Lịch tiệc Tứ Phủ tháng 5: Tiệc Quan Đệ Ngũ; tiệc Chầu Lục
(Tín Ngưỡng Việt) – Các ngày tiệc Tứ Phủ trong tháng 5 âm lịch thường niên. Thông tin ngày tiệc, đền thờ, thần tích, cách sắm lễ tiệc Tứ Phủ tháng năm hàng năm.
Mục Lục Bài Viết
Tiệc Tứ Phủ tháng 5 thường niên
Tiệc Trần Triều Vương Cô Đệ Nhị
- Ngày tiệc: 5/5
- Thần tích: Vương Cô Đệ Nhị tức Đại Hoàng Công Chúa, là con gái thứ 2 của Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương, phu nhân của Điện súy Thượng Tướng quân Phạm Ngũ Lão.
- Đền thờ chính: Vương Cô Đệ Nhị không có đền thờ riêng. Tại các nơi thờ Trần Triều, Cô được thờ phụng cùng Đức Đại Vương. Còn riêng ở Đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) và Đền Trần Bảo Lộc (Nam Định) thì cô ngồi cận bên hữu Vương Phu Nhân. Ngoài ra, những đền khác nổi tiếng thờ phụng Nhị Vị Vương Cô Nhà Trần có thể kể tên là Đền Chúa thờ Bà Chúa Thượng Ngàn (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) hay đền Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam).
- Cách sắm lễ: Một đĩa hoa, một đĩa quả gồm nhiều loại quả, cơi trầu, cút rượu, xôi thịt, thẻ hương, giấy tiền và một cánh sớ.
Tiệc Trần Triều Đức Ông Đệ Tứ Hưng Trí Vương
- Ngày tiệc: 7/5
- Thần tích: Đức Ông Đệ Tứ Hưng Trí Vương tên húy là Trần Quốc Hiện, là con trai thứ tư của Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương.
- Đền thờ chính: Đức Ông Đệ Tứ Hưng Trí Vương không có đền thờ riêng. Ngài được thờ ở ban Tứ Vị Vương Tử, hoặc ban Công Đồng ở các nơi thờ Trần Triều.
- Cách sắm lễ: một đĩa hoa, một đĩa quả, cơi trầu, quả cau, cút rượu, xôi thịt, thẻ hương, giấy tiền và cánh sớ báo danh.
Tiệc Chầu Lục
- Ngày tiệc: 20/5
- Thần tích: Chầu Lục hay Chầu Lục Cung Nương, Chúa Lục… là vị Thánh Chầu thuộc Nhạc phủ (miền rừng). Tương truyền, Chầu vốn là người Nùng, giáng sinh vào nhà họ Trần ở Lạng Sơn. Trong tâm thức dân gian, Ngài thường hay chấm đồng, cho thuốc chữa bệnh, cho lộc buôn bán.
- Đền thờ chính: Đền Chầu Lục nằm tại thôn Chín Tư, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
- Cách sắm lễ: Một mâm lễ đầy đủ thường là các thức đồ chay mặn tùy tâm gồm hoa, quả, hương nhang, xôi giò,…
Tiệc Cô Sáu
- Ngày tiệc: 20/5
- Thần tích: Cô Sáu hay Cô Sáu Sơn Trang, Cô Sáu Lục Cung, tương truyền Cô là thị nữ kề cận Chầu Lục Cung Nương, có tài chữa bệnh và thường bốc thuốc cứu giúp người dân. Bởi vậy, nhân dân về sau khi đến lễ bái ở cửa Cô Sáu vẫn thường hay xin Cô thuốc để trị bệnh.
- Đền thờ chính: Vì là Thánh Cô kề cận bên Chầu Lục nên nơi chính thờ Cô là lầu Cô Sáu ở đền Chầu Lục, thôn Chín Tư, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
- Cách sắm lễ: Một mâm lễ vật thường là những thức đồ chay mặn tùy tâm, không yêu cầu đắt tiền nhưng cần thành tâm hết mức có thể.
Tiệc Chầu Năm
- Ngày tiệc: 20/5
- Thần tích: Chầu Năm hay Chầu Năm Suối Lân vốn là Công chúa đi tu ở miền thượng, dừng chân ở Suối Lân, ra sức giúp dân làm ăn, sau khi hóa lại hiển linh phù giúp dân thuần phục các loài ma quái.
- Đền thờ chính: Đền thờ chính Chầu Năm Suối Lân, Sông Hóa, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
- Cách sắm lễ: một đĩa hoa, một đĩa quả với nhiều loại quả, cơi trầu, quả cau, cút rượu, xôi thịt, thẻ hương, giấy tiền và một cánh sớ.
Tiệc Cô Năm
- Ngày tiệc: 20/5
- Thần tích: Cô Năm chính là Cô Năm Suối Lân,là vị Thánh Cô hầu cận Chầu Năm. Cô coi sóc bản đền Suối Lân và phụ giúp Chầu Năm cai quản vùng cửa rừng Suối Lân. Dân gian có niềm tin là những người chạm bóng, báng bổ đến Cô thì ắt bị Cô làm phép x lá han khiến da bị mẩn đỏ.
- Đền thờ chính: Nơi thờ chính Cô Năm là lầu Cô ở đền Chầu Năm Suối Lân, Sông Hóa, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
- Cách sắm lễ: hương, hoa tươi, quả chín, phẩm oản, xôi chè, vàng mã, trầu cau, cánh sớ.
Tiệc Quan Đệ Ngũ
- Ngày tiệc: 25/5
- Thần tích: Quan Đệ Ngũ hay Quan Lớn Tuần Tranh là vị tướng tài trấn giữ vùng bến sông Tranh, lập được nhiều công lao nên được sắc phong Công hầu. Sau bị hàm oan, Ngài bị đày đến chốn Kỳ Cùng (Lạng Sơn) và hóa ở nơi đây. Ngài hiển Thánh linh ứng, giúp dân sát quỷ trừ tà, dẹp hết những kẻ hại nước hại dân, được nhân dân biết ơn lập đền thờ phụng.
- Đền thờ chính: Đền Tranh (hay đền Ninh Giang), xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương; đền Kỳ Cùng, phường Vĩnh Trại, tp Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
- Cách sắm lễ: một đĩa hoa, một đĩa quả nhiều loại quả, cơi trầu, quả cau, cút rượu, xôi thịt, giấy tiền, thẻ hương, cánh sớ thành kính dâng yết cửa Ngài.
Xem thêm: Danh sách các ngày tiệc Tứ Phủ hàng năm
Xem thêm: Lịch âm hôm nay