Lịch sử hình thành Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ

Chim Phượng 2

Các giai đoạn hình thành và phát triển Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ

Nền tảng cơ bản và cốt lõi hình thành Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ

Đã từ lâu tâm linh, tín ngưỡng đã đóng vai trò rất quan trọng đối với người dân Việt trong đó tín ngưỡng thờ Mẫu là tập tục phổ biến và có từ lâu đời. Từ thủa lập quốc đến nay, dân tộc Việt vẫn coi mình là con rồng cháu tiên, với người mẹ có công sinh thành là Âu Cơ. Đó là tập tục thờ các vị nữ thần có từ thời nguyên thủy với các nữ thần đại diện cho thiên nhiên như Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Lúa … đến các vị nữ anh hùng, các vị Công Chúa, Hoàng Hậu hay bà Tổ cô của dòng họ, bà Tổ nghề của một làng nghề. trong dân gian. Các vị nữ thần thường được nhân gian suy tôn là Thánh Mẫu. Đó vừa là vị thần có quyền năng mầu nhiệm vừa là người mẹ bao dung che chở cho đàn con thơ, Vừa huyền bí lại vừa gần gũi.

Bên cạnh tín ngưỡng thờ Mẫu, người dân Việt Nam còn có truyền thống thờ phụng tưởng nhớ tới các vị anh hùng và các danh nhân đã có công với đất nước, qua đó thể hiện được chân lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Chính tín ngưỡng thờ Mẫu, truyền thống thờ phụng tưởng nhớ tới các vị anh hùng và danh nhân có công với đất nước – sau khi trải qua quá trình bồi đắp về văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh – đã trở thành những nhân tổ nền tảng cốt lõi cho sự hình thành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ.

Canh hoa trang

Nền tảng hình thành Thủy Phủ

Từ xa xưa, nhân dân ta đã có tục thờ thủy thần. Bản thân Lạc Long Quân – thủy tổ của dân tộc Việt – cũng là một vị thủy thần. Do vậy mà có thể nói nền tảng thờ thủy thần có thể coi là gắn liền với sự ra đời của dân tộc Việt. Đến thời Hùng Vương thứ 18 có sự xuất hiện của Vĩnh Công Đại Vương cùng với 10 tướng tài đã có công lao lớn giúp Vua Hùng đánh tan quân Thục trên 8 cửa biển. Với sự xuất hiện này, Vĩnh Công Đại Vương đã đặt nền tảng cơ bản cho sự hình thành Thủy Phủ.

Tuy nền tảng về tín ngưỡng thờ cúng Thủy Phủ đã có sẵn từ lâu đời, nhưng trước thế kỷ thứ XVII vẫn chưa có sự kết hợp thống nhất các vị thánh của Thủy Phủ lại với nhau thành một Phủ thống nhất, cũng như chưa có sự kết hợp của Thủy Phủ với Nhạc Phủ, với Thiên Phủ, và Địa Phủ để hình thành Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ.

Nền tảng hình thành Nhạc Phủ

Từ xa xưa, nhân dân ta đã có tục thờ thần núi. Đến thời Hùng Vương thứ 18 có sự xuất hiện của Đức Thánh Tản Viên Sơn Tinh và Công Chúa La Bình (con gái đức Thánh Tản Viên, được đồng hóa là Mẫu Thượng Ngàn). Với sự xuất hiện này, Đức Thánh Tản Viên và Công Chúa La Bình đã đặt nền tảng cơ bản cho sự hình thành Nhạc Phủ.

Nền tảng Nhạc Phủ cũng được ra đời gắn liền câu chuyện Mẫu Thượng Ngàn hiển linh giúp vua Lê Thái Tổ trong trận đánh Xương Giang, Chi Lăng. Câu chuyện dã sử tương truyền về một đàn đom đóm kết đèn dẫn đường trong đêm Lê Thái Tổ hành quân đánh trận Xương Giang, Chi Lăng giết chết Liễu Thăng. Khi ca khúc khải hoàn, ban thưởng công lộc cho tướng sĩ, sắc phong cho các vị linh thần âm phù xã tắc, Lê Thái Tổ không quên hình ảnh đàn đom đóm kết đèn dẫn đường. Nhà Vua mộng thấy một quản chưởng mặc áo trắng nói rằng “Ta là quản chưởng sơn lâm. Ta cho biến thành đom đóm dẫn đường cho nhà Vua giết giặc”. Vua Lê Thái Tổ đã sắc phong bà là “Nhạc phủ Lê Mại Đại Vương Hiệu Viết Bạch Anh Chưởng Sơn Lâm Công Chúa”.

Tuy nền tảng về thờ cúng Nhạc Phủ đã có sẵn từ lâu đời, nhưng trước thế kỷ thứ XVII vẫn chưa có sự kết hợp thống nhất các vị thánh của Nhạc Phủ lại với nhau thành một Phủ thống nhất, cũng như chưa có sự kết hợp của Nhạc Phủ với Thoải Phủ, với Thiên Phủ, và Địa Phủ để hình thành Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ.

Canh hoa trang

Đạo giáo gợi mở sự kết hợp thành Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ

Theo các nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã công bố, thì Tín ngưỡng Tứ Phủ được hình thành từ sự gợi mở của Đạo giáo trong việc kết hợp gắn kết các vị thánh với nhau thành một Phủ, cũng như sự kết hợp của các Phủ với nhau tạo thành Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ. Có thể thấy Đạo giáo lại có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào đất Việt cũng khoảng những năm đầu công nguyên và có sự hòa đồng dễ dàng với hệ tín ngưỡng dân gian bản địa của người Việt. Người Việt đã tiếp nhận đạo Giáo như tiếp nhận thêm một niềm tin vào các vị thần linh mới, có uy lực siêu phàm đối với cuộc sống và vận mệnh của họ, cũng như tiếp nhận thêm một phương thức giao cảm mới với các đấng siêu nhiên đó. Do vậy mà Đạo giáo khi du nhập vào nước ta cũng đã tự điều chỉnh và biến đổi thông qua việc phong tục hóa và dân gian hóa trở thành hai dòng tin ngưỡng mới của Đạo giáo trên mảnh đất Việt: – Đạo Thần tiên và đạo – Phù thủy.

Đạo Thần tiên (hay đạo Tu tiên) được đặc trưng bởi việc luyện linh đan, tu luyện phép trường sinh bất lão và bất tử để trở thành tiên. Người theo đạo này mang nặng tư tưởng xa lánh cuộc sống trần gian, phớt đời và giữ cho tâm hồn phiêu diêu tự tại…. Còn đạo Phù thủy có sử dụng ma thuật, bùa phép để thờ cúng thần linh hoặc để xuất hồn và nhập hồn, hay chữa bệnh trừ tà bằng tàn hương nước thải …

Một trong những đặc điểm quan trọng của Đạo Giáo đã ảnh hưởng đến sự hình thành của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đó chính là một cấu trúc chặt chẽ của hệ thống các vị thánh trong Đạo Giáo, trong đó Thiên Phủ có Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thủy Phủ có Bát Hải Long Vương, Nhạc Phủ có Ngũ Nhạc Thần Vương và Địa Phủ có Thập Điện Diêm Vương, và cai quản ba cõi Thiên, Địa, Thủy có Tam Quan Đại Đế, v.v….

Như vậy bản thân Đạo Giáo đã gợi mở ra cho tín ngưỡng dân gian Việt Nam hướng đến sự kết hợp các vị thành với nhau thành một Phủ, cũng như sự kết hợp của các Phủ với nhau tạo thành Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ. Tuy nhiên điều này chỉ được thực hiện sau khi Mẫu Liễu Hạnh giáng trần và hiển linh vào cuối thế kỷ thứ XVI, đầu thế kỷ thứ XVII.

Canh hoa trang

Mẫu Liễu Hạnh và sự hình thành của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ

Đến thế kỷ 16, xã hội phong kiến Đại Việt khi mà Nho giáo chiếm vị trí độc tôn càng đè nặng lên thân phận người phụ nữ thì trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt lại xuất hiện thêm một linh hồn bất tử nữa, đó là vị Nữ thần quê ở làng Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định) – Mẫu Liễu Hạnh công chúa. Sự linh thiêng cao đạo của Bà, cùng với việc ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian, cũng như sự gợi ý về mặt cấu trúc của Đạo Giáo đã dẫn tới sự hình thành tín ngưỡng Tam Tứ phủ.

Mau Lieu Hanh

Mẫu Liễu Hạnh được dân gian tôn vinh là Thánh Mẫu (Mẫu Liễu) làm vị thần chủ trông coi cõi Nhân gian (hay Trần gian) và tương ứng với cõi này là Địa Phủ. Có lẽ từ đây Tín ngưỡng Tam Tứ phủ nhanh chóng ăn sâu vào tâm thức dân gian của người dân đất Việt. Tuy nhiên không chỉ thờ riêng Mẫu Liễu, mà Tín ngưỡng còn thờ rất nhiều các vị thánh khác thuộc “Tứ phủ công đồng” gồm có Tứ Mẫu trông coi 4 miền của Vũ trụ: Trời, Rừng, Nước, Đất; với trung tâm là “Tam Tòa Thánh Mẫu”. Trong đó, Mẫu đệ nhất là Mẫu Thiên; Mẫu đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu đệ tam là Mẫu Thoải (Thủy); Mẫu đệ tử là Mẫu Địa. Riêng ở những ngôi đền (hay phủ) thờ Mẫu Liễu thì dân gian đồng nhất với Mẫu Địa và đồng thời là đại diện cho Mẫu Thiên. Và Tam tòa Thánh Mẫu khi ấy là: Mẫu đệ nhất là Mẫu Liễu (mặc áo đỏ, đồng nhất với Mẫu Địa và Mẫu Thiên); Mẫu đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn (mặc áo xanh lá cây); Mẫu đệ Tam là Mẫu Thoải (mặc áo trắng), như ở Phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội) và Phủ Sòng (Thanh Hóa), v.v… Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đã đáp ứng nhu cầu không chỉ của nông dân, nông thôn mà còn cả tầng lớp thương nhân ở đô thị, nhất là từ cuối thế kỷ XVI và đầu thế kỷ thứ XVII.

Canh hoa trang

Sự mở rộng vào Thanh Hóa và cuộc chiến với Nội Đạo Tràng thế kỷ XVII

Sự ra đời của Nội Đạo Tràng và sự xuất hiện Mẫu Liễu diễn ra như thế nào Theo sách Tang thương ngẫu lục do Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án viết vào khoảng năm 1786 (in vào 1796), Nội Đạo Tràng ra đời vào khoảng nữa đầu thế kỷ XVII. Câu chuyện nội Đạo Tràng do Phạm Đình Hổ kể lại là về công tích của các pháp sư Đạo giáo ở Quảng Xương (Thanh Hóa) đã dùng thuật bùa chủ phù thủy để chữa bệnh lạ cho vua Lê Thần Tông (11 – 1643). Các pháp sư này đã được triều đình nhà Lê ban thưởng, ghi nhận và cho lập cơ sở hành đạo, tuyển môn sinh và phát triển ở đất Thanh Hóa cũng như trên toàn đất Bắc Việt Nam. Cùng với sách này, các tư liệu điền dã đã giúp làm sáng tỏ câu chuyện xưa. Người khởi xướng phái phù thủy ở Thanh Hóa là pháp sư Trần Ngọc Lành (trên sách trên thì tên gọi là Trần Lộc và một số viết sau sách viết sau này gọi là Trần Toàn). Trên điện thờ, Ngài có pháp danh là Thượng không Phật là tại quê hương, người dân thường gọi là Phật tổ. Dòng phái này bắt đầu phát triển qua các môn đồ thuộc nội tộc của Ngài là ba người con trai và một người cháu trai. Ở điện thờ, bốn vị này đã được phong Tả tôn thánh, Hữu tôn thánh, tiền quan thánh). Dòng phái này tiếp tục được mở rộng qua các môn đồ ngoại tộc và có tới hàng ngàn môn sinh ở đất Thanh Hóa (tại các huyện Quảng Xương, Hoàng Hóa, Bá Thước, cẩm Thủy, Thạch Thành, Mường Lát) , ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương. Sự tồn tại và phát triển một thời của dòng phái này đã được ghi lại ở một số sách khác đời trước, nhưng có thể thấy cụ thể qua sự bố trí điện thờ tại chùa Mậu Xương còn tồn tại tới ngày nay, đây là nơi hóa của các thánh (làng Mậu Xương, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa). Hình thức bố trí điện thờ theo bố trí của Tam bảo chùa: hàng trên cùng là Thượng Không Phật (Tổ sư/Phật tổ Trần Ngọc Lành), hàng thứ hai là Tứ thánh – bốn thánh thuộc nội tộc (trực hệ) của Thượng Không Phật (là Tả, Hữu tôn thánh Tiền, Hậu quan thánh) và hàng thứ hai có hai Á thánh với pháp danh là Tự Pháp nên (người Hải Dương). Dấu tích của sự phát triển Nội Đạo Tràng cũng có thể tìm thấy ở chùa Từ Minh (xã Hoàng Long, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), nơi đây chính là cơ sở “đào tạo” của Nội Đạo. Cuộc “Nam tiến” vào đất Thanh của Liễu Hạnh và cuộc chiến với Tam thánh nội Đạo Tràng đã là một minh chứng và cũng đồng thời phản ảnh sự xung đột trong các nhóm phái Đạo giáo phù thủy ở Việt Nam lúc đó. Theo truyền thuyết, “cuộc chiến” này diễn ra là vì Liễu Hạnh đã gây tai họa cho những người dân Thanh Hóa, chuyện được tâu lên nhà vua và Tam thánh của Nội Đạo Tràng đã được cử đến để diệt trừ. Cuộc thánh chiến này là một sự “cân tài, cân sức” giữa những đạo giữa những đạo sĩ phù thủy. Phép “lục trí thần thông” của Liễu Hạnh đã bị phép thuật “thượng không” của Tam thánh hóa giải, Liễu Hạnh thua và bị bắt giải về triều đình. Nhưng điều kỳ lạ ở đây là dù bị thua nhưng sau đó, ở Thanh Hóa đã có tới 48 đền, phủ thờ Bà (được “thống kê” vào thời Lê Cảnh Trị, 1663 – 1671), có lẽ cũng không kém so với Nam Định – nơi sinh thành của thánh Mẫu.

Cũng theo Vân hương Thánh Mẫu, tam vị đại từ tôn thấy, nguyên nhân Mẫu Liễu thua các pháp sư Nội Đạo Tràng là bởi lúc đó bà chưa được thụ pháp của nhà Phật. Như thế, cuộc chiến Sòng Sơn đã phản ánh một khía cạnh khác của dòng phải đạo giáo phù thủy Việt Nam từ thế kỷ XVII trở đi là, dù được bắt đầu phát triển trở lại nhưng nếu muốn tồn tại, phải này phải “núp bóng” Phật giáo. Điều này cũng được thấy rõ qua tên gọi các nơi thờ tự của Nội Đạo Tràng đều gắn với chữ “chùa..”. Tuy nhiên, đây chỉ là biểu hiện bên ngoài của hướng phát triển của dòng phái này. Thực chất, những gì ẩn chứa bên trong sự hành đạo của thánh Liễu mới là xu hướng chính của nó, được thể hiện trong những truyền thuyết về những chuyến du hành, những chuyến “tiêu diêu” của thánh Liễu khắp đất Việt, từ Lạng Sơn, Cao Bằng về Hà Nội, vào Thanh Hóa (mà sau này các nơi Bà đến đều có đền thờ: ở mười huyện). Theo truyền thuyết, những nơi này đều là những danh thắng, những nơi sơn thủy hữu tình và Bà thường thích gặp gỡ với những “tao nhân mặc khách”, thích xướng họa thơ phủ, tất cả những biểu hiện này đều chỉ ra phong cách của những đạo sĩ thần tiên.

Trở lại với hiện tượng sau sự kiện “Sòng Sơn đại chiến” hay sau sự xung đột giữa Mẫu Liễu với Nội Đạo Tràng đã từng có hàng ngàn môn sinh ở các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương, có hẳn trường dạy hành đạo ở các nơi này, vậy tại sao sau cuộc chiến Sòng Sơn, nhóm phái này chiến thắng mà lại không tiếp tục phát triển được để rồi sau đó dần thu hẹp lãnh địa. Không gian các tỉnh Bắc Việt Nam đã dần trở thành không gian của các đền, phủ thờ Mẫu Liễu. Nếu lần theo dấu vết trong thống kê Thần tích, thần sắc sẽ thấy rõ hiện tượng này. Tìm hiểu lý do, ta có thể thấy là từ những căn nguyên lịch sử, xã hội chính trị mà qua bộc lộ sự không thích ứng của phái Đạo phù thủy thời bấy giờ. Đây cũng là lý do để nhóm Nội Đạo Tràng (ở Thanh hóa) dần mất đi tầm ảnh hưởng so với nhóm Đạo giáo có thánh chủ là Liễu Hạnh (ở Nam Định) đang dần tăng lên. “Cuộc chiến Sòng Sơn” là dấu mốc đầu tiên cho chặng đường thứ hai của quá trình hình thành Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, bắt đầu từ thế kỷ XVII.

(Nguồn: TS. Đỗ Lan Phương, Viện Nghiên cứu Văn hóa)

Canh hoa trang

Sự mở rộng của Tín ngưỡng Tứ Phủ dừng lại ở Đèo Ngang thời Nhà Lê

Nếu chúng ta để ý kỹ có thể nhận thấy rằng vào thời nhà Lê, tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh cũng như sự mở rộng của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ bị giới hạn tại vùng đất Đèo Ngang, Quảng Bình. Sự tích cho thấy Mẫu Liễu Hạnh mặc dù vân du rộng khắp nhưng dừng chân ở Đèo Ngang. Sự hiển linh của Mẫu dưới hình ảnh cô gái bán hàng tại Đèo Ngang đã được ghi chép lại trong nhiều tài liệu và câu chuyện. Thậm chí tại Đèo Ngang hiện nay còn có ngôi đền thờ Liễu Hạnh Công Chúa. Tuy nhiên khi bước qua Đèo Ngang, ta không còn thấy có sự hiện diện của các di tích, đền thờ Mẫu Liễu Hạnh cũng như Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ.

Để lý giải cho sự dừng chân của Mẫu Liễu Hạnh tại Đèo Ngang, nhiều người đã cho rằng bên kia Đèo Ngang là “lãnh địa” của Thiên Y A Na Thánh Mẫu và trên ngọn núi cao nhất Nam Bộ, ở biên giới tiếp giáp giữa Việt Nam và Campuchia là nơi ngự của Linh Sơn Thánh Mẫu.

Canh hoa trang

Sự mở rộng của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ vào Huế thời Nhà Nguyễn

Trong thời kỳ quân chủ phong kiến, nhất từ thời Lê, do lấy tư tưởng Nho giáo độc tôn, nên Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ bị xếp vào thứ đạo phi chính thống. Tuy nhiên thời Nhà Nguyễn, nhất là sau triều vua Đồng Khánh đến Bảo Đại, thì Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ được tôn sùng. Đặc biệt, trong giai đoạn này Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đã mở rộng vượt qua giới hạn Đèo Ngang để vào tới TP. Huế. Cụ thể hơn có thể thấy rằng từ xa xưa người Chàm đã dựng đền để thờ nữ thần Po Nagar ở miền Trung. Về sau, người Việt theo Thiên Tiên Thánh giáo tiếp tục thờ bà dưới danh xưng thánh Mẫu Thiên Y A Na. Thiên Tiên Thánh giáo là một tôn giáo bình dân địa phương, mang tính huyền thoại, được truyền miệng từ đời này qua đời khác, lịch sử rất mơ hồ. Từ năm 1854, Liễu Hạnh Công Chúa, tức Vân Hương Thánh Mẫu, cùng hệ thống Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ từ ngoài Bắc cũng được đưa vào thờ ở Điện Hòn Chén, đánh dấu một sự mở rộng mới của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ.

Canh hoa trang

Sự mở rộng của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ vào miền Nam từ thế kỷ XIX

Sau năm 1954, người Việt Bắc bộ vào Nam và mang theo Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ. Tín ngưỡng thờ Mẫu theo dạng thức Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ tồn tại cùng với tín ngưỡng thờ Mẫu ở dạng thờ Nữ thần, Mẫu thần phổ biến ở Nam bộ.

Trước năm 1975, tại Miền Nam Việt Nam, các tín hữu Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đã hình thành nên hai tổ chức “Tiên Thiên Thánh Mẫu giáo Trung Việt” (1955, trụ sở ở Huế), “Hội Thánh Mẫu”, trụ sở ở Đà Lạt. Năm 1973, hai tổ chức này hợp nhất thành “Việt Nam thánh Mẫu hội”. Từ sau giải phóng 1975, Hội này bị giải thể và co lại hoạt động xung quanh điện Huệ Nam (Hòn Chén).

Là một thần chủ của Tín ngưỡng Tam Tứ phủ Bắc bộ, Thánh Mẫu Liễu Hạnh tiếp tục hành trình đi tới khắp mọi miền của đất nước. Sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa của tín ngưỡng Mẫu Liễu khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại như một hằng số tâm linh và vị Thánh Mẫu thần chủ, Liễu Hạnh, là Mẫu của các Mẫu, là sự kết tinh của tâm thức dân tộc trong suốt hành trình lịch sử nhọc nhằn mà vinh quang.

Ngày nay, Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ vẫn tiềm ẩn chiều hướng phát triển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế thị trường và đô thị hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đã phát triển rộng khắp ở cả đồng bằng, đô thị và miền núi, tạo nên một nét khả nổi bật trong bức tranh chung vốn hết sức đa dạng và phong phủ của đời sống tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam.

Canh hoa trang

Quá trình hình thành hệ thống thần linh trong điện thờ Tứ Phủ

Ban Tho he thong than linh trong dien tho Tu Phu

Vua Cha Bát Hải và Hàng Quan Lớn

Quay ngược lại thời gian để tìm ra nơi khởi nguồn của Đạo Tứ Phủ Việt Nam, chúng ta sẽ thấy một điều đặc biệt: hai cái nội của Tín Ngưỡng Tứ Phủ nằm ở hai mảnh đất khá gần nhau: Vụ Bản – Nam Định nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, và Quỳnh Phụ – Thái Bình nơi thờ Vua Cha Bát Hải Động Đình, hai nơi này với khoảng cách chỉ vào khoảng 50km đã tạo ra một tiền đề quan trọng cho sự hình thành Tín Ngưỡng Tứ Phủ Việt Nam vào giai đoạn đầu.

Chúng ta cùng nhau công nhận một số nguyên tắc như sau khi xét đến sự hình thành của Tín Ngưỡng Tứ Phủ ở giai đoạn sơ khai:

Nguyên tắc 1

Tín Ngưỡng Tứ Phủ được hình thành bởi một hệ thống gồm nhiều vị thánh khác nhau, mỗi vị thánh lại được thờ ở một nơi nhất định. Như vậy mặt địa lý đóng một vai trò quan trọng trong sự hình thành của tín ngưỡng.

Nguyên tắc 2

Trong giai đoạn sơ khai của Tín Ngưỡng Tứ Phủ, hệ thống các vị thánh không thể đầy đủ như hiện nay, mà trước hết sẽ chỉ bao gồm một vài vị đứng đầu và quan trọng nhất trong tín ngưỡng. Cùng với thời gian, các vị thánh khác mới dần dần được đưa thêm vào Tứ Phủ. Cấu trúc hệ thống thần linh Tứ Phủ cứ thế mà hoàn thiện cho đến khi đạt được một hệ thống như ngày nay.

Như vậy với khoảng cách khá gần nhau giữa Vụ Bản – Nam Định (nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh) với Quỳnh Phụ – Thái Bình (nơi thờ Vĩnh Công Đại Vương – Vua Cha Bát Hải Động Đình và các quan lớn), cùng với sự linh ứng đặc biệt của hai dòng tín ngưỡng này, kết quả đã hòa quyện lại làm một bởi các pháp sư thầy cúng thời đó để tạo thành Tín ngưỡng Tứ Phủ sơ khai. Chú ý rằng các vị Quan Lớn được thờ cùng với Vua Cha Bát Hải trong hệ thống quần thể di tích Đền Đồng Bằng, do vậy ở giai đoạn đầu tiên của sự giao thoa này hệ thống vị thánh trong tín ngưỡng bao gồm Ngọc Hoàng Thượng Đế, Vua Cha Bát Hải, Tam Tòa Thánh Mẫu và các vị Quan Lớn.

Chúng ta lại cùng nhau nhắc lại một câu nói quen thuộc:

“Tháng tám tiệc cha, tháng ba tiệc mẹ”

Ngày nay nhiều người hiểu rằng “tháng tám tiệc cha” là để chỉ ngày tiệc của Đức Ông Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương, tuy nhiên không hẳn như vậy, bởi vì trước đây tín ngưỡng Trần Triều tách rời với tín ngưỡng Tứ Phủ, chỉ có giai đoạn gầy đây (cuối thế kỷ XX trở đi) mới có sự hợp nhất lại giữa hai dòng tín ngưỡng này trong điện thờ Tứ Phủ và hầu đồng thành một buổi lễ duy nhất như ngày nay. Câu nói “tháng tám tiệc cha” về nguyên bản có ý nghĩa rằng tháng tám là tiệc của Vua Cha Bát Hải Động Đình, còn “tháng ba tiệc mẹ” có ý nghĩa rằng tháng ba là tiệc của Mẫu Liễu Hạnh. Câu nói “tháng tám tiệc cha, tháng ba tiệc mẹ” ngoài việc nhắc nhở con cháu phải nhớ lấy ngày tiệc của Mẫu của Vua Cha, còn có một ý nghĩa quan trọng khác về mặt lịch sử: tín ngưỡng Tứ Phủ được hình thành từ sự giao thoa giữa tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Nam Định và Vĩnh Công Đại Vương ở Thái Bình. Mẫu Liễu Hạnh và Vĩnh Công Đại Vương đã trở thành hình ảnh như người cha, người mẹ, như là cái nôi ban đầu khởi nguồn cho sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng Tứ Phủ.

Với quan điểm tín ngưỡng Tứ Phủ được hình thành từ sự giao thoa giữa tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh ở Nam Định và Vĩnh Công Đại Vương ở Thái Bình thì hệ thống vị thánh trong tín ngưỡng lúc đó bao gồm Ngọc Hoàng Thượng Đế, Vua Cha Bát Hải, Tam Tòa Thánh Mẫu và các vị Quan Lớn trở thành trở thành các vị thánh cốt lõi. Điều này rất hợp lý nếu như chúng ta để ý kỹ đến nghi thức hầu đồng hiện nay, chúng ta sẽ thấy rằng trong các nghi thức làm lễ hầu đồng, thì hầu hết các nghi lễ dâng sớ, tán đàn, hóa mã đều kết thúc ở giá hàng quan lớn chứ không phải đến giá hàng Chầu, hàng ông Hoàng, hay hàng cô hàng cậu. Điều này cho thấy ở thời kỳ ban đầu của Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ hệ thống các vị thánh chỉ đến hàng quan lớn, chưa có hàng chầu bà, hay ông Hoàng, chính vì thế mà các nghi thức chỉ dừng lại ở hàng quan lớn, sau đó là tiến hành tán đàn. Sau này khi tín ngưỡng phát triển, các hàng các giá mới được thêm vào hệ thống thì nguyên tắc tán đàn hóa mã sau hàng quan lớn vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Canh hoa trang

Quan Đệ Ngũ được đưa vào Tứ Phủ sau các vị Chầu Bà

Chúng ta sẽ tìm hiểu về điều này thông qua một số dẫn chứng cụ thể, mà dẫn chứng đầu tiên là một bức tranh cổ về sự giao hòa của Đạo Phật và Tứ Phủ ở dưới đây:

su giao hoa cua Dao Phat va Tu Phu

Để ý kỹ bức tranh trên chúng ta nhận thấy sự giao hòa của Phật giáo với tín ngưỡng Tứ Phủ. Trong bức tranh bao gồm những lớp chính như sau:

Lớp trên cùng: Tam Thế Phật

Lớp thứ hai: Ngọc Hoàng Thượng Đế, Quan Nam Tào và Quan Bắc Đẩu

Lớp thứ ba: Tam Tòa Thánh Mẫu bao gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải Phủ.

Lớp thứ tư: Tứ Vị Tôn Quan bao gồm Quan Đệ Nhất Thượng Thiên, Quan Đệ Nhị Thượng Ngàn, Quan Đệ Tam Thoải Phủ, Quan Đệ Tử Khâm Sai.

Lớp thứ năm: Tứ Vị Chầu Bà bao gồm Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên, Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Chầu Đệ Tam Thoải Phủ, Chầu Đệ Tử Khâm Sai,

Trung tâm giữa hàng Quan và hàng Chầu: Địa Tiên Thánh Mẫu ngồi trên tòa sen (hay còn gọi là Mẫu Liễu Hạnh). Sở dĩ Mẫu Liễu Hạnh ngồi trên tòa sen (chỉ dành cho Đức Phật và Bồ Tát) bởi vì Mẫu Liễu Hạnh cũng chính là một vị bồ tát (Mã Vàng Bồ Tát). Có người có quan điểm rằng ở vị trí này trong tranh chính là Quan Âm Bồ Tát, hoặc Chuẩn Đề Bồ Tát, hoặc Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ Tát, tuy nhiên quan điểm này không hợp lý bởi vì các vị Bồ Tát trên luôn được đặt ở vị trí cao hơn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Chỉ có Mẫu Liễu Hạnh (Mã Vàng Bồ Tát) là đặt dưới vị trí của Ngọc Hoàng Thượng Đế do Mẫu Liễu Hạnh chính là công chúa – con gái của Ngọc Hoàng Thượng

Lớp dưới cùng: các cô các cậu hầu cận

Nhận xét thấy rằng trong giai đoạn này Tín ngưỡng Tứ Phủ chưa có sự xuất hiện Thập Vị Hoàng Tử và Tứ Phủ Thánh Cô. Ngay cả Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh cũng chưa được đưa vào Tứ Phủ, vì nếu Quan Đệ Ngũ đã được đưa vào Tứ Phủ thì không thể thiếu được hình ảnh của ngài trong bức tranh này. Điều này đưa chúng ta đến một kết luận: Quan Đệ Ngũ được hội nhập vào hệ thống thần linh của Tứ Phủ sau Tứ Vị Chầu Bà.

Ngoài bức tranh thờ cổ ở trên còn có một dẫn chứng khác cũng nói lên điều này, đó chính là một cách hầu đồng ở Vĩnh Phúc. Trong cách hầu này thì thử tự như sau:

Hầu từ giá quan Đệ nhất đến giá quan Đệ tử, thì tiếp tục về hai giá hàng Chầu là Chầu nhị, Chầu lục. Rồi trở lại giá Quan Đệ ngũ Tuần Tranh thì tán đàn, thiêu hoả mã. Hết phần các giá đồng hầu chứng lễ. Kết thúc phần nghi lễ. Buổi chiều tiếp từ giá đồng hầu vui là: Chầu Mười, Chầu Bé, …

Như vậy việc hầu Quan Đệ Ngũ sau các vị Chầu Bà một phần cũng có nguyên do đơn giản là vì xét về mặt thời gian Quan Đệ Ngũ được đưa vào Tứ Phủ sau cả các vị Chầu Bà.

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Lịch sử hình thành Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng

Xin trân trọng cám ơn!

Tìm hiều thêm: