Khi chúng ta tham quan và hành lễ tại Đền cần có những hiểu biết và cách ứng xử đúng đắn. Đối với nhiều người tham quan và hành lễ tại các khu di tích tín ngưỡng thường vô tình những sai phạm không mong muốn xảy ra, cần phải nhận biết và tránh với các trường hợp như sau:
– Khi vào tham quan và lễ tại các nơi thờ tín ngưỡng và tôn giáo nói chung, đặc biệt tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng không nên mặc trang phục quá hở hang, quá ngắn, quần Short với cả nam và nữ gây hình ảnh phản cảm tại nơi linh thiêng và trang nghiêm.
– Tuyệt đối không vi phạm các nội quy tại Đền đang tham quan như: cấm đốt nhang trong điện chính, cấm đốt vàng mã không đúng nơi quy định, cấm sờ vào các pho tượng, các bức hoành phi câu đối, các đồ thờ tại các ban thờ, không chèo cây bẻ lá trong khuôn viên của đền.
– Không chen lấn xô đẩy nhau, làm ổn trong đền làm mất tinh mĩ quan và ảnh hưởng đến mọi người hành lễ xung quanh. Thể hiện ý thức cao độ nhất khi hành lễ tại nơi tâm linh thiêng liêng, tránh vi phạm vào những điều không mong muốn.
– Khi đi qua cổng Tam quan vào Đền nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào và đi ra cũng theo cửa này.
Tiến hành sắp lễ và đặt lên các ban. Phần lớn các đền phủ đều có nhà sắp lễ riêng, có sẵn mâm và đĩa để sắp lễ. Sau khi sắp xong thì các lễ được đưa lên các ban. Khi dâng lễ phải kính cẩn dùng hai tay dâng lễ vật lên các ban thờ. Sau khi dâng lễ xong tại các ban thờ mới được thắp hương.
Có thể tham khảo cách sắm sửa lễ vật ở một số ban như sau:
Lễ dâng Ban thờ Mẫu: gồm có hoa tươi, trái quả, trầu cau, bánh kẹo, 1 bộ quần áo nón hài và cây vàng màu đỏ, 1 bộ quần áo nón hài và cây vàng màu xanh, 1 bộ quần ảo nón hài và cây vàng màu trắng, sớ tàu chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ vỏ sở màu đỏ.
Lễ dâng Ban thờ Trần triều: Là ban thờ Trần Hưng Đạo Vương, hai bên có thờ Đệ Nhất Vương Cô, Đệ Nhị Vương Cô… Nhiều nơi có thể thờ thêm Phạm Ngũ Lão và Trương Hán Siêu. Lễ gồm có lễ mặn xôi rượu thịt, bánh kẹo, trái quả, trầu cau, thuốc lá, chè, hoa tươi, cây vàng thiếc, ngựa màu đỏ, sớ tâu chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ vỏ sở màu đỏ.
Lễ dâng Ban Sơn Trang: Ban thờ Chúa Sơn Trang có mười hai cô Thần nữ đi theo ứng với 12 cửa động sơn trang với các trang phục người dân tộc Mán, Mường, Thổ… Lễ gồm có bánh kẹo, trái quả đủ ngũ sắc, trầu cau, thuốc lá, chè, chai rượu nhỏ, hoa tươi, tiền âm chinh, tờ bạc ngân xuyến và đôi nến đỏ hương thắp tiền dương lẻ, có thể có thêm sớ tâu chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ vỏ sở màu xanh lá cây. Khi có tiệc lớn sắm cỗ mặn gồm những đồ đặc sản Việt Nam như: 15 con cua, 15 ốc, 15 tôm, 15 cá..luộc hoặc rán chín và 15 quả ớt, 15 chanh quả… Con số 15 này tương ứng với 15 vị được thờ tại ban Sơn Trang là: 01 vị Chúa, 02 vị Chầu Bà, 12 Cô thị nữ Sơn Trang theo hầu.
Lễ dâng Lầu thờ Cô, thờ Cậu: Lễ vật khi lễ thì thường gồm oản, trải quả, hương hoa, hia, hài, nón, áo mũ hàng mã, gương lược đồ chơi búp bê (ban Cô), xe hơi (ban Cậu) và những đồ chơi cho trẻ con khác, chè, sữa, và vàng nhỏ bốn màu dành cho Cô và màu trắng dành cho Cậu. Những lễ vật này cầu kỳ, nhỏ, đẹp và được bao trong những túi nhỏ xinh xắn, đẹp mắt trông rất ngộ nghĩnh như những thứ đồ thật.
Lễ dâng Ban thờ Ông Cai Bản Cảnh (hay Bản Đền): Ban thờ những vị thần cai quản phạm vi của ngôi đền giám sát việc không cho ma tà quỷ quái vào quấy phá nghi lễ hay lễ vật của nhà đền và trừng trị những kẻ ngỗ nghịch báng bổ đến thần linh làm hại đến đền. Ông có trang phục của một võ tướng oai phong. Lễ vật khi đặt ban này gồm có: Hương hoa, tiền vàng mã và trầu cau, trái quả, bánh kẹo, tiền vàng mã.
Lễ dâng Bà Chúa bản đền: Ban thờ này thờ Bà Chúa bản đền có nhiệm vụ là giám sát soi xét việc sắm lễ, lên hương của cả tín đồ tham ra hành lễ trong đền đó. Bà mặc áo của quý tộc đầu vấn tóc chít khăn. Lễ vật đặt ban này gồm có: Hương hoa, tiền vàng mã và trầu cau, trái quả, bánh kẹo, tiền vàng ngân xuyến bằng mã.
Lễ dâng Ban thờ quan lớn Năm Dinh (Ngũ Hổ): Lễ ban này cần có 5 quả trứng vịt sống đặt trong đĩa muối và gạo, một miếng thịt mồi được khía thành năm phần không rời nhau (thường là thịt lợn) để sống và cũng có thể thêm tiền vàng mã và tiền dương đặt lễ. Thường trong các đền thờ Tứ Phủ thì ngay dưới ban thờ Công Đồng là có ban thờ Ngũ Hổ, là năm ông Hổ trấn ở năm phương và có năm màu theo ngũ hành. Có vai trò là quan lớn phục tùng cho Nhà Mẫu để trừng trị những kẻ ngỗ ngược chống lại công lý.
Chỉ sau khi dâng lễ xong tại các ban thờ thì mới được thắp hương. Nén hương từ lâu đã được coi là cầu nối tâm linh giữa cõi trần thể và cõi linh thiêng nơi thiên tào địa phủ. Người ta thường thắp một nén, ba nén, năm nén,… với những số lẻ đầy ý nghĩa theo quan 1 điểm của người phương Đông. Điều đặc biệt với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ đó là hương tử có thể thắp ba nén hay bốn nén hương tương ứng với kính lễ tam phủ, tứ phủ. Nén hương khi đốt lên còn có tác dụng khai quang, xua đuổi tà quỷ. Nhiều người khi sắp lễ thường cắm thêm một nén nhang vào mâm lễ với ý nghĩa làm trong sạch, thanh tịnh phẩm vật dâng lễ. Khi dâng hương có thể cầm nén hương nguyện cầu khấn vái rồi mới cắm vào bát hương hoặc cầm nén hương vái ba vái sau đó cắm vào bát hương rồi mới khấn lễ. Số lần vái cũng như sổ nén hương có thể là một lần, ba lần, năm lần (số lẻ), hay ba lần (tương ứng với vái tam phủ), bốn lần (tương ứng với vái tử phủ).
Tùy duyên, hương tử có thể quỳ hoặc đứng để hành lễ. Tại các ban thờ ở trung cung (như ban công đồng) thường bố trí sập thờ, chiếu thờ để thực hiện nghi thức quy bái. Sau khi quỳ trước ban thờ, người ta đánh ba hồi chuông chắp tay và khẩn vái. Sớ văn có thể đọc trước ban thờ (tuyên sớ) hoặc chỉ cần đặt trên đĩa dâng lên ban thờ cũng được. Trường hợp văn khấn in, viết ra giấy và dâng lên ban thờ cũng có ý nghĩa như việc dâng sớ văn. Khi khấn vái xong, hương tử có thể gieo đồng đài âm dương xem lời kêu cầu của mình đã được chư Thánh chấp thuận hay chưa. Nếu chưa được thì kêu cầu xin các ngài đại xá và gieo lại lần nữa. Thường người ta chỉ gieo đến ba lần. Cũng có khi những việc quan trọng để an tâm người ta thường gieo ba lần và cả ba lần chư thánh đều chấp thuận thì mới coi là đạt.
Linh vật dùng để xin đài thường là một đôi tiền đài và một chiếc đĩa sứ. Tiền đài là loại tiền xu có hai mặt, một mặt có ghi chữ hán (mặt ngửa) và một mặt có in hình hoa văn (long phụng, lưỡng long…) hoặc để trơn (mặt sấp). Theo phong tục dân gian đồng tiền đài muốn có “linh” thì sau khi mua về phải làm lễ khai quang, trì chú hoặc dùng đồng tiền đài đã sẵn có “linh” rồi (thường là đồng tiền đài ở đền phủ) để gieo đài xin chư thánh “giáng linh” xuống đồng tiền đài mới. Đồng tiền đài không được để nơi uế tạp và phải nâng niu như một “linh vật”.
Hình vẽ dưới giới thiệu các mẫu tiền xu thường sử dụng làm tiền đài:
Khi gieo đài quy ước :
Một đồng sấp , một đồng ngửa ( nhất âm, nhất dương) là đài thuận tức là những lời kêu khấn được chư thánh chấp thuận
Hai đồng cùng ngửa là đài cười. “Cười là tươi là tốt” “” tuy chư thánh chưa chấp thuận nhưng ngài vẫn thương
Hai đồng cùng sấp là đài quở. Trường hợp này được coi là thất lễ khiến chư thánh ra điều quở trách.
Hai đồng tiền đài còn được tương ứng với quan niệm về âm và dương.
Quan niệm thứ nhất cho rằng đồng sấp tượng trưng cho dương và đồng ngửa tượng trưng cho âm , giống như quan niệm dương thượng âm hạ dương nằm trên âm nằm dưới, dương sấp còn âm ngửa.
Quan niệm thứ hai cho rằng đồng ngửa là tượng trưng cho dương và đồng sấp tượng trưng cho âm. Đồng ngửa là đồng thấy rõ chữ ghi trên đó, không còn chướng ngại, thấy rõ ràng , minh bạch ứng với dương . Đồng sấp là đồng còn mờ mịt chưa biết rõ ràng nên tượng trưng cho âm
Hai quan điểm tuy khác nhau nhưng đều có điểm chung là sự thuận hòa âm dương, đó là điều ta luôn hướng tới. Âm dương tưởng chừng hai mặt trái ngược giữa tốt và xấu, chất lượng và giá cả, nóng và lạnh, tự tin và tự ti………Nhưng thiếu một trong hai mặt thì cũng không được. Có trời có đất, có tối có sáng, làm sao để âm hòa dương thuận , âu đó cũng là lẽ sống ở đời. Việc gieo tiền đài là một nghi lễ tâm linh. Đứng trước ban thờ chư thánh, hương tử nguyện cầu xin được các ngài soi đường chỉ lối, để tâm được an, để lòng được tịnh. Việc gieo đài âm dương cho kết quả có đúng hay không, thời mong quý vị cùng chiêm nghiệm. Có tâm thời ắt có linh – tâm tại lòng ta- linh tại ngã – bất linh tại ngã.
Sau khi lễ thánh xong, trước khi ra về người ta thường vào lễ tạ và hạ lễ, đem hóa các sớ văn và đồ mã. Trước khi hạ lễ cũng có thể gieo đài xem ý chư thánh đã chấp thuận cho hạ lễ chưa. Khi đốt mã (hóa mã) thì đốt sớ văn trước. Đồ lễ sau khi hạ được coi là lộc thánh. Người ta có thể đem biếu người trông đền đôi chút và xin lộc bản đền. Tục lệ này gọi là lại lộc nhà đền. Các cụ xưa có câu: “Một miếng lộc thánh bằng cả gánh lộc trần” , lộc thánh dù ít dù nhiều nhưng mọi người đều trân trọng nâng niu. Nhiều người đem lộc về dâng lên bàn thờ gia tiên để tổ tiên thụ hưởng ân phúc chư thánh trước rồi con cháu mới thụ lộc sau.
Tham khảo thêm
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Thực hiện nghi lễ trong đền thờ Tam Tứ Phủ
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu.
Xin trân trọng cám ơn!