Cách sắm lễ đi Đền – Phủ – Điện trong tín ngưỡng Tam Tứ Phủ
Hướng dẫn chi tiết cách cách sắm sửa lễ đi Đền – Phủ – Điện sao cho đủ và đúng được Tín Ngưỡng Việt trình bày chi tiết trong bài viết.
Mục Lục Bài Viết
Các lễ vật chính khi đi lễ tại Đền – Phủ – Điện
Thông thường, các lễ vật được sắp làm các phần lễ và bày ở các ban chính ( ban công đồng, ban Trần Triều, Ban Sơn Trang, Ban Mẫu….) hoặc tất cả các ban thờ trong nơi thờ tự.
Các lễ vật dâng tiến thường có:
Trầu cau
Người xưa có câu : “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Trầu cau tuy là lễ vật đơn sơ nhưng lại rất có ý nghĩa. Thường mỗi một phần lễ lại đặt kèm một lễ trầu cau hoặc có thể chỉ đặt đại diện ở các ban đại diện (ban công đồng). Một lễ trầu cau có thể chỉ là một quả cau – một lá trầu hoặc một nải cau (cành có nhiều quả) hay cả buồng cau. Cau trầu khi dâng lễ thường dùng loại tươi chứ ít dùng loại cau khô.
Cau thì trọn quả bánh tẻ (không già mà cũng không non quá) có vỏ xanh nhẵn không có trầy xước và có râu thì càng tốt. Lá trầu chọn loại lá tươi dày, màu xanh hoặc hơi ánh vàng.
Thường chọn số quả cau là số lẻ như 1, 3, 5, 9… với quan niệm số lẻ là số âm : tương ứng với sự huyền ảo linh thiêng và cũng là tổng của hai số chẵn và lẻ : sự thuận hòa âm dương, hay quan điểm cho rằng số lẻ là số phát triển và số chẵn thì không tăng thêm nữa, vậy thì sẽ không có thêm tài thêm lộc được .Cũng có khi chọn số chẵn như 12, 36 ,72… (những số này đều có thể chia ra thành ba phần ) hay số 100 (tượng trung cho sự trọn vẹn hoàn mĩ). Có một điều lưu ý là số 7 tuy là số lẻ nhưng cũng rất nhiều người kiêng vì cho rằng 7 lễ đọc theo tiếng hán là thất lễ đồng âm dị nghĩa với từ thất lễ trong nghĩa là làm không đúng lễ phép( vô lễ). Về số lượng của các lễ vật khác cũng tương tự như ở phần này nên sẽ không nói lại nữa.
Ngoài trầu và cau ta có thể đặt kèm một ống vôi hay quết một ít vôi ở phần đầu của lá trầu. Vôi để dâng lễ thường là vôi đào (vôi hồng), ngoài ra còn có thể dâng thêm thuốc lào, vỏ quạch, vỏ chay…. Ngoài dâng trầu nguyên lá, cau nguyên quả, người ta còn dâng trầu têm cánh phượng đặt vào đĩa hay cắm vào các que tre vót nhọn hay cắm cùng các cành hoa nhìn cũng rất đẹp và trang trọng ( Nhưng vẫn nên có một đĩa trầu nguyên lá cau nguyên quả)
Lục cúng chay tịnh
Lục cúng gồm sáu phẩm vật chay tịnh dâng cúng Phật Thánh
Hương
Ở đây nói về phần hương sống (hương chưa đốt) để đặt vào phần lễ. Có thể dùng hương thẻ, hoặc hương vòng hay hộp hương trầm. Phần hương này thường sẽ để nhà đền thắp sau này. Phần hương đốt (hương thắp) sẽ nói sau.
Hoa
Thường dùng loài hoa có cả hương cả sắc. Dâng hoa lễ thánh là tiến dâng vẻ đẹp (sắc) và lòng thành tâm ( hương) tới chư vị Phật Thánh. Hoa có thể cắm vào bình, lọ hay bày vào đĩa. Hoa để dâng tiến thường không giới hạn về màu sắc. Ví như hoa màu trắng thường được ít mua về thờ tại nhà (màu tượng trưng cho sự tang tóc buồn bã) mà thường mua hoa đỏ (màu cát tường) hay hoa vàng (màu phú quý..) nhưng với tín ngưỡng tứ phủ thì màu trắng lại là màu tượng trưng cho thủy phủ ( cõi sông nước) . Tại các đền thờ về thoải phủ hay vào ngày tiệc các vị thánh thoải người ta thường dâng hoa hay các lễ vật màu trắng.
Đăng (đèn)
Tượng trưng cho nguồn sáng, trí tuệ, hay sự linh thiêng. Các đền thường thắp đèn dầu hoặc đèn điện, còn người dâng lễ thường dâng nến cây hoặc nến cốc…
Trà (chè)
Có thể dâng trà gói (trà khô) hoặc trà đã pha hay các loại nước khác như nước trắng, nước hoa quả, nước hương nhài…
Quả: Mùa nào thức ấy, dâng tiến các loại quả tùy tâm.
Thực: Các loại oản, bánh kẹo, xôi, chè kho …
Rượu và các đồ lễ mặn
Người xưa có câu “vô tửu bất thành lễ” ( không có rượu không thành lễ nghi). Rượu thường được đựng trong bình nhỏ hoặc rót ra chén và bày trên Ban Công Đồng, Ban Trần Triều hay ban thờ các nam thần cùng các đồ lễ mặn như các loại thịt được nấu chín như thịt gà, thịt lợn… hay chế biến thành giò, nem, chả…
Các đồ lễ như thịt sống, trứng ,gạo muối thường được bày riêng ở ban thờ hạ ban (thờ ngũ hổ, thanh xà, bạch xà). Thịt sống, trứng (vịt) được bày năm quả để dâng các quan ngũ hổ, trứng (gà) bày hai quả riêng để dâng thanh xà bạch xà.
Ngoài ra trong những dịp cần thiết người ta dâng lễ tam sinh là ba loại động vật khác nhau như : gà , ngan, cá hay gà lợn cá,… Các đồ lễ dâng Sơn Trang như cua, Ốc, Cá khô… cũng thuộc loại đồ lễ mặn.
Kim ngân vàng mã
Đi lễ hành hương, người ta thường dâng các đồ mã đơn giản như nón hài, các loại giấy tiền, giấy xu, giấy vàng, hay các loại vàng Tứ Phủ. Vàng Tứ Phủ là các loại vàng được xếp từ các phong vàng nhỏ thành từng cây. Vàng Tứ Phủ có các màu theo Tứ Phủ như màu đỏ (thiên phủ), màu xanh(nhạc phủ), màu vàng (địa phủ), màu trắng (thoải phủ) và màu tím hay màu xanh lam đậm. Loại vàng này có các kích cỡ từ nhỏ đến lớn và dâng các vị thánh theo cấp độ tương ứng. Thí dụ như vàng dâng các quan lớn thường to và nhiều hơn vàng dâng các thánh cô.
Rượu và các đồ lễ mặn chỉ để dâng thánh không được dâng ở ban thờ Phật. Các đồ lễ khác thì có thể dâng ở tất cả các ban.
Cách sắm lễ đi Đền – Phủ – Điện thông dụng
Khi đi lễ Đền – Phủ – Điện thì bạn có thể tùy tâm để sửa lễ, tuy nhiên thông dụng nhất bạn có thể sắm sửa các lễ vật như sau
- Hương: Hương nén hoặc hương vòng
- Hoa: Hoa bó hoặc hoa đĩa, lẵng nhỏ
- Nến: Mua 2 nên cốc
- Trà, Thuốc: Gói trà nhỏ và thuốc lá
- Hoa quả và Bánh Kẹo
- Rượu
- Kim ngân vàng mã (Tiền vàng mã tùy tâm)
Đây là mâm lễ đơn giản nhất và đều là đồ chay nên bạn có thể dâng ở bất cứ ban nào trong Đền – Phủ – Điện. Thường thì dâng ở cung trong cùng và chính giữa. Các Ban còn lại bạn có thể vái và dâng tiên giọt dầu (bỏ tiền vào hòm công đức hoặc đĩa nếu có)
Khi có việc lớn muốn xin thì bạn có thể sắm sửa thêm lễ mặn như : Xôi, gà, Thịt và lễ này chỉ được phép dâng ở Ban các Quan hoặc Ban Công Đồng.
Nếu bạn đến các Đền – Phủ thờ các Thánh ( Ví dụ Đền Ông Bảy, Đền Ông Mười..) thì Bạn có thể dâng các bộ Mã riêng như Quần Áo, Mũ, Ngựa…cho Ngài và các vật phẩm để xin lộc mang về như Bật Lửa, Sách – Bút…
Hình ảnh mâm lễ đi Đền – Phủ – Điện đẹp
Tín Ngưỡng Việt xin gửi tới các bạn một số mẫu Mâm Lễ Đẹp được tổng hợp từ AN – đồ lễ, đồ cúng tận tâm.
Mẫu số 1
Mẫu số 2
Mẫu số 3
Mẫu số 4
Mẫu số 5
Mẫu số 6
Mẫu số 7
Mẫu số 8
Mẫu số 9
Mẫu số 10
Bạn có thể tham khảo và bày trí mâm lễ của mình đẹp hơn hoặc cũng có thể đặt mua các mâm lễ Đầy Đủ và Đẹp mắt tại AN – đồ lễ, đồ cúng tận tâm.
- Website: https://andole.vn/
- Facebook: https://www.facebook.com/anbinhtutam2020
Tâm Bảo là đồ lễ quý giá nhất
Các cụ có câu “tốt lễ dễ kêu”, càng dâng tiến đồ lễ chau truốt cầu kỳ tố hảo thì càng dễ kêu cầu đắc lễ đắc bái. Dâng lễ vật là để tỏ lòng thành kính ngưỡng mộ và mong cầu chư thánh bảo hộ gia ân. Bảo vật ở đây là đồ lễ quý báu cao sang, nó quý hơn cả vàng bạc kim cương. Đó chính là tâm bảo. Phật Thánh tại tâm. Những đồ lễ giới thiệu ở trên cũng xuất phát từ lòng thành tâm ngưỡng mộ Phật Thánh. Tùy vào điều kiện mà mỗi người có thể sắm sửa các đồ lễ phù hợp. Không nên quá chú trọng vào đồ lễ vật chất mà cần thiết hơn cả là tâm bảo – đồ lễ quý giá mà một người đi lễ nên có.
Tham khảo thêm
Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về cách sắm lễ đi Đền – Phủ – Điện
Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:
- Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
- Các nguồn khác từ Internet
Xin trân trọng cám ơn!