Nghệ thuật chầu văn trong Tín Ngưỡng Tứ Phủ
Mục Lục Bài Viết
Khái niệm Hát văn và sự ra đời của Chầu văn
Từ bao đời nay. Hát văn vốn luôn được biết đến như một thể loại âm nhạc nghi lễ tín ngưỡng đặc sắc. Trải theo thời gian, dù đã được đưa lên sân khấu biểu diễn với nội dung lời ca mới nhưng nghệ thuật Hát văn vẫn tồn tại nguyên vẹn chức năng thực hành xã hội khởi thủy của nó. Có nhiều giả thiết về sự ra đời của hát văn. có ý kiến cho rằng hát văn bắt nguồn từ việc các con nhang đệ tử, thủ nhang đồng đền và đặc biệt là các thầy cúng chuyên khấn những bài khấn tử phủ. Để cho dễ nhớ họ đã khấn bằng những bài văn lục bát và sau này thành những lời ca trong điệu chầu văn. Có giả thiết cho rằng hát văn ra đời từ việc thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh.
Lễ nhạc hát văn ra đời chủ yếu là để phục vụ hoạt động Hầu Bóng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam, Tứ Phủ. Vì hoạt động hát văn hầu đồng thường thực hiện trong các kỳ lễ hội. Nên có một số ý kiến cho rằng: “Chầu văn, lên đồng mang tính chất diễn sướng nhiều hơn và ban đầu để phục vụ hoạt động hội hè, vui chơi, giải trí của dân gian, sau này mới được tôn giáo hóa”. Tác giả không phủ nhận nhận định này, vì hiện giờ khó thể tra cứu rõ được nguồn gốc hình thành Chầu văn, chỉ có thể dựa trên nghiên cứu của những người đi trước để kết luận.
Đầu tiên là sự ra đời của Chầu văn. Chữ “Chầu” trong Chầu văn, là một âm nôm đọc chệch từ chữ “Triều” với nghĩa là “triều phụng, chầu phục”. Từ điển Hán Việt Thiều Chửu ghi nghĩa thứ 3 của từ này là “Chầu, bề tôi vào hầu vua gọi là Chầu, vào hầu kẻ tôn quý xưa cũng gọi là chầu”. Trong hệ thống văn bản Chầu văn chữ nôm dùng chữ triều bên phải với bộ khẩu. [bên trái để cố định âm “chầu”. Các từ có từ “chầu
ghi trong từ điển tiếng Việt như “chầu chẫu, chầu trực..” đều có nghĩa là “hầu hạ, hầu cận”. Trong bản văn “Thượng Ngàn Công Chúa văn” có câu:
“Nhớ phép thánh thần thông diệu dụng
Tiến câu văn chầu phụng chúa tiền”
Chữ “chầu” ở đây cũng có nghĩa như trên. Lại nữa, trong hệ thống thần thánh của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ có một hàng thánh thần gọi là hàng các Chầu cũng được gọi là Chúa Bà. Đây là hệ thống các thánh nữ hầu cận của Mẫu, được gọi tên từ Chầu đệ nhất đến Chầu bé. Có khoảng 11 Chầu Bà, có thần tích, có văn Chầu riêng, có cơ sở đền phủ thờ tự. Ngoài ra còn một số các Chúa Bà khác được sinh ra khi Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ phát triển, du nhập tới các vùng văn hóa và tích hợp tục thờ nữ thần của vùng đó hợp thức hóa vào hệ thống thần linh Tam, Tứ Phủ. Khi đã có nhiều tín đồ sùng bái thì việc sáng tác văn chầu cùng thần tích để trang điểm cho thánh thần là điều tất yếu xảy ra.
Ví dụ mới đây những người hành nghề xem bói có căn đồng được gọi là “đồng bói”, họ phụng thờ “Chúa bói Nguyệt hồ” hoặc “Chúa cà phê” đây là những vị nữ thần có khả năng tiên đoán. Họ lên đồng những giá Chúa này để cầu khả năng biết trước sự việc mà phán truyền cho con nhang đệ tử. Để phục vụ những giá hầu này cung văn lại phải sáng tác thêm một số bản văn mới, tuy vậy cũng vẫn phải sử dụng chất liệu của những bản văn có sẵn và một số đoạn văn cùng là điệu gây thăng hoa xúc cảm, các điệu xá là hay được sử dụng nhất.
Chầu văn ra đời là để phục vụ thánh thần Tín ngưỡng Tam Tử Phủ, đầu tiên là lối hát thờ ở cửa đình đã được xác định vào khoảng năm 1500, thời gian này cũng tương ứng với thời gian mà Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần đầu tiên. Sự ra đời của Mẫu Liễu đánh dấu một bước phát triển quan trọng của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, hệ thống các thánh thần bản địa các tục thờ nguyên thủy của người Việt được tích hợp với Đạo Giáo Trung Hoa và nhân thần hóa, hệ thống hóa thành “Công Đồng Tam, Tứ Phủ” mà chúng ta thấy như ngày nay. Nét bản nguyên của Chầu văn đã được nhìn thấy trong lối hát lót cửa Đình nhằm phục vụ đời sống văn hóa của nhân dân, sau đó có bước phát triển thành loại hình âm nhạc ca trù. Chầu văn cũng là một loại hình hát nói, nó có nhiều điểm chung với ca trù nhưng do nó có ý nghĩa đặc biệt là phụng sự thần thánh thể nên Chầu văn phát triển nhanh hơn ca trù về mặt không gian. Nó nhanh chóng lan tỏa đến mọi vùng miền đất nước và tích hợp rất đa dạng các thể loại âm nhạc khác. Còn ca Trù thì loanh quanh bó hẹp trong không gian văn hóa Bắc Bộ cộng với sự bác học hóa, quý tộc hóa ca trù trở thành thú chơi thời thượng của nhà nho.
Đến thế kỷ 19 thì ca Trù chi còn cái danh tiếng xa hoa “hát cô đầu, hát ả đào” mà đa số quần chúng nhân dân không được biết đến. Lúc này người dân lại yêu thích một thể loại âm nhạc dân gian khác là hát Xẩm vì cái lối hát giản dị, chất liệu ca từ mộc mạc dễ gần của nó. Chỉ cần một cây nhị sang hơn nữa là một cái trống người nghệ sĩ có thể đi khắp mọi miền phục vụ đời sống tinh thần người dân với giá trị rẻ nhất. Tác giả trình bày bên trên về sự ra đời của Chầu văn, Xẩm và ca Trù là để chứng minh ba loại hình âm nhạc dân gian đó có chung một gốc, nhưng vì Chầu văn đã được đưa vào tôn giáo nên nó phát triển mạnh hơn hai thế loại còn lại, và cũng chính vì điều đó mà người nghe thường thấy cái “mùi” của ca Trù, Xẩm trong Chầu Văn.
Cũng có ý kiến cho là Chầu văn ra đời từ ca Trù vì từ “Chầu” xuất phát từ cái trống chầu mà cả Chầu văn lẫn ca Trù sử dụng. Nhưng ý kiến này không đúng, chúng ta vẫn có thể tư duy ngược lại rằng: “Định danh trống chầu xuất phát từ Chầu văn với nghĩa là hầu hạ, chầu phụng”. Việc loại hình âm nhạc nào ra đời trước có lẽ không phải là điều đáng tranh cãi. Quan trọng là chúng ta đã thấy được dù Chầu văn hay ca Trù ra đời đều từ một lối hát lót cửa đình. Do đặc tính khác nhau mà sự phát triển khác nhau mà thôi. Điều đó tạo cơ sở rằng lúc ban đầu Chầu văn để phục vụ đời sống giải trí của nhân dân thế nên mới gọi Hầu Đồng là “diễn xướng dân gian”. Sau một thời gian bị thần thánh hóa nó mới được phục vụ cho mục đích tôn giáo.Đã có thời gian dài và cũng là vì do cấm đoán Chầu văn chỉ được phục vụ cho những người có căn số, những người có tâm sinh lý đặc biệt, những “người giời”… Hiện nay Chầu văn đang được đại chúng cũng chính là trở về với chức năng bản nguyên của nó là phục vụ nhu cầu giải trí hay giải tỏa tâm lý.
Vai trò quan trọng của Chầu văn trong hoạt động hành lễ Lên Đồng
Âm nhạc đáp ứng nhiều nhu cầu của cuộc sống con người, trong đó có mục đích phục vụ tôn giáo. Chúng ta tạm thời bỏ qua một số lý thuyết nhân chủng, nhân học để thừa nhận luận điểm trên là đúng vậy Chầu văn ra đời cũng là để phục vụ cho mục đích tôn giáo. Chúng ta gọi nó là “lễ nhạc”.
Lên đồng hay còn gọi là “hầu đồng, hầu bóng” là nghi lễ quan trọng, cốt yếu nhất của tục thờ Mẫu Tam Tứ phủ và Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở Việt Nam. Chầu văn là linh hồn của nghi lễ lên đồng. Nói đến Chầu văn là đồng nghĩa nói đến hoạt động diễn xướng hầu bóng. “Chầu Văn” ra đời để phục vụ cho mục đích đó, phục vụ cho tôn giáo. Hát văn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phụ trợ, kích thích sự thăng hoa, giao cảm giữa con nhang đệ tử với thế giới thần linh. Đây là mối quan hệ hữu cơ giữa một thể loại âm nhạc và một hình thức tín ngưỡng. Nghệ thuật âm nhạc dường như là một thứ phương tiện không thể thiếu khi con người muốn giao tiếp với thánh thần. Muốn tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu thì tìm hiểu về Hát văn là điều hết sức cần thiết. Ngược lại, khi tìm hiểu Hát văn chúng ta cũng nên tìm hiểu về thần tích, thần phả các vị thánh. Nghe những bản văn, ta rất dễ nhận biết sự tích của các vị thánh cũng như những phong cảnh nơi các ngài giá ngự và hiển thánh. Vì thể không thể không có hát văn trong nghi lễ hầu thánh.
Các giai điệu hát hầu là yếu tố đầu tiên, quan trọng chi phối toàn bộ hành trình một buổi lễ. Không có Chầu văn thì không thể hình thành được một vấn hầu. Đã có rất nhiều người cho Chầu văn là nhạc rock của Việt Nam.
“Trong Shaman giáo nói chung và Lên đồng của Việt Nam nói riêng, âm nhạc có vai trò quan trọng, nó cùng với các yếu tố màu sắc, động tác múa, mùi vị chất kích thích (rượu, thuốc lá…) đưa ông bà đồng vào trạng thái ngây ngất (Ecstacy), nhập đồng” (Trích “Đạo Mẫu Việt Nam; Ngô Đức Thịnh).
Nhận định của GS. Ngô Đức Thịnh là hoàn toàn có cơ sở khoa học. Tác giả đưa thêm một điểm nhỏ nữa:”hát văn” không chỉ là yếu tố gây thăng hoa, nó không đơn thuần là chất kích thích, vì tất cả các dòng nhạc đều có tác dụng gây hưng phấn chẳng phải riêng Chầu văn. Các tế bào thần kinh trong não bộ con người tiết ra một loại hóc môn gọi là dophamine khi chúng ta làm những công việc mà mình cho là hứng thủ, gây cảm giác hưng phấn khoái cảm. Dophamine chỉ là một trong rất nhiều hóc môn gây khoái cảm (ngoài ra còn có adrenaline …), tính chất của hóc môn này mang tính hoạt động hướng ngoại, giác cảm mạnh. Tình dục ăn uống là hai hoạt động kích thích não bộ tiết ra nhiều là dophamine nhất. Ngoài ra khi chúng ta chơi game, dùng chất kích thích bia, rượu, thuốc lá, ma túy hay các hoạt động thể thao thì dophamine cũng được sản sinh ra với cường độ thấp nhưng liên tục, lâu dần nó sẽ tạo tập tính quen thuộc và gây nghiện. Âm nhạc cũng là một thứ gây kích thích với vùng não sản sinh dophamine. Người ta nghiên cứu chầu văn thấy rằng sự thay đổi tiết tấu, làn điệu liên tục trong một giá hầu cùng với nhịp ngoại, đảo phách tạo ra sự mông lung huyền ảo. Nó tác động não mạnh mẽ sản sinh ra dophamine gây khoái cảm, thích thú, say mê. Người đã có đồng đa phần “nghiện” hát văn và coi đó là tiên dược điều trị bệnh tâm lý. Sự sản sinh ra chất dophamine khi lên đồng cũng tương đương với khi con người thực hiện những nhu cầu khác trong cuộc sống. Nếu như những người nghiện ma túy hoặc các chất kích thích khác theo điều tra tâm lý xã hội thì đa phần khi đã có tuổi thường mắc những triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc hoặc Alzheimer. Vì những người này sử dụng quá nhiều chất kích thích phá hủy tế bào thần kinh và rối loạn vùng não sản sinh dophamine khiến cho chất này tiết ra không đều. Còn những người “nghiện” Chầu văn, lên đồng thì tới hiện giờ chưa thấy một nghiên cứu tâm lý học xã hội nào liên quan đến các bệnh thần kinh của những người tham gia hoạt động này. Và theo tác giả thấy thì cũng chưa có ông bà đồng nào mắc những bệnh liên qua đến thần kinh khi đang có đồng cả (nếu có thì chỉ có trước khi họ tiễn căn, trình đồng, mở phủ mà dân gian gọi là cơ đầy)
Thường những người hành lễ, những đồng thầy này lại rất minh mẫn tỉnh táo lúc không Hầu Thánh họ sống như người bình thường, lúc hành lễ thì họ tỉnh hơn bất cứ những người dự hầu. Vấn đề này quả thực là rất khó giải thích, có lẽ ta nên tin một phần vào tôn giáo, và dường như có một yếu tố thần bí nào chi phối họ, khiến cho họ có khả năng khác lạ so với người thường nhưng họ vẫn sống như người thường. “Vấn đề hầu đồng chỉ là một nghi thức đưa những người có tâm sinh lý khác biệt này trở về với cuộc sống thực tại” (theo lý thuyết của GS Ngô Đức Thịnh trong “Lên Đồng hành trình của thần linh và thân phận”).
Tháng 7 năm 2011 “Trung tâm bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam” có sang giao lưu diễn sướng Hầu Bóng, Shaman giáo tại Hàn Quốc. Tuy văn hóa hai nước Việt Hàn rất khác xa nhau, nhưng cuộc lưu diễn đã để lại ấn tượng rất cao cho người dân Hàn Quốc. Và trong đó Hát văn là loại hình nghệ thuật kiến cho các ông bà đồng Hàn Quốc say mê nhất. Khi các cung văn hát các điệu Xá miền thượng, cả hội trường cả bị kích động và hùa theo nhịp múa của thanh đồng. Đó là do ý nghĩa của nghệ thuật là “không biên giới” hay do “ma lực” của Chầu văn? Tác giả xin giải thích hiện tượng này như sau:
“Một thể loại nhạc xa lạ với người nghe nếu được phát lặp đi lặp lại để ám thị thính giả, nó đánh trực tiếp vào tâm lý cái lạ, biến từ cái lạ thành cái quen thì chắc chắn sẽ gây sung động tâm lý với người tiếp nhận nó. Hát văn chính là như vậy, trong lối hát hầu chúng ta sẽ bắt gặp những làn điệu lặp đi lặp lại, không phải vì Chầu văn có quá ít làn điệu mà là do hiệu quả kích động tâm lý mà nó mang lại. Cần phải biết Chầu văn là tập hợp của rất nhiều làn điệu dân ca Việt Nam, càng hiện đại thì nó càng tích hợp nhiều thể loại nhạc khác cho phù hợp với thị hiếu thực tế của người sử dụng.”
Ngoài ra ca từ của Chầu văn còn mang tính ám thị rất cao. Ca từ của Chầu văn thường có nội dung kể lại công lao của thánh thần, những lời tán tụng hoa mỹ vị thánh mà người hành lễ cầu đảo. Người hành lễ, các ông bà đồng thường coi mình là cái ngai, là cái ghế để cho “bóng” thánh chiếu vào, họ phải “tự ngã ám thị” với mức độ rất cao mới gây được hiệu quả “đổi diện” cho giống thánh thần (khái niệm này còn được gọi là bắt sát), để người xem, những con nhang đệ tử thấy được “bóng thành” trong đó, làm nên thành công hào quang cho đồng thầy. Lời ca từ kể thần tích thánh thần có tác động ám thị rất cao với người hành lễ, để càng tạo cho họ niềm tin mình đang là thánh thần, đang có một vị thánh ngự trị trong tâm hồn mình, mới đạt được hiệu quả “thoát hồn, vong ngã” được. Chính vì tác dụng tâm lý của Chầu văn quá lớn, mà có một thời gian Chầu văn bị cấm rất nghiêm ngặt và bị coi là mê tín dị đoan, tất cả các hoạt động liên quan nó không còn được coi trọng như một hoạt động văn hóa đơn thuần nên mai một rất nhiều.
Sự lưu truyền của Chầu Văn
Hát văn được tồn tại và bảo lưu bởi phương thức truyền nghề tự giác với mối quan hệ mang tính chuyên nghiệp giữa thầy và trò. Kèm theo đó là một hệ thống “trường lớp” dân gian – những lò đào tạo in đậm tính gia truyền. Sự điêu luyện mang tính nhà nghề của một cung văn mẫu mực có vai trò đặc biệt quan trọng trong nghệ thuật hát văn. Trong lịch sử Hát văn, có thể dễ dàng tìm thấy ở những trung tâm tín ngưỡng Tứ phủ những phả hệ nghệ nhân hát văn khá đồ sộ. Với sức hấp dẫn và lan tỏa khá mạnh, những lò đào tạo cung văn đó dần hình thành cả một tầng lớp nghệ nhân nhà nghề. Ngày nay, một số ca sĩ được đào tạo chuyên nghiệp trong các trường nghệ thuật dân tộc đã tiếp nối thực hành sự nghiệp hát văn của các bậc nghệ nhân xưa. Trên nẻo đường hành nghiệp, các nghệ nhân hát văn đã tạo ra một mối quan hệ giao lưu khăng khít và gắn bó mang tính chuyên nghiệp trên khắp các vùng miền của tín ngưỡng Tứ phủ.
Thực trạng của Chầu văn hiện nay
Cũng vì bị cấm đoán trong một thời gian dài mà Hát văn bị biến đổi rất nhiều không giữ được vẻ bản nguyên, thuần túy của nó là để phục vụ tôn giáo nữa. Để tồn tại, hát văn đã bị đồng hóa với thể loại “Chèo” khi NSND Trần Minh đã cách điệu và dàn dựng tiết mục 3 giá đồng cho sân khấu chèo, mang đi lưu diễn ở nước ngoài thì lúc đó hát văn mới được dư luận xã hội chú ý đến như một loại hình văn hóa. Các bản văn tồn tại từ đầu thế kỷ 20 không còn nhiều, phần lớn là chép tay bằng chữ nôm lưu truyền trong dân gian, ở nơi đền phủ. Một số bản đã được dịch sang quốc ngữ nhưng “tam sao thất bản” không còn giữ được nguyên vẹn lời từ, có may chỉ giữ được một phần nào vốn ca từ cổ mà người hiện đại không thể hiểu được. Chính vì người nghe không hiểu được nhưng vẫn phải sử dụng nó như một thành tổ bắt buộc, đòi hỏi nó phải thay đổi. Làm cho Chầu văn ngày càng mất gốc và biến tấu theo hướng tiêu cực.
Từ năm 1986 nước ta bắt đầu công cuộc đổi mới thì Tín ngưỡng thờ Mẫu và hoạt động lên đồng cũng được hồi sinh. Những năm gần đây lên đồng lại càng phát triển các bản văn Chầu cổ cũng được sưu tầm dịch thuật và diễn xướng để phục vụ xu thế, thị hiếu của những người “có đạo”. Tuy nhiên văn cổ thì nhiều mà những người dịch thuật thì lại thường lấy tư duy ngôn ngữ của người thời nay áp đặt cho người xưa hoặc giả có kẻ sính chữ dùng nguyên các điển cổ, điển tích, âm cổ không dịch hết, khiến cho người thời nay hiểu sai hoặc không hiểu hết giá trị văn hóa, văn học của các bản văn (những người theo Tín ngưỡng Tam Tử Phủ đa phần không đủ kiến thức để hiểu hết nội dung của những bài hát văn). Chính việc này đã làm lệch lạc giá trị hiện thực của Tín ngưỡng thờ Mẫu và hoạt đồng hành lễ lên đồng.
Thêm nữa thời gian gần đây có rất nhiều ý kiến cho rằng nên đề trình lên UNESCO đưa Hầu bỏng và hát văn thành di sản văn hóa phi vật thể của thế giới như là ca Trù. Thế nhưng nhiều người không coi hát văn là đối tượng văn học. Chúng ta thấy thể loại văn học “Từ Khúc” của Trung Quốc xuất hiện thời Tống Nguyên cũng có yếu tố giống như văn Chầu của Việt Nam. Các nhà từ khúc Trung Quốc sáng tác lời dưới dạng thơ (có niêm luật vần điệu) cho các làn điệu âm nhạc đã có từ trước cũng như các nhà Nho Việt Nam sáng tác lời ca trù vậy. Các bản văn sáng tác theo thể lục bát hoặc song thất lục bát có vần điệu nhịp nhàng hài hòa, cần phải coi nó như một đối tượng văn học cần phải giải mã.
Cũng có người coi nó thuộc bộ phận văn học dân gian, tác giả cũng đồng ý với quan điểm này vì nó có đủ tất cả yếu tố của văn học dân gian. Do người dân sáng tác, lưu truyền và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng người Việt thờ Mẫu. Nhưng thực sự thì nó cao cấp hơn một số thể loại văn học dân gian như ca dao, hò, vè… một bậc vì nó được sử dụng với mục đích phục vụ tâm linh, phục vụ tôn giáo. Thế nên ca từ đòi hỏi trau chuốt, bóng bẩy hơn và nhiều hình tượng hơn cần được giải mã.
Trình tự thực hiện nghi lễ hát chầu văn
Trước khi thực hiện một vấn hầu và trong lúc người hành lễ đang chuẩn bị tinh thần cũng như khi cụ cần thiết để hành lễ thì những người cung văn hát văn thờ. Đó là những bản văn công đồng để thỉnh Phật, thần và rất nhiều vị thánh ở có cả của Phật giáo và Đạo giáo. Hoặc những bản văn kể sự tích công trạng của các vị Mẫu. Sau khi người hành lễ trùm khăn phủ diện đỏ. Màu đỏ là tượng trưng cho màu của máu, màu của sự sống, người xưa quan niệm khi dâng lên thánh thần máu để cầu đảo là hành động thiêng liêng nhất, sự hiển sinh còn sót lại trong văn hóa nguyên thủy dân gian. Các dân tộc Tây Nguyên, người Hmông…khi kêu gọi thánh thần họ đã hiến sinh máu của động vật. Ý nghĩa thiêng của màu máu đỏ kết hợp với tabu “cấm phủ mặt” (người xưa quan niệm chỉ có người chết mới được che mặt) đã tạo ra sự đặc thù của Hầu bóng. Khăn phủ diện đưa lên biểu hiện người hành lễ coi như không tồn tại trên cõi đời, hồn người ấy đã thoát khỏi xác, chỉ để lại cái xác làm ghế cho thánh thần nhập vào. Khăn phủ diện hạ xuống tượng trưng cho sự hồi sinh và nhập hồn. Khi người hầu phủ khăn lên đầu cung văn sẽ hát văn thỉnh tam tòa. Thỉnh ba vị Mẫu không bao giờ được mở khăn, Mẫu chỉ về tráng bóng chứng đàn thôi. Thỉnh xuống các hàng theo thứ tự. Đến giá nào “thánh ngự” thì tung khăn. Những giá không hầu sẽ làm dấu cho cung văn hát câu đưa tiễn “xe loan Thánh giá hồi cung” và chuyển sang thỉnh giả khác.
Trình tự thực hiện một bản văn trong giá hầu chia thành bốn phần chính:
– 1) Mời thánh nhập có thể hát từ 1 đến 2 trổ văn (1 trổ bằng 2 câu lục bát hoặc 2 câu 7 chữ)
– 2) Kể sự tích và công đức không giới hạn câu hát tùy vào thời gian hầu mà hát, nhưng những câu văn mỗi giá phải khác nhau.
– 3) Xin thành phù hộ văn hát tùy theo thời gian “ngồi đồng” của người hầu. Thường nếu người hầu ngồi quá lâu, văn hát hết lời lại hát lại hoặc mượn văn những giá tương đương cũng chấp nhận được vì phần này chủ yếu là lời của cung văn nên không qua trọng lắm.
– 4) Đưa tiễn khoảng 2 đến 3 trổ cũng có khi hơn hát giọng dồn và kết thúc bằng câu: “Thánh giá hồi cung!”.
Lời văn trong hát văn cũng phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ. Các bài văn hát thường sắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của ngài. Câu văn tuy có vần điệu, niêm luật không chặt chẽ như một bài thơ nhưng khi đọc lên mọi người đều cảm nhận được chất thơ của bài văn. Giai điệu của hát văn khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn vui tươi. Chất thơ của bài văn đó được nâng lên cao tuyệt đỉnh trong không khí tâm linh thành kinh, khấn vái xuýt xoa, khỏi hương nghi ngút, có dàn nhạc, lời ca phụ hoạ, đưa đẩy và các điệu múa thiêng của Thánh thể hiện qua người hầu đồng. Với tính chất này hát văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi dùng trong nghi lễ mà hát văn cũng được coi như một hình thức ca nhạc dân gian vui tươi lành mạnh và có thể đưa ra công diễn trước đông đảo quần chúng.
Hát văn là một hình thức hát trong khi ngồi đồng nên các làn điệu và lối hát cũng như độ dài của câu ca, tiếng nhạc đều phụ thuộc vào diễn biến của cuộc hầu đồng. Nếu như không khí, nhịp điệu trong ca trù thính phòng là êm đềm, réo rắt, trầm bổng thì trong hát văn ngược lại hẳn. Nó mang tính chất sôi nổi, kích động cộng với trống phách, thanh la rộn ràng làm cho buổi hầu đồng luôn trong không khi tưng bừng.
Hát văn không chỉ khó mà còn đòi hỏi người cung văn phải nhanh, linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát vai của người ngồi đồng; thậm chí phải hát lặp lại, luyến láy, kéo dài câu ca, tiếng nhạc trong thời gian chuyển tiếp giữa hai giá hầu. Khi hát, cung văn phải hát sao cho thể hiện tâm lý tình cảm của các nhân vật nên giọng hát phải chuyển đổi luôn luôn. Vì thế mà chỉ trong một thể hát thì cũng có nhiều dạng khác nhau: thể phú thì có phú dựng, phú chênh để diễn tả tâm trạng vui, phú rầu để diễn tả tâm trạng buồn. Những khi thay đổi như vậy, âm nhạc đều chuyển điệu thức 5 âm để phụ họa theo. Đó là cách người cung văn thể hiện tài năng riêng của mình. Thông thường, cung văn chơi đàn nguyệt đảm nhiệm vai trò hát chính. Nhưng trong các lễ hầu đồng, cả cung văn đánh nhịp (phách, cảnh, trống) cũng phải hát. Tiêu chuẩn tối thiểu của một cung văn là phải vừa đánh nhịp vừa hát, tiêu chuẩn tối đa là phải vừa đàn nguyệt vừa hát. Do lễ thức này thường kéo dài, có khi tới 6 đến 8 tiếng đồng hồ nên cần có thêm vài cung văn khác cùng tham gia tiếp sức, hỗ trợ. Họ có thể hoán đổi vị trí, thay nhau đàn hoặc hát sao cho vẫn đảm bảo sự liền mạch của bài văn và âm nhạc. Nói vậy để thấy được sự đa năng của các nghệ nhân hát văn. Thời lượng diễn xướng của một ban nhạc hát văn là đặc điểm hết sức thú vị. Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, nếu nói đến số lượng lớn nhất của một biên chế dàn nhạc thì người ta sẽ nghĩ ngay đến dàn nhạc cung đình. Thế nhưng nếu tính đến một cuộc diễn xướng “dài hơi” nhất thì có lẽ đó chính là dàn nhạc hát văn trong các lễ thức hầu đồng. Cho đến nay, đây vẫn được xem là một năng lực đáng nể của các cung văn trong giới nghệ nhân cổ nhạc.
Ở những nhóm cung văn thuộc đẳng cấp “nghệ nhân”, nhiều làn điệu họ có thể hát song ca hay đồng ca. Theo các nghệ nhân lão thành kể lại, trong nhiều trường hợp, 4 cung văn có thể cùng đồng ca thật ăn khớp. Xin độc giả nhớ lại một điều là hát văn là một bộ môn nghệ thuật cổ truyền mang đậm tính ngẫu hứng, luôn tựthích nghi trong mọi trường hợp biến đổi về thời gian do quá trình tổ chức,thay quần áo, đạo cụ trong hầu đồng, không giống như hát theo một bản nhạc đãđược ký âm và truyền giữ qua mọi thế hệ. Do tính ngẫu hứng về trường độ và caođộ, giai điệu và âm tiết của hát văn nên việc hát đồng ca tập thể là rất khó.Đây chính là một hiện tượng độc đáo trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam nói chung,trong đó, nhiều thể loại vốn luôn tồn tại dưới dạng ngẫu hứng của một nghệ nhântrên cơ sở nguyên bản. Nếu muốn đồng ca, các nghệ sĩ phải có sự tập luyện, phốihợp rất công phu để khi diễn xướng, sao cho tác phẩm chỉ xuất hiện dưới dạngmột dị bản duy nhất. Điều đó có nghĩa các cung văn phải lập thành nhịp điệutừng câu, từng từ trong đường tuyến giai điệu thống nhất. Trong một bộ môn nghệthuật đầy tính ngẫu hứng như hát văn, đây là điều không dễ thực hiện.
Về tiết tấu, hát văn thường sử dụng nhịp ngoại (đảo phách). Loại nhịp này mangđến một cảm giác không ổn định trong tâm trí người nghe, đưa người nghe vàotrạng thái mông lung, huyền ảo.
Về kỹ thuật thanh nhạc, nhìn chung, có hai phong cách hát điển hình trong nghệ thuật hát văn. Trước hết, đó là phong cách Hát văn Nam Định – lối hát không sử dụng nhiều hệ thống kỹ thuật nẩy hạt trong thanh nhạc cổ truyền. Hát văn Nam Định thiên về chất giọng thô mộc, giản dị, mang đậm đặc điểm của lối hát dân dã, khá phổ biến trên các miền thôn quê. Thứ hai là phong cách Hát văn Hà Nội,Hải Phòng – lối hát sử dụng nhiều kỹ thuật nảy hạt, đề cao sự hoa mỹ, bay bướm và tinh tế trong việc điều tiết âm lượng, câu chữ. Cách ém hơi ở đây rất giống với Chèo hay Ca trù. Phong cách hát này thường được phổ biến ở chốn phồn hoa đô hội, nơi tập trung giới thức giả sành điệu.
Gắn liền với sắc màu tín ngưỡng của người Việt, hát văn đã xây dựng được nhiều kiểu gõ nhịp và một hệ thống làn điệu, bài bản phong phú với những quy ước về cách vận dụng cho từng hàng thánh và từng loại phủ. Nhịp điệu và bộ gõ có vai trò đặc biệt quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng này. Chúng tạo nên một không khí hưng phấn cao, góp phần giúp người ngồi đồng có cảm giác thoát xác để nhập thân với các vị thánh, đồng thời kết hợp với yếu tố tâm linh chúng góp phần tạo nên một trạng thái tinh thần đặc biệt khiến người ta có thể thực hiện những việc mà ở trạng thái bình thường khó có thể làm nổi.
Một số làn điệu thường gặp trong hát văn
Bên cạnh ba hệ thống làn điệu của riêng mình – Cờn, Dọc, Xá, Hát văn còn thu nạp nhiều bài bản, làn điệu từ các thể loại dân ca nhạc cổ khác, hình thành nhiều làn điệu mang tính chuyên dùng khá cao thể hiện những vai vế, tính cách và giới tính riêng biệt. Đó chính là một phần quan trọng biểu hiện mối quan hệ hữu cơ giữa âm nhạc và tín ngưỡng. Ngoài ra hát chầu văn còn có thể mượn các làn điệu nhạc cổ truyền khác như ca trù, quan họ, hò Huế và kể cả những điệu hát của các dân tộc thiểu số. Xen kẽ những đoạn hát là đoạn nhạc không lời, gọi là lưu không. Tuỳ theo khu vực mà tên gọi các điệu văn cũng có khác nhau.
Với sự đề cao những mô hình nhịp điệu có chu kỳ, âm nhạc Hát văn giống như những vũ điệu của thánh thần, dìu dặt và mê hoặc lòng người. Cả cung văn cùng các con nhang đệ tử như tỉnh như say trong sự hòa quyện đồng điệu. Bên cạnh việc diễn tấu những khúc nhạc không lời với vai trò độc lập, đàn nguyệt có nhiệm vụ dẫn dụ giọng điệu và nâng đỡ cho lời ca tiếng hát. Giai điệu tiếng đàn, giọng hát Chầu văn có một sức quyến rũ đặc biệt. Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình, như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương, rất nữ tính của Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ.
Tựu trung, Hát văn có 13 điệu, hay còn gọi là lối hát. Đó là: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm và Dồn.
– Bỉ mang sắc thái trịnh trọng, được dùng để hát trước khi chính thức vào mộtbản văn thờ hoặc văn thi. Có 2 cách hát: Bỉ 4 câu và Bỉ 8 câu. Bỉ được lấy theo dây lệch, nhịp theo lối dồn phách.
– Miễu là lối hát rất nghiêm trang, đĩnh đạc, chỉ được dùng trong hát thi và hát thờ, tuyệt nhiên không bao giờ được dùng trong hát hầu. Miễu được lấy theo dây lệch, nhịp đôi.
– Thổng chỉ giành riêng cho văn thờ và văn thi, được lấy theo dây bằng, nhịp ba.
– Phú Bình dành riêng cho hát văn thờ, rất đĩnh đạc, và dùng để hát ca ngợi các nam thần. Phú Bình được lấy theo dây lệch, nhịp 3.
– Phú Chênh là lối hát buồn, thường dùng để hát trong những cảnh chia ly. Được lấy theo dây bằng, nhịp 3.
– Phú nói thường dùng để mô tả cảnh hai người gặp gỡ, nói chuyện với nhau. Dùng trong hát văn thờ, văn thi và cả trong hát hầu. Lấy theo dây bằng, nhịp ba hoặc không có nhịp mà chỉ dồn phách.
– Phú rầu là lối hát rất buồn, được lấy theo dây bằng nhưng hát theo nhịp đôi.
– Đưa thơ được lấy theo dây bằng, nhịp 3 và dồn phách, nhưng chủ yếu là dồn phách.
– Vãn lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất lục bát, hát theo lối vay trả – hát vay của câu trước rồi trả lại trong câu sau.
– Dọc lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất – lục bát và hát theo nguyên tắc vay trả. Nếu hát từng câu thì gọi là nhất cú. Nếu hát liền hai câ song thất – lục bát thì gọi là “Dọc gối hạc” hay “Dọc nhị cú”.
– Cờn dùng để ca ngợi sắc đẹp các vị nữ thần. Cờn được lấy theo dây lệch, nhịp đôi. Có thể hát theo dây bằng, nhưng hầu hết là hát kiểu dây lệch cho phép biến hóa giai điệu.
– Hãm lấy theo dây bằng, nhịp đôi, đây là lối hát rất khó vì phải hát liền songthất lục bát. Trong lối hát này có một tuyệt chiêu là Hạ Tứ Tự, có nghĩa làmượn bốn chữ của câu sau, khi sang một câu mới thì lại trả lại bốn chữ ấy.
– Dồn được lấy theo dây bằng, nhịp 3.
Trước hết, cần phải thấy rằng với hệ thống kỹ thuật biểu hiện phức tạp, nghệ thuật Hát văn đã đạt tới tầm cao của một thể loại chuyên nghiệp trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam. Nó chỉ có thể tồn tại và bảo lưu bởi phương thức truyền nghề tự giác với mối quan hệ mang tính chuyên nghiệp giữa thầy vàtrò. Kèm theo đó là một hệ thống “trường lớp” dân gian – những lò đào tạo in đậm tính gia truyền. Sự điêu luyện mang tính nhà nghề của một cung văn mẫu mực có vai trò đặc biệt quan trọng trong nghệ thuật hát văn. Trong lịch sử Hát văn, có thể dễ dàng tìm thấy ở những trung tâm tín ngưỡng Tứ phủ những phả hệ nghệ nhân hát văn khá đồ sộ. Với sức hấp dẫn và lan tỏa khá mạnh, những lòđào tạo cung văn đó dần hình thành cả một tầng lớp nghệ nhân nhà nghề. Ngày nay, một số ca sĩ được đào tạo chuyên nghiệp trong các trường nghệ thuật dân tộc đã tiếp nối thực hành sự nghiệp hát văn của các bậc nghệ nhân xưa. Trên nẻo đường hành nghiệp, các nghệ nhân hát văn đã tạo ra một mối quan hệ giao lưu khăng khít và gắn bó mang tính chuyên nghiệp trên khắp các vùng miền của tín ngưỡng Tứ phủ.
Nghe hát văn, dường như chúng ta có thể tìm thấy sự phát triển tột bậc cả về làn điệu âm nhạc cũng như hệ thống kỹ thuật biểu cảm của nhạc thanh; cảm nhậnđược rằng khó có một thể loại âm nhạc tôn giáo tín ngưỡng nào ở Việt Nam lại đạt được tầm cao về tính thẩm mỹ nghệ thuật như Hát văn. Hiện thực sống động đó khiến cho âm nhạc Hát văn nhiều khi mang dáng vẻ của một thể loại âm nhạc sân khấu biểu diễn hơn là âm nhạc của tín ngưỡng. Sức quyến rũ của Hát văn chính là một lực hấp dẫn đặc biệt quan trọng, thu hút công chúng đến với tín ngưỡng Tứ phủ. Sức hấp dẫn, quyến rũ của nó đã được minh chứng trong nhiều giai thoại lịch sử. Bên cạnh việc đáp ứng các nhu cầu chung của con người khi tìm đến với cõi tâm linh thì sự thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, thụ cảm nghệ thuật âm nhạc được đẩy vọt lên tầm cao nhất khi thưởng thức hát văn trong khung cảnh hầu bóng. Nói cách khác, nếu như các hình thức tôn giáo, tín ngưỡng nói chung thường lấy hệ thống giáo lý, kinh kệ làm phương tiện chủ đạo để xoa dịu nỗi đaucủa con người thì tín ngưỡng Tứ phủ lại sử dụng nghệ thuật âm nhạc hát văn làm công cụ đắc lực. Điều này lý giải tại sao âm nhạc Hát Văn lại đạt tới tầm cao về sự phát triển, tính thẩm mỹ của một thể loại nghệ thuật biểu diễn. Và, cũngthật dễ hiểu khi chúng ta tìm thấy trong Hát văn những thành tố âm nhạc tương đồng với các thể loại âm nhạc biểu diễn khác như Chèo, Tuồng, Ca trù, Quan họ,Hát Xẩm… Từ đó, có thể hiểu được tại sao Hát văn lại dễ dàng được chấp nhậnkhi nghệ thuật âm nhạc này được sân khấu hóa trong nửa cuối thế kỷ XX.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Nghệ thuật chầu văn.
Nguồn tham khảo:
- Hatvan.vn
- Tác giả Bùi Quốc Linh – Kim Trung Linh
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu từ các trang mạng xã hội.
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm