Chầu Đệ Nhất : Tìm hiểu về Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên chi tiết

Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên được Thánh Mẫu giao quyền giữ sổ tam tòa, cầm cân định tội phúc của người thế gian.

Sơ lược chung về Chầu Đệ Nhất

Danh hiệu:

  • Chầu Đệ Nhất
  • Bà Chúa nghề tằm

Nguồn gốc:

  • Hóa thân của Mẫu Đệ Nhất
  • Tiên nữ chốn Thiên cung, con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế

Phủ/ nơi cai quản: Thiên Phủ

Hầu cận: Mẫu Đệ Nhất

Lĩnh vực chính:

  • Cai quản Thượng Thiên
  • Nắm giữ sổ Tam Tòa
  • Bà Chúa của nghề chăn tằm dệt vải

Trang phục: Màu sắc: đỏ, hồng

Đền thờ:

  • Đền Rồng (Thanh Hóa)
  • Lăng Chầu Bà Đệ Nhất(Hà Nội)

Thần tích Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên

Chầu bà đệ nhất được dân ta huyền hóa qua đời thứ nhất mẫu Liễu giáng ở Vị Nhuế, Nam Định. Trang phục của Ngài là áo đỏ khăn hồng (khăn buồm). Ngài làm việc trong nội cung phủ Giầy.

Sắc phong: Đệ nhất hoa nương công chúa làm việc thượng thiên – Đệ nhất thượng thiên công chúa.

Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhất. Chầu Bà vốn là Thiên Cung Tiên Nữ, con vua Ngọc Hoàng, giáng hiện trong xứ Thanh giúp dân hộ quốc. Trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, bà là vị ở ngôi cao nhất, cai quản Thượng Thiên, nắm giữ sổ Tam Toà. Khi thanh nhàn bà lại cùng các cô nàng hầu cận vui vẻ dạo chơi, giảng phúc cho dân. Cũng có quan niệm cho rằng, bà còn là Quế Hoa Công Chúa (hay còn gọi là Chầu Quế, khác với Mẫu Đệ Nhị) trên Thiên Cung, xuống Đồi Ngang Phố Cát, kề cận bên Mẫu Liễu Hạnh.

Sự tích hiển linh của Chầu Đệ Nhất

Nữ tướng của Hai Bà Trưng

Chầu Đệ Nhất (tên Quế Hoa) và Chầu Cửu (tên Quỳnh Hoa) là nữ tướng của Hai Bà Trưng. Bà sinh ra ở đất Hà Giang. Khi cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đến đường cùng, hai bà quay về quê nhà và tuẫn tiết ở Sông Lô.

Giáng sinh thời nhà Lê

Chầu Đệ nhất còn một giáng sinh nữa vào thời Lê Thánh Tông. Có viên quan Trần Vĩ, tuổi già thoái quan, lui về Nghi Tàm dạy học. Một đêm khi đang ngồi bên hồ ngắm trăng thì tự nhiên ngủ. Trong giấc mơ ông thấy Thiên đế cho ông được một người con gái. Khi tỉnh giấc, thấy lạ, về nhà nghe tin người vợ lớn tuổi vừa đậu thai. Sinh ra người con gái đúng như trong mộng. Ông mới đặt tên con gái là Quỳnh Hoa.

Lớn lên, nữ trung Nghiêu Thuấn được gả cho Liễu Nghi, tri phủ Hà Trung (Thanh Hoá). Khi Chiêm Thành lấn lướt sang bờ cõi nước ta, hai vợ chồng Liễu Nghi cùng nhau xông pha trận mạc. Thắng trận vua phong cho Liễu Nghi là Đô Đài Ngự Sử và bà là Quỳnh Hoa Phu Nhân.

Sau khi chồng mất, Quỳnh Hoa xin về Nghi Tàm. Vốn có tài trồng dâu nuôi tằm, bà về dạy dỗ dân chúng ở khu vực đó, hưng công nghề nghiệp, làm một vùng phú thịnh. Dân chúng trong vùng không ai không biết ơn. Sau khi bà hoá, vua phong là Quỳnh Hoa Công Chúa, nhân dân hơn 60 làng thờ làm Thành hoàng và còn tôn xưng là bà Chúa nghề tằm.

(Wikia Đạo Mẫu Việt Nam)

Hầu giá Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên

Bà khá ít khi ngự đồng (đây cũng là đặc điểm chung của các vị thánh trên hàng Thượng Thiên, thuộc dòng đi tu), chỉ khi nào có tiệc khai đàn mở phủ, mà người ra trình đồng có toà lễ Tứ Phủ Chầu Bà Sơn Trang thì thường thỉnh bà về chứng toà đàn màu đỏ (gồm hình Chúa (Chầu), đôi cô hầu cận cầm quạt, mười hai cô nàng, động chúa, thuyền thoi…). Khi ngự đồng thì chầu thường mặc áo màu đỏ thêu phượng (hoặc có thể là áo gấm), khăn hồng.

Đền thờ Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên

Vì chầu là hóa thân của Mẫu Đệ Nhất nên nơi nào Mẫu ngự thì đều có thể coi là đền chầu, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng có nơi thờ riêng, lưu rõ dấu tích của chầu nhất là Đền Rồng, Thanh Hoá.

  • Đền Rồng : Hà Long, Hà Trung, Thanh Hoá
  • Lăng Chầu Bà Đệ Nhất (Vĩnh Mộ, Nguyễn Trãi,Thường Tín, Hà Nội)

Các bản văn Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên

Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 3 bản văn chầu Chầu Đệ Nhất

Trích đoạn

Sớm mai vui vẻ đền Sòng
Ngày chơi phủ chính lầu hồng vào ra
Khăng khăng giữ sổ tam toà
Lên đền chầu Chúa Liễu Hoa cầm quyền

Thông tri tam giới hoàng thiên
Coi khắp cửa phủ ,miếu đền thiếu đâu
Trong ngoài thay thảy trước sau
Sửa sang mẫu phó quyền chầu bà coi…

Xem đầy đủ các bản văn Chầu Đệ Nhất

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Sách Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ chốn thiêng nơi cõi thực – TS Trần Quang Dũng
  • Wikia Đạo Mẫu Việt Nam

Xin trân trọng cám ơn!

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Thập Nhị Vị Chầu Bà

Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.