Cấu trúc của đền thờ và điện thờ Tứ Phủ
Mục Lục Bài Viết
Cấu trúc của đền thờ Tam Tứ Phủ
Đền Thờ Thánh ngoài thường có cổng tam (hoặc ngũ) quan: Ở cổng chính có thể xây 4 hoặc 8 mái bên trên thường có cuốn thư, cuốn thư cũng được đắp theo lối ngũ cung. Ở giữa là tên hiệu của ngôi Đền, hai bên là hai chiện tàu, hai cung ngoài cùng bất lên và cuốn lại. Bên tả (bên trái, mình nhìn vào là bên phải) cuốn kiếm, bên hữu cuốn bút. Hai bên cuốn thư là hai ngọn đăng, trên hai ngọn đăng là bát phượng chầu, mỗi bên có 4 phượng chầu quay 4 hướng. Hai bên có hai cổng phụ xây hai mái, mỗi bên có một trụ ngoài cùng, bên trên mỗi trụ có một Kỳ Lân phục.
Vào sân Đền có thể là non bộ, bậc thêm đi lên tuỳ vào diện tích và cách bố cục của ngôi Đền. Bất cứ một ngôi Đền thờ Thánh nào cũng đều thờ Phật, có thể là có chùa thờ riêng, hoặc có cung thờ riêng, hoặc thờ trong đền ở những chỗ cao và tôn nghiêm nhất. Nói chung của một ngôi Đền thường được xây dựng theo kiến trúc chữ tam:
Cung thứ nhất (Cung ở trong cùng) gọi là hậu cung: Thờ Tam Toà Thánh Mẫu: Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Mẫu Đệ Tam Thủy Phủ, hai bên có chầu Quỳnh, Chầu Quế. Trong Hậu cung bên dưới Tam Toà Thánh Mẫu có khi còn thờ một vị chinh đền như: Đền Bảo Hà thờ Quan Hoàng Bẩy ở Hậu Cung, Đền Chúa Thác Bờ thờ Chúa ở Hậu Cung, Đền Cô Bơ thờ Cô ở Hậu Cung, Đền Củi thờ Quan Hoàng Mười ở Hậu Cung…, theo lối xưa thì đây là cung không thể Hầu Đồng.
Cung thứ hai (Cung giữa): Hội Đồng Sơn Trang, Hội Công Đồng, Hội Đồng Trần Triều, Chúa Sơn Trang Ngũ Vị Tôn Quan, Vương Phụ, hai cô hầu chúa, Quan Hoàng Đôi, Quan Hoàng Bơ, Đức Ông Thánh Cả, Đức Ông Đệ Tam, Thập Nhị Tiên Nàng, Quan Hoàng Bảy, Quan Hoàng Mười, Nhị Vị Vương Cô, 12 cô Sơn trang, Hạ Ban Thờ Ngũ Hổ. Theo Lối xưa thì đây là cung có thể Hầu Đồng
Cung thứ ba (Cung ở ngoài cùng): Thờ Tam Giới chúa Tiên Vua Cha Ngọc Hoàng, Diêm Vương, Nam Tào, Bắc Đẩu, Long Vương. Theo Lối xưa thì đây là cung để tiến lễ và tấu sớ.
Ngoài sân đền có 2 Lầu: 1 Lầu Cô và 1 Lầu Cậu. Trên đây là cách bài trí nói chung, cũng có thể tùy vào địa thế của ngôi Đền và phong tục địa phương mà có những thay đổi khác nhau, tạo nên nét riêng của từng ngôi Đền.
Ngoài cách bài trí đó ngôi Đền còn phải có những đồ thờ không thể thiếu như: Đại Tự – Câu Đối; Cuốn Thư – Câu Đối, Lư đồng; Cửa Võng; Nón Thờ; Khám Đỉnh Hương – Chân Nến – Đôi Hạc (Bộ Ngũ Sự); Chóe Nước; Bồ Đài; Mâm Bồng…
Cấu trúc điện thờ Tam Tứ Phủ
Thông thường điện thờ tứ phủ được chia làm 3 ban chính: Ở giữa là ban Tam Tứ Phủ Công Đồng, bên phải (nhìn từ phía người làm lễ) là Ban Trần Triều, còn bên trái là Ban Sơn Trang.
Tại ban Công Đồng, tượng thờ được đặt theo cấu trúc bao gồm các lớp như sau:
– Lớp thứ nhất: Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát hoặc tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn (Phật nghìn mắt nghìn tay)
– Lớp thứ hai: Tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế, và ở hai bên là tượng hai Quan Nam Tào và Quan Bắc Đẩu
– Lớp thứ ba: Tượng Tam Tòa Thánh Mẫu
– Lớp thứ tư: Tượng Ngũ Vị Tôn Ông
– Lớp thứ năm: Tượng Tứ Phủ Chầu
– Lớp thứ sáu: Tượng Tứ Phủ Ông Hoàng (gồm Ông Hoàng Bơ, Ông Hoàng Bẩy và Ông Hoàng Mười)
– Lớp thứ bẩy: Tượng Tử Phủ Thánh Cô
– Lớp thứ tám: dưới gầm ban Công Đồng thờ Ngũ Hổ, Thanh Xà và Bạch Xà
Ngoài ra đặt ở hai bên ban Công Đồng có thể đặt thêm hai tượng Cậu Bé ở phía dưới. Phía ngoài điện thờ có thêm một Lầu Cô và một Lầu Cậu, đôi khi Lầu Cô Lầu Cậu cũng được đặt ở hai bên của bên trong điện thờ. Ngoài sân điện thờ có thể có thêm ban thờ Mẫu Thượng Thiên.
Tham khảo thêm
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về cấu trúc của Đền thờ và Điện thờ.
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu.
Xin trân trọng cám ơn!