Nhị Vị Quỳnh Quế Công Chúa : Quỳnh Hoa Công Chúa và Quế Hoa Công Chúa
Mục Lục Bài Viết
Quỳnh Hoa Công Chúa, Quế Hoa Công Chúa trong tín ngưỡng tứ phủ
Quỳnh Hoa Công Chúa và Quế Hoa Công Chúa là hai vị hầu cận bên Mẫu Thượng Thiên và Tam Tòa Thánh Mẫu. Có thể thấy rằng trong một số đền phủ, lớp trên cùng hậu cung là nơi đặt tượng của Tam Tòa thánh mẫu, ở phía hai bên thấp hơn chính là tượng của Chầu Quỳnh, Chầu Quế. Tuy nhiên trong nghi thức hầu đồng thì không có các giá Chầu Quỳnh Chầu Quế.
Một số quan điểm cho rằng Chầu Quỳnh là Chầu Cửu tỉnh, còn Chầu Quế chính là Chầu đệ nhất Thượng thiên, nếu theo quan điểm này thì Chầu Quỳnh và Chầu Quế thuộc Thập Vị Thánh Chầu và được thỉnh và hầu trong nghi thức hầu đồng.
Sự tích Nhị Vị Quỳnh Quế Công Chúa
Theo một sự tích thì Quỳnh hoa công chúa, Quế hoa công chúa là tướng của Hai Bà Trưng, sinh ra ở đất Hà Giang, theo Hai Bà khởi nghĩa, khi bị cùng đường đã chạy về quê nhà và tự vẫn xuống sông Lô. Sau hai bà hiển linh và hầu Mẫu tam tòa. Được Ngọc Hoàng sắc phong Quỳnh hoa công chúa, Quế hoa công chúa.
Theo sách Đại Nam nhất thống chí, Thần tích Đền Ỷ La và truyền thuyết dân gian đều kể lại thì: Xưa có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung (Quỳnh Hoa Công Chúa – Bia Văn tại đền) và Ngọc Lân (Mai Hoa Công Chúa), một hôm theo xa giá đến bên bờ sông Lô (thuộc thôn Hiệp Thuận) đỗ thuyền. Nửa đêm trời mưa to, gió lớn, hai nàng đều hóa, nhân dân trong vùng lấy làm linh dị bèn lập đền thờ… Đến triều vua Cảnh Hưng, ngày 29 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1738) đền được xây dựng qui mô hơn. Tiếp đến, ngày 28 tháng 10 năm Đinh Hợi (1767), nhân dân lại xây thêm một ngôi đền nữa về bờ tả sông Lô, phía thượng nguồn, thuộc chân núi Dùm đặt tên là Đền Thượng. Đền Hiệp Thuận ở hạ lưu được gọi là Đền Hạ, thờ công chúa Phương Dung (người chị), Đền Thượng thờ công chúa Ngọc Lân (người em). Truyền thuyết cho hay, hai ngôi đền có nhiều linh ứng, nên từ xa xưa hai nàng được tôn làm Thánh Mẫu.
Khi nhà Trần đi qua sông Lô thấy miếu ven đường (tức đền Tam Cờ ngày nay và đền Cấm, núi Dùm) vào bái yết cầu đảo, được hai bà phù giúp sau khi thắng trận sắc phong nhị vị tiên nương thủy cung công chúa.
Hai bà hầu cận Mẫu cửu trùng và Mẫu tam tòa. Nhân dân ta tôn xưng là Quỳnh Nương – Quế Nương công chúa. Hai bà là sự hóa thân của tam giới Thiên, Thượng, Thoải nên ở môi trường nào thì phong Ngài theo màu sắc của môi trường đó.
Hai bà là con trời giáng sinh xuống hạ giới thượng ngàn, thác sinh xuống thoải cung chứ không phải như một số nhà nghiên cứu cho rằng đền Dùm thờ Mẫu Thoải, đó là đi ngược với quan niệm tiền cổ của dân gian là đi lễ Mẫu Thượng ở Tuyên Quang.
Triều vua nhà Nguyễn, nghe tin có một đảng loạn sắp tràn vào tỉnh lỵ, dân chúng đã vác tượng Mẫu chạy vào thôn Gốc Đa xã Ỷ La. Họ vừa kịp giấu pho tượng vào rừng cây thì quân giặc tới, nhưng chúng không phát hiện ra. Sáng hôm sau, thay vào chỗ bức tượng là một đống mối đùn lớn, dân làng cho là điềm báo ứng. Giặc tan, họ cùng nhau xây một ngôi đền mới thờ Thánh Mẫu ngay trên mảnh đất đos. Trong văn bia trùng tu Đền Hiệp Thuận năm Khải Định thứ năm (1920) cũng ghi lại nguồn gốc sự kiện này, ngoài ra cũng có đoạn viết:
“Than ôi! Thần Mẫu linh thiêng cùng với tạo hóa, non sông nơi đây… Duy Thần Mẫu có công to với quốc dân xã tắc, linh thiêng chở che trăm họ, khiến dân được thuần phác, khiến ai ai khi đến đứng trước đền thờ phải cung kính, sợ sệt, khuyến khích người thiện, trừng phạt kẻ ác, chính là nhờ Thần ban cho vậy…”.
Huyền tích Nhị Vị Quỳnh Quế Công Chúa tại Phủ Dầy
Trong di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy, hai chầu cũng trong dòng tộc Trần Lê (có mộ tại Phủ Dầy) được thờ bên cạnh Thánh Mẫu trong cung cấm của Phủ Chính Tiên Hương.
Theo huyền tích tại Phủ Dầy thì hai chầu anh linh, hiển hách, thường biến hiện, rong chơi khi sơn lâm rừng xanh núi đỏ, lúc vào Nam ra Bắc cùng Đức Quốc Mẫu thường giáng phúc trừ tai, thẳng tay trừng trị kẻ gian ác, ban tài tiếp lộc cho người hiền lương. Chính vì vậy nơi đâu có đền, phủ Mẫu thì nơi đó có nhị vị thánh Chầu hầu cận hai bên Mẫu. Nhị vị Thánh chầu được Mẫu ban giao giữ sổ sách Tam tòa, coi sóc chốn nội cung Phủ Dầy.
Các đền thờ Nhị Vị Quỳnh Quế Công Chúa
Đền Hạ Tuyên Quang – Đền Tam Cờ
Đền Hạ – một di tích kiến trúc tín ngưỡng nghệ thuật cổ ở Tuyên Quang. Đền Hạ còn gọi là Đền Tam cờ thuộc tổ 4, phường Tân Quang, thị xã Tuyên Quang được xây dựng vào năm 1738 và được trùng tu lần thứ nhất tháng 6 năm Mậu Ngọ (1878). Đền Hạ thuộc loại hình kiến trúc tin ngưỡng, nghệ thuật cổ.
Đền được nhân dân lập nên để thờ mẫu thần. Theo truyền thuyết là thờ Ngọc Hoa công chúa. Phong thuỷ của Đền Hạ không phải ở đâu cũng có được, kế sát trước mặt là dòng sông Lô lịch sử, xa xa phía sau là núi Là làm thể tựa.
Trải qua các thời kỳ, Đền có nhiều tên gọi khác nhau. Đời Lý gọi là đền Tam Kỳ. Đời Trần có tên là đền Hiệp Thuận. Lúc đó đền thuộc thôn Hiệp Thuận, xã Ỷ La, huyện Hàm Yên. Đến Hậu Lê mới có tên là Đền Hạ như ngày nay.
Truyền thuyết kể rằng: Đền hạ thờ hai công chúa là Ngọc Lan và Phương Dung. (Ngọc Lan còn có tên là Mai Hoa, Phương Dung còn có tên là Quỳnh Hoa). Theo truyền thuyết, Hai công chúa theo xa giả nhà Vua đi kinh lý. Thuyền đỗ ở bờ sông Lô, đêm đến trời bỗng nổi cơn mưa to, gió lớn, hai công chúa bay về trời. Sau nhân dân lấy nơi thuyền đỗ để dựng đền thờ phụng.
Đền Sâm Sơn – Đền Núi Dùm thờ Mai Hoa Công Chúa
Đền Sâm Sơn thuộc địa phận xóm 14, 15, 16 xã Tràng Đà (Thành phố Tuyên Quang), núi Dùm – Cổng Trời có khí hậu trong lành, phong cảnh hữu tình. Đứng tại điểm cao này có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố mộng mơ bên dòng Lê lịch sử.
Mẫu thờ tại đền Thượng dựa trên truyền thuyết: Đời trước, hai công chúa Ngọc Lân tức Mai Hoa và Phương Dung tức Quỳnh Hoa theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La (đền Hạ ngày nay). Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả sông Lô, thuộc xã Tình Húc (đền Thượng ngày nay).
Đền Thượng xây dựng vào khoảng sau năm 1738, có sắc phong sớm nhất vào năm 1744. Đền đã qua nhiều lần trùng tu. Phần kiến trúc, những bức chạm trổ, đường nét hoa văn, hiện vật của đền hiện nay đều thuộc thời Nguyễn.
Chầu văn Nhị Vị Quỳnh Quế Công Chúa
Chầu Quỳnh Văn
Cảnh bầu trời ba nghìn thế giới.
Cung quảng hàn bóng tới hiện mai.
Đào hồng liễu lục bè bai.
Khúc cầm ca vắng bên tai chạnh lòng
Gió thoảng nồng hương xông mát mẻ.
Giáng sinh vào trần thế họ Lê.
Mày hoa tộc phương phương phi.
Phong tu yểu điệu dung nghi khác thường.
Mới phong nàng Quỳnh hoa công chúa.
Vẻ não nùng trí tuệ khoan thai.
Thông minh có vẻ kỳ tài.
Nhất tiểu bách mỹ khác người thường nhân.
Tuổi thanh xuân vừa tuần đôi tám.
Chốn hồng lâu ong bướm chen chân.
Bảng vàng tiến được tiên xuân.
Cam lòng đức ấy nghiêm quân tại đường.
Đạo cương thường khăng khăng hằng giữ.
Dốc một lòng đức tử tòng tâm.
Mới hay trong cõi Việt nam.
Giáng sinh thần nữ khác phạm tiên nga.
Cảnh mẫu đơn phất phơ bóng quế.
Nguyệt cõi hiện bóng xế về Tây.
Ai hay con tạo xoay vần.
Vui lên trúc hóa mai dày đòi phen.
Chốn hồ thiên hợp đoàn tiên nữ.
Thú vui về giá ngự xướng ca.
Ai hay láng nguyệt bóng tà.
Cung tiền áo gót hào hoa siêu phàm.
Ấy ai làm reo thương ong nguyệt.
Đức sinh thành khảm khiết chẳng khuây.
Từ khi chúa dỡ gót giày.
Niềm ăn cúc dục đã xoay tấc lòng
Tự thủy chung nguồn ân bể ái.
Nói liền đan tiên mới tâu qua.
Ngọc hoàng phê chiếu ban ra.
Ban cho chúa ở chầu bà Liễu tiên.
Vâng lệnh truyền sớm trưa chầu trực.
Giữ chung thành công, tắc đám sai.
Anh linh có vẻ kỳ tài.
Quyền hành chức trưởng trong ngoài đảm đang.
Đẹp lòng thánh càng thêm yêu dấu.
Mới phong hàm thiên hậu chúa tiên,
Ngai rồng thay mệnh cầm quyền.
Sổ sinh phó thác thường chuyên nhật dùng.
Chữ nhân nghĩa ra công tế độ.
Phù Việt Nam quốc tộ an ninh.
Chữ rằng thánh giáng lưu ân.
Phù hộ đệ tử thiên xuân thọ trường.
Chầu Quế Văn
Gió kim phong ánh vàng xế xế
Cung thỉnh mời Chầu Quế ngự lên
Ngôi cao lồ lộ trung thiên
Toà vàng choi chói của đền thong dong
Sớm khuya vui vẻ đền Sòng
Ngày chơi phủ chính lầu hồng vào ra
Khăng khăng giữ sổ tam toà
Lên đền chầu Chúa Liễu Hoa cầm quyền
Thông tri tam giới hoàng thiên
Coi khắp cửa phủ, miếu đền thiếu đâu
Trong ngoài thay thảy trước sau
Sửa sang mẫu phó quyền chầu bà coi
Quân thần phải đạo chúa tôi
Cô hầu cô hạ nàng đối dập dìu
Khoe xanh xanh tốt đáng yêu
Khoe tài tài khéo khéo chiều lòng xuân
Đền thờ tả phượng hữu lân
Hoa Lan hoa cúc thanh tân chơi bời
Thiên Đình chén rót đầy vơi
Khúc ca điểm đất cợt người người hay
Đàn cầm khéo gây năm dãy
Cung huỳnh gió lọt chuốt mây lọt vàng
Thung dung ghẹo khách qua đàng
Nhỡn tinh lóng lánh mày ngang đằm đằm
Miệng cười hoa nở đáng trăm
Răng đen rưng rức hoãn chằm vàng đeo
Đã lên ngôi báu trong triều
Đã nên ngọc tốt vàng yêu dương toà
Miệng cười tươi tốt như hoa
Thanh tân lịch sự nết na dịu dàng
Càng nhìn càng thắm nhân doan
Nết na yểu điệu muôn vàn thảo hay
Việc nào mà chẳng tới tay
Lên đền xuống phủ chả ngày nào sai
Có phen biến gái hiện trai
Ai thắm thắm vậy ai phai phai liền
Biết ra thời nhẹ như tên
Nếu mà không biết như thuyền bỏ neo
Quở cho trăm chứng hiểm nghèo
Chầu Quế trong triều giá ngự Đồi Ngang
Có phen giả ní giả nàng
Sài di di án sai nàng nàng lên
Có phen làm chúa thượng thiên
Khi giả làm chúa thoải tiên thoải tề
Phàm trần ai thấy tin nghe
khấn thôi tạ lễ miếu nghè kêu văn
Trần phạm kẻ vái người van
Còn đường nhẫn nhục nhân gian mờ mờ
Xem ra số phải phụng thờ
Kẻ khấn người vái nam mô khấu đầu
Biết bà bệnh tật khỏi đau
Kim ngân vàng mã để hầu dâng lên
Thỉnh Chầu chắc giáng bản đền
Khuông phù đệ tử thiên niên thọ trường.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Nhị Vị Quỳnh Quế Công Chúa.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
- Phuday.com
Xin trân trọng cám ơn!