Xà Thần : Tìm hiểu Tín ngưỡng thờ Rắn tại Việt Nam

Cùng tìm hiểu về Xà Thần với tín ngưỡng thờ Rắn tại Việt Nam nói trong và trong điện thờ Tứ Phủ.

Tín ngưỡng thờ thần rắn ở Việt Nam

Trong nền văn hóa của nhiều dân tộc trên thế giới cũng như Việt Nam, rắn là con vật có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với phong tục, tín ngưỡng của con người. Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước, hình tượng rắn đã được đồng hóa với thủy thần, đi vào tâm thức dân gian Việt Nam từ rất sớm và thường gắn với tục thờ các vị thần tự nhiên.

Tục thờ rắn phổ biển nhất của người Việt là ở đồng bằng Bắc Bộ, ngoài ra còn có ở miền Trung, Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ. Người M’nông thờ rắn như một vị thủy thần có sức mạnh và sự ảnh hưởng to lớn đối với cộng đồng. Người Mường ở Thanh Hóa cũng có tục thờ rắn. Ngôi đền thờ thần rắn được biết đến hiện nay ở thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ.

Ở đồng bằng sông Cửu Long ngày nay vẫn lưu truyền nhiều giai thoại về rắn. Người ta sợ rắn, muốn cầu thân với rắn và thờ rắn. Tại xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, Bến Tre có một ngôi đình gọi là Đình Rắn, tại đây vẫn lưu truyền về đôi rắn thần khổng lồ, hiền lành. Người dân Rạch Giá, Kiên Giang vẫn kể về đôi rắn thần ở đền Vĩnh Hòa bằng một niềm tin và thái độ tôn kính. Trong tâm thức của người dân Rạch Giả, khi đôi rắn thần xuất hiện cũng là lúc Ngài bảo cho bà con trúng mùa.

Thần rắn trong điện thờ Tứ Phủ

Thần rắn (Xà Thần) cũng được thờ trong điện thờ Tứ Phủ, thần rắn còn được gọi với một tên khác là Ông Lốt. Có hai Xà Thần trong điện thờ Tứ Phủ là:

  • Thanh Xà Đại Tướng Quân
  • Bạch Xà Đại Tưởng Quân

Trong điện thờ Tứ Phủ, Bạch Xà là vị thần rắn màu trắng và Thanh Xà là vị thần rắn màu xanh. Có ba cách bài trí Thần Xà trong điện thờ:

  • Cách 1: Thần Xà được đặt cùng với Ngũ Hổ ở phía gầm ban Công Đồng
  • Cách 2: Thần Xà được vắt ngang trên ban Công Đồng
  • Cách 3: Thần Xà được vắt trên xà nhà của Điện thờ Tứ Phủ.

Đền thờ thần rắn ở Việt Nam

Đền Cấm – Tuyên Quang

Đền Cấm thuộc xóm 16, xã Tràng Đà, cách trung tâm TP. Tuyên Quang chỉ vài km, dưới chân quả núi đá vôi cây phủ xanh ngặt. Khung cảnh đền Cấm ngày cuối tuần khá tấp nập, xe cộ đông đúc, người ra vào chen chúc, khói hương nghi ngút.

Ngôi đền nằm ở lưng chừng quả núi khả cao. Núi Cấm thuộc dải núi trùng điệp, chạy đến tận Tân Long, Ba Xứ, chìm trong mây mù huyền ảo. Leo hết bậc tam cấp, thì một vách núi hiện ra. Dưới chân vách núi, là mỏm đá nhô lên, như hòn non bộ nhân tạo, án ngữ trước Lầu Cô Bơ.

Những người lần đầu đến ngôi đền này, khi bước chân đến trước hòn non bộ, đều phải dựng tóc gáy bởi xà thần khổng lồ, thân to bằng cái phích, bành mang với vẩy tua tủa sau đầu, mắt mở thao láo nhìn xuống phía chân núi. Ngài rắn bằng bê tông ấy được đắp giống hệt rắn thật, chui từ trong hõm núi ra, thân quẩn quanh mấy khối đá, rồi dựng đầu lên.

Đền Canh – Nghệ An

Đền Canh – nơi thờ “thần rắn” nằm tại xóm Tây Canh, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An – một nơi có địa thế rộng rãi, thoáng đãng, phong cảnh hữu tình của huyện Yên Thành.

Miếu Xà Thần – Gia Lai

Ở thôn Thượng An 2, xã Song An, thị xã An Khê (Gia Lai) có một ngôi miếu thờ xà thần. Người dân địa phương hết lòng hương khói, vì gắn với di tích là những giai thoại về ngày đầu của nghĩa quân Tây Sơn và vua Quang Trung trên vùng đất này.

Hầu giá Thanh Xà, Bạch Xà

Sau khi xong giá Ngũ Hổ, cung văn kiều thỉnh Xà Thần lên ngự, khi đó đồng sẽ nằm dài ra sập công đồng, nằm dài và úp bụng xuống đất, đồng thời quẫy đi quẫy lại. Tứ trụ sẽ sẽ hộ giá Bạch Xà hoặc Thanh Xà tung khăn bỏ ra một bên. Tứ trụ có thể trùm khăn phủ diện lên lưng của đồng để biểu tượng ngài đang ngự, hoặc trùm vải trắng để đại diện Bạch Xà, vải xanh đại diện Thanh Xà. Rồi tứ trụ sẽ đút bỏ nhang được gói bằng lá trầu vào miệng ông rắn. Đồng đu đưa đầu lên lên xuống xuống để ra hình thức bái Vua Mẫu, rồi có thể phun rượu vào bốn phương năm hướng để khai quang. Sau đó tứ trụ đổ rượu ra một đĩa, dâng ông rắn, và ông rắn sẽ hiến tửu bằng cách liếm đĩa, rồi xa giá hồi cung.

Trên đây là toàn bộ những thông tin quan trọng giúp các bạn tìm hiểu đầy đủ – chi tiết về Xà Thần.

Bài viết được thực hiện bởi Tín Ngưỡng Việt dựa theo các nguồn tài liệu:

  • Sách Tín Ngưỡng Tam Tứ Phủ và Thờ Thánh ở Việt Nam – Biên soạn TS Bùi Hùng Thắng
  • Các nguồn tài liệu từ Internet

Xin trân trọng cám ơn!