung.

Cô Bơ được thờ tại các đền như đền Cô Bơ (Hà Trung, Thanh Hóa), đền Cô Bơ (Tuyên Quang),… với hình ảnh áo trắng, đầu đội khăn vành dây, tay cầm mái chèo, cô mang đến niềm hy vọng và sự an yên cho mọi người.

Hàn Sơn tụ khó chung linh
Có Cô Ba Thoải giáng sinh phù đời
Hỡi ai được ngược về xuôi
Sông bao nhiêu nước ơn người bấy nhiêu

Sơ lược về Cô Bơ Thoải

Nguồn gốc: Con của vua Thủy Tề dưới Thủy Cung

Danh hiệu:

  • Thủy Cung Công Chúa
  • Cô Bơ
  • Cô Bơ Bông
  • Cô Bơ Hàn Sơn
  • Cô Bơ Thác Hàn

Hầu cận:

  • Mẫu Thoải
  • (hoặc) Mẫu Cửu Trùng Thiên

Phủ/ nơi cai quản: Thoải Phủ

Lĩnh vực chính:

  • Ban thuốc chữa bệnh
  • Cơ duyên hạnh phúc
  • Giúp người qua cảnh lầm than

Trang phục/Màu sắc:

  • Áo ngũ thân trắng
  • Đầu đội khăn vành dây có thắt lét trắng, đôi khi cài ba nén hương
  • Đôi khi dùng thắt dải lưng hồng để đo nước, đo mây
  • Tay cầm đôi mái chèo, bẻ lái dạo chơi khắp nơi, bên hông dắt túi tiền đò
  • Lúc chèo thuyền có khi có còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng

Sắc phong: Thượng đẳng thần (Lê Thái Tổ)

Đền thờ:

  • Đền thờ chính: đền Cô Bơ, huyện Hà Trung, Thanh Hóa
  • Đền Cô Bơ, Tuyên Quang
  • Đền Cô Bơ, huyện Duy Tiên, Hà Nam (kề bên đền Lảnh Giang)

Ngày tiệc: 12/06 Âm Lịch

Sự tích Cô Bơ Thoải

Cô vốn là con Thủy Tề ở dưới Thoải Cung, được phong là Thoải Cung Công Chúa, giá ngự vào ra trong Cung Quảng Hàn. Có người còn nói rằng, Cô Bơ là con gái vua Long Vương rất xinh đẹp nết na nên được Đức Vương Mẫu (có người cho rằng đó là Mẫu Cửu Trùng Thiên) cho theo hầu cận, chầu chực trong cung cấm. Sau này Cô Bơ Thoải giáng sinh vào thời Lê Trung Hưng, tương truyền sự tích như sau:

Đức Thái Bà nằm mộng thấy có người con gái xinh đẹp, dáng ngọc thướt tha, tóc mượt mắt sáng, mà hồng, môi đỏ, cổ cao ba ngấn, mặc áo trắng đến trước sập nằm dâng lên người một viên minh châu rồi nói rằng mình vốn là Thủy Cung Tiên Nữ, nay vâng lệnh cao minh lên phàm trần đầu thai vào nhà đó, sau này để giúp vua giúp nước, thì Thái Bà thụ thai. Đến ngày 8/2 thì bỗng trên trời mây xanh uốn lượn, nơi Thủy Cung nhã nhạc vang lên, đúng lúc đó, Thái Bà hạ sinh ra được một người con gái, xem ra thì nhan sắc mười phần đúng như trước kia đã thấy chiêm bao:

“Thượng tuần đinh tháng hai mồng tám
Bỗng trên trời nổi áng mây xanh
Thuỷ cung nhã nhạc tập tành
Rõ ràng cô Bơ Thoải giáng sinh phàm trần

Mẫu trông thấy mười phần nhan sắc
Quả như là trong giấc chiêm bao
Phấn son tô điểm má đào
Anh hùng tài tử lối vào cung tiên”

Thấy sự lạ kì vậy nên bà chắc hẳn con mình là bậc thần nữ giáng hạ, sau này sẽ ra tay phù đời nên hết lòng nuôi nấng dạy dỗ bảo ban. Cô lớn lên trở thành người thiếu nữ xinh đẹp, tưởng như ví với các bậc tài nữ từ ngàn xưa, lại giỏi văn thơ đàn hát. Đến khi cô vừa độ trăng tròn thì cũng là lúc nước nhà phải chịu ách đô hộ của giặc Minh, cô cùng thân mẫu lánh vào phía sâu vùng Hà Trung Thanh Hóa, nơi ngã ba bến Đò Lèn, Phong Mục. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, cô đã có công giúp vua Lê trong những năm đầu kháng chiến (và có nơi còn nói rằng cô cũng hiển ứng giúp nhà Lê trong công cuộc “Phù Lê Dẹp Mạc” sau này).

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền lại câu chuyện sau:

Vào những năm đầu khởi nghĩa, quân ta (ý nói nghĩa quân do vua Lê Lợi chỉ huy) vẫn còn yếu về lực lượng, thường xuyên bị địch truy đuổi, một lần Lê Lợi (có sách nói là Lê Lai) bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp Cô Bơ đang tỉa ngô liền xin cô giúp đỡ, cô bảo người lấy quần áo nông dân mặc vào, còn áo bào thì đem vùi xuống dưới ruộng ngô rồi cùng cô xuống ruộng giả như đang tỉa ngô. Vừa lúc đó thì quân giặc kéo đến, chúng hỏi cô có thấy ai chạy qua đó không thì cô bảo rằng chỉ có cô và anh trai (do Lê Lợi đóng giả) đang tỉa ngô, thấy vậy quân giặc bỏ đi. Lê Lợi rất biết ơn cô, hẹn ngày sau đại thắng khải hoàn sẽ rước cô về Triều Đình phong công và phong cô làm phi tử.

Sau đó cô cũng không quản gian nguy, bí mật chèo thuyền trên ngã ba sông, chở quân sĩ qua sông, có khi là chở cả quân nhu quân lương. Có thể nói trong kháng chiến chống Minh thì công lao của cô là không nhỏ.

Đến ngày khúc hát khải hoàn cất lên thì vua Lê mới nhớ đến người thiếu nữ năm xưa ở đất Hà Trung, liền sai quân đến đón, nhưng đến nơi thì cô đã thác tự bao giờ, còn nghe các bô lão kể lại là ngày qua ngày cô đã một lòng đợi chờ, không chịu kết duyên cùng ai, cho đến khi thác hóa vẫn một lòng kiên trinh. Người ta cho rằng, Cô Bơ được lệnh Vua Cha giáng trần để giúp vua, đến chí kì mãn hạn thì có xe loan lên đón rước cô về Thủy Cung.

Sau đó cô hiển linh giúp dân chúng ở vùng ngã ba sông, độ cho thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió vậy nên cô còn có danh hiệu là Cô Bơ Bông (do tích cô giáng ở ngã ba sông) hay Cô Bơ Thác Hàn (theo tên gọi ở nơi quê nhà). Ai hữu sự đến kêu van cửa cô đều được như ý nên danh tiếng cô vang lừng khắp nơi nơi Cô Bơ luôn giá ngự về đồng, già trẻ, từ đồng tân đến đồng cựu, hầu như ai cũng hầu về Cô Bơ Bông. Khi cô giảng vào ai, dù già hay trẻ thì sắc mặt đều trở nên hồng hào tươi tốt, đẹp đẽ lạ thường.

Hầu giá Cô Bơ Thoải

Khi cô ngự đồng, cô thường mặc áo trắng, đầu đội khăn đóng (khăn vành dây) có thắt lét trắng (có khi dùng thắt dải lưng hồng) rồi cô cầm đôi mái chèo, bẻ lái dạo chơi khắp nơi. Lúc chèo thuyền có khi Cô còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng, trên khăn có cài ba nén hương, bên hông có dắt tiền đò, rồi khi chèo thuyền xong, cô lại cầm dải lụa để đi đo gió đo nước đo mây.

Lúc cô an tọa người ta thường xin cô thuốc để trị bệnh, vậy nên Cô Bơ ngự về thường hay làm phép “thần phù” để ban thuốc chữa bệnh.

Các bản văn Cô Bơ Thoải

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 7 bản văn cùng các bản văn Cô Bơ chèo đò.

Trích đoạn

Da tựa tuyết ánh hưởng tươi tốt
Hoa cười ngọc thốt, nét ngọc đoan trang
Áo trắng hoa, chỉnh triện dung nhan
Tươi vẻ ngọc diện càng tươi sáng

Tóc mây hương thoảng, da trắng lạ lùng
Điểm yên chi, má đỏ hồng hồng
Đôi mắt phượng lóng la lóng lánh
Tai đeo vàng cảnh chân dận hài hoa

Xem đầy đủ các bản văn Cô Bơ

Đền Ba Bông thờ Cô Bơ Thoải

Vì theo quan niệm nguyên xưa Cô Bơ Bông hầu cận Mẫu Thoải, lại theo sự tích nơi quê nhà cô là ở đất Hà Trung, Thanh Hóa, ngã ba Bông bến đò Lèn nên đền cô được lập ở đó, gần đền Mẫu Thác Hàn (chính là Mẫu Thoải), gọi tên là Đền Cô Bơ Bông.

Đền Cô Bơ Bông thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, trước đây đường đi vào rất khó khăn, nhưng hiện giờ đã được tu sửa nên giao thông đã dễ dàng hơn. Đền cô là nơi thắng cảnh “trên bến dưới thuyền”, nơi giao của Ngũ huyện kê: “Một tiếng gà gảy năm huyện đều nghe” cùng với danh tiếng anh linh của tiên cô nên khách thập phương đến chiêm bái, cầu xin nhân duyên, khoa cử, làm ăn rất đông đúc. Thuyền bè dưới bến sông qua lại đều phải đốt vàng mã kêu cô, rồi những người đến kêu cầu đều dâng cô nón trắng hài cườm, võng lụa thuyền rồng.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Cô Bơ Thoải.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn tài liệu từ Internet

Xin trân trọng cám ơn!

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Tứ Phủ Thánh Cô

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.