Lễ vật tiến cúng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ

Bài viết giúp bạn biết lễ vật tiến cúng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ khi đi lễ, cúng thỉnh Phật Thánh và hầu đồng

Những lưu ý khi sắm lễ trong Tứ Phủ

Trước tiên, với các đệ tử hoặc những người thành tâm đầu xuân năm mới, ngày tuần, ngày tiệc đi lễ hành hương hoặc ngày rằm, mồng một, đến đền, phủ lễ Mẫu và chư Thánh cần lưu ý:

Việc sắm sanh lễ vật sao cho phải phép, quan trọng nhất là tấm lòng kính ngưỡng, còn lễ vật tùy tâm: nhang đăng, trầu cau, hoa tươi quả tốt, kim ngân (ít vàng lá hoặc vàng thoi theo màu của vị Thánh thờ tại đền phủ mà mình tới dâng lễ).

Nếu có việc lớn kêu cầu thì có thể dâng xôi, gà/miếng thịt chín, rượu (lễ mặn), nhưng lễ mặn chỉ dâng Ban Công đồng. Ngoài ra nên có giọt dầu (tiền mặt tùy tâm) bỏ hòm công đức hoặc đặt trên mâm lễ; nhất thiết không dùng tiền lẻ rải/cắm lung tung.

Người giàu một bó, người khó một nén tiến dâng Tiên Thánh, nếu nhất tâm thì thiếu cũng cho làm đủ, vơi cũng cho làm đầy; nén hương, bát nước, cơi trầu có khi còn đắc lễ, đắc bái, đắc kêu, đắc cầu hơn cả là đàn to, lễ lớn.

Lễ vật trong nghi lễ Tứ phủ trình đồng

Le vat trong nghi le Tu phu trinh dong

Các lễ vật trong nghi lễ Tứ phủ trình đồng hay tiến trình căn đồng gồm:

Lễ vật trong lễ phát tấu

Lễ phát tấu cúng ngũ vị sứ giả gồm:

Hương, hoa, đèn, nến, oản, quả, bánh, chè, cơi trầu, bất nước, gạo, muối, trà.

Mâm gương, lược, trà, thuốc, khăn mặt, sổ bút và trứng sống gọi là mâm đồ phát tấu mỗi loại đều có năm thứ.

Lễ cúng Phật Thánh

Lễ cúng Phật Thánh bày ở các cung trong ngôi đền (vào ngày hội hè các cung ở đến đều có đám cúng lễ thì không thể đặt lễ ở các ban mà chỉ bày một cung chính mà mình đã xin) bao gồm:

  • Hương (hương nén, hương vòng)
  • Hoa (xưa chỉ có hoa huệ, hoa cúc, hoa hồng là chính, vừa có hương lại có sắc tiến dâng Phật Thánh),
  • Đăng, trà, quả, thực, đều bày một cách đăng đối (có thể mỗi loại bày thành hai mâm hai bên cân đối sao cho đẹp).

Lễ mặn

Lễ mặn tam sinh

Một gà, một ngan hoặc cá chép, một miếng thịt lợn hay có thể là chân giò hoặc thủ lợn hay cả con lợn quay, đều được nấu chín, cùng mâm hoặc đĩa xôi, với nậm rượu rót ba chén.

Lễ mặn cúng Đức Thánh Trần : Nếu đền đó có cung thờ Trần triều riêng.

Mam le man Tu Phu

Lễ hạ ban (cúng Ngũ Hổ)

Năm quả trứng gà hoặc vịt cúng Ngũ Hổ và hai quả trứng nữa cúng hai Ông Lốt

Miếng thịt lợn sống cùng đĩa gạo muối

Oản, quả, cau, trà, bánh, kẹo…

Cỗ mặn khoa tiến Thiên Quan

Mấy mâm cỗ mặn khao tiến Thiên Quan, các quan bản đền, chư vị linh quan (các mâm cơm đều phải có nậm rượu rót ba chén).

Cỗ sơn trang

Cỗ sơn trang bày mỗi loại có mười lăm suất, mười lăm miếng, bao gồm:

Tôm, cua, ốc, cá khô, mực nướng, bún, bánh nếp, bánh tẻ, bánh chưng, măng chua, mướp đẳng, sung xanh, chanh, ớt, gừng… đều cắt ra thành nhiều phần

Giò, chả, nem chua, cơm lam, thịt thính, dừa, đậu phụ, mắm tôm, mắm tép, bát nước vôi trong goi rượu nồng, trà xanh, chén rượu cẩm…

Trầu là têm cánh phượng.

Các lễ này sắm to, nhỏ, lớn, bé, ít, nhiều cũng do tùy duyên của gia chủ.

Mam co Son Trang

Mâm lễ cúng chúng sinh

Mâm lễ cúng chúng sinh phía ngoài sân bao gồm:

Oản, quả, bánh kẹo, trầu cau, đèn nến, chậu nước, gạo, muối và nồi cháo hoa múc ra nhiều bát nhỏ, có thêm ngô, khoai, sắn, bỏng, bánh đa…

Quần áo, tiền vàng.

Lễ vật khi hầu đồng

Le vat khi hau dong

Lễ vật cho vấn hầu thường lệ

Các thanh đồng cũng phải chuẩn bị lễ vật để cúng Thánh trước khi vào hầu Thánh, bao gồm các đồ lục cúng gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực để tiến dâng các cung các sở trong ngôi đền mà mình hầu Thánh, hoặc chính cung mà mình hầu, và cần bày biện sao cho trang nghiêm đăng đối, đẹp mắt, tạo nên nét đẹp uy linh cung đài sở điện phụng thờ Tiên Thánh của ngôi đền.

Một lễ mặn, không nhất thiết phải bày lễ tam sinh (trừ khi cúng đàn Tam, Tứ phủ) và vẫn có lễ mặn cúng cung Trần triều, nếu ngôi đền đó có phối thờ.

Cỗ sơn trang tiến cúng thượng ngàn; lễ cúng hạ ban Ngũ Hổ và Ông Lốt, củng chúng sinh, cô hồn như đã nói trên.

Các thanh đồng chuẩn bị thêm hương thắp hầu, hương khai quang, mồi, nến bàn ngự và chuẩn bị tráp tiền để các giá phát lộc.

Le vat cho van hau thuong le

Đồ lễ phát lộc khi hầu đồng

Khi hầu các Quan lớn, trước đây không phát lộc lễ vật mà chỉ có một hoặc hai giá Quan có phát lộc tờ tiền với điếu thuốc lá.

Từ các giá Chầu Bà trở đi mới phát lộc lễ vật. Các lễ vật phát lộc này đều bày thành mâm thật đẹp để tiến lễ các cung trước khi cúng Thánh. Các Chầu, Chúa chỉ phát trầu cau, trái cây hoặc các bánh dân gian, như bánh chưng, bánh cốm, bánh nếp, bánh tẻ… Có giá phát kèm theo tờ tiền cùng với trầu cau.

Sang các giá Ông Hoàng thì phong bánh kẹo, trà, thuốc, hoặc bánh dân gian như oản, bánh khảo trắng… thành các túi ni lông nhỏ buộc dây cước, dây len đỏ thành nơ. Như Ông Hoàng Bơ phát bánh khảo, Ông Bảy phát gói trà nhỏ cùng điếu thuốc, Ông Mười phát phong bánh quy hoặc phẩm oản vàng.

Các giá Thánh Cô có thể phát lộc hoa quả tùy theo mùa và điều kiện của thanh đồng. Ví dụ, Cô Đôi thường phát hoa quả; Cô Bơ phát mấy múi bưởi tách ra, củ đậu đã bóc hoặc hạt sen, bánh dẻo chay; Cô Sáu phát quả hay các loại bánh cổ truyền; Cô Chín phát quạt giấy, quạt the, lược, gương, mùi soa, khăn mặt; Cô Bé sơn trang phát mâm chanh, ớt, gừng, mướp đắng, sung xanh, dứa đồi…

Thời nay, giá các Cô có thể phát lộc là đường, gạo, nước ngọt…

Các Thánh Cậu trước đây có dâng lễ các gói kẹo nhỏ phong túi ni lông độ hơn mười cái, sặc sỡ các màu, còn ngày nay có thể gồm kẹo bánh cả gói, cả hộp, đồ chơi nhựa, ô tô, tàu thủy…

Do le phat loc khi hau dong