Mẫu Đệ Tứ : Tìm hiểu về Mẫu Thượng Ngàn (Sơn Lâm Công Chúa)

Anh linh hiển hách Chúa Sơn Trang
Cai quản ba mươi sáu cửa ngàn
Lúc ngự lầu son cùng phủ tía
Khi chơi núi ngọc với non vàng

Sơ lược chung về Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên

Danh hiệu:

  • Bạch Anh Công Chúa
  • Sơn Lâm Công Chúa
  • Lâm Cung Thánh Mẫu
  • Bà Chúa Thượng Ngàn
  • Bà Chúa Sơn Trang
  • Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên: trong các bản chầu văn, khi thứ tự các phủ được xếp là Thiên – Địa – Thoải – Nhạc
  • Mỵ Nương Quế Hoa
  • La Bình Công Chúa
  • Mẫu Đông Cuông

Phủ/ nơi cai quản: Nhạc Phủ (miền rừng núi, cao nguyên)

Sắc Phong: Thượng Ngàn Lê Mại Đại Vương (đồng nhất với Đệ Nhất Thượng Ngàn trong Tam Tòa Sơn Trang)

Ngày khánh tiệc: Ngày Mão đầu tháng 02 Âm Lịch

Trang phục: Màu sắc – xanh lá

Đền thờ:

  • Đền thờ chính: Đền Đông Cuông (cùng với Đền Vọng Đông và Đền Tuần Quán hình thành nên cụm di tích), Yên Bái
  • Đền Công đồng Bắc Lệ và đền Thất Khê, Lạng Sơn
  • Đền Suối Mỡ, Bắc Giang
  • Đền Tam Cờ, Tuyên Quang
  • Đền Mẫu Thượng, thị xã Lào Cai, Lai Châu

Thân thế Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên

Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên, Sơn Lâm Công Chúa còn có các danh hiệu khác như Diệu Tín, Diệu Nghĩa Thiền Sư; Lê Mại Đại Vương, Bạch Anh Công Chúa quản trưởng sơn trang triều mường, Lâm Cung Thánh Mẫu, Bà Chúa Sơn Trang, Bà Chúa Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Ngàn …. Theo lối thờ tự hiện nay thì bà là Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn đứng sau Mẫu Liễu Hạnh (Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương). Tượng thờ Ngài thường mặc áo xanh ngồi cạnh Mẫu Liễu.

Sắc phong: Đệ nhị thượng ngàn La Bình công chúa – Lê Mại đại vương diệu tín thiền sư – Chế thắng hòa diệu đại vương thượng đẳng tối linh thần – Đệ tử nhạc tiên Bạch Anh Quân Trưởng sơn lâm công chúa.

Mẫu Thượng Ngàn là vị thần cai quản núi rừng. Mẫu là một trong ba vị mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu, cạnh đình, chùa của người Việt, chủ yếu ở miền bắc và miền trung Việt Nam. Bà được tạc thành hình một phụ nữ đẹp, phúc hậu, ngồi ở tư thể thiền, chân xếp bằng và hai tay chắp và mang trang phục màu xanh khi được đặt cùng hai vị mẫu kia là Mẫu Liễu Hạnh và Mẫu Thoải hoặc được thờ riêng trong một điện. Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn là một đặc điểm của tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Bà là một nhân vật mang tinh truyền thuyết và đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng hầu bóng tam phủ hay tứ phủ.

Bà được nhân dân ta thờ từ rất lâu, là mẹ rừng mẹ núi chúa của rừng xanh. Có nhiều sự tích gắn với Mẫu Thượng Ngàn như La Bình Công Chúa (con gái Sơn Tinh Đại Vương); Quế Hoa Mỵ Nương… Thánh Mẫu đã nhiều lần khuông phù cho các đời vua Lê che chở cho muôn dân nhất là trong các vùng rừng núi. Sự tích Mẫu Thượng Ngàn có trong Đông Cuông Công Chúa Văn; Thượng Ngàn Thánh Mẫu Văn… Tuy nhiên đa phần các sự tích đều mở ảo không rõ ràng về lai lịch của bà. Những nơi nào có rừng núi người ta đều thấy sự hiện thân của Bà Chúa Sơn Trang.

Công chúa Thượng Ngàn, cũng như nhiều vị thần thánh khác, được nhiều người tôn thờ, và được coi là hồn thiêng của sông núi, bao nhiêu đời nay dẫn dắt con cháu vững bước đi lên. Bà có mặt ở khắp nơi, theo bước chân của dân chúng, khi ở miền rừng núi rồi xuống miền đồng bằng. Vì vậy, ở nhiều nơi người dân lập điện thờ, thờ phụng bà. Tuy nhiên, đại bản doanh của bà vẫn là vùng núi non và các cửa rừng. Những người đi rừng, muốn được bình yên, vạn sự tai qua nạn khỏi, thường đến cầu xin sự che chở, phù trợ của bà. Ai muốn săn bắt hay khai thác thử gì trong rừng, cũng đặt lễ, thắp hương, cầu xin để được bà chấp thuận.

Thần tích Mẫu Đệ Tứ

Thần tích Mẫu Thượng Ngàn La Bình

Thần tích về Mẫu Thượng Ngàn liên quan đến đền Bắc Lệ, Hữu Lũng, Lạng Sơn được tương truyền như sau:

Mẫu Thượng Ngàn, là con gái của Vua Cha Nhạc Phủ (tức Sơn Tinh – Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương (trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh cả hai cùng cầu hôn Mỹ Nương, con gái vua Hùng). Khi còn trẻ, Mẫu là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn, được cha mẹ đặt tên là La Bình. Công chúa La Bình thường được cha cho đi cùng, đến khắp mọi nơi, từ miền núi non hang động đến miền trung du đồi bãi trập trùng. Trong địa hạt mà Tản Viên Sơn Thánh cai quản, ông đã dạy dân không thiếu điều gì, từ săn bắn thủ dữ đến chăn nuôi gia súc, từ trồng cây ăn quả, trồng lúa nương đến việc đắp ruộng bậc thang, trồng lúa nước v.v. hay dựng nhà dựng cửa, hái cây thuốc chữa bệnh. Ông cũng thường cùng các vị sơn thần, tù trưởng luận đàm thế sự và bàn soạn công việc. Do luôn luôn được theo cha như thế nên La Bình cũng học hỏi được rất nhiều điều. Vốn thông minh sáng dạ, lại chăm chỉ thực hành nên việc gì La Bình cũng biết, cũng giỏi.

Những khi Sơn Tinh bận việc hay không thể đi khắp những nơi mà dân chúng cần đến thì La Bình thường được cha cho đi thay. Những lần như thế, La Bình luôn tỏ ra là một người đầy bản lĩnh, biết tự chủ trong giao tiếp, lại cũng biết thành thạo trong mọi công việc. Các Sơn thần, tù trưởng đặc biệt quý trọng nàng, coi nàng là người đại diện xứng đáng của Sơn Thánh. Còn bản thân nàng, chẳng những hòa hợp, ân cần với mọi người, mà còn rất thân thuộc, quyến luyến với phong cảnh, từ cây cỏ hoa lá đến hươu nai chim chóc, … Khi Tản Viên và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, nghĩa là trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam.

Trở thành chúa tể của miền núi non và trung du, công chúa Thượng Ngàn vẫn luôn luôn chăm chỉ, hàng ngày hết sức làm tròn các trọng trách của mình. Bà bảo ban các loài cầm thủ phải biết sống hòa hợp với nhau, dạy chúng đừng ăn những loài quả độc, nấm độc, biết tránh khỏi những cây cối đổ, những cơn lũ quét, … Bà dạy bảo con người cũng thật chu đảo, tỉ mỉ. Những gì cha bà đã dạy, bà đều đem ra áp dụng. Khi tiếp xúc với các tù trưởng, bà cũng học thêm ở họ được nhiều điều. Thế là bà lại đem những điều hiểu biết mới đi truyền bả ra mãi. Bà cải tiến và hoàn thiện thêm những gì mà trước kia, ở cha bà mới chỉ là bắt đầu. Làm nhà không những đã chắc chắn, lại còn phải biết chạm trổ cho thật đẹp đẽ. Ở mũi các thuyền độc mộc cũng thế, có khắc cả hình hai đầu rồng chạm hẳn vào nhau. Cách nấu nướng thức ăn, chẳng những chỉ có kho, luộc mà còn chế thêm ra được nhiều món mới. Rồi công việc đồng áng, bà dạy mọi người cách lấy ống bương để dẫn nước từ khe núi xuống. Lại đi phân phát hạt giống, cho nên nơi nào cũng có cơm dẻo nếp thơm. Trong các con vật nuôi trong nhà, bà đem về thêm nhiều giống gia súc mới. Lại trồng thêm nhiều giống cây ăn quả. Rồi trồng cả những hoa thơm cỏ lạ lấy từ trên rừng núi về. Ngọc Hoàng Thượng Đế còn ban tặng cho bà thêm nhiều phép thuật thần thông, đi mây về gió, và trở thành vị Thánh bất tử để luôn luôn gần gũi, gắn bó với cõi trần, vĩnh viễn ở miền trung du và núi non hùng vĩ. Khi dân chúng sinh sôi nảy nở ra thêm, từ miền núi non và trung du tràn xuống các miền đồng bằng và ven biển, đã mang theo những cách thức làm ăn và phong tục tập quản từ hồi còn ở trong rừng, dưới sự bảo ban dìu dắt của công chúa Thượng Ngàn. Cùng với nhiều vị thần thánh khác, công chúa Thượng Ngàn vẫn ngày đêm lặng lẽ âm phù cho sự bình yên của mọi người dân nước Việt. Nhiều người gọi bà là Mẫu, một cách vừa trìu mến gần gũi mà cũng vừa tôn kính.

Thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, lúc ấy lực lượng nghĩa quân còn yếu, đang đồn trú ở Phản Ẩm thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít chống cự không nổi, phải tan tác mỗi người mỗi nơi. Trong đêm tối, công chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thành bó đuốc lớn, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về cơ sở núi Chí Linh. Ánh đuốc thiêng của Mẫu Thượng Ngàn chi quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy.

Ở Chí Linh, nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tập luyện và tập hợp, phát triển thêm lực lượng. Thật gian khổ, lắm phen không còn lương thực, phải lấy củ nâu củ mài thay cơm, nhưng nhờ sự che chở của công chúa Thượng Ngàn, quân đội của Lê Lợi vẫn ngày một thêm lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần đến bao vây cũng đành phải chịu rút về. Từ Chí Linh, quân Lê Lợi tiến vào giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa. Sau đó, với những trận thắng oanh liệt ở Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng và cuối cùng, bao vây quân Minh ở Đông Quan để kết thúc cuộc chiến, lập lại hòa bình cho nước Việt. Những nhân đức phù âm giúp đỡ đỏ ngôi đền thờ Mẫu Thượng Ngàn tại Bắc Lệ được dựng lên để thờ ghi nhớ công ơn của Mẫu Thượng Ngàn. Những người đi rừng, muốn được bình yên, vạn sự tai qua nạn khỏi, thường đến cầu xin sự che chở, phù trợ của bà. Ai muốn săn bắt hay khai thác thứ gì trong rừng, cũng đặt lễ, thắp hương, cầu xin để được Mẫu Thượng Ngàn chấp thuận.

(Nguồn: Đông Cuông Linh Từ)

Thần tích Mẫu Thượng Ngàn Mỵ Nương Quế Hoa

Gắn với di tích đền thờ Suối Mỡ (Đền Suối Mỡ thuộc khu di tích suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang), lưu truyền câu chuyện về Mẫu Thượng Ngàn như sau:

Vào thời Vua Hùng Định Vương, nhà Vua có một Hoàng Hậu mang thai mãi không sinh nở được. Tất cả mọi người ai cũng lo sợ, nhưng sau cũng thấy quen dần. Vào năm thứ ba, một hôm Hoàng Hậu đi chơi trong rừng, bất ngờ cơ đau đẻ ập đến, nhưng người theo hầu lung túng không biết lo liệu ra sao. Hoàng Hậu đau quá chỉ còn biết ôm chặt thân cây quế, cuối cùng cũng sinh hạ ra được một cô con gái. Nhưng vì quá kiệt sức, Hoàng Hậu đã qua đời, để lại cho nhà Vua cô con gái yêu quý, đặt tên là Mỵ Nương Quế Hoa.

Lớn lên, cô vừa ngoan ngoãn lại vừa xinh đẹp, tới tuổi cập kê mà không màng tới anh chàng nào, chỉ luôn luôn nhắc nhớ đến người mẹ của mình. Sau khi biết rõ sự tình, Công chúa quyết chi đi vào rừng tìm mẹ, không nản chi từ những gian lao khổ ải, cảnh tượng nguy hiểm. Công chúa cũng đã chứng kiến những cảnh tượng đói nghèo cơ cực của dân lành trong những bản làng xác xơ nơi nàng đi qua rừng. Những lúc như vật, Công chúa Mỵ Nương luôn trăn trở tìm cách nào đó để giúp những người dân lành cực khổ kia. Một đêm, giữa rừng núi âm u, nàng linh cảm thấy hơi ấm của người Mẹ đã sinh ra nàng, nàng đã thốt lên gọi: “Mẹ ơi… Mẹ ơi…” Như đồng cảm được nỗi lòng của công chúa, một Ông tiên hiện lên trao cho nàng phép thần thông, có thể dời núi, lấp sông, cứu giúp dân lành, học phép trường sinh…

Có được phép thần thông, có được sách tiên công chúa cùng mười hai thị nữ ra sức đi giúp đỡ người dân nghèo mang lại cuộc sống ấm no cho các bản làng. Sau khi có được cuộc sống ấm no, bản làng trù phú. Một hôm, có một đám mây ngũ sắc hạ xuống đón Mỹ Nương cùng mười hai thị nữ bay lên trời. Nhân dân đã lập đền thờ, tôn vinh Công chúa Mỵ Nương Quế Hoa là Chúa Thượng Ngàn, hàng năm mở hội vào mùng một tháng tư âm lịch để ghi nhớ công tích của Thánh Mẫu.

Tương truyền đền Suối Mỡ thờ Mẫu Thượng Ngàn được xây dựng từ thời Lê. Trải qua nhiều triều đại phong kiến đều có nhiều sắc phong công đức Mẫu Thượng Ngàn. Mẫu được các triều vua sắc phong là: “Thần thông quảng đại càn, thập nhị tôn nàng Vực Mỡ”.

Tương truyền Quế Mỵ Nương là người đã có công mở thác Vực Mỡ đưa nước về cho dân khai hoang trồng trọt, lập làng xóm. Đền Thượng nằm ở lưng chừng núi Vực Mỡ, đối diện có núi Hang rất cao, cây cối um tùm xanh mát quanh năm. Từ đây trở xuống suối Mỡ rộng dần, có nhiều thác lớn nhỏ. Đền Trung nằm ở hữu ngạn dòng suối này, trong không gian rộng rãi thoáng mát. Cạnh đó là dòng nước suối trong lành róc rách chảy suốt tháng ngày đổ ra cửa đền Hạ. Đây là ngôi đền có quy mô lớn, thu hút nhiều khách thập phương về lễ đền. Đặc biệt khi đến đây, du khách sẽ không thể quên hình ảnh 5 ngọn thác luôn đổ nước trắng xóa. Theo truyền thuyết, đó chính là 5 ngón tay của Công chúa Quế Mỵ Nương khi ấn nhẹ sẽ tuôn ra dòng nước mát tưới cho đồng ruộng tốt tươi.

(Nguồn: Đông Cuông Linh Từ)

Mẫu Thượng Ngàn không phải là Mẫu Hồng Đăng Ngàn

Hiện nay có một số tài liệu viết về Mẫu Thượng Ngàn là Thủy Tổ Quốc Mẫu Hồng Đăng Ngàn. Dưới đây là chi tiết về giả thiết này:

“Mẫu Thượng Ngàn là một cô gái xinh đẹp thuộc chi tộc Lộc Y tên là Hồng Đăng Ngàn, con gái cưng của Động Đình Quân chúa vùng hồ Động Đình lưu vực sông Dương Tử thuộc lãnh thổ Văn Lang của Việt tộc. Hồng Đăng Ngàn thường mặc áo màu xanh lục nên mọi người thường gọi là nàng áo xanh. Màu xanh lục là màu xanh biếc pha màu vàng như đá Vân Mẫu còn gọi là Vân Anh nghĩa là ráng mây. Thuở ấy ở núi Tử Di trên thượng nguồn sông Dương Tử có giặc Mạc Ma nổi lên bức hiếp bá tánh. Đế Minh sai Lộc Tục đem quân đi đánh dẹp, khi vừa đi qua hồ Động Đình thuộc quyền cai quản của Động Đình Quân. Lộc Tục ghé thăm chúa vùng để vấn kể dẹp giặc. Chúa hồ Động Đình ân cần đón tiếp và sai con gái hướng dẫn Lộc Tục đi xem thắng cảnh quanh vùng. Trước vẻ đẹp hồn nhiên và sự thông minh lanh lợi của nàng áo xanh, Lộc Tục đem lòng thương nhớ và hứa hẹn cùng nàng sau khi dẹp giặc sẽ cùng nàng nên duyên chồng vợ. Hồng Đăng Ngàn e thẹn củi đầu không trả lời nhưng trong lòng cũng đã xiêu xiêu trước một Lộc Tục thông minh đĩnh ngộ tài trí hơn người. Lộc Tục kéo quân tiến đánh vào sào huyệt của giặc Mạc Ma, tướng giặc đầu hàng. Để thu phục nhân tâm tránh sự xung đột chết chóc cho người dân quanh vùng. Lộc Tục phủ dụ tướng giặc không được bức hiếp nhân dân rồi giao cho tướng giặc tiếp tục cai quản như xưa. Chúa động Vương Đạo Nhân kế tục dòng họ cai quản vùng đỉnh núi đã mấy trăm năm, nghe uy danh của Lộc Tục vội xuống núi cầu kiến giữa đường gặp Lộc Tục cũng đang trên đường viếng thăm phủ dụ họ Vương. Vương Đạo Nhân vội vàng xuống ngựa kinh vải và ca tụng uy đức của Lộc Tục. Lộc Tục khiêm tốn đáp rằng: “Không dám, không dám. Ta vốn là một tiểu tướng vâng mệnh vua cha đi dẹp giặc bảo vệ dân chúng trong khu vực của ngài, chứ đâu dám nhận là chúa công .”.

Thấy rõ đức độ của Lộc Tục, Vương Đạo Nhân lại càng cung kinh hơn:” Hôm nay tôi xin kinh vải chúa công. Hai mươi năm sau như có gặp lại Ngài, lại xin kính vái lần nữa. Lòng trời đã định, thần người đều phải cung kính nghe theo !”. Sau khi đánh dẹp xong giặc giã mà không tốn một mũi tên, một giọt máu đổ, Lộc Tục làm biểu dâng lên vua cha. Đế Minh thân hành đến hồ Động Đình làm lễ mừng chiến thắng và phủ dụ dân chúng, đồng thời tổ chức hôn lễ cho Lộc Tục và Hồng Đăng Ngàn. Nhân dịp này, Đế Minh chính thức phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam gồm 2 châu Kinh và châu Dương kiêm nhiệm cả vùng phía Bắc Phong Đô. Lộc Tục lên ngôi lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Hai mươi năm sau, Đế Minh băng hà, dân chúng 15 bộ và 72 chưa động nhất loạt suy tôn Kinh Dương Vương lên làm Nam phương Thánh Chúa, kế nghiệp Đế Minh đứng đầu 3 vua hậu duệ của Đế Viêm Thần Nông (Xích Đế) nên gọi là Xích Tam Vương. Huyền tích Việt kể rằng Kinh Dương Vương lập đàn tế cáo trời đất trên núi Thiên Đài. Mấy ngàn năm sau, Bác sĩ Trần Đại Sĩ Giám đốc Viện Pháp Trung nhân chuyến công tác ở tỉnh Hồ Nam đã đến thăm núi Thiên Đài. Đền Thiên Đài nằm trên ngọn núi Thiên Đài cao 180 mét bên bờ sông Tương gần hồ Động Đình. Trong đền còn đôi câu đối khắc trên đá:

“Thiên Đài đại đại phân Nam Bắc,
Lĩnh địa niên niên dữ Việt Thường”.

Xin tạm dịch :

“Đền Trời mãi mãi phân Nam Bắc,
Đất Lĩnh ngàn năm đất Việt Thường ..!”

Theo Lĩnh Nam Trích quái thì Kinh Dương Vương lấy Long Nữ con gái vua hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm sau thay vua cha lên ngôi lấy hiệu là Lạc Long Quân. Như vậy Hồng Đăng Ngàn chính là Long Nữ. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, con gái của Đế Lai dòng Thần Nông phương Bắc sinh ra trăm trứng nở thành trăm con, mở đầu cho một trăm chi tộc của Việt tộc mà cổ sử Trung Quốc gọi là Bách Việt. Thời kỳ này, Việt tộc đã từ cao nguyên giữa hai rặng núi Hi Mã Lạp Sơn và Côn Luân, tiến dọc theo triền sông Hoàng Hà và Dương Tử xuống Ba Thục rồi tới hạ lưu sông Dương Tử định cư quanh vùng hồ Động Đình xuống tận duyên hải phía Nam Trung Hoa. Đất Ba Thục được xem một nôi sinh tụ của nhiều chi tộc Việt trong đó có họ Tàm Tùng là dòng họ chuyên trồng dâu nuôi tằm, dệt tơ lụa. Tàm Tùng nguyên ngữ là bụi cây có con Tằm nên được cư dân bản địa chọn làm họ Tàm Tùng ở nước Thục. Nước Thục thời Xuân Thu Chiến Quốc một thời có nền văn minh khả cao và đã có chữ viết từ lâu. Tổ tiên dân Thục họ Khai Minh, đặt kinh đô ở cảng Thành Đô, Trùng Khánh tỉnh Tử Xuyên. Thuở xa xưa gọi là Thuỷ Phủ, nơi mà Bố Lạc dẫn 50 con xuống vùng sông nước này định cư khai hoang lập ấp. Thời kỳ này vùng đất Tứ Xuyên đất mới bồi, Quảng Tây, Quảng Đông còn là vùng biển nước mênh mông nên sách sử xưa gọi chung vùng này là Nam Hải.

Theo huyền tích Việt thì chính Long Nữ vợ Kinh Dương Vương đã mang nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt the, dệt lụa dạy cho dân Bách Việt và từ đó người Việt cổ đã biết dùng quần áo để che thân thay cho vỏ cây như hồi quốc sơ. Nhân dân Bách Việt biết ơn Nam phương Thánh mẫu nên khi bà qua đời được suy tôn là Bà chúa Tằm, bà chúa vùng Lĩnh Nam.”

Theo quan điểm của tác giả thì giả thiết trên chưa chính xác vì những lý do sau:

– Thứ nhất: thần tích Mẫu Hồng Đăng Ngàn hoàn toàn trùng lặp với thần tích về Mẫu Đệ Tam, vì Mẫu Đệ Tam vốn là con vua Động Đình Hồ chứ không phải Mẫu Thượng Ngàn là con vua Động Đình Hồ, và đây chính là mâu thuẫn.

– Thứ hai: nếu coi giả thiết Mẫu Hồng Đăng Ngàn là Mẫu Thượng Ngàn đúng đi chăng nữa thì cũng không có sự hợp lý ở đây, vì Mẫu Hồng Đăng Ngàn là con Vua Động Đình, vốn thuộc về Thoải Phủ. Sau Mẫu Hồng Đăng Ngàn sinh ra Lạc Long Quân cũng thuộc về vùng Thoải Phủ, như vậy thì Mẫu Hồng Đăng Ngàn gắn liền với Thoải Phủ hơn là Nhạc Phủ.

Chúa Đông Cuông – Chúa Sơn Trang

Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn còn được người dân một số nơi gọi là Chúa Đông Cuông, hoặc Chúa Sơn Trang. Trong các vị Thánh Mẫu thì duy nhất chỉ có Mẫu Thượng Ngàn về giảng đồng và tung khăn, còn các vị thánh mẫu khác chỉ tráng bóng và không tung khăn. Trong trường hợp Mẫu Thượng Ngàn giảng đồng tung khăn, người ta thường gọi là giả Chúa Đông Cuông (hoặc Chúa Sơn Trang).

Mẫu Thượng Ngàn hiển linh giúp Vua Lê

Một truyền thuyết cho rằng hồi đầu thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, lúc ấy lực lượng nghĩa quân còn yếu, đang đồn trú ở Phản Ẩm thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít chống cự không nổi, phải tan tác mỗi người mỗi nơi. Trong đêm tối, công chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thành một vầng sáng hào quang như một ngọn đuốc tiên, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về cơ sở núi Chi Linh. Ảnh đuốc thiêng của bà, chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy. Ở Chi Linh, nghĩa quân vừa sản xuất vừa tập luyện và tập hợp, phát triển thêm lực lượng. Thật gian khổ, lắm phen không còn lương thực, phải lấy củ nâu củ mài thay cơm, nhưng nhờ sự che chở của công chúa Thượng Ngàn, quân đội của Lê Lợi vẫn ngày một thêm lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần đến bao vây cũng đành phải chịu rút về. Từ Chi Linh, quân Lê Lợi tiến vào giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa. Sau đó, với những trận thắng oanh liệt ở Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng và cuối cùng, bao vây quân Minh ở Đông Quan để kết thúc cuộc chiến, lập lại hòa bình cho nước Việt.

Sau khi lên ngôi, vua phong bà là Lê Mại đại vương diệu tin thiền sư. Nhân dân tôn xưng bà là Chúa Thượng Ngàn, Mẫu Thượng Ngàn, Đệ Tử Nhạc Sơn Thánh Mẫu. Chi tiết về sự hiển linh của Mẫu Thượng Ngàn được nhắc đến trong “Huyền tích Chi Lăng – Xương Giang” dưới đây.

La Bình Công Chúa trong truyền kỳ bảo vệ quân Lam Sơn

Bà là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương. Khi còn trẻ, Mẫu là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn, được cha mẹ đặt tên là La Bình.

Người ta cho rằng các chiến công quân sự của nhiều triều đại Việt Nam đều có sự phù hộ của bà. Vì thế, các triều đại này, sau khi thắng lợi đều có lễ tạ ơn và có sắc thượng phong cho bà là công chúa.

Một truyền thuyết cho rằng hồi đầu thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, lúc ấy lực lượng nghĩa quân còn yếu, đang đồn trú ở Phản Âm thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít chống cự không nổi, phải tan tác mỗi người mỗi nơi. Trong đêm tối, công chúa Thượng Ngàn đã hóa phép thành bỏ đuốc lớn, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về cơ sở núi Chi Linh. Ảnh đuốc thiêng của bà, chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy.

– La nương nương, tệ thần không có ý bất kinh, nhưng thân là người của tiên giới, nương nương nhất quyết không thể can dự vào việc chốn phàm nhân, trải lệnh của Ngọc Hoàng tức là tự đưa mình vào vĩnh viễn trầm luân chốn Phong Thần đài.

Gió đêm lồng lộng thổi trên triền cao. Đêm nay không có mây, chỉ có vầng trăng rỡ ràng trên cao, vầng trăng đỏ như máu.

Trong bóng đêm, bóng dáng một người con gái ảm đạm phiêu diêu dứng đó, tà hoàng y cuộn sóng trong gió. Ánh mắt nàng vượt qua dãy núi giăng giăng mờ mịt trước mặt, nhìn xuống vùng thảo nguyên Phản Âm.

Nơi đó, là nơi máu con dân Đại Việt đang tuôn trào dưới lưỡi kiếm bạo tàn của quân binh Đại Minh.

Rải rác trên đồng cỏ mênh mông, những ngọn đuốc của Minh quân kéo thành những con rắn lửa hung hãn chia cắt tàn binh nước Việt thành từng nhóm nhỏ, mặc sức tàn sát. Tiếng gào thét của những kẻ hấp hối, tiếng binh đao loảng xoảng, tiếng hò reo của đoàn quân chiến thắng trộn lẫn với nhau tạo thành một âm thanh thê thảm nhất thế gian. Âm thanh của chiến tranh.

Tựa như cô hồn dạ quỷ đang rú rít thành từng hồi dài. Chốn thảo nguyên ấy, giờ đây đã là một hoả ngục trầm luân.
La Bình cảm thấy hai dòng nhiệt lệ đang tuôn chảy trên gò má nhợt nhạt. Nàng khe khẽ hỏi lại, thanh âm chìm trong gió rít.

– Tiên giới là ai, chẳng phải tiên giới được tạo thành từ chốn phàm trần ư. Tiên nhân chẳng phải do phàm nhân tu luyện mà thành ư. Nếu đến cả một chút nhân tính cũng không còn, há chẳng phải đã làm vấy bẩn hai chữ tiên nhân ư.

Sơn thần lão ca, phiền lão ca về bảo lại với thiên giới, La Bình ta dù có phải đời đời chịu tội nơi Phong thần đài, cũng không thể nhắm mắt nhìn con dân đất Việt chịu đựng khổ nạn này.

Lời vừa dứt, thân ảnh đã phiêu diểu ly khai, theo gió bay về đồng bằng Phản Âm. Bỏ lại sau lưng tiếng hét giận dữ của lão Sơn thần.

Lê Lai bạt kiếm, liên tục đánh bạt đi bốn ngọn trường mẫu đâm tới, lăn tròn sang một bên, vừa khéo đỡ kịp cho người bộ tướng bên cạnh một thanh trảm mã đao hung hiểm. Động tác gã liền lạc như lưu thuỷ, nhanh nhẹn đến không ngờ dù trên người mặc một bộ chiến giáp nặng đến hai mươi cận.

Nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu, thanh Trảm Long kiếm của gã giờ đã trở nên nặng chình chịch, cả một bên vái trái đã tê bại mất cảm giác, vết thương trước ngực lại vỡ ra, tuôn máu dầm dề.

Điều gã muốn duy nhất lúc này là buông kiếm nằm xuống ngủ một giấc. Một giấc ngủ thanh bình như ngày xưa, giữa vạt rừng nở trắng hoa ban.

Chỉ là giờ đây trước mắt gã, là ảnh lửa nhấp nhô của hàng ngàn bỏ đuốc Minh quân, là ánh thép vung lên loang loảng, là tiếng kêu tuyệt vọng của tàn quân đất Việt. Bại binh như núi lở, cho dù gã có tài năng như Tôn Võ tái sinh, cũng chẳng thể cứu vãn cục diện này. Lê Lai thở dài một tiếng, nghiến răng đứng lên đối mặt với hàng ngàn thanh trường mâu đang hoa lên sáng lạnh cả đất trời.

– Minh chúa, hạ thần vô dụng, đã không thể cứu vãn đại cục, chỉ còn cách tử chiến đền nợ nước, hy vọng minh chua có thể bình yên trở về Lý Linh sơn, tạo dựng lại cơ sở tiếp tục cuộc chiến vĩ đại của dân tộc.

Giữa lúc đó, một tiếng rì rào trỗi dậy trong những toản bại binh, lan đi như sóng trên đồng cỏ :

– Mẫu thượng ngàn, Mẫu thượng ngàn.

Lê Lai ngoảnh lại, để chứng kiến một khoảnh khắc không bao giờ phai mờ trong tâm trí gã, khoảnh khắc thấy nàng.

Một đoá hoàng hoa nở giữa đất trời, như niềm hy vọng loé sáng giữa thăm thẳm mịt mù. Nàng như bước từ trên thành không xuống giữa chiến trường đang hồi thảm liệt, tựa như một câu chuyện không thể xảy ra, đến cả bọn Minh quân đang hăm hở khát máu như lang sói, cũng phải ngây ngốc ngắm nhìn.

Chiến trường lặng đi trong một thoáng.

Để rồi tiếng hò reo của tàn quân đất Việt cất lên trong niềm vui khôn cùng

– Mẫu thượng ngàn đã đến rồi, Mẫu thượng ngàn đã đến rồi.

Vài kẻ bất chấp địch nhân trước mặt, quỳ xuống giữa chiến trường, đưa bàn tay về phía nàng. Chỉ là trong một thoảng ngây ngốc, bọn Minh quân đều tập trung chú ý về phía người con gái đó.

Một thanh âm lan trên đồng cỏ :

– Chạy về phía ngọn lửa xanh.

Phía xa kia, trước những dãy núi chập chùng, một ngọn lửa xanh thần kỳ chợt loà sáng, lơ lửng trong không trung.

Nhan Hành Tư đang say sưa tận hưởng chiến thắng. Quân binh Đại Minh thế như chẻ tre, chỉ thoáng chốc đã đánh tan bọn phản loạn Lam Sơn, truy cùng giết tận. Phen này nếu có thể bắt được Lê Lợi, chắc chắn y sẽ trở thành đại tướng quân quyền cao chức trong của xử Nam di này. Đến lúc đó, y sẽ xây một phủ đệ thật lớn, thật oai vệ, đón vợ con từ phương Bắc sang tận hưởng phú quý. Xử Nam di xa cách thiên triều, thân là một đại tướng quân cũng như là vua một cõi.

Chỉ là giữa lúc đang vẽ ra mộng tưởng đó, thì dị biến bất chợt phát sinh.

Người con gái đó, từ trên thinh không bước xuống, cả đạo quân vạn người hung hãn của y, chợt ngây ra như gỗ đá.

Nhan Hành Tư cơ hồ nuốt mất lưỡi, trợn mắt nhìn vào bóng dáng tha thướt ấy, tưởng như đang trở về một buổi dạ yến chốn để độ Trung Nguyên. Chỉ đến khi nghe thấy tiếng rì rào của bọn phản loạn, bản năng đại tưởng của y mới chợt thức tỉnh, liền thò tay túm lấy ngực gã sư gia người Việt :

– Bọn chúng hò reo gì thế, con bé ấy là ai.

Gã sư gia sợ đến đứng trong con mắt, chăm chăm nhìn lên trời, lắp bắp :

– Là Mẫu thượng ngàn, bà chúa núi rừng đất Nam. Tướng quân, sự việc rất là không hay rồi.

  • Hừ, là tiên giới à, từ lúc nào tiên giới lại xem vào chuyện chốn trần gian thế kia. Mà chỉ là một tiên nhân nhỏ nhoi, lại cả gan chống cự với quân binh của thiên triều chúng ta sao.

Gã sư gia chẳng biết trả lời sao, chỉ một mực lắc đầu. Nhan Hành Tư đại nộ, đứng thẳng người trên yên con Kim Long Mã, quát lên một tiếng vang vọng cả chiến trường :

– Kẻ tiên nhân kia, biết khôn thì đừng xen vào chuyện của nhân giới. Ngươi dám giỡn mặt với oai danh thiên tử đang ngự phương Bắc, có biết sẽ nhận lấy hậu quả thế nào không.

La Bình quay lại đối mặt với viên đại tướng trên con ngựa vàng, từ người này toát ra một khí thế cường bạo bức nhân, ẩn chứa một lực lượng huỷ thiên diệt địa, đặc biệt là cây ngân cung sau lưng gã, chính là cây ngân cung ngày xưa của Hậu Nghệ truyền lại. Ngân cung kim tiễn đó đã từng bắn rơi cả vầng mặt trời, đối với giới tiên nhân mà nói, có thể huỷ diệt nguyên thần, khiến họ rơi vào cảnh thành tán tiên, đời đời bất phục. Trong một thoáng, nàng cảm thấy run sợ trong lòng.

Nhưng nàng đã không thể quay lại.

Nhan Hành Tư mắt nhìn thấy bọn Minh quân chợt biến thành ngây ngốc, trong khi bọn phản loạn lại từ từ tụ tập được với nhau, ào ào rút về phía dãy núi trùng điệp đằng xa. Nếu bọn chúng có thể ẩn mình vào vùng rừng núi đó, chỉ e là dù có huy động trăm vạn quân cũng đành phải bó tay ra về. Y quay sang tên sư gia hỏi :

– Con bé ấy đã làm gì mà bọn lính trở nên ngây ngốc thế kia.

– Tướng quân, Mẫu thượng ngàn vừa bảo dân Việt chạy về phía ngọn lửa xanh, nàng ta đã dùng pháp lực của mình chặn đứng quân ta rồi.

– Ngọn lửa xanh, ngọn lửa xanh nào ?

– Là ngọn lửa đằng kia – gã sư gia chỉ tay về phía dãy núi – nó đang lơ lững giữa trời, tướng quân không thấy sao ?

Nhan Hành Tư bất chợt cảm thấy một luồng nộ khí bốc cao trong đầu, nghĩ thầm viễn cảnh đẹp đẽ của gã đang có nguy cơ bị con bé tiên nhân ấy phá hỏng. Được, nếu ngươi đã dám chống lại thiên oai, ta sẽ huỷ diệt nguyên thần của nhà ngươi.

Y thúc một cái, con Kim Long Mã chồm lên hung hãn, xô ngã bốn năm tên bộ tướng, tể chạy như bay về phía La Bình. Nhan Hành Tư buông cương, rút sau lưng ra một ngọn cung trắng bạc lắp tên. Thoáng chốc chi nghe tiếng rít dài trên đồng cỏ, một mũi tên vàng xé không bay lên.

La Bình chợt cảm thấy một áp lực nặng nề đè nén về phía mình, nàng phất tay áo, từ trong tay áo vụt bay ra một đoá bạch liên đón đầu mũi tên vàng. Một tiếng nổ ầm ầm như sấm động vang lên, mũi tên vàng và đoá bạch liên, cùng một lúc tiêu tán trong không trung. La Bình thân hình khẽ giật một cái, loạng choạng lùi về phía sau ba bước.

Nhan Hành Tư cười dài, trong đà ngựa phi, bắn ra một lúc ba mũi tên nữa. Ba mũi tên lướt đi là là trên đồng cỏ, đến phía dưới chân La Bình mới ngóc dậy, tựa như rắn vồ mồi. La Bình xoay một vòng giữa không trung, đã thấy cưỡi lên một đoá bạch liên khổng lồ, bay vụt lên phía trên, tay áo phất xuống dưới quấn lấy ba mũi tên, mượn lực ném ra xa.

Chỉ là ba mũi tên ấy mang theo một nguồn kình lực quá mạnh, soạt soạt mấy tiếng đã xé tan tay ảo của nàng thành mấy mảnh, lả tả trên đồng cỏ như bươm bướm. La Bình thân hình rung động, tà áo vàng đã thấy lấm tấm máu tươi, đoá bạch liên từ từ mờ nhạt đi, nàng từ trên cao rơi xuống. Nhan Hành Tư ngựa không dừng vó, thoảng chốc đã vượt sang bên kia, xoay mình lại, tên phát liên châu đầy trời, bủa vây lấy thân ảnh đó.

Giữa hiểm cảnh ấy, từ đồng cỏ phía dưới, một vầng sáng bạc loé lên, cuộn trong không trung, đánh cho tên vàng rơi rớt tử phía.

Là Lê Lai, tay cầm Trảm Long kiếm, thi triển khinh công Thảo thượng phi, kiếm thế ào ạt như nước triều, chém thẳng vào mặt Nhan Hành Tư. Nhan Hành Tư gầm lên một tiếng, ngân cung vung lên gạt thanh kiếm ra. Y không kịp lắp tên, chỉ kéo dây cung bật thành ba nhát, hình khí đã tạo thành ba viên đạn xé gió bắn tới, vô hình vô tích mà lại mang theo khi thế huỷ diệt. Uy lực của cây ngân cung này, thật không gì có thể so sánh nói.

Lê Lai thầm kêu khổ trong lòng, tay phải cầm kiếm đã mỏi nhừ, tuyệt đối không có khả năng ngạnh tiếp chiêu này, đành phải lăn tròn dưới đất tránh thoát. Vừa ngẩng đầu lên đã thấy hai vó trước của con Kim Long Mã chồm lên đầu mình. Trong lúc sinh tử tối hậu đó, gã nhớ ra một chiêu cứu mạng của dân tộc Mường, liền nằm ngửa ra, kiếm đặt ngang trước mặt, chờ cho vó ngựa sắp bổ xuống mới lăn sang một bên, bóng người ẩn trong bóng kiếm, kín kẽ không một khe hở.

Con bảo mã hí thảm một tiếng, quỵ xuống phía trước, hất văng Nhan Hành Tư ra, hai chân trước của nó đã bị chém đứt gân. Nhan Hành Tư không ngờ Lê Lai sắp chết lại có thể có một chiêu thức kinh khủng như vậy, nhất thời sơ ý té lăn lông lốc trên đồng cỏ. Y vừa lăn hai vòng, đã kịp dùng ngân cung bắn ra năm viên vô hình đạn về phía Lê Lai vẫn chưa đứng dậy được.

Chỉ là phía trước Lê Lai, bất chợt mọc lên một bức tường đất dày, vô hình đạn phá năm cái lỗ trên bức tường đó, nhưng cũng mất đi kinh lực, chẳng còn tác dụng gì nữa. Nhan Hành Tư tức giận, rủa thầm :

– Con ả tiện nhân, ba lần bảy lượt phá vỡ chuyện tốt của bổn tướng quân.

Lúc này Lê Lai đã bật dậy lao tới, Nhan Hành Tư cũng không có thì giờ để rủa xả nửa, nghiến răng rút đao chống đỡ thế kiếm như chớp giật của vị tướng quân đất Việt. Thoáng chốc bóng kiếm bóng đạo đã phủ đầy trời, giành giật nhau từng chút một.

Nhan Hành Tư càng đánh càng than trời như bộng, tên tướng quân vóc người nhỏ nhắn, đầu tóc xoã tung kia, không ngờ trải qua một trận truy sát mà vẫn còn nhanh nhẹn như bảo đốm, chiêu thức lại kỳ dị biến ảo, quả thật không biết đâu mà chống đỡ. Thêm nữa cỏ dưới chân y cứ như những sợi dây trói mảnh, quần siết lấy chân khiến y di chuyển vô cùng khó khăn, chắc hẳn cô ả kia đang giở trò ma. Y suy tinh trong đầu, nếu đánh nữa chỉ tổ thiệt thân, liền chém nhầu ba kiếm rồi bỏ chạy. Nhưng Lê Lai đâu phải hạng tưởng để đối thủ muốn đến là đến, muốn đi là đi như vậy, Trảm Long kiếm phiêu phất chém ra, đã hất bay mũ đại soái của Nhan Hành Tư, vạch vào vai y một đường.

Nhan Hành Tư rú lên thê thảm, ôm vai chạy dài. Lê Lai cũng đã sức cùng lực kiệt, trong bụng thầm tiếc không đủ sức kết liễu đối phương, nhưng lực bất tòng tâm, chỉ đành chống kiếm đứng nhìn. Bọn Minh quân ngơ ngẩn, thấy chủ tướng đại bại bỏ chạy, lại chứng kiến cảnh tượng kỳ dị trước mắt, đấu chi tụt xuống sát đất, cũng bắt đầu lục tục rút lui. Phía sau gã tàn binh Việt đã gần như an toàn tiến vào dãy núi Lý Linh.

Người con gái hoàng y đó, vẫn lơ lửng giữa không trung, chăm chú nhìn xuống. trên gương mặt tái xanh phảng phất một nét cười.

– Hãy vững tâm chàng nhé, non sông đất nước thiêng liêng này, dù thể nào cũng sẽ không chịu khuất phục trước kẻ thù.

Huyền tích Chi Lăng – Xương Giang

Tháng 11 năm 1426, quân khởi nghĩa Lam Sơn đại phả quân Minh trong trận Tốt Động – Chúc Động, 5 vạn quân Minh bị diệt, hơn 1 vạn quân bị bắt sống, chưa kể số chạy qua sông Ninh Giang bị chết đuối. Bản thân Vương Thông bị thương. Kế hoạch dùng 10 vạn quân để phản công của Vương Thông bị sụp đổ khiến viên tướng này phải cố thủ trong thành Đông Quan.

Vương Thông bị thế muốn đầu hàng, bèn viết thư xin giảng hoà để rút toàn quân về. Lê Lợi đã bằng lòng cho, sai người đi làm giao ước. Tuy nhiên lúc đó các tướng người Việt là Trần Phong và Lương Nhữ Hốt sợ khi quân Minh rút về thì bản thân mình sẽ bị giết, bèn nói với Vương Thông:

“Trước đây quân Ô Mã Nhi bị thua ở sông Bạch Đằng, mang toàn quân quy hàng, Hưng Đạo Vương bằng lòng cho, nhưng lại dùng kế lấy thuyền to chở quân cho về, rồi sai người bơi giỏi sung vào làm phu chở thuyền. Đang đêm ra đến ngoài biển, rình lúc quân Ô Mã Nhi ngủ say, lặn xuống đục thuyền, làm cho những người đã quy hàng chết đuối, không ai sống sót trở về được.”

Vương Thông nghe vậy hoảng sợ, nghi ngờ Lê Lợi, bề ngoài tuy nói giảng hòa, nhưng bề trong sai người đào hào, rắc chông để phòng thủ và viết thư xin cầu viện vua Tuyên Đức nhà Minh.

Cuối năm 1427, vua Minh Tuyên Tông điều viện binh cứu Vương Thông, sai Liễu Thăng mang 10 vạn quân tiến sang từ Quảng Tây; Mộc Thạnh mang 5 vạn quân từ Vân Nam kéo sang. Đây là hai tướng đã từng sang đánh Việt Nam thời nhà Hồ và nhà Hậu Trần. Theo các nhà nghiên cứu, con số 15 vạn của cả hai đạo quân có thể là nói thăng lên, trên thực tế nếu cộng số các đạo quân điều động từ các nơi thì tổng số chỉ có khoảng gần 12 vạn quân và cánh quân chủ lực là của Liễu Thăng.

Quân của vua Lê sức mỏng lực kiệt không đủ sức đánh đuổi được giặc mạnh. Mẫu Lê Mại mới mách cho cách diệt giặc phải đánh chặn ngay từ Chi Lăng. Chặn được đường tiến công của Liễu Thăng tại Chi Lăng thì quân Mộc Thạch tự khắc rút lui.

Tháng 9 năm 1427, Liễu Thăng đi đường Quảng Tây, Mộc Thạnh đi đường Vân Nam sang cứu Vương Thông. Đường Liễu Thăng đi dự tính từ Lạng Sơn, qua Xương Giang để vào Đông Quan. Lê Lợi sai Lê Sát cùng Lê Văn Linh, Lưu Nhân Chủ mang 2 vạn quân và 5 voi trận lên ải Chi Lăng đón đánh.

Lúc bấy giờ, Mẫu đệ tứ Thượng Ngàn Lê Mại Đại Vương mới hộ các quân mường quân mán từ bát thập nhất của ngàn, tam thập lục ngàn châu cùng thập lục của bể đến Bắc Lệ mà tập chung, chiếm lại thành Xương Giang từ tay giặc, phò Minh quân dẹp giặc. Thế nên mới có ngôi đền “Công Đồng Bắc Lệ”, “Công Đồng Bắc Lệ” ở đây không phải là đền thờ cộng đồng tứ phủ mà là cộng đồng các chúa mán chúa mường, bát bộ sơn trang, lang hùm lang sói. Lúc đó Mẫu sắc sai Chầu Năm trấn ngay cửa rừng Suối Lân, khi nào thấy giặc đến thì đem quân ngàn ra mà đánh. Mế Lục trấn tại cánh Hữu Lũng, Mễ Bé mẫu cho trấn ở Voi Xô. Trên Đèo Kẻng mẫu cho dàn quân, cho tâm tướng sơn trang chia ra mà trấn từng vùng từng phương khắp vùng quan lạng. Mẫu cùng Diệu Tin Diệu Nghĩa nhị vị đứng trên núi Mỏ Ba (đền đồng mỏ ngày nay) quan sát, chỉ đạo trận chiến.

Mẫu bảo cho vua, đánh không được thẳng mà phải giả thua, để đưa giặc vào trận mai phục tại ải Chi Lăng. Y như lời Mẫu, ngày 8 tháng 10, cánh quân Liễu Thăng tiến vào Việt Nam. Lê Sát đặt phục binh ở Chi Lăng rồi sai tướng giữ ải là Trần Lựu mang quân ra đánh như, giả thua, trước tiên bỏ ải Pha Lũy về ải Chi Lăng. Quân Minh hăng hải tiến lên giành ải Pha Lũy, rồi tiến đến Chi Lăng.

Liễu Thăng sang đánh Việt Nam. Nó là phù thủy ở phương bắc. Có đại thể, sức mạnh không lương, da sắt mình đồng, đao chém không đứt, tên bắt không thủng. Nhưng nó lại có 3 tử huyệt đó là đôi mắt, sau gáy và rốn. Mẫu bảo cho vua lê lợi bảo rằng đẳng thua giặc đến trên núi mặt quỷ, dưới gốc cây to, khi nào thấy nó ôm mặt thì chém sau gáy nó là nó sẽ chết. Ngày 20 tháng 9 (10/10 dương lịch), hai bên lại đánh nhau ở Chi Lăng, Trần Lựu lại thua chạy. Mẫu đứng lên trên đền Mỏ Ba, mẫu sai Chầu Mười hóa thành đàn ong đốt vào mắt quân địch. Liễu thăng bị đốt vào mắt ôm mặt, mới bị phục binh của Lê Sát, Trần Lựu đổ ra chém chết. Nhưng khốn cái là loài ong đốt song mất ngòi thì nó cũng chết, thế nên chầu hóa vào ngày 20 tháng 9 âm lịch. Thế mới có câu:

“Cuối thu mãn hạn về tiên
Nhân dân kỷ niệm lập đền mỏ ba.”

Lại nói đến ải Chi Lăng: thì trong điện thần Tứ phủ, có bà Chầu Mười Mỏ Ba. Văn hát rằng: Vào thời Thái Tổ Trung Hưng, theo vua dẹp giặc, Liễu Thăng hàng đầu. Và nói rằng chính bà là người đã chặt đầu Liễu Thăng. Vậy sao sử ký việt nam không nhắc đến tên bà. Vậy bà là ai. Hay chỉ biết rằng bà là người Tày, vùng mỏ ba. Liễu Thăng là một tướng chủ lực cầm đầu quân nhà Minh, vậy sao để một người đàn bà chém đầu, mà sử Việt Nam không vang danh tên bà để đời sau lấy làm gương. Mã Viện dựng cột đồng, Thoát Hoan sợ chui ống đồng về nước mà sử còn nói, thể mà chuyện lớn của Triều Lê lại không được nhắc đến. Đó là điều ẩn khuất mà bây giờ mới có lời hóa giải.

Sau khi Liễu Thăng bị chém đầu, chỉ huy quân Minh là Lương Minh (KP). Quân Lam Sơn viết thư khuyên Lương Minh rút quân, nhưng viên tưởng này không chịu khuất phục mà vẫn tiếp tục dẫn quân (còn khoảng 9 vạn) về Cần Trạm (nay là thị trấn Kép và các địa phương lân cận). Ngày 15-10, quân Minh đến Cần Trạm. Quân Lam Sơn gồm lực lượng 3 vạn quân của Lê Lý, Lê Văn An cùng với lực lượng 1 vạn quân của Lê Sát và Lưu Nhân Chủ từ Chi Lăng rút về đã tổ chức mai phục và tập kích đối phương. Quân Minh bị thiệt hại nặng nề. Chỉ huy Lương Minh chết trận. Sau khi Lương Minh chết, chỉ huy quân Minh là đô đốc Thôi Tụ. Quân Minh vẫn tiếp tục tiến lên. Ngày 18-10, quân Lam Sơn phục binh ở Phố Cát (Xương Lâm huyện Lạng Giang, Bắc Giang ngày nay), giết 10. 000 quân Minh, Lý Khánh (3) phải tự tử. Lực lượng còn lại của nhà Minh dưới sự chỉ huy của Thôi Tụ – Hoàng Phúc. Trên mỗi đường đi của giặc, quân mán quân mường của chúa phục kích giặc chết hơn nữa.

Quân Minh tuy thua nhưng còn đông và mạnh. Thôi Tụ dự tính vào thành Xương Giang làm nơi trú quân để phối hợp với Vương Thông, nhưng khi tiến đến gần Xương Giang mới biết là thành đã bị quân Lam Sơn hạ. Thôi Tụ phải đóng quân ngoài cánh đồng Xương Giang tại nơi nay có thể là xã Tân Dĩnh (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) và xung quanh, cách thành Xương Giang khoảng 3 km, đắp lũy đất để phòng thủ.

Quân Minh ở đóng quân trong một vị trí mà phía Nam là thành Xương Giang kiên cổ. Phía Tây Bắc, Tây và Tây Nam là sông Thương. Phía Đông Nam có sông Lục Nam. Phía Bắc, các đơn vị của Lê Sát, Lưu Nhân Chủ, Lê Lý, Lê Văn An, sau trận Phố Cát tiếp tục bám lưng đối phương. Quân Lam Sơn còn cử các đơn vị thủy quân lên bố trí trên sông Thương và sông Lục Nam.

Vì quân Minh vẫn còn mạnh, quân Lam Sơn chủ trương không tiến công ngay mà bao vây và gửi thư gọi hàng. Nhưng Thôi Tụ không chịu khuất phục. Có lần Thôi Tụ giả xin hòa, nhưng là để tìm cách vượt qua sông Lục Nam vào thành Chí Linh. Quân Lam Sơn điều thêm Lê Khôi, Nguyễn Xi, Phạm Vấn, Trương Lôi đem 3.000 quân thiết đột (là đội quân xung kích tinh nhuệ nhất) và 4 voi chiến lên Xương Giang. Ngày 3 tháng 11, quân Lam Sơn mới tổng tấn công. Sau một ngày chiến đấu, nghĩa quân đã giành được thắng lợi giòn giã: tiêu diệt 5 vạn địch, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn 3 vạn quân, bao gồm toàn bộ tướng chỉ huy của họ. Đạo viện binh chủ yếu của nhà Minh bị tiêu diệt hoàn toàn.

Sau khi đất nước dành được độc lập, vua cho lập đền thờ Mẫu Đệ Tứ Thượng Ngàn. Nhờ công ơn ngài mà đất nước được nhất mối, cũng từ đó sinh ra cải tục khao sơn trang “thỉnh chúa chúa đem các quân mường quân mán tới” nhằm chi ân công ơn của những anh hùng có công với đất nước với tổ quốc.

(Nguồn: Đệ tử Thánh Mẫu Lê Mại liệt chuyện, nguyenhaianh dịch)

Các đền thờ Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên

ĐềnĐịa Chỉ
Đền Đông CuôngĐông Cuông, Văn Yên, Yên Bái
Đền Công đồng Bắc LệBắc Lệ, Hữu Lũng, Lạng Sơn
Đền Suối MỡNghĩa Phượng, Lục Nam, Bắc Giang
Đền Tam Cờ39 Chiến Thắng Sông Lô, P. Tân Quang, Tuyên Quang
Đền Mẫu ThượngXóm 3B, Sa Pa, Lào Cai
Đền Đông SơnTT. Cao Phong, Cao Phong, Hòa Bình

Các bản chầu văn Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên

Theo các tài liệu được sưu tầm, Tín Ngưỡng Việt đã tìm được 12 bản văn chầu Mẫu Đệ Tứ gồm:

  • Nhạc Tiên Sơn Lâm Thánh Mẫu Văn
  • Lê Mại Chúa Tiên Văn
  • Văn Chầu Lê Mại Đại Vương
  • Văn Chúa Thượng Ngàn
  • Văn Mẫu Thượng Ngàn – Chúa Sơn Trang
  • Văn Khao Thỉnh Sơn Trang
  • Văn Mẫu Thượng Ngàn Tuyên Quang
  • Thượng Ngàn Công Chúa Văn
  • Văn Chúa Sơn Trang – Diệu Tín Thiền Sư
  • Văn Chúa Đông Cuông – Bản 1
  • Văn Chúa Đông Cuông – Bản 2
  • Bài văn Trịnh Sơn Trang

Lòng kính tin hương dâng một triện
Thỉnh Chúa bà ứng hiện chân nhang
Quyền bà cai các cửa ngàn
Quản tri các bộ sơn trang tung hoành

Xem chi tiết 12 bản văn Mẫu Thượng Ngàn đã được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Mẫu Thượng Ngàn (Sơn Lâm Công Chúa)

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Đông Cuông Linh Từ
  • Đệ tứ Thánh Mẫu Lê Mại liệt chuyện
  • https://dao-mau.fandom.com/vi/wiki/Mẫu_Đệ_Tứ_Nhạc_Tiên

Xin trân trọng cám ơn!

Tham khảo thêm

Xem thêm thần tích Tứ Phủ Thánh Mẫu