Tín ngưỡng và tục thờ là gì?
Mục Lục Bài Viết
Khái quát về tín ngưỡng, tục thờ tại Việt Nam
Từ cuộc sống nguyên thủy ban đầu đến giai đoạn cấy, trồng lúa nước sau này, người Việt (Kinh) nhận thấy, bốn yêu tố Cây, Đất, Nước, Trời (thời tiết, khí hậu) là quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định hợp thành ( qua quá trình lao động của con người) sinh ra tố chất cơ bản (hạt thóc, bát cơm) nuôi sống con người, nên họ đã tôn thờ các yếu tố đó thành tín ngưỡng thờ Mẹ (Mẫu – theo tiếng Hán) sau đó xuất hiện tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên sâu rộng ở người Việt và các dân tộc ít người.
Tín ngưỡng là gì?
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Niềm tin này gắn với sự siêu nhiên nhưng chỉ lưu truyền trong một vùng lãnh thổ hoặc trong một cộng đồng dân chúng nhất định. Có thể coi tín ngưỡng là dạng thấp hơn của tôn giáo.
Theo quy định của phát luật Việt Nam:
Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
(Khoản 1 và 5 Điều 2 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016).
Tín ngưỡng của người Việt phản ánh ở các mặt: tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và tín ngưỡng sùng bái con người. Hình thành trên nền tảng xã hội nông nghiệp cổ truyền, lưu truyền trong quần chúng từ đời này qua đời khác, nên tín ngưỡng Việt Nam chưa chuyển thành tôn giáo.
Tục thờ là gì?
Tục thờ là thói quen thể hiện lòng tôn kính thành thánh, vật thiêng hoặc linh hồn người chết bằng hình thức lễ nghi, cúng bái đã trở thành lâu đời trong đời sống nhân dân, được mọi người nói chung công nhận và làm theo.
Như vậy, chỉ những tín ngưỡng nào thành thói quen lâu đời và được cộng đồng thừa nhận, thực hành mới trở thành tục thờ
Người việt có tục thờ cúng Tổ tiên, tục thờ Mẫu, tục thờ Thần, Tục thờ Thành hoàng…
Các tín ngưỡng ở Việt Nam
Theo các nguồn tài liệu được công bố chính thức thì tín ngưỡng truyền thống Việt Nam được phân ra thành 5 nhóm bao gồm:
- Tín ngưỡng phồn thực
- Sùng bái tự nhiên ( thờ động vật, cây cố)
- Thờ người ( Thờ Hồn vía,Tổ tiên,Thờ Tổ nghề,Thành hoàng, Giỗ Tổ Hùng Vương, Tứ bất tử, Tiền hiền)
- Thờ Thần (Thờ Thổ Địa, Thần Tài, Táo Quân, Hà Bá, Môn Quan, Phúc Lộc Thọ…)
- Thờ Mẫu
Ở nội dung tiếp theo, hãy cùng Tín Ngưỡng Việt tìm hiểu một cách chi tiết hơn về các loại tín ngưỡng chính tại Việt Nam
Tín ngưỡng phồn thực
Tín ngưỡng phồn thực là sự tin tưởng, ngưỡng mộ và sùng bái sự sinh tồn, nảy nở của tự nhiên và con người ( phồn = nhiều, thực = nảy nở). Bản chất của tín ngưỡng phồn thực là tín ngưỡng cầu sinh và no đủ.
Ở Ấn Độ, tín ngưỡng phồn thực thường được biểu hiện qua việc thờ cơ quan sinh dục năm (Linga). (Trong nhiều đền đài cổ ở Miến Điện, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia và Champa có những tháp, những hình trụ…được xây lên để làm biểu tượng co Linga).
Ở Việt Nam, lễ thức phồn thực được đồng hóa vào việc thờ cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ ( sinh thực khí – liga và yoni, hoặc thờ một cặp trai gái có tên gọi rõ như ông Đùng, bà Đà; Ông Khiu bà Khiu…) và thờ hành vi giao phối nhằm cầu mong cho mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, con đàn cháu đống.
Thờ sinh thực khí
Thờ cơ quan sinh dục nam nữ được gọi là sinh thực khí ( sinh = đẻ, thực = nảy nở, khi = công cụ). Việc thờ sinh thực khí ở Việt Nam được gọi là thờ cúng Nõ Nường. Nõ tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam, Nường (nang, mong nang) tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ. Ngoài ra, còn có các biến thể của việc thờ cơ quan sinh dục nam nữ như thờ cột đá tự nhiên, thờ các kẽ đá nứt tự nhiên.
Thờ hành vi giao phối
Thờ hành vi giao phối là dạng tín ngưỡng phồn thực độc đáo, phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.
Biểu hiện cảu lễ thức phồn thực này ở Việt Nam như: tượng 4 đôi năm nữ đang giao hợp được đức bằng đồng, gắn trên nắp thạp đồng Đào Thịnh (Yến Bái, niên đại 500 TCN). Trên nắp trống đồng Hoàng Hạ có khắc những cặp chim ngồi trên lưng nhau trong tư thế đạp mái; tượng cóc giao phối, cá sấu (rồng) giao hợp; điệu múa “tùng -dí” trong lễ hội làng các vùng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc; tượng nam nữ với bộ phận quá cỡ thường xuyên có mặt ở các nhà mồ Tây Nguyên.
Tín ngưỡng thờ Mẫu
Tín ngưỡng thờ Mẫu nghĩa là thờ mẹ, chỉ người phụ nữ đã sinh ra một người nào đó. (Ngoài ra, tư này còn hàm ý tôn xưng, tôn vinh là sự tin tưởng, ngưỡng mộ và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ và được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và chở che cho sự sống của con người ( như trời, đất, sông, nước, núi, rừng…).
Các vị nữ thần này được tôn vinh với các chức vị: Thánh Mẫu (Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Linh Sơn Thánh Mẫu…), Quốc Mẫu (Quốc Mẫu Âu Cơ…), Vương Mẫu ( mẹ của Thánh Gióng được tôn là Vương Mẫu…).
Tục thờ Mẫu ra đời trên cơ sở tục thờ nữ thần. Các Thánh Mẫu đều là nữ thần, được thờ trong đền, chùa, miếu, điện. Riêng Thánh Mẫu Liễu Hạnh được thờ trong phủ: Phủ Dầy, Phủ Tây Hồ….
Do ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Quốc, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển, hình thành Tín ngưỡng Tam Phủ (Thiên phủ – miền trời, Nhạc Phủ – miền rừng núi, Thủy (Thoải) – miên sông nước); Tứ Phủ (Ba phủ trên cùng Địa Phủ – miền đất đai).
- Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời
- Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi
- Mẫu Thoải cai quản miền sông nước
- Mẫu Địa cai quản miền đất đai
Đến thế kỷ XVI, trên cơ sở tín ngưỡng Tam phủ, Tứ phủ, với sự ra đời của Thành Mẫu Liễu Hạnh, một tôn giáo bản địa sơ khai được hình thành, đó là đạo Mẫu. So với tín ngưỡng thờ nữ thần, những ghi lễ Đạo Mẫu đã bước đầu được chuẩn hóa, trong đó nghi lễ Hầu Bóng là một điển hình.
Hiện nay, tín ngưỡng thỡ Mẫu đã phát triển sâu rộng trên cả nước, được nhiều người Việt ở nước ngoài thờ phụng.
Xem thêm bài viết: Tam Tòa Thánh Mẫu : Tìm hiểu những thông tin chi tiết nhất.
Tín ngưỡng Tứ Pháp
Các gia đình người Việt không thờ Tứ pháp, nhưng tín ngưỡng Tứ pháp lại phổ biến trên toàn cõi Việt Nam. Tứ pháp gồm: Pháp Vân (Mây), pháp Vũ (Mưa), pháp Lôi (Sấm), pháp Điện (Chớp) (Pháp ở đây hàm ý là có Phật pháp và tên của các vị thần đầu là pháp danh).
Tín ngưỡng này xuất hiện từ câu chuyện thai sinh gián tiếp của Man Nương – một người con gái bản địa với nhà sư Ấn Độ tên là Khâu Đà La ở chùa Dâu Bắc Ninh. Tứ pháp, bốn người con của Phật Mẫu Man Nương được phân ngôi thứ như chị em ruột trong một gia đình. Pháp Vân là chị cả, pháp Vũ là chị thứ, thứ ba là pháp Lôi và út là pháp Điện. Tuy cùng cha, cùng mẹ nhưng bố bà không được thờ cùng trong một chùa quanh Phật Mẫu, mỗi bà hưởng một chùa riêng, các chùa này được dựng ở các làng cạnh nhau, trong một mối liên minh là chạ cổ truyền.
Điện thần của các ngôi chùa Tứ pháp không giống các ngôi chùa thờ Phật bình thường, chính điện của chùa thờ Tứ pháp không phải là tượng Phật như Thích Ca, Bồ Tát… mà các Bà giữ tư cách là chủ điện. Như chùa Dâu là nơi thờ pháp Vân; chùa Đậu thờ pháp Vũ…
Thờ Tứ pháp là một nét độc đáo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Văn hóa – tín ngưỡng ở những ngôi chùa Tứ pháp chủ yếu là lễ cầu mưa, lễ cầu tạnh và rước giao hiếu. Các lễ này tiến hành vào ngày 17 tháng Giêng – Ngày hóa Phật Mẫu Man Nương và ngày 8/4 âm lịch – ngày sinh Phật Thích Ca (Phật đản) và Tứ pháp.
Từ trung tâm là Luy Lâu (Bắc Ninh), tín ngưỡng Tứ pháp đã nhanh chóng lan tỏa khắp vùng châu thổ Sông Hồng.
Tín ngưỡng Tứ pháp, thông qua lễ hội Tứ pháp đã không còn là một hội chùa mà đã trở thành một hội làng (liên làng) – một lễ hội đậm đà bản sắc của vùng đồng bằng Bắc Bộ trong nên văn hóa Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ cúng Tổ Tiên
Thờ cúng tổ tiên (ở miền Nam gọi là đạo ông bà): các hình thức lễ nghi, cúng bài nhằm bày tỏ lòng tôn kính của các thế hệ sau với người đi trước của một dòng họ, với ông bà cha mẹ đã khuất.
Người Việt từa lâu tin về sự bất tủ của linh hồn sau khi chết là về với tổ tiên nơ chín suối. Vào ngày này hàng nằm, các gia đình thường tổ chức lễ cúng tưởng nhớ người chết, gọi là ngày giỗ.
“Sống về mồ về mả, ai sống về cả bát cơm”. Ngoài việc rất coi trọng, chăm nom phần mổ tổ tiên, người Việt thờ cúng tổ tiên tại bàn thờ đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà và ở từ đường của gia tộc. Đó là không gian thiêng, nơi tổ tiên “đi về”. Mồ mả và bàn thờ tổ tiên có cả đồ ăn chay, mặn, hương, hoa, rượu…và cả đồ mặc, nhà ở, phương tiện đi lại làm bằng vàng mã.
Thế kỷ XV, Nho giáo chiếm địa vị ưu thế trong xã hội, nhà Lê đã thể chế hóa việc thờ cúng tổ tiên. Bộ luật Hồng Đức quy định rõ việc con cháu phải thờ cúng tổ tiên 5 đời (tự mình là con, tính ngược lên 4 đời là: cha, mẹ, ông , bà, cụ, kỵ); ruộng hương hỏa, ruộng đèn nhang, cơ sở kinh tế để duy trì thờ cúng tổ tiên dù con cháu nghèo cũng không được cầm bán…Đến thời Nguyễn, nghi lễ thờ cúng tổ tiên được ghi rõ trong sách Thọ mai gia lễ.
Thờ cúng tổ tiên là tấm lòng thành kính, thể hiện đạo lý uống nước nhờ nguồn, biết ở tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã sinh thành và tạo dựng nên cuộc sống cho con cháu.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một loại hình tín ngưỡng dân gian được lưu truyền lâu đời ở Việt Nam, chủ yếu được thực hiện ở các di tích thờ các nhân vật liên quan đến thời Hùng Vương tiêu biểu như Thần Nông, Vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Cao Sơn, Quý Minh.
Theo: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam, đó là lòng biết ơn đối với Hùng Vương và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Trong tâm thức của người Việt, Hùng Vương là vị thủy tổ khai sinh ra dân tộc Việt. Với lòng tôn kính, biết ơn Vua Hùng, cộng đồng người Việt đã tự nguyện thờ cúng Hùng Vương, đưa việc thờ cúng Hùng Vường trở thành tín ngưỡng, là biểu tượng văn hóa tạo nên truyền thống đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và cùng vượt qua mọi khó khăn thử thách để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bắt nguồn từ Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, một trong những tín ngưỡng đặc thù, có vị trí hết sức đặc biệt trong đời sống tinh thần và là một trong những thành tố tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Trích: Đề cương tuyên truyền Giỗ Tổ Hùng Viên do Ban tuyên giáo Trung ương – Tỉnh ủy Phú Thọ ban hành)
Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc
Lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm và chống thiên tai. Con người Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước, trọng đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” nên tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam thấm đượm tinh thần ấy. Truyền thống ấy được thể hiện trong tín ngưỡng thờ cúng các bậc tiền nhân và được ghi nhận rõ nét trong hệ thống đền, miếu, lăng, phủ,…
Những người có công với gia đình, làng xóm, đất nước đều được người Việt Nam tôn vinh, sùng kính. Nhiều vị có đóng góp trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế đã được hậu thế thờ phụng để ghi tạc công ơn.
Tín ngưỡng thờ Anh hùng dân tộc phù hợp với lợi ích của nhân dân lao động, có vai trò to lớn trong đời sống tinh thần của nhân dân, phản ánh về nhu cầu đoàn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Ở các tỉnh thành khắp cả nước đều có đình, đền, miếu, phủ,… thờ các vị có công với dân, với nước.
Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng
Thành hoàng là vị thần cai quản, che chở, định đoạt phúc họa cho một cộng đồng người sống trong một đơn vị hành chính. Thành hoàng là một từ Hán – Việt, vốn là một từ chỉ vị thần bảo hộ thành trì của Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam từ thời Đường và phát triển trong các triều đại Việt Nam
Nước ta có hai hệ thành hoàng khác nhau: hệ thành hoàng kiểu Trung Quốc và hệ thành hoàng làng của người Việt.
Hệ thành hoàng làng thường được dùng thành hai chữ Thành hoàng để chỉ chung, còn trong văn bản thường dùng từ: Đương cảnh thành hoàng, Bản cảnh thành hoàng, Bổn cảnh thành hoàng…là những khái niễm chỉ một vị thần vốn có của địa phương, một vị thần sở tại chứ không phải là do nhà vua đưa xuống áp đặt cho dân làng thờ cúng. Vị thần này thường âm phù và đánh giặc khi vua hành quân qua các địa phương nên vua công nhận là thành hoàng. Các triều đại sau thường bắt dân khai báo những bị thần mà làng họ thờ rồi vừa xét phong cho làm thành hoàng, cấp sắc phong. Nghĩa là, thành hoàng làng người Việt là một vị thần được người dân thờ từ trước, sau đó mới được vua phong tước vương với chức danh là thành hoàng (vị thần làng được quan chức hóa trở thành quan lại thiêng của triều đình) trấn giữ làng.
Người những vị thành hoàng được vua thừa nhận trên, thì có nhiều làng thờ thành hoàng mà nhà nước phong kiến cho là tà thần như: người chết trẻ, trẻ con, người ăn xin, ăn trộm… Sở dĩ những người này được thờ vì, dân làng tin họ chết vào giờ thiêng nên thường ra oai (gây dịch bệnh, hỏa hoạn) khiến dân làng sợ mà thờ.
Thành hoàng được thờ dong đình, miếu. Thần điện thoàng hoàng trong miếu chỉ là một bệ thờ trên đặt lư hương, đèn, lọ hoa và thường trên vác có một chữ Thần bằng chữ Hán. Thành điện thành hoàng ở Đình thì bài trí phức tạp hơn: có khám thờ, bên trong đặt thần chủ (bài vị) có khi là tượng, đa số chỉ là ngai vào áo mũ. Hai bên có Tả bản, Hữu ban, Tiền hiền, Hậu hiền là những thần linh đã phối hưởng, có kiệu, ngựa.
Thành hoàng là biểu hiện của lịch sử, phong tục, đạo đức, pháp luật cùng hy vọng của cả làng. Đồng thời là một thứ quyền uy siêu việt, một mối liên lạc vô hình giúp cho làng xóm trở thành một cộng đồng có tổ chức chặt chẽ. Dân làng đối với thành hoàng cũng kính cẩn như con cháu đối với tổ tiên vậy.
Tục thờ cúng Thần Tài
Thần tài là vị thần mang tài lộc cho gia đình. Tháp hương lễ bái Thần tài, gia chủ sẽ luôn làm ăn phát đạt. Ban thờ Thần tài thường đặt ở xó xỉnh trong nhà xuất phát từ điển tích: có một lái buôn tên là Âu Minh khi qua hồ Thanh Thảo, Thủy thần cho một nô từ tên là Như Nguyệt. Âu Minh đưa Như Nguyệt về nuôi trong nhà, ngày càng làm ăn phát đạt. Vào một ngày Tết, do một lý do nào đó Âu Minh đánh Như Nguyệt. Như Nguyệt sợ quá chui vào đống tác và biến mất. Từ đó, Âu Minh làm ăn thua lỗ, sa sút không mấy chốc thành nghèo. Người ta tiên cô gái là thần tài nên lập bàn thờ Cô. Từ đó, ta có tục kiêng hót rác trong 3 ngày đầu năm, vì sợ hót rác là hót cả Thần tài.
Khi lập bàn thờ Thần tài không ai đặt ở trên cao. Bàn thờ thướng dán giấy đỏ, để một góc hay một xó nào đó. Có thể có bài vị nhỏ, hau bên bài vị có câu đối:
Thổ năng sinh bạch ngọc
Địa khả xuất hoàng kim
Dịch nghĩa
Đất hay sinh ngọc trắng
Đất khá có vàng ròng
Người xưa cúng Thần tài quanh năm, vào bất kỳ lúc nào khi cần cầu xin. Ngày thường, người ta cúng Thần tài đơn giản, chỉ có trầu, nước và trái cây…Còn trong các dịp giỗ tết, sóc vọng, cúng Thần tài bằng cỗ mặn. Thông thường, chỉ thắp hương thờ Thần tài vào buổi chiều hàng ngày, Tục cúng Thần tài rất được coi trọng ở nhà hàng, nơi buôn bán, kinh doanh ở miền Nam nước ta.
Ngoài ra bên cạnh thờ cúng Thần Tài thì còn tục thờ cúng Ông Địa, hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết Thổ Công: Tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cúng Ông Địa tại Việt Nam
Đặc điểm của tín ngưỡng tại Việt Nam
Đối tượng thiêng/ tính thiêng
Đối tượng thiêng/ tính thiêng trong các loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam không phải là một hay hai vị thần chủ tối cao mà là tập thể các thần linh với đủ cả hai giới tính: nam thần và nữ thần; vật linh (có thần tính/ vật thiêng), thậm chí cả thần cây cối (cây thiêng lâu năm có thần ngự bên trong (mộc tinh), như: thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề; có thần rừng, thần biển và thần nước… Vì thế đối tượng thiêng của các loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam là vô cùng phong phú và đa dạng.
Không có tổ chức thống nhất
Các loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam không có tổ chức thống nhất từ trung ương đến cơ sở như các tôn giáo có tổ chức, mà chỉ có những người, nhóm người có vai trò trực tiếp dẫn dắt các hoạt động thực hành nghi lễ và các cộng đồng người tin theo với những quy mô lớn nhỏ khác nhau.
Ví dụ
– Với thờ cúng tổ tiên ở cấp độ gia đình có chủ gia đình (nam giới) dẫn dắt cả gia đình; với thờ cúng tổ tiên của dòng họ là vai trò của trưởng họ dẫn dắt toàn gia tộc.
– Với tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, có cộng đồng thôn xóm, phe giáp và làng xã, trong đó hội đồng hướng chỉ (xưa) và hội đồng già làng, ban quản lý di tích (sau này) dẫn dắt các hoạt động cúng tế.
Không có giáo lý, giáo luật
Các loại hình tín ngưỡng ở Việt Nam không có giáo lý, giáo luật như các tôn giáo lớn trên thế giới (Kitô giáo, Phật giáo, Islam giáo) mà chỉ có một số loại văn tự dùng để thực hành trong nghi lễ, như: văn khấn (dùng trong cúng lễ tổ tiên gia đình và dòng họ), chúc văn (dùng trong cúng tế thần/ thánh tại đình đền), bản văn chầu (dùng trong thực hành lên đồng hầu bóng để cúng tế Thánh/thánh Mẫu).
Thực hành nghi lễ phong phú
Thực hành nghi lễ trong các loại hình tín ngưỡng rất phong phú và đa dạng: có Khấn lễ (với tổ tiên gia đình và dòng họ); có tế lễ (nam quan và nữ quan trong tế tổ họ và tế thần/ thánh của làng); có lên đồng, hầu bóng trong tế Thánh/ thánh mẫu; có nghi lễ shaman trong cúng tế ma họ và chữa bệnh của người Mông; có Tạp Ma, cúng ma trong lễ thức của người Mường,…
Sự khác nhau giữa tôn giáo và tín ngưỡng
Tôn Giáo | Tín Ngưỡng |
---|---|
Phải có 4 yếu tố cấu thành: Giáo chủ, Giáo lý, Giáo luật và Tín đồ | Không có |
Một người chỉ có thể có một tôn giáo | Một người có thể đồng thời sinh hoạt ở nhiều tín ngưỡng khác nhau |
Đều có hệ thống kinh điển đầy đủ, đồ sộ | Chỉ có một số bài văn tế, bài khấn, Bản văn… |
Đều có các giáo sĩ hành đạo chuyên nghiệp và theo nghề suốt đời | Không có ai làm việc này một cách chuyên nghiệp |
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu về Tín ngưỡng và tục thờ tại Việt Nam
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- Sách
- Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
- Đề cương tuyên truyền Giỗ Tổ Hùng Viên do Ban tuyên giáo Trung ương – Tỉnh ủy Phú Thọ ban hành.
- Một số nguồn khác từ Internet
Tham khảo thêm
Ngoài ra các bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết hay khác sau: