Ngũ uẩn là gì?

Bạn đang muốn biết ý nghĩa của từ Ngũ uẩn là gì trong Phật học? Hãy xem chi tiết những giải nghĩa của chúng tôi trong bài viết này.

Canh hoa trang

Ý nghĩa của từ Ngũ uẩn

Ngữ vựng Danh từ Thiền học

Ngũ uẩn cũng gọi là Ngũ Ấm, tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc là vật chất (như xương, thịt…), Thọ là cảm thọ, Tưởng là tư tưởng, Hành là hành vi và sự biến đổi, Thức là phân biệt nhận thức. Do năm thứ này tổ chức thành thân tâm con người, gọi là thân Ngũ uẩn.

Canh hoa trang

Phật học Tinh tuyển

Ngũ uẩn ý là tích tụ, loại biệt, tức là 5 loại khác nhau về các pháp hữu vi; về mặt khách quan, là chỉ cho toàn thể thế giới vật chất cũng như tinh thần. Ngũ Uẩn gồm:

1. Sắc Uẩn: Tức chỉ cho nhục thể hữu tình, thế giới vật chất, các yếu tố Đất, Nước, Gió, Lửa, cũng như những loại được hình thành từ các yếu tố ấy. Trong 75 pháp của Câu Xá Luận, 11 pháp Nhãn (mắt), Nhĩ ( tai), Tỷ (mũi), Thiệt (lưỡi), Thân (thân thể), Sắc (sắc màu), Thanh (âm thanh), Hương ( mùi hương), Vị (mùi vị), Xúc (xúc chạm), Vô Biểu (không thể hiện) là chỉ cho Sắc Uẩn.

2. Thọ Uẩn: Chỉ cho tác dụng cảm thọ của khổ, vui, v.v., mang tính tinh thần (tri giác), mang tính nhục thể (cảm giác); được phân loại thành 3 loại Thọ là Khổ, Vui, Không Khổ Không Vui; hay 5 loại Thọ là Ưu (buồn), Hỷ (mừng), Khổ (khổ), Lạc (vui), Xả (xả bỏ).

3. Tưởng Uẩn: Tương đương với khái niệm, biểu tượng.

4. Hành Uẩn: Nghĩa hẹp là chỉ cho tư duy (ý chí); nghĩa rộng là chỉ cho các pháp tâm bất tương ứng với tính cách là sức mạnh để vận động hết thảy tác dụng tinh thần, tác dụng vật chất, trừ ba uẩn Thọ, Tưởng và Thức. Tỷ dụ như Đắc (đạt được), Phi Đắc (không đạt được), Sanh (sanh), Trụ (tồn tại), Dị (thay đổi), Diệt (hoại diệt), Danh, Cú, Văn, v.v.

5. Thức Uẩn: Với tính cách là chủ thể của tâm, nó chỉ cho Nhãn Thức cho đến 6 thức kia; hơn nữa thức thứ 7 Mạt Na cũng như thức thứ 8 A Lại Da của Duy Thức Học, cũng thuộc về Thức Uẩn này.

Trong Đại Huệ Phổ Giác Thiền Sư Thư quyển 28 có đoạn rằng: “Phật vi nhất thiết mê nhân nhận Ngũ Uẩn hòa hợp vi tự thể tướng, phân biệt nhất thiết pháp vi ngoại trần tướng, háo sanh ố tử niệm niệm thiên lưu, bất tri mộng huyễn hư giả, uổng thọ luân hồi (Phật vì hết thảy người mê nhận Năm Uẩn hòa hợp là tướng tự thể, phân biệt tất cả pháp là tướng ngoại trần, thích sống sợ chết mỗi niệm trôi nỗi, chẳng biết mộng huyễn giả dối, uổng thọ luân hồi)”.

Hay như trong Hám Sơn Lão Nhân Mộng Du Tập quyển 38 cũng có câu: “Ngũ Uẩn sơn trung tịch diệt trường, lục song hư sưởng dạ sanh quang, chỉ tu hoán tỉnh yểm trung chủ, mạc sử hôn trầm tự cái tàng (Năm Uẩn trong rừng vắng lặng trường, sáu cửa toang mở đêm phát quang, chỉ nên tỉnh thức làm chủ cả, chớ để hôn trầm che kín màng)”.

Hoặc trong phần Bát Nhã của Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh có đoạn: “Đương dụng đại trí tuệ, đả phá Ngũ Uẩn phiền não trần lao, như thử tu hành, định thành Phật đạo, biến Tam Độc vi Giới Định Tuệ (nên dùng trí tuệ lớn, đả phá Năm Uẩn phiền não trần lao; tu hành như vậy, nhất định thành Phật đạo, biến Ba Độc thành Giới Định Tuệ)”.

Trong Kinh Bát Nhã có câu rất nổi tiếng là: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách (khi Bồ Tát Quán Tự Tại thực hành sâu trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật Đa, thấy rõ Năm Uẩn đều không, thoát khỏi hết thảy khổ ách)”.

Từ đó, Ngũ Uẩn Giai Không (Năm Uẩn Đều Không) hay Nhất Thiết Giai Không (Tất Cả Đều Không) được xem như là tư tưởng căn bản của Phật Giáo. Như trong Thiền Gia Quy Giám có đoạn: “Phàm nhân lâm mạng chung thời, đản quán Ngũ Uẩn giai không, Tứ Đại vô ngã, chân tâm vô tướng, bất khứ bát lai, sanh thời tánh diệc bất sanh, tử thời tánh diệc bất khứ, trạm nhiên viên tịch, tâm cảnh nhất như (phàm người khi đến lúc lâm chung, nên quán Năm Uẩn vô thường, Bốn Đại vô ngã, chân tâm vô tướng, không đến không đi, khi sanh tánh cũng không sanh, khi chết tánh cũng không mất, vắng lặng tròn đầy, tâm cảnh như một)”.

Hoa Sen

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết tìm hiểu Ngũ uẩn là gì.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Ngữ vựng Danh từ Thiền học
  • Phật học Tinh tuyển
Giới thiệu về Tác Giả

Nguyễn Hưng hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mang trong mình lòng đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, anh dành sự quan tâm đặc biệt cho lĩnh vực tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với anh, tín ngưỡng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là sợi dây kết nối thế hệ, lưu giữ những giá trị tinh thần quý báu của dân tộc. Trên hành trình khám phá, Nguyễn Hưng luôn nỗ lực nghiên cứu, chắt lọc và chia sẻ những kiến thức bổ ích về tín ngưỡng Việt Nam đến với độc giả.