Phán quan là gì?

Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ phán quan là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.

Canh hoa trang

Ý nghĩa của từ Phán quan

Phán quan còn gọi Quỷ Phán Quan. Trong Thập Điện Diêm La, ở hai bên của vua Diêm La tại mỗi điện đều có một vị Phán Quan phụ tá xử lý phiên tra công việc các vong hồn và chịu trách nhiệm thẩm tra các u hồn được dẫn đến Minh Phủ.

Phán Quan có thể phân làm 4 loại: Thưởng Thiện Ty, Phạt Ác Ty, Tra Sát Ty và Thôi Phán Quan. Ba tên đầu là chức danh, chỉ có chức cuối cùng thì thấy xuất hiện nhiều trong các thư tịch. Như trong Tây Du Ký cũng như truyền thuyết của các địa phương thường hay có tên vị này. Tương truyền Thôi Phán Quan tên là Giác, người sống dưới thời Tùy Đường. Vào năm 633 (niên hiệu Trinh Quán thứ 7) nhà Đường, ông ra làm quan Huyện Lịnh Trường Tử, Lộ Châu . Có thuyết cho rằng ông “ban ngày quản lý việc dương gian, tối xét xử các oan hồn dưới Âm Phủ, sai khiến người và quỷ, có năng lực như thần minh”.

Trong dân gian có nhiều truyền thuyết về việc xử án của Thôi Giác; trong đó có vụ án làm sáng tỏ con hổ làm thương tổn người được lưu truyền rộng rãi nhất. Truyền thuyết kể rằng nơi giáp giới phía tây nam Huyện Trường Tử và sông Thấm có một dãy núi lớn, tên là Điêu Hoàng Lãnh; xưa kia nơi đó thường có thú dữ xuất hiện. Một hôm, có chàng tiều phu lên núi đốn củi, không may bị con mãnh hổ ăn thịt. Người mẹ góa chồng hay tin đau lòng không muốn sống nữa, bèn lên Huyện đường kêu oan. Thôi Giác tức khắc phát lịnh bài, sai lính dịch Mạnh Hiến cầm điệp phù lên núi bắt cọp. Hiến lấy điệp phù ra đọc tụng trước Miếu Sơn Thần và dâng cúng trước án thần; khi ấy có một con cọp từ sau miếu lủi trốn ra. Hiến bèn dùng linh phù bắt con cọp dẫn về Huyện đường. Thôi Giác tức thì thăng đường, liệt kê tội phạm do con hổ gây ra từ trước đến nay; khi nghe mỗi tội như vậy, con hổ đều cúi đầu nhận chịu. Cuối cùng, ông phán quyết rằng: “Ăn thịt mạng người, tội không thể tha”. Con hổ nghe vậy đập đầu vào bậc cấp mà chết. Sau khi Thôi Giác qua đời, bá tánh đều lập miếu thờ ông ở khắp nơi.

Tuy nhiên, cũng có thuyết nêu lên tên 4 vị phán quan có tên gọi hơi khác là: Chưởng Hình Phán Quán (coi về hình phạt), Chưởng Thiện Bộ Phán Quan (coi về hồ sơ việc thiện), Chưởng Ác Bộ Phán Quan (coi về hồ sơ việc ác) và Chưởng Sanh Tử Bộ Phán Quan (coi về hồ sơ sống chết); trong đó vị cuối cùng là thủ lãnh tất cả. Tương truyền vị danh thần nhà Tống là Bao Thanh Thiên cũng đã từng làm việc dưới Âm Phủ, có tên là Trương Bảo, chuyên giám sát những người vượt ngục, trông coi hồ sơ sanh tử của con người và tuyên phạt những cực hình. Hình tượng các vị Phán Quan thường được tạc có đội mũ mềm trên đầu, mang cân đai, chân mang đôi hài mũi đen, trừng con mắt sáng quắt, tay trái cầm sổ thiệc ác, tay phải cầm cây bút sanh tử.

Như vậy Quỷ Phán Quan là vị Phán Quan cõi Âm Phủ vốn có trong truyền thống văn hóa của Trung Quốc. Vì vậy, thế gian vẫn thường xưng tụng ông rằng: “Quân mạo tranh nanh, quân tâm công chánh, thanh lâm hắc tắc, duy quân sở mạng (Tướng người hung tợn, tâm người công chánh, rừng xanh chốn tối, chỉ người quản hạt)”.

Phan quan la gi

Chưởng bạc phán quan là gì?

Một trong các thần thổ địa thủ hộ Thiền lâm, già lam. Là tên thần trực thuộc thần Thổ địa, coi việc ghi chép sổ sách, phán định việc tốt xấu. Nguyên gốc của thần này có thể đã từ thuyết vua Diêm la ghi chép tên tuổi, quê quán hoặc là thuyết thần Câu sinh ghi chép thiện, ác mà ra.

Hoa Sen

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu Phán quan là gì.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Phật học Tinh tuyển
  • Từ điển Phật Quang
Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.