Bán khoán : Tín ngưỡng bán khoán con vào Chùa hoặc Đức Thánh Trần

Chim Phượng 2

Bán khoán con là gì?

Bán khoán con là một tín ngưỡng tâm linh phổ biến, thường được thực hiện bởi những gia đình có con khó nuôi hoặc có các vấn đề sức khỏe. Thông qua việc bán khoán, con của họ được chuyển nhượng cho các chùa hoặc giao cho Đức Thánh Trần. Thời gian bán thường kéo dài khoảng 12 năm trước khi được chuộc về. Mục đích của việc này là nhờ vào sự nương nhờ của thần linh, sử dụng quyền năng của thần linh để trấn áp tà ma quỷ dữ và giúp đứa trẻ phát triển nhanh chóng.

Canh hoa trang

Khi nào phải bán khoán con?

Bán khoán con thường được áp dụng trong những trường hợp khi trẻ có những triệu chứng khác thường gây khó khăn trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng, chẳng hạn như sức khỏe yếu, thường xuyên bị ốm đau, khóc lóc không rõ nguyên nhân hoặc sinh vào giờ không xấu (Kim Xà, Thiết Tỏa, Quan Sát, Diêm Vương, Dạ Đề, Tướng Quân). Bằng cách bán khoán con cho chùa hoặc Đức Thánh Trần, mục đích là để đảm bảo trẻ có được một môi trường phát triển khôn lớn và bình thường.

Các giờ xấu:

Giờ Kim Xà, Thiết Tỏa

Đứa trẻ không may sinh vào giờ này thì khó sống qua tuổi 12, 13, cho dù có sống thì cũng đau yếu.

Cách tính giờ Kim Xà, Thiết Tỏa

Để tính được giờ kim xà thiết tỏa, trước tiên gia đình phải xác định được 12 cung tuổi trên các đốt ngón tay của trẻ.

12 cung ban tay

Sau khi xác định được các cung trên bàn tay, bắt đầu từ cung Tuất chọn tính làm năm Tý khởi thuận cho đến năm sinh của trẻ. Tại đây, lại bắt đầu tính nghịch cho đến tháng sinh. Đến tháng sinh lại chọn đó lấy làm ngày mồng một khởi thuận cho đến ngày sinh. Tương tự tại đây lại bắt đầu tính nghịch lại cho đến giờ sinh. Nếu giờ sinh của bé gái phạm vào các cung Sửu, Mùi tức là trẻ phạm giờ Kim Xà. Ngược lại, với bé trai nếu phạm cung Thìn, Tuất tức là phạm giờ Kim xà.

Giờ Quan Sát

Phạm giờ Quan Sát, trẻ con hoặc hay đau yếu, hoặc bị tai nạn bất ngờ đe dọa sinh mệnh. Cách tính chỉ dựa theo giờ, tháng sinh theo bảng dưới đây:

  • Sinh vào Tháng Giêng: Sinh giờ Tị
  • Sinh vào Tháng Hai: Sinh giờ Thìn
  • Sinh vào Tháng Ba: Sinh giờ Mão
  • Sinh vào Tháng Tư: Sinh giờ Dần
  • Sinh vào Tháng Năm: Sinh giờ Sửu
  • Sinh vào Tháng Sáu: Sinh giờ Tý
  • Sinh vào Tháng Bảy: Sinh giờ Hợi
  • Sinh vào Tháng Tám: Sinh giờ Tuất
  • Sinh vào Tháng Chín: Sinh giờ Dậu
  • Sinh vào Tháng Mười: Sinh giờ Thân
  • Sinh vào Tháng Mười Một: Sinh giờ Mùi
  • Sinh vào Tháng Chạp: Sinh giờ Ngọ

Giờ Diêm Vương

Phạm giờ này, trẻ con thường có nhiều chứng dị kỳ, như hay giật mình, hốt hoảng, trợn mắt, lè lưỡi, hầu như bị một ám ảnh nào lớn lao trong tâm trí mà đứa trẻ cơ hồ như ý thức được. Cách tính giờ Diêm vương theo tháng và giờ sinh như sau:

  • Sinh vào Mùa Xuân: Sinh giờ Sửu, Mùi
  • Sinh vào Mùa Hạ: Sinh giờ Thìn, Tuất
  • Sinh vào Mùa Thu: Sinh giờ Tý, Ngọ
  • Sinh vào Mùa Đông: Sinh giờ Mão, Dậu

Giờ Dạ Đề

Thường bị trì trệ về khí huyết gây mệt mỏi, đêm trẻ hay giãy đạp kêu khóc.

Cách tính:

  • Sinh vào Mùa Xuân: Sinh giờ Ngọ
  • Sinh vào Mùa Hạ: Sinh giờ Dậu
  • Sinh vào Mùa Thu: Sinh giờ Tý
  • Sinh vào Mùa Đông: Sinh giờ Mão

Giờ Tướng Quân

Phạm giờ này trẻ em thường bị bệnh, khi nhỏ hay khóc dai, khi lớn mặt mũi hiền lành nhưng tính khí bướng nghịch nhưng giờ này nhẹ ít đáng lo ngại.

Cách tính:

  • Sinh vào Mùa Xuân: Sinh giờ Thìn, Tuất, Dậu
  • Sinh vào Mùa Hạ: Sinh giờ Tí, Mão, Mùi
  • Sinh vào Mùa Thu: Sinh giờ Dần, Ngọ, Sửu
  • Sinh vào Mùa Đông: Sinh giờ Thân, Tị, Hợi

Những Xung Kỵ Khác

Sinh năm Dần, Ngọ, Tị, Dậu vào bốn giờ Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì tối độc.

Sinh năm Dần, Hợi, Tị vào giờ Ngọ, Thân, Dậu, Hợi thì khắc cha, cha chết trước lúc con còn nhỏ tuổi nhưng nếu qua 16 tuổi mà chưa mồ côi cha thì sự hình khắc đó coi như tiêu tán và cha con có thể chung sống lâu dài được.

Sinh năm Thìn, Tị, Sửu, Mùi vào giờ Tý, Ngọ, Mão, Tị, Hợi, Thân, Dậu thì khắc mẹ trước.

Ba loại xung khắc này phải được tính chung với ba cung Mệnh, Phúc và Phu để có thêm yếu tố xét đoán.

Canh hoa trang

Lễ bán khoán con vào chùa

Bán khoán con trên chùa thì làm hai khóa lễ. Khóa lễ thứ nhất tụng kinh niệm Phật trước Tam Bảo, khóa lễ thứ hai tụng kinh trước ban thờ Đức Ông, và sau đó xin Đức Ông cho đứa trẻ làm con nuôi của Người. Ở khóa lễ này thì đứa trẻ được đặt một cái tên mới mang họ Thích hoặc họ Màu. Sau 12 năm, cha mẹ đến chùa chuộc con mình về.

Canh hoa trang

Lễ bán khoán con cho Đức Thánh Trần

Sau khi đứa bé đã qua 100 ngày đầu đời. Chọn ngày lành tháng tốt, sửa một lễ . Nhờ thầy nho viết cho một đạo sớ xin bán và một bức điệp (văn tự) bằng vải vàng, có in chữ Nho để bán con cho Ngài. Đến đền nhờ các cụ đóng dấu (ấn) lên miếng điệp. Đem tất cả vào dâng lễ, tiến sớ và hóa sớ. Miếng điệp vàng đem về nhà. Trong 100 ngày đầu phải treo tấm Điệp đó lên đầu giường của đứa trẻ nằm, để thần linh biết được đó là con Ngài mà tùy theo mà phù hộ hoặc tà ma biết được mà xa lánh đi. Sau đó đem gói cất, khi nào đứa bé trái gió trở trời hay tự nhiên quấy khóc thì đem ra lồng dưới gối mà ngủ.

Sau khi đứa trẻ được bán làm con Ngài một năm 3 dịp : Tết, 20/8 và 10/12 (Âm Lịch), gia đình phải tới dâng lễ. Các tháng thì tùy tâm, vào ngày sóc vọng có điều kiện đến cửa đền dâng hương cầu khẩn thì càng hay. Cha mẹ đứa bé, lúc đó phải xưng hô là Mại chủ, đứa bé là Mại tử trong khi cầu khấn dâng lễ trước Ngài.

Ngày thường nhật phải gọi tên đứa bé bằng tên mới chọn khi bán khoán. Mỗi dịp cúng tế khi phải nêu họ tên đứa trẻ thì phải dùng họ của Ngài cho đứa trẻ (Ví dụ tên thường gọi : Lê Văn Dũng thì khi cúng tế thì sẽ là Trần Quốc Dũng).

Tham khảo thêm

Canh hoa trang

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Lễ Bán Khoán

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu.

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn khác từ Internet (huyenbi.net, hocthuatphuongdong.vn, battrang24h.com…)

Xin trân trọng cám ơn!

Hoa sen vàng