Cô Đôi Cam Đường là hai Cô quê gốc ở đất Đình Bảng (Bắc Ninh) làm nghề buôn bán vải sau này hiển linh trên đất Cam Đường
Gương tần tảo đời đời ghi nhớ
Chữ kiệm cần ví tựa vàng son
Trăm năm bia đá đã mòn
Cam Đường cổ tích miếu đền ngàn thu
Sự tích 1
Cô tên là Hà Thị Én, người tiên nữ giáng sinh ở đất Đình Bảng, Bắc Ninh, gia đình đời nối đời buôn bán vải tơ, cô rất xinh đẹp, dáng thanh thanh mắt tựa sao sa, thơm thơm tóc phượng già già hây hây má phấn da ngà lưng ong, có má núm đồng tiền sáng trong ngọc bích, nở nụ cười làm cho liễu nguyệt hờn ghen. Cô bán vải từ đường Quan Lộ, Chợ Dầu, Đình Bảng với đủ các loại tơ lụa, vải sồi, lĩnh tía, chàm xanh, nâu non, vải rồng, hoa trơn. Dù đường xa lắc mà lòng cô không ngại, chỉ muốn giúp người đời có vải hộ thân làm cho niềm tin đồn đại xa gần, khiến cô đi tới đâu thì hoa cười chim hót, các bạn nàng nhẹ gót thênh thênh. Sau khi cô trở về trời để lại nhớ thương cho nhân dân.
Sự tích 2
Cũng có sự tích kể rằng xưa kia, vùng Lào Cai là nơi buôn bán trao đổi hàng hóa tấp nập giữa miền xuôi và miền ngược, ngày đó có hai người con gái còn rất trẻ, tuổi độ đôi mươi, quê từ làng Đình Bảng – Bắc Ninh lên buôn bán vải. Hai cô gái thường ở lại khu làng chiềng On để buôn bán trao đổi vải lấy các sản phẩm khác đem về xuôi, tình cảm của dân làng với hai cô gái rất gắn bó và thân thiết. Bẵng đi một thời gian không thấy hai cô gái đến nữa, rồi một ngày người làng Chiềng bỗng phát hiện thấy xác hai cô trôi dạt về làng (nơi đền Đôi Cô ngày nay). Làng Chiềng lập miếu thờ hai cô. Từ đó dân làng làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu tiếng lành đồn xa, không những người dân địa phương mà cả du khách khắp mọi miền cũng về đây thắp hương tưởng nhớ hai cô gái trẻ tốt bụng luôn phù hộ cho người dân có cuộc sống ấm no, yên bình. Người già trong làng còn kể rằng, chính hai cô gái trẻ đó là người thường xuyên vận chuyển hàng hóa vải vóc lên vùng Lào Cai tiếp tế quân lính chống giặc ngoại xâm. Hai cô bị giặc phát hiện giết chết ném xác xuống suối, rồi trôi dạt về làng Chiềng On.
Nhiều người nhầm lẫn rằng Cô Đôi Cam Đường là cô thứ hai thuộc hàng Tứ Phủ giống như Cô Đôi Thượng, nhưng điều này không đúng.
Tôi xin giải thích lý do như sau:
Thứ nhất: ở đây đã có sự hiểu nhầm ý nghĩa của từ “Cô Đôi” trong chữ Cô Đôi Cam Đường, “Cô Đôi” ở đây không phải là cô đứng thứ hai trong hệ thống Tứ Phủ, mà “Cô Đôi” có ý nghĩa là hai cô, tức bao gồm hai cô ở đất Đình Bảng sau này hiển linh ở đất Cam Đường. Bản thân gốc gác của thuật ngữ nói về hai cô phải là “Đôi Cô Cam Đường”, nhưng dần dần người ta đảo đi đảo lại thành ra “Cô Đôi Cam Đường”, bây giờ một số người lại hiểu nhầm cô chính là cô thứ hai trong hệ thống Tứ Phủ chính thống giống như Cô Đôi Thượng.
Thứ hai: theo đúng bản sự tích về Cô Đôi Cam Đường (hoặc Đôi Cô Cam Đường) thì hai cô là người ở đất Đình Bảng chuyên làm nghề buôn bản vải. Sau cô mất đi thì nhân dân lập đền thờ và thấy sự linh ứng. Bản sự tích này không nêu ra được mối liên hệ của cô với Mẫu Thượng Ngàn, như vậy cô không thể là Cô Đôi trong hệ thống Tử Phủ được, vì Cô Đôi trong Tứ Phủ phải là cô hầu cận Mẫu Thượng Ngàn.
Do không chính thức thuộc hàng Tứ Phủ nên thông thường Đôi Cô được thỉnh sau giá Cô Bé. Khi ngự đồng cô mặc áo tứ thân xanh, chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao (nón ba tầm), trên vai là chiếc đòn gánh cong với hai đầu là đội túi đẫy dịu dàng đựng vải.
Theo các tư liệu được tìm thấy, Tín Ngưỡng Việt đã sưu tầm được 2 bản văn Cô Đôi Cam Đường.
Trích đoạn
Đường quan lộ chợ Dầu – Đình Bảng
Có cô đôi buôn bán tha phương
Đòn cong túi đẫy dịu dàng
Ngược xuôi thuận mỏ Cam Đường chợ buôn
Hai túi đẫy lượt là vải nhiễu
Lụa tơ vàng sồi đũi hoa trơn
Hai vai gánh nặng càn khôn
Chàm xanh lĩnh tía, nâu non vải sồng
Đường xa lắc mà lòng khôn ngại
Giúp người đời tấm vải ấm thân
Niềm tin đồn đại xa gần
Cam Đường biên giới thổ dân nức lòng
Bỗng một buổi trời đông tuyết lạnh
Vai nặng nề quảy gánh gót xa
Chiều hôm trời đã xế tà
Núi non khuất khúc vào ra vắng người
…
Xem chi tiết các bản văn Cô đôi Cam Đường
Tuy cô quê ở Bắc Ninh nhưng lại hiển thánh tại thị xã Cam Đường, Lào Cai nên nhân dân tại đó nhớ ơn đã lập đền cô là Đền Cô Đôi Cam Đường. Đền từ một am miếu nhỏ, tồn tại qua hàng trăm năm. Ngày tháng trôi qua, am miếu nhỏ đã được nhiều lần sửa sang trùng tu lại thành đền khang trang hơn gắn với tên gọi là “đền Đôi Cô” như ngày nay. Có thể nói Đền Đôi Cô ngày nay trở thành ngôi đền khang trang và vẫn là nơi linh thiêng trong tâm linh của người dân Lào Cai.
Đền Đôi Cô cùng với chùa Cam Lộ liền kề là quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm bái.
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Cô Đôi Cam Đường.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
Xin trân trọng cám ơn!
Tham khảo thêm
Xem thêm thần tích Cô Bản Đền Bản Cảnh